Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Rủ nhau đi xem triển lãm 'Operations Babylift' tại San Francisco


SAN FRANCISCO, Calif (NV) - Buổi sáng sớm Thứ Bảy, tòa nhà có tên là Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Presidio lác đác người, một tấm hình được phóng lớn, phủ kín bức tường dẫn vào phòng triển lãm. Trong hình, các em bé người Á Ðông, phục sức thô sơ, đứng dán mắt vào cửa kính, nhìn vào không gian qua những tấm rèm đơn sơ.


baby lift 1Các em cô nhi đứng dán mắt vào cửa kính máy bay trong lúc được đưa qua Mỹ. (Hình: Thuy Phan/Người Việt)

Nhìn kỹ, người ta thấy đó là một khoang lớn trong máy bay. Không có ghế ngồi, chỉ có các em đứng lố nhố. Cũng hầu như không thấy người lớn. Và bức hình không có lấy một lời chú thích, nhưng người xem như đã bị lôi cuốn ngay, không biết vì qua ánh mắt các em, sự tò mò không che hết được những ngơ ngác, hay vì cái tên của cuộc triển lãm, tự nó đã được gợi sẵn trong thâm tâm họ những nỗi rưng rưng.

Ðó là cuộc triển lãm có tên “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” (Operation Baby Lift: Perspectives and Legacies), do ban điều hành của Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Presidio tổ chức.

Khai mạc vào trung tuần Tháng Tư, 2015, giữa lúc người Việt khắp nơi bận rộn tưởng niệm 40 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” là một cuộc triển lãm đặc biệt, nhưng được rất ít người Mỹ gốc Việt biết đến, một phần có lẽ vì triển lãm được tổ chức trong công viên quốc gia Presidio, một căn cứ quân sự trước đây của Hoa Kỳ, phần khác, vì buổi triển lãm từ trước đến giờ hầu như chưa hề được một cơ quan truyền thông Việt ngữ nào quảng bá.

Chiến dịch Babylift

Vào ngày 3 Tháng Tư, 1975, Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố rằng những máy bay vận tải của quân đội Hoa Kỳ, sau khi chuyên chở vật liệu quân sự đến Sài Gòn, sẽ mang theo các em cô nhi trở về Mỹ, chính thức mở đầu cho chiến dịch Babylift.


baby lift 2Một góc trong phòng triển lãm “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” tại Presidio. (Hình: Thuy Phan/Người Việt)

Chiến dịch Babylift có một khởi đầu thê thảm. Ngày 4 Tháng Tư, chuyến di tản trẻ mồ côi đầu tiên, một chiếc C-5 Galaxy khổng lồ, máy bay lớn nhất thế giới thời đó, rời Việt Nam với hơn 200 cô nhi, được tháp tùng bởi 37 nữ nhân viên quân đội Mỹ (DAO), bị gặp tai nạn, đáp khẩn cấp, bụng va mạnh xuống một cánh đồng, khiến 138 người thiệt mạng, trong đó có 78 cô nhi. Sau tai nạn đó, nhiều máy bay vận tải khác, cả quân sự lẫn dân sự, dần dà đưa được gần 3,000 cô nhi rời khỏi Việt Nam đến Mỹ.

Về việc di tản các em cô nhi trong khoảng thời gian ấy, một điều ít ai biết là ngay trước khi chiến dịch Babylift được chính thức phát động, một số hãng hàng không dân sự, qua sự thúc đẩy và giúp đỡ của các hội thiện nguyện, đã bắt đầu chiến dịch đưa các em ra khỏi Việt Nam của riêng họ. Vấn đề là đưa được các em ra khỏi rồi, thì mang các em đến đâu.

Presidio San Francisco, lúc đó, chỉ là thuần túy là một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, và phải nói là một căn cứ yên bình của một đất nước không có chiến tranh. Nhưng đùng một cái, khoảng giữa Tháng Tư, Harmon Hall, một tòa nhà của Presidio biến thành nơi đón tiếp hàng trăm trẻ sơ sinh được di tản ra khỏi Việt Nam.


baby lift 3Một góc trong phòng triển lãm “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” tại Presidio. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ghi lại giai đoạn này, cựu Ðại Tá Robert Kane, từng chỉ huy căn cứ Presidio, viết trong một bản tường trình vào Tháng Tư, 1975:

“Buổi sáng hôm Thứ Bảy ấy, tôi nhận điện thoại của một thiếu phụ, với một giọng nói rõ ràng là hết sức hốt hoảng. Bà nói, đại khái là thưa Ðại Tá Kane, quân đội nhất định phải giúp chúng tôi. Ông Ed Daly (chủ hãng hàng không World's Airway) có một máy bay DC 8 chở đầy cô nhi Việt Nam. Ông ta sẽ đáp cánh tối Thứ Năm tới tại phi trường Oakland, và tôi cần tìm gấp một cơ quan sẵn sàng săn sóc các em cho đến khi các em có người nhận mang về nuôi. Không ai muốn giúp chúng tôi cả. Xin ông hãy làm điều phải làm.”

“Tôi suy nghĩ vài giây, và tự hỏi, tại sao không? Rồi nói với người phụ nữ, nếu tôi không gọi lại trong vòng hai tiếng, thì cứ xem như là được.” Ðại Tá Robert Kane viết tiếp trong bản tường trình.

Bàn tính với một chỉ huy cao cấp khác, Ðại Tá Kane quyết định cho nhóm Babylift sử dụng tòa nhà Harmon Hall. Và những gì xảy ra sau đó là lịch sử. Lịch sử của Presidio, của các em cô nhi, và của cả những thiện nguyện viên, và của cả những gia đình mang các em về thương yêu, nuôi dưỡng.

Cuộc triển lãm đặc biệt

So với những cuộc triển lãm thường thấy khác, “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” có một hình thức khá hiện đại. Chiếm một không gian khiêm nhường, những phóng ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến Babylift chỉ là bối cảnh, làm nền cho những “nhân vật” trực tiếp tham gia, và góp phần cho việc tạo cho người tham dự có cơ hội chia sẻ suy nghĩ, nhận định và cảm xúc của người trong cuộc.


baby lift 4Một góc trong phòng triển lãm “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” tại Presidio. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Vừa bước vào cửa, người đi xem triển lãm được đón chào bằng hình một chiếc vali của hãng máy bay Air Vietnam phóng lớn. Chung quanh tường, phía bên phải là những hình ảnh các em cô nhi được chuyên chở trong các chuyến bay, cảnh các em nằm la liệt trên những miếng nệm được để dưới đất của tòa nhà Harmon Hall, Presidio, cảnh các thiện nguyện viên cắm cúi chăm sóc. Bên trái là một tấm bảng gỗ, trên đó đính nhiều miếng giấy, ghi lại cảm tưởng của người đến xem.

Ở giữa phòng là một kios bằng gỗ có sáu mặt, ở mỗi mặt, phía trên là chân dung của từng hai người trong sáu cuộc đối thoại, trong đó một người trước đây là em cô nhi còn người kia là một thiện nguyện viên từng từng đến Presidio giúp các em. Mọi cuộc đối thoại đều được thực hiện tại địa điểm này, nơi các em cách đây 40 năm đã được giúp đỡ. Phía dưới các chân dung là những máy nghe (audio equipment), để người đến xem triển lãm có thể nghe tâm tình của họ.

Như đối thoại giữa Lonny Weissman, một thiện nguyện viên từng là cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, và bé cô nhi Lara Price, lúc ấy mới mấy tháng tuổi, giờ là một ca sĩ hát nhạc Blue.

Như đối thoại của Robert Redeker, một em cô nhi cách đây 40 năm đã may mắn sống sót trong chuyến bay C-5 Galaxy, nước mắt ràn rụa khi nói chuyện với Dick Blanchfield, một thiện nguyện viên khác.

Và nhất là của cô nhi Jessica Mc Nally với bà Maria Eitz, một cô nhi thời Thế Chiến 2, giờ là một nữ tu, đã đóng vai trò then chốt trong việc khiến Presidio biến thành nơi nhận hơn 200 trẻ em, ngày bơ vơ đến Mỹ.

“Trước đây cũng là một cô nhi như các em. Tôi hiểu hơn ai hết là thế nào là nạn nhân của chiến tranh, các em cần được giúp đỡ, và tôi không quan tâm đến việc làm như thế (mang các em cô nhi qua Mỹ) có đúng hay không về mặt chính trị.” Bà Maria Eitz tâm sự.


baby lift 5Kios trong phòng triển lãm, nơi người đến xem có thể nghe tâm tình của những người trong cuộc của chiến dịch Babylift. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Câu chuyện về tình người

Một người đến xem triển lãm, bà Debbie Peevyhouse, dân cư San Jose, phát biểu cảm tưởng về cuộc triển lãm:

“Ðây là một câu chuyện về hy vọng, về nỗi đau của nhân loại, và về tình người. Ðến đây, tham dự cuộc triển lãm, tôi cảm nhận được sự sợ hãi, và cuối cùng, là niềm sợ hãi tan biến, các em mồ côi đa số lớn lên trong một gia đình ấm cúng, trở thành người Mỹ như mọi người khác.”

Ông Andy Pomo, một cựu nhân viên tình báo trong quân đội, đến từ Monterey Peninsular, nói:

“Con trai tôi có vợ đến đây từ chiến dịch Baby Lift. Cách đây hai năm, hai vợ chồng nó về Việt Nam để tìm lại viện mồ côi ngày xưa con dâu tôi ở, nhưng ngôi nhà đó bây giờ đã biến mất. Họ sẽ xúc động lắm khi biết về cuộc triển lãm này. Tôi phải bảo họ đến xem ngay.”

Nói về cuộc triển lãm, bà Liz Clevenger, giám đốc sưu tập và thiết kế các cuộc triển lãm của Presidio, cho biết đã phải tốn hơn một năm để chuẩn bị cho buổi triển lãm, với việc tìm hiểu sự kiện lịch sử, tìm người và tìm thời gian để cho họ gặp nhau, chuyện trò và đồng ý chia sẻ tâm sự.

“Trong một buổi họp, chúng tôi đã đến Hamon Hall, nhiều người trong đó có con nuôi, và những người đã tổ chức hay thiện nguyện viên từ năm 1975, và chưa hề trở lại nơi này từ đó đến nay. Chỉ chứng kiến xúc cảm của họ, cuồn cuộn, mãnh liệt, và phản ứng của chính mình khi chứng kiến những cảm xúc đó, khiến tôi thấy mình thật may mắn, như được tham dự vào những phút giây lịch sử đó.” Bà Clevenger thổ lộ, rồi tâm sự:

“Cuộc triển lãm đã mở cửa được hơn ba tháng rồi, và được người bản xứ đến xem khá đông. Chúng tôi mong đây sẽ là dịp để mang cộng đồng người Việt đến thăm công viên quốc gia Presidio. Vì cho đến giờ, đối với nhiều người, khuôn viên của Presidio vẫn là một cái gì xa lạ, cách biệt. Chúng tôi muốn cộng đồng thấy đây là nơi thân thiết như cuối phố của nhà mình. Presidio giờ đây không còn là một căn cứ quân đội, mà là một công viên của tất cả mọi người.”

Triển lãm “Chiến dịch Baby Lift: Quan Ðiểm và Di Sản” hoàn toàn miễn phí, mở cửa từ Thứ Ba đến Chủ Nhật, từ giờ cho đến cuối Tháng Mười Hai, tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Presidio, địa chỉ: 50 Moraga Avenue, San Francisco, CA 94129. Ðiện thoại (415) 561-4400.

Switch mode views: