Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điễm báo pháp quốc ngày 15-03-2014

 Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng vì ô nhiễm không khí

CHINA-POLLUTION4


Tòa nhà đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tại Bắc Kinh chìm trong khói mù ô nhiễm hôm 04/03/2014.
REUTERS/Jason Lee/Files


Liên quan đến thời sự Châu Á hôm nay 15/03/2014, báo Le Monde có bài viết : « Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc gây căng thẳng với Nhật Bản ».

Theo thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo, không chỉ có các vấn đề lịch sử và lãnh thổ gây xung khắc cho mối quan hệ Trung-Nhật mà còn có cả ô nhiễm môi trường, do Trung Quốc thải ra những hạt bụi mù gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Vấn đề là khói mù ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng tại Trung Quốc do nhu cầu sử dụng than quá lớn đã lan sang cả bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Ngày 26/02 vừa qua, nồng độ các hạt bụi ở phía Tây Nhật Bản vượt 70 micro gram/m3, mức độ mà người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, tránh ra đường.

Ô nhiễm gia tăng, các cuộc biểu tình thể hiện sự phẫn nộ cũng liên tục nổ ra, trong một đất nước mà người dân vốn rất nhạy cảm với vấn đề môi trường và những vấn đề đến từ Trung Quốc.

Tokyo rất khó mà nhân nhượng cho nạn ô nhiễm đến từ nơi khác, trong khi chính phủ đã nỗ lực hết mình từ những năm 1960, 1970 để hạn chế những khí độc hại cho sức khỏe con người trong quá trình hoạt động công nghiệp và sản xuất ô-tô.

Khí thải của xe chạy bằng động cơ diesel được quy định nghiêm ngặt. Vào tháng Giêng năm nay, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á, Takehiko Nakao đã kêu gọi hai quốc gia Nhật-Trung « gác qua một bên những xung khắc để cùng hợp tác vì môi trường ».

Nạn ô nhiễm bụi mù trở thành đề tài được chú tâm hàng đầu trên trang chủ của lãnh sự quán Nhật tại Trung Quốc. Đại diện ngoại giao Nhật liên tục khuyến cáo « mang khẩu trang đặc biệt khi ra ngoài » hay « dùng máy lọc không khí tại nhà ».

Tháng 10/2013, trong một buổi hội thảo về chủ đề này, bác sĩ Kazushi Miyatake, làm việc cho lãnh sự quán Nhật, khuyên người dân nên đi nghỉ xa Trung Quốc và thay đổi công việc.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự định cấp tiền « đền bù ô nhiễm » cho nhân viên làm việc tại Trung Quốc chịu nạn ô nhiễm.

Tập đoàn Nhật Panasonic đặt tại Trung Quốc từ năm 1978 là công ty đầu tiên thi hành quyết định này. Nissan cũng cho biết đang cân nhắc về vấn đề này. Honda thì trợ giúp tài chính cho những nhân viên lắp đặt máy lọc không khí, còn Canon thì phân phát khẩu trang. Hitachi cho biết, một số kiều bào Nhật sẽ cho gia đình hồi hương.

Có điều nghịch lý, ô nhiễm lại là cơ hội làm ăn cho các nhà công nghiệp Nhật. Ước tính, người Trung Quốc có thể mua một triệu máy lọc không khí hàng năm. 4/10 máy lọc không khí được bán tại Trung Quốc mang nhãn hiệu Nhật Bản như Panasonic, Daikin, Sharp.

Damas-Kiev : chiến tranh lạnh mới

Nga-Mỹ bất đồng trên hai hồ sơ lớn là khủng hoảng tại Syria và Ukraina, nhật báo Le Monde nhận định về đề tài này qua bài xã luận đề tựa: “Damas-Kiev: cuộc chiến tranh lạnh mới”.

Ngày mai, tại Crimée sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý nhằm sát nhập vùng tự trị này vào Nga. Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Nga Sergeï Lavrov đã gặp nhau tại Luân Đôn và cả hai đều biết rằng sau cuộc bỏ phiếu tại Crimée, Washington sẽ đáp trả bằng một loạt những trừng phạt mà Hoa Kỳ đã báo trước và Mátxcơva cũng sẽ có hàng loạt biện pháp trả đũa.

Tờ báo nhận định, trừ khi có một phép lạ chính trị-ngoại giao, nếu không thì sự đối đầu giữa Mỹ và Nga sẽ dâng cao. Ngày 18/02, trong lúc mà khủng hoảng tại Kiev đang bùng phát, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tố cáo Nga ngầm phá hoại mọi thương lượng với Syria khi “bán thêm vũ khí” cho chế độ Al-Assad.

Nhật báo Le Monde đặt câu hỏi: phải chăng, chương trình giải trừ vũ khí hóa học tại Syria đã dậm chân tại chỗ từ 3 tháng nay là một sự ngẫu nhiên? Mọi sự diễn ra cứ như dưới thời chiến tranh lạnh.

Trên mặt trận Syria cũng như Ukraina, Hoa Kỳ và Nga vẫn là hai thế lực đối đầu. Một số nhà quan sát cho rằng bi kịch tại Syria chỉ có thể chấm dứt khi Nga-Mỹ thuận hòa. Cho đến bây giờ thì Nga vẫn gây cản trở.

Tại Liên Hiệp Quốc, Nga cản trở mọi hình phạt, thậm chí mang tính tượng trưng, đối với chế độ sát nhân Al-Assad mà Nga cung cấp vũ khí. Tác giả bài xã luận cam đoan rằng, Nga sẽ tăng cường phá rối trong hồ sơ Syria do những xung khắc giữa Nga và Mỹ về khủng hoảng Ukraina.

Được che chở, Bachar Al-Assad đã ghi thêm điểm. Vào tháng Sáu tới, Tổng thống Bachar Al-Assad sẽ tổ chức bầu cử dân chủ trá hình và ông sẽ tái đắc cử cho nhiệm kỳ mới.

Ba năm nội chiến tại Syria

Nhiều nhật báo Pháp cũng quan tâm đến tình hình tại Syria sau ba năm nội chiến. Đặc biệt, nhật báo Aujourd’hui en France nêu lên những con số thống kê đầy đau thương.

Cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài Bachar Al-Assad đã làm gần 150 000 người thiệt mạng.

Năm 2013 được xem là năm đẫm máu nhất, với hơn 73 000 người chết, chưa kể đến rất nhiều vụ hãm hiếp, tống tiền và các hình thức tra tấn khác. 17 000 người Syria mất tích và hàng chục nghìn người bị chế độ Assad cầm tù.

250 000 người sống trong cảnh thiếu thốn, tại những thành phố thường bị máy bay chính quyền Damas dội bom. 500 000 người sống trong những khu vực mà không ai vào tiếp tế lương thực được.

Hiện tại, 9,5 triệu người Syria đang cần giúp đỡ. 2,5 triệu người đã phải chạy sang các nước láng giềng tỵ nạn, trong khi đó, 6,5 triệu đã tản cư trong nước. 5,5 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Syria.

Nhiều trẻ em bị tổn thương, 2 triệu trẻ có thể phải cần được chữa trị hoặc phải được bác sĩ tâm lý theo dõi.

50% dân số thất nghiệp. Một nửa dân số đang sống dưới ngưỡng nghèo đói. Hàng chục nhà báo phương Tây bị bắt làm con tin tại Syria.

Nhiều vụ bắt cóc với động cơ tôn giáo và bắt giữ đối lập cũng xảy ra thường xuyên tại nước này.

Khủng hoảng Ukraina làm tăng giá lúa mì và ngô

Mục kinh tế báo Le Monde nhìn sang cuộc khủng hoảng tại Ukraina nhưng dưới góc độ kinh tế qua bài viết : « Khủng hoảng Ukraina làm tăng giá lúa mì và ngô ».

Theo tờ báo, giá cả của hai loại ngũ cốc này đã tăng từ 19% lên 25% từ tháng Giêng.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ukraina là nhà xuất khẩu lúa mì xếp hàng thứ 6 trên thế giới, sau Nga và Hoa Kỳ hai quốc gia giữ vị trí quán quân.

Ukraina tự nhận danh hiệu nhà xuất khẩu đứng thứ 3 về ngô. Nền nông nghiệp là thế mạnh kinh tế chính của nước này. Vấn đề hiện nay là rối loạn trong việc vận chuyển tại Hắc Hải, do tình hình khủng hoảng tại Ukraina và căng thẳng leo thang với Nga.

Đồng nội tệ Ukraina rớt giá so với đồng đô la từ đầu cuộc khủng hoảng, nên người nông dân đã ngần ngại bán nông phẩm trong điều kiện như vậy.

Theo ông Portier, tổng giám đốc công ty tư vấn Agrite, “đồng nội tệ Ukraina giảm giá làm tăng giá thành phân bón, các sản phẩm kiểm dịch thực vật thường phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Liệu khủng hoảng tài chính sẽ buộc người nông dân bỏ trồng ngô để chuyển sang trồng các loại cây mà giá thành sản xuất ít tốn kém hơn như đậu nành, hoa hướng dương, lúa mạch ? »

Tình trạng bấp bênh trên càng làm cho tỷ giá hai loại ngũ cốc là lúa mì và ngô tăng. Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn do hoạt động đầu cơ tích trữ.

Rô-bốt đe dọa một số công ăn việc làm

Cũng trên lĩnh vực kinh tế, tạp chí Le Nouvel Observateur có bài viết : « Rô-bốt đã cướp việc làm của tôi ! ». Theo tạp chí, với sự ra đời của nhiều loại rô-bốt tối tân và một làn sóng tự động hóa công việc, một số việc làm bị đe dọa như nhân viên bán hàng, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên ngân hàng, kế toán, dịch giả, tài xế taxi, người giao hàng…

Tại Mỹ, 47% việc làm có nguy cơ bị tự động hóa trong 20 năm tới. Ngày nay, không còn cần cắt giảm việc làm của nhân viên bán hàng vì đa số mua hàng qua mạng, không cần tuyển nhân viên ngân hàng để cho bạn vay tín dụng hay bán các sản phẩm khác vì bạn có thể quản lý chúng trên điện thoại smartphone, không còn cần tuyển nhân viên kế toán vì ngày nay, người ta chỉ cần mua các phần mềm để làm việc này.

Theo tạp chí, tại Hoa Kỳ, nghề luật sư cũng đang bị đe dọa bởi một số chương trình phân tích ngữ nghĩa có thể tổng hợp một triệu văn bản.

Billy Herr, chuyên viên tư vấn pháp lý nhận xét : « Con người còn thấy chán, đau đầu chứ máy vi tính thì không ».

Máy móc giờ đây cũng đáng tin như con người. Một nghiên cứu tại Israël cho thấy bản án được tuyên sau giờ ăn trưa thường nhẹ hơn trước giờ nghỉ ăn trưa của thẩm phán trong khi máy móc thì không có điểm yếu này.

Tuy nhiên, có một số công việc mà máy móc vẫn chưa thay thế được, đó là những việc đòi hỏi khả năng quan hệ tốt hay có tính sáng tạo như nghề tâm lý trị liệu, chuyên viên tư vấn gia đình, nghệ sĩ, bác sĩ, kiến trúc sư, thợ cắt tóc, thợ trang điểm…

Trang nhất các báo Pháp

Báo động ô nhiễm tại Pháp là đề tài được nhật báo Le Monde quan ngại ngay trên trang nhất.

Tờ báo thiên tả Libération nhìn lại ba năm sau nội chiến tại Syria với dòng tựa : « Đêm tối Syria ».

Tờ báo thiên hữu Le Figaro thì quan tâm đến vụ chuyển nhượng tập đoàn viễn thông đứng hàng thứ hai của Pháp SFR và gọi đây là một vố đau của chính phủ Pháp. Trang nhất nhật báo Công giáo La Croix chú ý đến triển lãm du lịch sẽ mở cửa vào ngày 20/3, nhắm đến loại hình « du lịch ký ức », như thăm các bảo tàng lịch sử. Hình thức du lịch này đang thu hút nhiều người Pháp. "Làm thế nào để trẻ lâu ?" là tựa trên trang nhất của nhật báo Aujourd’hui en France.

Nhìn sang hai tờ tạp chí, tờ L’Express ghi nhận trên trang nhất : « Người Pháp lũ lượt ăn kiêng ». Họ kiêng cử đủ thứ, nào là đường, muối, thịt, cá, tinh bột…Tuần báo cho rằng trào lưu này đang trở thành một hiện tượng trong xã hội, phản ánh những bận tâm, lo âu của con người ngày nay.

Còn tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến vụ cựu tổng thống Sarkozy bị nghe lén với dòng tựa : « Vì sao Sarkozy sợ ».


Switch mode views: