Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người Chăm bán thuốc Nam tại Sài Gòn


Thoạt tiên tôi lấy làm lạ khi nhìn thấy hai phụ nữ đi cùng nhau kẻ trước người sau, một người trẻ chạc ngoài ba mươi tuổi và người kia hơn bốn mươi.

nguoicham banthuoc 1Phụ nữ Chăm bán thuốc Nam dạo tại Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Cả hai mặc áo tay dài, váy quấn của người Chàm bằng vải mềm nhiều màu nhưng óng ánh lên sắc chỉ xanh dương, vai đeo tay nải to tướng, đi chầm chậm dọc theo hẻm. Họ không tươi cười mời chào mà với vẻ mặt lặng lẽ đưa mắt nhìn hai bên ra dáng đang bán một thứ hàng nào đó mà không thấy rao.

Mặc dù nước da vốn dĩ đã ngăm ngăm nhưng giống như mọi phụ nữ bán hàng rong, họ đi dép nhưng mang vớ, tay đeo bao tay và cả khẩu trang kín mít để chống cái nắng gay gắt cuối mùa khô.

Hẻm cụt nên lát sau, họ quành lại. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Hai chị bán gì hay tìm ai?

Họ thấy có người kêu dừng lại ngay. Người phụ nữ trung niên không ngại ngần bước vào cổng nhà tôi trong khi người trẻ mời mọc nói chuyện với bà hàng xóm cũng đang tò mò hỏi han.

Y phục, vẻ mặt và giọng nói lơ lớ cho thấy họ gốc dân tộc thiểu số và họ cũng tự giới thiệu là người Chàm Phan Rang Bình Thuận. Chị trung niên trả lời:

-Chúng tôi đi bán thuốc Nam.

Trong số hàng rong bán đủ thứ hàng bán thượng vàng hạ cám lại có cả bắt mạch bán thuốc rong. Thật ra không phải bây giờ mới có người Chàm đi bán thuốc.

Thuốc Nam gia truyền đúng bệnh chữa rất hay. Tôi nhớ lại trước kia bị sứt một móng chân cái làm độc. Khi ấy đi qua Sài Gòn, tôi thấy một số người Chàm ngồi sắp hàng bán thuốc bên hông chợ Bến Thành. Tôi bước qua nhanh nhưng có ông cụ ngậm bút bằng cây níu tay kéo tay tôi lại rất hăm hở rồi nói:

-Tôi trông sắc mặt anh hơi kém. Hãy ngồi lại tôi coi mạch rồi cho thuốc uống cho hết bệnh.

Thấy ông ta tha thiết, tôi đứng lại và chỉ xuống ngón chân đang bị sứt móng và sưng tấy lên làm độc. Tôi hỏi:

-Ông có thuốc gì chữa cho hết mủ độc ở ngón chân tôi không?

Ông già người Chàm móc trong bao thuốc đưa tôi giống như một củ nghệ nhỏ bằng ngón tay cái và dặn:

-Anh về mài với nước cơm rồi thoa lên ngón chân rồi, giã thêm ngải bó vào ngón, chân sẽ lành ngay.

Ông ta lấy tiền rất rẻ và nói thêm:

-Cứ về làm như tôi dặn sẽ khỏi ngay.

Tôi y lời về đập giập củ ngải núi ấy bó vào ngón chân. Nó mau chóng rút hết mủ và lần lần mọc lại móng mới thật hay. Không lâu sau, khi tôi có dịp quay lại trở lại thì ông đã không còn ở đó nữa. Có lẽ ông đi bán dạo xuống Chợ Lớn hay lục tỉnh rồi. Những người Chàm bán thảo dược hái từ trên rừng luôn di động hết nơi này đến nơi khác chứ không ở cố định một chỗ.

Từ đó tôi tin cậy thuốc Nam. Người phụ nữ lớn tuổi hạ tay nải và ngồi xệp xuống sàn nhà. Tôi khai bệnh:

-Tôi bị chàm ở hai cổ chân đang sưng khiến đau nhức quá. Nhất là lúc này trời lại nóng như lò lửa.

Chị ta trả lời:

-Thuốc trị chàm tôi không có. Để em tôi tới coi mạch và hốt thuốc cho ông.

nguoicham banthuoc 2Một trong những thang thuốc bà phụ nữ người Chăm bán dạo. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Chị ta bấm điện thoại di động gọi cô em đang đứng bán thuốc cho bà hàng xóm trước nhà. Lát sau cô em bước vào. Cô ta mắt sáng, xinh đẹp, Tuy giọng khá cứng đặc biệt của dân thiểu số nhưng ăn nói hết sức linh lợi. Hai người này không có vẻ gì là người tỉnh xa lạ lẫm cả.

Họ quá quen thuộc với việc buôn bán ở thành phố ồn ảo, bụi bặm này từ lâu rồi. Tuy ngồi trong nhà nhưng họ vẫn không bỏ mũ ra, vành mũ vẫn sụp xuống che gần nửa khuôn mặt. Họ quay sang trao đổi với nhau bằng tiếng Chàm, tôi không hiểu gì cả. Tôi nhắc lại:

-Chị có thuốc gì để uống hay thoa cho hết chân tôi không?

Nhìn xuống chân tôi nhưng không có vẻ chú ý lắm, cô ta nói như một người đã thuộc bài từ lâu:

-Tôi coi mạch. Đúng thì ông bảo đúng. Sai thì ông nói sai đừng ngại gì cả.

Rồi như một thầy thuốc giàu kinh nghiệm, cô đặt hai ngón tay vào cổ tay tôi để bắt mạch. Ngón tay ấn nhè nhẹ rất nhanh. Tôi khá bất ngờ khi cô ta chẩn bệnh rất chính xác, kể các triệu chứng và các căn bệnh tuổi già tôi phải chịu đựng suốt mấy năm qua chữa trị hoài không bớt.

Tôi khen ngợi:

-Cô nói đúng và hay lắm. Cô học nghề của ai vậy?

-Ông ngoại chỉ nghề lại cho tôi.

Có lẽ người Chàm vẫn theo tục mẫu hệ nên nghề truyền lại cho cháu gái chăng. Cô ta vạch tay nải trong đó chất đầy các gói thuốc xếp sẵn ngay ngắn:

-Mỗi gói là một thang thuốc. Mỗi ngày một thang. Bỏ vào ấm nấu với ba lát gừng uống thay nước hoặc ngâm rượu uống cũng tốt. Nếu đang dùng thuốc tây thì uống cách thuốc tây một tiếng. Hai chục ngàn một thang. Uống đủ ba mươi thang thì các bệnh đều lui cả, sức khỏe sẽ dồi dào bình thường.

Tôi thoái thác:

-Tôi uống thử xem sao đã.

Cô ta đã quen việc buôn bán, kèo nài mãi ép tôi lấy dùng thử mười thang. Thật khó từ chối, vả đã bắt mạch và nói chuyện một lúc nên, tôi đưa một trăm ngàn. Thế nhưng cô ta lại đưa tổng cộng sáu gói:

-Tôi tặng khuyến mãi làm quen. Nếu ông dùng thấy bớt thì giới thiệu giùm người quen xung quanh cám ơn nhiều. Nếu hết thuốc thì cứ gọi điện thoại tôi sẽ mang thuốc đến tận nhà.

Cô ta đưa tôi mảnh giấy nhỏ ghi vỏn vẹn hàng chữ “cô Út - Bình Thuận – thuốc gia truyền” Ở dưới là số điện thoại di động. Người chị cũng vội vã rút ra đưa thêm cho tôi một tấm giấy khác ghi tên cô Lý cùng số điện thoại riêng. Hai người tuy đi cùng với nhau nhưng có vẻ hàng ai nấy bán. Cô Út có lợi thế biết bắt mạch chẩn bệnh. Cô Lý chỉ đi theo học nghề và bán thuốc.

Tôi thắc mắc:

-Cô có phải về gia đình dưới quê lấy thuốc không?

Bán được hàng nên có vẻ cởi mở hơn, cô ta kể lể:

-Tôi có chồng và hai con ở quê. Vào Sài Gòn chỉ đi bán quanh quẩn các khu vực nội thành: quận 4, quận 8, Bình Thạnh… Vì thế khách quen cứ gọi điện thoại tôi sẽ đến ngay. Chúng tôi thuê nhà trọ ở chung dưới Suối Tiên, mấy chị em ở với nhau. Buổi sáng, chúng tôi đón xe buýt vào thành phố đi dạo bán thuốc suốt ngày, chiều đến lại đón xe buýt về nhà trọ. Khi nào bán hết thuốc thì gọi điện thoại ra người nhà gửi hàng theo xe khách vào thành phố. Vào dịp lễ tết, chúng tôi mới thăm nhà chứ không về thường xuyên tốn tiền xe.

Khi họ đi khỏi, tôi cầm gói thuốc ra phòng thuốc Đông y gần đó hỏi. Thầy lang mở ra, cầm các mảnh thuốc màu trắng ngà, độ ba loại từa tựa nhau xem xét một lúc, rồi nhận xét:

-Đây là cây thuốc Nam đã bóc vỏ, vạc miếng ngay ngắn nên không nhận rõ được nguyên liệu. Mỗi miền Bắc Trung Nam, cao nguyên hay đồng bằng, Kinh hay Thượng đều có những bài thuốc khác nhau nên khó đoán. Tuy nhiên thuốc làm sạch sẽ, có thể là thuốc bổ giúp ăn ngon miệng hơn.

Tôi cầm gói thuốc về, đi ngang qua nhà bà hàng xóm, lại thấy bà ta đang đứng trước cửa mở gói thuốc ra săm soi và hết lời ca ngợi cô người Chàm kể bệnh rất đúng. Vì thế mà bà mua một lúc mười lăm gói thuốc. Tôi ghé vào xem thứ thấy giống y như gói của mình không khác mảy may.

Thì ra thang thuốc duy nhất chữa bá bệnh trên đời. Nếu là thuốc bổ thì cũng tốt, miễn là không hại. Từ hôm ấy đến nay, hơn hai tuần, chưa thấy hai chị em người Chàm ấy đi ngang qua.

Switch mode views: