Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quốc tế thiếu nhi và trẻ em miền núi


treem miennui
Theo mẹ đi bán măng rừng. RFA
<

Chạy suốt dãy Trường Sơn từ Nghệ An đến Kon Tum, là nơi của các tộc người thiểu số sống rải rác lưng chừng núi với cuộc sống bán du canh du cư. Đời sống tuy không còn rày đây mai đó nhưng cũng không có gì đã ổn định bởi phải tiếp nhận một kiểu sinh hoạt mới hết sức gò bó và trái với thói quen, những tộc người này trở nên nhỏ bé, lép vế trước núi rừng, nơi họ vốn xem là chiếc nôi của buôn làng, bộ tộc. Và, tuy sống trong thời hiện đại, phải làm đầy đủ mọi thủ tục của một công dân thời hiện đại từ chuyện cưới xin cho đến đóng thuế thông qua giá trị gia tăng nhưng đời sống kham khổ của miền núi đã khiến cho nhiều trẻ em bị thiệt thòi, u ám.

Trẻ em lặn lội rừng sâu kiếm sống

Ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày mà trẻ em trên toàn thế giới được vinh danh sự hiện hữu của mình thông qua những hoạt động của người lớn nhằm chú ý và chăm sóc trẻ em tốt hơn, thế giới phải chìa tay ra để đón nhận, nâng niu các em… Thì đâu đó, giữa núi rừng Trường Sơn, có những em bé chưa đầy mười tuổi đã phải chật vật, bươn bả khắp từng rẻo đồi, con suối để hái lượm, phụ giúp bữa ăn cho cha mẹ.

Bé Hồ Văn Hồ, mười một tuổi, dân tộc Vân Kiều, Hướng Hóa, Quảng Trị, chia sẻ: “Đương nhiên là thiếu thốn đủ thứ, thiếu cơ sở vật chất hạ tầng, đường thì có vài đường chính với mấy đường phụ để đi thôi, làm nông là chủ yếu nhưng có ít nên tiêu ít, chủ yếu là tiền lẻ. Ở thị trấn thì cuộc sống đỡ hơn, chợ cũng nhộn nhịp, còn mấy vùng xa thì nghèo nàn, nhìn quanh các bản thì nhà sàn, rất cực khổ. Tổng thể nhìn rất khổ.”

Theo em Hồ, phần đông các bạn cùng độ tuổi với em đều bỏ học, thậm chí có em bỏ học từ lớp vỡ lòng để theo cha mẹ lên rẫy hoặc tự ra suối, xuống sông bắt cá về phụ giúp gia đình. Có nhiều em lội sông câu cá hoặc bắn cá bằng phi tiêu, gặp lúc nước nguồn kéo về, chết mất xác, cha mẹ đoán chừng đã trôi ra biển nên không hy vọng gì, đắp một nấm mộ gió tượng trưng rồi làm đám qua loa.

    Đương nhiên là thiếu thốn đủ thứ, thiếu cơ sở vật chất hạ tầng, đường thì có vài đường chính với mấy đường phụ để đi thôi, làm nông là chủ yếu ...Ở thị trấn thì cuộc sống đỡ hơn, chợ cũng nhộn nhịp, còn mấy vùng xa thì nghèo nàn, nhìn quanh các bản thì nhà sàn, rất cực khổ. Tổng thể nhìn rất khổ
    Bé Hồ Văn Hồ

Sự sống của các em bé dân tộc thiểu số được định đoạt bởi tự nhiên, núi rừng và những thử thách khắc nghiệt của cơm áo, gạo tiền. Mới mười một tuổi nhưng bé Hồ đã có thâm niên hơn sáu năm đi hái lượm, những lúc rảnh rỗi một chút thì vào rừng chặt củi, lượm củi để mẹ gùi xuống chợ bán, những khi khác, đúng vào mùa măng rừng, em lại mang gùi vào rừng để hái măng, hết mùa măng rừng lại đi bắt cá, bẫy chim, đặt bẫy lợn rừng. Mọi việc với Hồ đã thành quen thuộc và có chu kì, hết việc này đến việc khác, quần quật cả năm. Cái nắng, cái gió đã làm cho da của Hồ đen sạm, gương mặt của Hồ trông già hơn  rất nhiều so với tuổi của em.

Với Hồ, dường như mọi công việc chẳng có gì là khó, chỉ có sợ nhất là bẫy lợn rừng, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bởi em là con trai đầu trong nhà, cha của em suốt ngày rượu chè say nát nhừ rồi kể lể chuyện từng đi bộ đội, từng qua chiến trường Campuchia tiêu diệt Polpot nhưng chẳng giúp gì được cho mẹ, chính em phải lên rừng bẫy lợn để giúp mẹ nuôi bốn đứa em nhỏ. Và chuyện bẫy lợn rừng là đáng sợ nhất.

Bởi vì chỉ riêng việc gồng lưng để mở căng bẫy ra, sau đó đóng cọc, gim xuống đất, rồi phủ lá rừng lên để ngụy trang, bẫy có thể đá ngược vè kẹp tay em bất kỳ giờ nào. Mà một khi bị bẫy kẹp, nếu không bị đứt cánh tay thì cũng bị nát một phần xương. Đó là chưa kể đến khi bẫy được lợn, chỉ mỗi việc đến gần nó không thôi đã quá khó, vì rất có thể có những con cùng bầy tìm đến giải thoát cho con dính bẫy. Trong trường hợp này, phải hun khói thật nhiều để đuổi chúng đi và làm cho con lợn trong bẫy ngộp khói mới có thể đến gần, quẳng dây buộc nó lại thật kĩ trước khi gỡ bẫy. Toàn bộ những việc này đều do Hồ tự tay làm. Cũng may là cho đến bây giờ, Hồ và các bạn cùng lứa đều được thần đại ngàn che chở nên chưa gặp chuyện rủi ro nào.

Không có cơm ăn, áo mặc, không có tuổi thơ

Không riêng gì trẻ em dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị mà trẻ em người Thái Trắng, Dao Đỏ, H.Mong ở các huyện miền núi Nghệ An, Thanh Hóa đều có số phận hết sức nghiệt ngã, thiếu ăn, thiếu mặc, không có tuổi thơ bởi cha mẹ của các em quá nghèo, việc học hành của các em phải bỏ dở, đó là chưa nói đến vấn nạn rượu chè, buôn lậu, ma túy đang hoành hành ở những nơi này.

Hà Nhiếp, bé trai 15 tuổi, người Thái Trắng ở Quan Hóa, Thanh Hóa, chia sẻ: “Thế ở đây mưa chan nắng cháy, lấy đâu ra. Những ngày thế này thì mình tranh thủ đi khuôn đá trên thủy điện Trung Sơn. Từ ngày thủy điện này về thì cũng có người làm ăn ra nhưng nhiều người cũng đề đóm cũng nhiều. Ở đây khổ, khó sống.”

Theo Nhiếp, kể từ ngày công trình thủy điện Trung Sơn mọc lên ở đây, nạn đề đóm, ma túy và nghiện rượu diễn ra khắp bản. Những người dân bản nhận tiền đền bù đất vườn và đất rừng chưa biết làm gì thì những tay lô đề, cờ bạc và ma túy xuất hiện ở đây. Họ đã dần vét cạn tiền của người dân. Kết cục, nghèo vẫn hoàn nghèo, đói vẫn cứ đói mà không còn đất để canh tác, thanh niên, người đang độ tuổi lao động lại tứ tán làm thuê, cũng có kẻ trở thành nát rượu, và không thiếu thanh niên đi theo đường dây buôn lậu, vận chuyển ma túy.

    Thế ở đây mưa chan nắng cháy, lấy đâu ra. Những ngày thế này thì mình tranh thủ đi khuôn đá trên thủy điện Trung Sơn. Từ ngày thủy điện này về thì cũng có người làm ăn ra nhưng nhiều người cũng đề đóm cũng nhiều. Ở đây khổ, khó sống
    Hà Nhiếp

Nhiều trẻ em ở các huyện miền núi đồng lứa với Nhiếp phải đi vận chuyển ma túy để được hưởng vài chục ngàn đồng, được ăn một bữa ngon. Lớn hơn một chút, chừng mười bảy, mười tám tuổi thì có người đi vận chuyển hàng lậu, có người đi rừng tìm gỗ quí bán cho đầu nậu, cũng có người đi tìm trầm hoặc làm cò số đề cho các nhà cái dưới thành phố. Nhìn chung, chẳng có tương lai nào khác cho trẻ em miền núi. Thất học, đói khổ, u ám là môi trường gần gủi với các em nhất.

Riêng bản thân Nhiếp, cũng từng có lần đi mang hàng trắng cho một người thành phố bằng cách băng đường rừng đến điểm tập kết lấy hàng và mang đến một điểm khác. Lần đi đó thoát chết nhưng để lại cho Nhiếp một ký ức đáng sợ bởi thái độ bí ẩn, khó hiểu của người lớn, tạo cho em cảm giác có thể bị giết bất kì giờ nào nếu như em đi không đúng hướng dẫn của họ hoặc làm mất túi đựng hàng.

Cũng theo Nhiếp, hầu hết các bạn đồng lứa của em chẳng thể nào có tuổi thơ, bởi sự nghèo đói, thiếu ăn thiếu mặc, cha mẹ không có tiền để nuôi con đã đẩy các em vào chỗ bỏ học sớm, lao động cật lực để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Với những gì đang nếm trải, tương lai của trẻ em đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn có thể u ám hơn thời cha mẹ của chúng. Vì thới đó, ít nhất sự dốt nát, nghèo đói cũng có tính chia đều trên toàn miền Bắc, khác với bây giờ, khi mà miền Bắc đã quá giàu có, trong khi số phận các em đang đi ngược về thời nguyên thủy. Một tuổi thơ nhuộm màu nguyên thủy và tội ác. Làm sao các em có thể biết được ngày Quốc tế Thiếu nhi? Đó là câu hỏi không lời đáp cho trẻ em dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.

Switch mode views: