Một lần đến chợ trời Aloha, Hawaii
- Thứ Bảy, 27 tháng Sáu năm 2015 10:03
- Tác Giả: Ngọc Lan
HONOLULU, Hawaii (NV) - “Muốn viết về người Việt buôn bán chợ trời ở Hawaii như thế nào thì phải đến chợ trời Aloha.” Đó là câu mà chúng tôi được nhắn gửi trước khi đặt chân đến “thiên đường nơi xứ Hạ.”
Nếu phần lớn chợ trời “out door” (mở ngoài trời) thường mở vào hai ngày cuối tuần Thứ Bảy, Chủ Nhật, thì chợ trời Aloha lại có thêm một ngày giữa tuần - Thứ Tư.
Chợ trời này được gọi tên là Aloha vì nó nằm ngay trong sân vận động Aloha lớn nhất ở Hawaii. Bắt đầu hoạt động từ năm 1979, và hiện tại có khoảng 400 gian hàng (mà gần một nửa trong đó là của người Việt Nam) bán đủ các mặt hàng cho khách du lịch lẫn địa phương với giá cả có thể làm đẹp lòng tất cả những ai đã một lần bước vào nơi này.
Chị Trang tại gian hàng bán quà lưu niệm và trang sức ở chợ trời Aloha (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
****
Không biết có phải vì mù mờ về đường sá, hay tại vì chúng tôi thuộc dạng dân “Hai lúa” mà phải mất đến 3 lần chạy huốt qua, kiếm đường vòng lại, rồi không rẽ vào đúng hướng, phải quay trở ra, cuối cùng mới lái được chiếc xe vào nơi có chữ “Aloha Stadium - main entrance” trước khi tiếp tục lòng vòng trong bãi đậu xe mênh mông bát ngát kiếm chỗ nào đậu gần gần cái chợ trời mà mình muốn đến (để không phải lội bộ đến rã giò).
Gian hàng đầu tiên mà chúng tôi dừng lại là của chị Trang, một người gốc Việt đã bán hàng tại Aloha “đến 20 năm rồi.”
Đồ trang sức cho phụ nữ và các mặt hàng dùng làm quà lưu niệm là những thứ có thể mua ngay tại gian hàng này.
Nói vắn tắt như vậy, nhưng mà chỉ riêng các loại dây đeo cổ thôi thì tại gian hàng này có lẽ có không dưới 100 kiểu, từ bằng gỗ, bằng vỏ ốc, bằng xà cừ, cho đến bằng đá, bằng hạt trai, bằng pha lê,... Cơ man là mẫu mã khiến người mua khó mà có thể chỉ lựa một hoặc hai món. Đó là chưa kể đến các loại vòng đeo tay, hoa cài tóc, dây buộc tóc đủ loại.
Gian hàng bán quà lưu niệm và trang sức ở chợ trời Aloha (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Chỉ cần $2 thôi là có thể tha hồ lựa một chiếc vòng đeo tay bằng gỗ, bằng những cánh hoa nhựa được đúc sắc sảo kết lại, hoặc những hột xúc xắc xâu thành, hay những vỏ xà cừ cắt mỏng quấn lại... Nếu lựa luôn 3 chiếc, bạn chỉ phải trả $5.
Cũng tại quầy hàng này, muốn tìm mua vài thứ về làm quà lưu niệm chưng trong nhà hay tặng bạn bè, người thân thì cũng cứ tha hồ lựa. Nào là các con sao biển, san hô, ốc to nhỏ đủ các vân màu được mài chà sáng bóng. Nào là các vật dụng bằng gỗ được khắc chạm tinh vi để đựng bút, để chưng trong tủ, chưng trên bàn.
Rẻ nhất là các đồ để móc khóa. Chỉ $1 một cái, mua 6 cái chỉ trả $5. Rẻ nhưng quan trọng là chúng xinh xắn và bắt mắt đến mê ly. Nào là hình chiếc guốc mộc, nào là hình chiếc dép quai kẹp, rồi thì hình cánh buồm, hay là chiếc ván trượt, hay hình chiếc chai cổ dài, không thì là một con ốc xoắn, hay chú rùa nằm xoãi cả 4 chân... Nhìn thôi là cũng đủ vui mắt rồi. Nếu “tử tế” một chút thì chỉ cần bỏ ra $10 lựa 12 món như thế mang về tặng cho các đồng nghiệp là ai cũng vui như Tết rồi, vừa mừng vì được quà vừa vui vì có người nhớ mua quà cho mình, mà người tặng cũng không “đau bụng” gì hết.
Nhìn một gian hàng với vô vàn mặt hàng được chưng bày một cách gọn gàng, đâu ra đó như thế, chúng tôi hiểu ngay tại sao chị Trang nói cái cực nhất của nghề bán chợ trời là phải “thức sớm.”
Đơn giản chỉ vì phải mất đến 4-5 tiếng đồng hồ cho việc bày biện tất cả sao cho bắt mắt và dễ dàng cho khách lựa chọn trước khi những người khách đầu tiên có mặt tại Aloha lúc 8 giờ 30.
Cực vì “thức sớm” nhưng niềm vui của người buôn bán như chị Trang cũng rất đơn giản: “Bán được hàng là vui à.”
Quầy nón của một chủ người Việt tại chợ trời Aloha (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Đặc điểm của chợ trời dĩ nhiên khác rất nhiều với chợ Bến Thành hay Chợ Lớn. Vì ở chợ trời chẳng ai qui định cho người chủ phải bán gì ở quầy hàng đó. Ai muốn bán gì bán. Thế nên ngay bên cạnh một gian hàng lưu niệm thì có thể gặp ngay một gian hàng chỉ bán đồ ăn, hay một quầy bán nón, một tiệm bán áo thun. Điều này vừa tạo nên sự vui mắt, đỡ nhàm chán, nhưng đồng thời lỡ muốn quay lại tìm xem gian hàng lúc nãy mình ưng ý sợi chuỗi mà chưa mua, giờ muốn quay vòng lại tìm cũng khá là vật vả.
Gần quầy hàng của chị Trang là một quầy bán nón cũng của một chàng Việt Nam mà hỏi tên là gì chàng cứ ậm ừ nói không nghe gì hết trơn, hỏi bán lâu chưa thì chàng nói lâu rồi.
Quầy nón của chàng Việt cũng không biết là bao nhiêu mẫu mã, dù rằng nhìn chung thì có thể chia ra là nón lưỡi trai và nón rộng vành. Giá nón chợ trời cũng không thể rẻ hơn. Nón vành nhỏ $7 một cái, mua hai cái, một trắng một hồng hay một nơ một dây thì chỉ trả $13. Nhưng quan trọng vẫn là nhìn chúng đẹp chứ không phải kiểu nón “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”.
Dù không thấy chàng Việt cười niềm nở nhưng chàng nói “bán hàng ở chợ trời vui vì gặp người qua kẻ lại, khách tứ phương tụ về.” Và cũng theo chàng Việt thì “sở dĩ người Việt chọn công việc bán chợ trời nhiều là vì đây là nghề dễ sống.”
Các loại thức ăn khô được làm theo kiểu thủ công ở nhà rồi đóng gói cũng được nhiều quầy bày bán. Từ khô, cá, mực tẩm sấy ướp các vị các kiểu, đến những loại trái cây cóc, ổi, xoài, me ngâm đường như ngày nào còn ở quê, hoặc trái cây sấy khô... món gì cũng được khách du lịch chiếu cố. Giá cho các loại đồ ăn dạng này thì có vẻ đắc hơn, trung bình là $6 một gói nhỏ nhỏ cỡ bàn tay. Và bao giờ mua từ hai gói trở lên cũng được bớt chút ít, $11 đồng cho hai gói.
****
Anh Kiến Minh, chủ một quầy bán áo thun ở chợ trời Aloha, Honolulu (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tại một quầy chuyên trị áo thun của vợ chồng anh Kiến Minh, chúng tôi được dịp nói chuyện nhiều hơn về công việc của người bán chợ trời tại đây.
Theo anh Kiến Minh thì “một ngày của người bán chợ trời ở Aloha cũng giống người bán chợ trời ở Cali thôi. Nghĩa là khoảng 4-5 giờ đã phải ra chợ để dọn hàng, đến 8-9 giờ mới bày biện xong. Chừng 2 giờ hơn là bắt đầu thu dọn, vì 3 giờ chợ đóng cửa. Về đến nhà khoảng 5 giờ chiều.”
“Tức mỗi ngày như vậy tốn khoảng 11-12 tiếng ở chợ, nhưng khỏe một cái là một tuần chỉ tốn 3 ngày ra bán thôi. Những ngày còn lại nghỉ ngơi, đi lòng vòng, chuẩn bị hàng.” Anh cho biết.
Anh nói một cách thật thà (cái thật thà mà chúng tôi bắt gặp được ở hầu hết những người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc khi đến Hawaii), “Làm ba ngày cũng đủ sống rồi, nhưng không giàu. Mà ở đây gia đình nào có chừng ba đứa con thì đều xin 'welfare' hết, tại nghề này mình tự khai thuế mà.”
Anh Minh cho rằng nếu mỗi ngày bán được chừng $1,000 thì coi như là được, đủ sống. Hôm nào mưa gió bán chừng $300-$400 thì ngày đó lỗ công.
Mùa Hè là mùa bán đắt nhất, “người ta bu quanh sạp không thấy vợ mình luôn. Còn hôm nào mà shopping 'sale' thì ngày đó mình chỉ có ngồi đập ruồi.”
Cũng theo người đàn ông này thì “hầu hết những người bán hàng ở chợ trời đều lấy hàng từ những người chủ lớn ở đảo, và những người chủ lớn thì lấy hàng từ đất liền.”
Điều đặc biệt là áo thun ở đây rất rẻ. Một cái thì $4. Mua 3 cái thì $10. Mà nếu bỏ ra $20 thì được lựa tới 7 cái.
Giá rẻ là vậy nhưng trả giá là một nét đặc trưng ở chợ trời. Tuy nhiên, “có trả giá nhưng không giống như ở Việt Nam mình. Như bảng giá ghi 5 cái $20. Ở Việt Nam nhiều khi trả giá một hồi thì có thể mua 10 cái với giá $20. Ở đây thì không có. Giá mình ghi rồi. Ai muốn trả thì cứ trả cho vui chứ mình bán thì y như bảng giá. Chỉ có ai mua nhiều thì có thể tặng thêm cho họ một cái cho vui thôi.” Anh Kiến Minh giải thích.
Giá áo thun rất rẻ tại chợ trời Aloha, Honolulu (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo chủ sạp áo thun này thì giá bán ở chợ trời Aloha khá rẻ, hơn các đảo khác ở Hawaii, “nên nhiều người từ bên các đảo khác qua đây mua mỗi lần từ $300 đến $500 rồi mang về đảo kia bán lại. Một cái áo như thế này ở đây mình bán $3-$4 họ về bán khoảng $15.”
Chính vì hàng hóa ở chợ trời Aloha quá rẻ nên cô Anna, khách du lịch người Mỹ sau khi đến đây đã về khoe cùng bạn bè rằng, “Giá cả mọi thứ ở đây thật tuyệt vời. Chúng tôi mua 2 cái áo đầm trẻ con, 1 áo đầm người lớn, 5 cái áo thun, 2 áo sơ mi Haiwaiin, 5 đôi bông tai, 1 trái dừa lạnh, 1 ly sinh tố, 2 ly nước chanh, 1 ly cà phê đá, tất cả chưa đến $50.”
“Chợ trời thì hầu hết là khách thập phương, vậy có khi nào người bán gặp lại khách hàng nào xưa cũ của mình không?” Tôi hỏi anh Kiến Minh.
Anh bảo, “Có khách nói bay mấy ngàn miles đến đây để mua cái áo, không biết họ nói thiệt hay nói chơi nhưng mà nghe nói vậy thì vui rồi, mà họ nói và họ có mua áo chứ không phải nói rồi bỏ đi.”
Nghe tôi hỏi “Người Việt ở Hawaii thường làm nghề lái taxi và bán chợ trời. Nghề nào thu nhập khá hơn?” Anh Minh ngẫm nghĩ, “Trước giờ chỉ thấy có người bán chợ trời bỏ ra làm nghề lái taxi chứ chưa thấy người lái taxi nào bỏ đi bán chợ trời. Nghĩ vậy thì sẽ biết nghề nào cực hơn.”
“Ủa, thế sao anh không đi lái taxi?” Anh chàng bán chợ trời có vóc dáng như tài tử ngó về phía người vợ đang gói hàng cho khách trả lời câu tôi hỏi một cách gọn bâng, “Bả đâu có cho đâu, bả sợ đi luôn.”
Chúng tôi rời chợ trời Aloha khi nắng vừa sắp lên cao, cũng là lúc gian hàng của vợ chồng anh Kiến Minh bắt đầu đông khách. Tiếng nói cười, mặc cả của người mua sắm cũng bắt đầu rộn rịp khắp nơi. Và trên tay chúng tôi cũng lỉnh kỉnh nào áo thun, nào vòng đeo tay sau khi móc túi ra hết... $15.
Related news items:
Tin mới
- Rừng Trường Sơn đang kêu cứu - 30/06/2015 16:03
- Tăng giá điện, người nghèo khốn khổ - 30/06/2015 15:57
- Khủng hoảng rác ở Sài Gòn - 30/06/2015 15:48
- Tết Đoan Ngọ của người nông dân trồng xoài ở Cam Ranh - 29/06/2015 21:28
- Chợ trên xe thồ - 29/06/2015 14:31
- Hai ngôi chợ truyền thống ở Sài Gòn - 25/06/2015 18:34
- Đêm Thắp nến vì tự do cho các tù nhân lương tâm - 22/06/2015 18:25
- Cuộc sống người bán vé số ở Sài Gòn - 22/06/2015 16:54
- Phân biệt đối xử dẫn đến tàn bạo - 22/06/2015 16:49
- Ai mua nhà ở Hoa Kỳ? - 22/06/2015 15:43
Các tin khác
- Thương Phế Binh VNCH viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa - 22/06/2015 14:36
- Ngư trường truyền thống ngày càng bị thu hẹp - 18/06/2015 20:40
- Điều trần về nhân quyền, tôn giáo Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ - 18/06/2015 20:33
- Vĩnh Long mùa trái ngọt - 16/06/2015 21:44
- Tác động của các nhà máy nhiệt điện do TQ xây dựng - 16/06/2015 02:31
- Đồng bào thiểu số Tây Nguyên và vết thương “kinh tế mới” - 16/06/2015 02:25
- Việt Nam lại 'ngậm bồ hòn làm ngọt' với Trung Quốc - 12/06/2015 10:43
- Việt Nam bị tác hại môi trường vì hoạt động của TQ ở Biển Đông - 11/06/2015 21:21
- Xe của dân bị biến thành rác ở bãi nhà nước - 10/06/2015 19:02
- 'Luật rừng' giao thông trên đường phố Sài Gòn - 08/06/2015 20:33