Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lộ phí và đinh tặc


duongcaotoc vn
Một đoạn đường cao tốc dài nhất Việt Nam, 1650km, đoạn đi qua Bình Thuận.
AFP photo

Giới tài xế và người đi đường ở miền Nam Việt Nam kháo nhau rằng có ba thứ họ rất sợ khi ra đường, đó là đụng phải công an giao thông, trạm thu phí và đinh tặc. Thời gian gần đây, nạn đinh tặc và một số trạm thu phí mới mọc đã khiến cho người lưu thông phải chật vật. Đặc biệt, nạn đinh tặc lộng hành ở các thành phố phía Nam, từ Đồng Nai đến Sài Gòn, Bình Phước, Bình Dương đang là nỗi kinh hoàng của người đường.

Chi phí của một ngày ra đường

Ông Lưu, một người dân thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, chia sẻ: “Đinh tặc nó rải đinh trên các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường công nhân đi làm đó. Nó rải như vậy mình đụng phải thì bể lốp xe, dắt vào tiệm thì nó chặt lên gấp hai, gấp ba lần giá bình thường..”.

Ông Lưu than thở rằng với một người lao động phổ thông, lái xe tải thuê như ông, thu nhập không cao, mỗi tháng chưa đến năm triệu đồng nhưng trong đó gánh quá nhiều khoản phí rủi ro. Ví dụ như khi đi chở hàng cho khách, trọng tải của xe là năm tấn. Nhưng trong đó, lượng hàng của khách có thể lên đến sáu tấn, bảy tấn và họ yêu cầu chở đúng một chuyến. Chủ xe đồng ý chở hàng. Và lúc này nỗi lo của người lái xe sẽ tăng cao trong quá trình lưu thông bởi vì với trọng tải hàng nặng gấp rưỡi, chủ xe không chi cho người lái xe thuê tiền lộ phí giao thông.

Nghĩa là trong trường hợp đang chở hàng, bị công an giao thông thổi bất ngờ thì tài xế phải tự bỏ tiền túi để đút lót, mua đường. Và số tiền thường dao động từ hai trăm đến năm trăm ngàn đồng cho một lần bị thổi. Nhưng đó là chuyện lỗi của chủ xe, trong một số trường hợp khác, chỉ cần đụng công an giao thông, họ giơ gậy chỉ tấp vào lề thì cách gì cũng lo mà nộp tiền bởi nếu không nộp, đứng đấu lý với họ thì sẽ trễ chuyến hàng và có thể bị mất việc.

    Đinh tặc nó rải đinh trên các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường công nhân đi làm đó. Nó rải như vậy mình đụng phải thì bể lốp xe, dắt vào tiệm thì nó chặt lên gấp hai, gấp ba lần giá bình thường…
    - Ông Lưu, Đồng Nai

Ông Lưu nói rằng trên thực tế, giới tài xế đều hiểu biết luật giao thông, đều thấy sự vô lý mỗi khi bị công an giao thông thổi nhưng họ phải bất lực chào thua vì sức ép của công việc, sức ép của giới chủ. Bởi nếu không lo đút lót nhanh tay thì đến khi công an giao thông đổ cáu, tìm cách để phạt nặng, lúc đó chỉ còn cách tự trích tiền lương mà đền cho chủ. Trong khi đó, hầu hết những người ôm vô-lăng trên đường đều là giới lao động làm thuê cho chủ.

Bên cạnh đó, phí ở các trạm cứ tăng dần, hiện tại, mức phí xe hơi bốn chỗ là 30 ngàn đồng, có nơi thu lên tới 70 ngàn đồng, xe tải dao động từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng, xe tải hạng nặng lên đến 300 ngàn đồng. Và các trạm thu phí cũ chưa kịp dỡ bỏ thì trạm thu phí mới lại mọc lên thay thế. Đi một đoạn đường chưa đầy 100km đã gặp đến bốn, thậm chí sáu trạm thu phí. Mức chi phí của một xe du lịch bốn chỗ đã lên đến vài trăm ngàn đồng, xe tải thì tiền triệu. Với giá xăng cao so với nhiều nước trong khu vực, các khoản phí phát sinh do công an giao thông, trạm thu phí luôn ngốn tiền triệu, người lái xe luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm.

Đó là chuyện của một người lái xe thuê, trường hợp khác, đi xe máy ra đường. Việc tưởng chừng rất đơn giản và không có gì để nói nhưng trên thực tế có quá nhiều chuyện để bàn. Mặc dù không phải đóng tiền khi đi qua trạm thu phí nhưng chuyện bị công an giao thông thổi phạt và gặp đinh tặc, bị chặt chém khi đi thay lốp xe, ruột xe là chuyện có thể xảy ra bất kì giờ nào. Thậm chí nạn đinh tặc lộng hành có thể gây chết người nếu như xe đang chạy tốc độ cao, bị đinh xé lốp đột ngột.

Ai là đinh tặc?

