Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria thông qua luật bầu cử Tổng thống mới loại trừ đối lập

al assad

Tổng thống Syria Bachar al-Assad trong một cuộc họp các lãnh đạo đảng Baas tại Damas ngày 8/3/2014.
REUTERS/SANA/Handout via Reuters


Hôm qua, 13/03/2014, Quốc hội Syria đã thông qua một đạo luật mới nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống, dự tính sẽ được tổ chức trong những tháng tới.

Về mặt lý thuyết, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua, đạo luật mới về bầu cử của Syria chấp nhận có nhiều ứng viên, theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2012.

Bản Hiến pháp này thừa nhận « đa nguyên về chính trị », xóa bỏ sự thống trị của đảng Baas cầm quyền từ nửa thế kỷ qua, thế nhưng, các điều khoản trong đạo luật mới về bầu cử đã ngăn cản, trên thực tế, các chính khách thuộc phe đối lập, hiện đang sống lưu vong, ra tranh cử Tổng thống.

Theo đạo luật mới về bầu cử, như ứng viên phải sống liên tục 10 năm tại Syria vào thời điểm ra ứng cử, không được có quốc tịch nào khác ngoài quốc tịch Syria.

Trong khi đó, Liên minh đối lập Syria, được coi là bên đối tác chính của phương Tây, lại đặt trụ sở ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống chưa được công bố, nhưng theo luật pháp Syria, thì cuộc bầu cử Tổng thống phải được tổ chức trong vòng 2 đến 3 tháng trước khi ông Bachar Al Assad kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào ngày 15/07/2014.

Ông Bachar Al Assad lên làm Tổng thống Syria năm 2000, sau khi người cha của ông, cũng là Tổng thống, qua đời.

Năm 2007, ông Assad tái đắc cử. Mặc dù chưa tuyên bố chính thức, nhưng ông Assad có rất nhiều khả năng lại ra ứng cử tiếp một nhiệm kỳ thứ ba, như ông đã từng tuyên bố với AFP hồi tháng Giêng vừa qua.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, phụ trách hồ sơ Syria, ông Lakhdar Brahimi, thì đạo luật mới về bầu cử Tổng thống của Syria cùng với khả năng ông Assad lại ra ứng cử, sẽ phá hỏng vòng đàm phán giữa chính quyền Damas và phe đối lập, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria, bởi vì một trong những yêu sách chính của phe đối lập là ông Assad phải ra đi.

Tại New York, ông Brahimi bày tỏ lo ngại : « Nếu có bầu cử Tổng thống, tôi lo ngại là phe đối lập, tất cả phe đối lập, sẽ không quan tâm đên việc thảo luận với chính phủ Syria nữa ».

Hai vòng đàm phán giữa phe đối lập và chính quyền Damas, hồi tháng Giêng và tháng Hai vừa qua, đã không mang lại kết quả gì.

Còn tại Syria, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trong ba năm qua, kể từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng, hơn 140 ngàn người đã thiệt mạng, tình trạng nhân đạo ngày càng trầm trọng, khoảng 9 triệu người phải đi lánh nạn.
Bên cạnh đó, có ít nhất một triệu trẻ em Syria không có được sự trợ giúp nhân đạo của quốc tế.



Switch mode views: