Xe của dân bị biến thành rác ở bãi nhà nước
- Thứ Năm, 11 tháng Sáu năm 2015 10:30
- Tác Giả: RFA
Hàng nghìn xe dầm mưa, dãi nắng tại một bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội
Photo courtesy Xaluan.com
<
Trường hợp xe của người dân bị cảnh sát giao thông thổi phạt, sau đó tạm giữ xe và mang về bãi xe của nhà nước bỏ mặc nắng mưa, xe nhanh chóng xuống cấp, khi bị thu là xe tốt, khi lấy ra là chiếc xe không thể xài được đang làm nhức nhối người dân.
Chuyện này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu trách nhiệm đã thành một căn bệnh trầm kha của ngành công an giao thông nói riêng và các ban ngành trực thuộc nhà nước nói chung. Trong thời gian gần đây, tình trạng xe bị tạm giam một thời gian trở thành khối sắt vụn đang làm nhức nhối người dân thủ đô Hà Nội.
Bãi tạm giữ xe cũng là nơi “luộc xe”
Một người tên Thành, sống ở quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Quá trình xử phạt phải có đầy đủ các thứ, như nơi cất giữ xe. Như việc bắt giữ xe máy là nhằm mục đích buộc anh mang tiền đến nộp phạt. Trái với mục tiêu xử phạt. Cũng như nhà tù là để chặn đứng hành vi của anh chứ không phải để hành hạ. Một khi anh hành hạ người tù cũng như hành hạ chiếc xe trong bãi tạm giữ như vậy thì không còn gì để bàn!”.
Theo ông Thành, trước đây hai tháng, con gái ông bị công an giao thông thổi phạt ở đầu cầu Thắng Long, sông Hồng và bị giữ xe vì lý do không mang theo bằng lái mặc dù cô gái này đã có bằng lái xe gắn máy, có đội mũ bảo hiểm và có giấy tờ xe hẳn hoi. Sau khi kiểm soát một số thứ trong xe, họ kết luận còi xe không đạt tiêu chuẩn, đèn xi-nhan không đạt tiêu chuẩn, mũ bảo hiểm cũng không đạt tiêu chuẩn và mẫu mã xe có sự thay đổi vì có dán thêm decal hình con chim phượng hoàng. Mức phạt lên đến hai triệu năm trăm ngàn đồng.
Vì thất nghiệp, gia đình cũng không mấy thoải mái về tài chính nên con gái ông Thành phải chấp nhận để xe trong bãi tạm giữ của công an, đợi nhận lương hằng tháng, tích lũy đủ mới nộp phạt và mang xe về. Không bàn về chuyện kiểm tra, thổi phạt vô cớ của cảnh sát giao thông khi con gái ông không hề phạm lỗi trong lúc tham gia giao thông, ông Thành muốn nhấn mạnh về tình trạng chiếc xe sau khi lấy ra khỏi bãi tạm giữ của công an.
Theo mô tả của hai cha con ông Thành thì không thể nào gọi đây là bãi tạm giữ xe được mà phải nói chính xác nơi hàng ngàn chiếc xe của dân đang bị phơi mưa phơi nắng để mục dần theo thời gian và là một cái bãi rác thải công nghiệp. Nghĩa là không riêng gì xe máy mà bất kì thứ gì bỏ vào đây đều có thể mục nát bởi cây cỏ um tùm, dộ ẩm cao, không có mái che, kẽm gai và dây leo quấn khắp nơi, xe cộ bỏ chồng chất, đùn ép nhau trong bãi khiến cho lớp vỏ sơn bên ngoài nhanh chóng bị bong tróc, hệ thống dây điện, ống dẫn xăng gặp nhiệt độ cao cũng nhanh chóng thoái hóa, chảy nhựa, làm cho xăng và dầu nhớt chảy ra loang lổ trên mặt đất.
Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam
Nói không may, chỉ cần ai đó vô tình để rơi tàn thuốc vào đây hoặc dây điện chập tạo ra tia lửa sẽ lập tức biến bãi xe thành một đám cháy để từ đó lan tỏa khu vực lân cận. Nhìn bãi tạm giữ xe của công an chẳng khác nào bãi rác công nghiệp. Đó là chưa muốn nhắc đến trò luộc xe của nhiều viên công an.
Trò luộc xe này diễn ra không mấy kín đáo nhưng chẳng ai dám nói gì. Một chiếc xe mới toanh với mọi phụ tùng đều chính hãng, khi vào bãi giữ xe, chỉ trong vòng nửa ngày sau, những phụ tùng chính hàng bị tháo mở, thay vào đó là những thứ phụ tùng lô, khi lấy ra, chiếc xe chạy èo ọp, cà rịch cà tàng chẳng giống thứ gì. Và bất kì người nào bị tạm giữ xe cũng vấp phải kinh nghiệm đáng sợ này.
Ông Thành đặt câu hỏi: Vì sao xe ở trong bãi cùa ngành công an mà lại để bị luộc? Ai có thể vào trong khuôn viên quản lý của công an để luộc xe của dân? Liệu công an giao thông và những viên công an có liên quan đến bãi tạm giữ xe này có liên đới, có toa rập với nhau để luộc xe của dân?
Đương nhiên là câu hỏi của ông Thành không có ai trả lời được ngoài các quan chức ngành công an, trong đó, ông Trần Đại Quang Bộ trưởng Bộ Công an và ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải phải là những người có trách nhiệm trả lời với dân bằng mọi giá.
Luật lệ chồng chéo
Một cựu cảnh sát giao thông không muốn nêu tên, đang sống ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, chia sẻ: “Khi làm việc với công an giao thông thì người dân mình nên tự đề nghị họ viết thông tin về tình trạng chiếc xe vào biên bản, giấy tờ để sau này có cơ sở để làm việc với họ. Vì dù mình muốn hay không thì công an cũng nắm quyền trong tay về pháp luật. Cái mà mình có thể trông đợi đó là yêu cầu của người dân về việc minh bạch hơn trong mọi thứ, cần có thông tin rõ ràng, chiếc xe đó ở tình trạng như thế nào để sau này có bằng chứng mà đối chiếu. Luật mình quá chồng chéo…”.
Theo ông này, sở dĩ có chuyện bắt xe, nhốt xe vô tội vạ của công an giao thông, biến một chiếc xe đang đi trở thành chiếc xe hỏng hóc, phá hoại tài sản của dân như vậy là do luật pháp chồng chèo, tham nhũng và chiếm dụng đất vẫn là ung nhọt gây nhức nhối xã hội.
Ở khía cạnh tham nhũng thì miễn bàn, lợi dụng vào sự sơ hở của luật giao thông và người dân thiếu hiểu biết về pháp luật bởi mỗi năm có hàng ngàn văn bản dưới luật ra đời chẳng đâu vào đâu. Ngành công an nói chung và công an giao thông nói riêng đã hù dọa người đi đường để ăn đút lót, nhét tay hoặc làm những phiếu phạt sai luật để thu giữ xe, tạo ra nguồn thu.
Nếu như được nhét tiền hối lộ thì bản thân viên công an giao thông đứng đường sẽ có tiền tươi, trường hợp giam xe, chủ xe nộp tiền vào kho bạc, thì viên công an giao thông sẽ có tiền khác thông qua chuyện luộc phụ tùng xe của dân. Vì chỉ có hai khoản này mới bù lỗ cho số tiền đút lót cho cấp trên khi vào ngành hoặc mua chỗ đứng đường.
Và chuyện giam xe trong bãi là một chỉ tiêu bắt buộc, phải có một số lượng xe nhất định bị giam nhằm đảm bảo khoản thu cho ngân sách ngành và giữ bãi. Trong trường hợp ngược lại, nếu lâu ngày không có xe trong bãi, bãi sẽ bị nhà nước trưng thu để mở rộng xây dựng, bán cho các dự án. Chính vì vậy, chất đầy xe trong bãi, nằm chồng chất với nhau mặc cho mưa dầm nắng cháy, mặc cho chiếc xe rệu rã, hoen gỉ là cách tốt nhất để giữ bãi đất trống cho ngành, cho cơ quan.
Vô hình trung, những chiếc xe phương tiện làm ăn của người dân lại thực hiện đến hai chức năng: Bổ sung ngân sách ngành và ngân sách nhà nước; Làm phương tiện giữ bãi cho cơ quan công an để đến khi cần thiết, họ sẽ biến bãi đất này thành những chung cư hoặc một loại văn phòng nào đó có tính hợp lệ.
Ông cựu cảnh sát giao thông này đưa ra kết luận: Một khi tham nhũng và vô trách nhiệm còn hoành hành thì người dân mãi mãi là những con cá trên thớt!
Related news items:
Tin mới
- Ai mua nhà ở Hoa Kỳ? - 22/06/2015 15:43
- Một lần đến chợ trời Aloha, Hawaii - 22/06/2015 14:47
- Thương Phế Binh VNCH viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa - 22/06/2015 14:36
- Ngư trường truyền thống ngày càng bị thu hẹp - 18/06/2015 20:40
- Điều trần về nhân quyền, tôn giáo Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ - 18/06/2015 20:33
- Vĩnh Long mùa trái ngọt - 16/06/2015 21:44
- Tác động của các nhà máy nhiệt điện do TQ xây dựng - 16/06/2015 02:31
- Đồng bào thiểu số Tây Nguyên và vết thương “kinh tế mới” - 16/06/2015 02:25
- Việt Nam lại 'ngậm bồ hòn làm ngọt' với Trung Quốc - 12/06/2015 10:43
- Việt Nam bị tác hại môi trường vì hoạt động của TQ ở Biển Đông - 11/06/2015 21:21
Các tin khác
- 'Luật rừng' giao thông trên đường phố Sài Gòn - 08/06/2015 20:33
- Nỗi khổ của dân miền núi Thanh Hóa - 08/06/2015 20:16
- Ngư dân Đà Nẵng phản đối Trung Quốc - 08/06/2015 10:49
- Quốc tế thiếu nhi và trẻ em miền núi - 02/06/2015 15:06
- Du lịch Việt Nam ảo tưởng hay lừa dối? - 02/06/2015 14:59
- Kinh đô rượu vang Napa - 31/05/2015 22:04
- Muôn mặt ẩm thực vùng ven Sài Gòn - 31/05/2015 21:11
- Trung Quốc tận thu san hô, rong biển - 29/05/2015 20:35
- Cơm bình dân trên những nẻo đường Sài Gòn khói bụi - 29/05/2015 20:26
- Nắng hạn, thiếu ăn ở miền núi Nghệ An - 28/05/2015 16:15