Một người tên Hạ, sống ở Trảng Bom, Đồng Nai, chia sẻ: “Trảng bom là ngay khúc quốc lộ nó hay rải đinh lắm tại vì đoạn này vắng người. Khu này công nhân hay đi nên người chịu trận chủ yếu là giới lao động nghèo…”.

Theo bà Hạ, nạn đinh tặc đã có ở Đồng Nai cách đây hơn mười năm và khi các ngành liên quan tổ chức rà soát, truy quét thì tạm lắng xuống, sau đó lại tiếp tục lộng hành và bao giờ cũng mạnh hơn trước, tinh vi hơn nhiều lần so với trước. Nhưng có một điều vô lý là các hiệp sĩ được nhà nước bảo trợ cũng như ngành an ninh vẫn chưa bao giờ điều tra ra ai là kẻ chủ mưu, ai là đinh tặc.

Bà Hạ nói rằng đây là một chuyện khuất tất, bởi trên thực tế, ngành an ninh lẽ nào lại không giỏi bằng mắt dân thường. Bởi chính bản thân bà đã từng nhiều lần chứng kiến những đinh tặc đi xe máy, rải đinh vào lúc bốn giờ sáng, đó là mốc giờ bà thường gặp nhất khi đi mua rau hành ở chợ đầu mối.

Thường thì họ chở hai người, người lái xe vừa lái vừa quan sát, kẻ ngồi sau ôm một túi vải, xe chạy chậm, họ từ từ móc đinh ra thả xuống đường như không hề có chuyện gì xảy ra. Đi một lượt họ quay về ngủ, chờ sáng mai người ta dắt xe đến tiệm để thay vỏ, thay ruột, tha hồ chặt chém.

    Trảng bom là ngay khúc quốc lộ nó hay rải đinh lắm tại vì đoạn này vắng người. Khu này công nhân hay đi nên người chịu trận chủ yếu là giới lao động nghèo…
    - Bà Hạ, Trảng Bom

Thường thì họ rải đinh cách tiệm của họ từ 700m đến 1km, khoảng cách vừa đủ để người bị bể lốp xe dắt xe đến nơi thì cả lốp và ruột đều bị nghiến nát. Và đây cũng là khoảng cách an toàn để chối tội. Có một điều dễ nhận thấy là hầu hết các tiệm sửa xe dọc đường, nơi không có người và cũng không phải là trên đất của họ nhưng vẫn tồn tại. Thường những tiệm sửa xe như vậy đều có dây mơ rễ má với cán bộ địa phương, có nhiều trường hợp là em hoặc anh ruột của công an khu vực.

Cũng nhờ vào thế lực địa phương nên họ luôn được bao che và họ làm việc có ăn chia lợi lộc với công an khu vực, hoặc chí ít cũng quà cáp mỗi dịp lễ lạc, Tết nhứt với cán bộ địa phương. Bởi vì hiện tại, thu nhập của đinh tặc có thể nói là siêu lợi nhuận. Mỗi lốp xe có thể lãi từ một trăm rưỡi ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng, tùy hứng và tùy số lượng người bị bể lốp xe nhiều hay ít mà giới đinh tặc điều chỉnh và hét giá.

Trung bình, mỗi ngày chỉ cần năm chiếc xe bị bể lốp đi vào tiệm, một đinh tặc có thể kiếm được từ một triệu đến một triệu hai trăm ngàn đồng. Trong một số ngày cao điểm, số xe đứng chờ thay lốp ở tiệm có thể lên đến hàng chục chiếc. Và mức thu nhập của một kẻ chuyên thay lốp xe, ruột xe với mỗi ngày hơn một triệu đồng là mức khủng, không phải ai muốn làm đinh tặc cũng được. Chỉ có những kẻ có thế lực mới làm đinh tặc. Và muốn kiểm tra các tiệm sửa xe này không khó.

Theo bà Hạ, hầu hết các tiệm sửa xe của dân đinh tặc đều là tiệm dã chiến, chỉ có mấy cái khóa mở ốc vít, mấy chục bộ lốp và ruột xe và một bộ đồ nghề vá xe, máy bơm hơi. Ngài ra không có gì khác. Và nếu lỡ mang một chiếc xe bị chết bugi vào để sửa, họ sẽ từ chối vì không đoán ra chỗ hỏng. Và muốn tìm ra họ thì không khó.

Nhưng có vẻ như đằng sau họ có một chỗ dựa rất vững nên khó tìm ra họ. Bà Hạ chua chát đưa ra nhận xét là hầu hết cái gì gắn đến chữ “tặc” ở Việt Nam đều có thế lực nhà nước che chở. Từ lâm tặc, sa tặc, khoáng tặc… cho đến đinh tặc đều vậy.

Và cái khổ bao giờ cũng rớt vào những lao động nghèo, ki cóp từng đồng, chạy vạy từng bữa ăn và ngờ ngệch trước thế sự, tương lai. Bà Hạ nói rằng không riêng gì bà mà hình như mọi lao động nghèo đều cảm thấy chán nản khi dắt xe ra đường trong bối cảnh hiện tại.

Switch mode views: