Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-11-2013
- Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2013 20:42
- Tác Giả: Minh Anh
Cúp Thế giới Qatar 2022 và nạn lao động nô lệ
Lao động nhập cư trên một công trường ở à Doha, ngày/ 3/10/2013.
AFP PHOTO / AL-WATAN DOHA / KARIM JAAFAR
« Qatar : hàng ngàn nô lệ lao động trên các công trường của Cúp bóng đá Thế giới » là hàng tít lớn trên trang nhất báo Le Monde số ra ngày cuối tuần 19/10/2013.
Vẫn còn chín năm nữa mới khai mạc giải vô địch bóng đá Thế giới Qatar 2022, nhưng đã có đến hàng trăm lao động Đông Nam Á bỏ mạng tại đây, để lại sau lưng ước mơ đổi đời.
Lẽ ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này phải là niềm kiêu hãnh cho chiến lược gây ảnh hưởng, tiểu vương quốc giàu có đó lại phải đối mặt với vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử : hy sinh hàng ngàn tính mạng công nhân cho « vị thần bóng đá ».
Phụ san Thể thao của Le Monde có bài điều tra chi tiết vụ việc qua tựa đề ấn tượng « Hồ sơ đen của Qatar ».
Theo lời thuật của một số nhân chứng tại chỗ với phóng viên nhật báo thì họ phải làm việc 11 giờ / ngày và sáu ngày trong tuần. Thậm chí, trong hai tháng nóng nhất nhiệt độ có thể lên đến 50°C, công nhân cũng không được phép nghỉ giải lao trong khoảng thời gian từ 13g30 đến 15 giờ, theo như quy định của luật hiện hành.
Giữa người lao động và chủ có một sự ràng buộc khá chặt chẽ. Người được tuyển dụng, kể cả người phương Tây, không được quyền ngưng hợp đồng lao động mà không có ý kiến của nhà tuyển dụng.
Le Monde ghi nhận mỗi năm, lao động đến từ các quốc gia Đông Nam Á chiếm đến 80% trong số hai triệu dân của Qatar.
Thế nhưng, hàng trăm người đã phải rời khỏi quốc gia giàu có này trong chiếc quan tài. Họ phải bỏ mạng tại đất nước mà họ tin rằng sẽ bắt đầu một cuộc đời mới. Sức trẻ bị vắt kiệt trong những điều kiện lao động khắc nghiệt.
Các chuyên gia của Liên hiệp Công đoàn Quốc tế (CSI) khi đến điều tra tại Qatar ước tính là ít nhất 4000 lao động nhập cư sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của họ cho cúp bóng đá tại Qatar.
« Số công nhân bỏ xác trong suốt quá trình xây dựng các cơ sở hạ tầng còn nhiều hơn là số cầu thủ đến tham gia giải », bà Sharan Burrow, Tổng thư ký CSI dự đoán.
Ngoài việc phải lao động liên tục dưới nắng nóng gay gắt, các công nhân lao động nhập cư còn sống trong tình trạng bấp bênh, bất hợp pháp.
Hầu hết các nhà thầu tuyển dụng thứ cấp lập lờ chuyện giấy tờ định cư cho họ, khiến số người này không thể gởi tiền về nhà hay đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện công. Đó là chưa kể đến chuyện lương bổng thì thấp và luôn bị trả chậm.
Chỗ ở chật hẹp (4 người sống trong căn phòng 15m²) và bẩn thỉu. Hầu hết những người hiểu rõ vấn đề này đều có chung nhận định là phần lớn công nhân thiệt mạng vì bị kiệt sức, sốt cao và bị mất nước.
Thế nhưng, tờ báo còn cho hay các con số do các đại sứ quán đưa ra mới là « rùng mình ». Chẳng hạn, theo Đại sứ quán Ấn Độ, cộng đồng nhập cư lớn nhất tại xứ sở giàu hỏa này, đã có đến 237 người thiệt mạng trong năm 2012.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2013, máy đếm xác đã nhảy lên con số 157, với đỉnh điểm là 27 nhân mạng trong tháng Tám vừa qua.
Nhìn sang người láng giềng là Nepal, quốc gia góp lao động nhập cư đông thứ hai (400 ngàn kiều dân), số liệu thống kê đưa ra cũng không kém phần hãi hùng : 200 người chết mỗi năm, theo như một nguồn thạo tin xin giấu tên.
Như vậy là « chính phủ Qatar bị giam hãm trong chính trò chơi của mình », Le Monde nhận định.
Giành được quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, triều đại Al-Thani đã tự đặt mình dưới tầm ngắm của giới báo chí và các tổ chức Nhân quyền.
Nhiều vụ tai tiếng trước đó cũng đã rộ lên : mua chuộc lá phiếu của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA, vung tiền đầu tư ồ ạt trong lãnh vực thể thao …
Giờ đây, ngoài vấn đề có nguy cơ tổ chức giải cầu lớn này vào mùa đông vì lý do nhiệt độ mùa hè gay gắt như Hỏa Diệm Sơn, tiểu vương quốc Ả rập này phải đối mặt với vụ tai tiếng ầm ĩ nhất trong lịch sử ngắn ngủi của mình.
Dưới danh nghĩa bóng đá, quốc gia giàu nhất hành tinh này có nguy cơ trở thành « mồ chôn những kẻ vô sản » tại sa mạc.
Dân số già, lương tăng : Bắc Kinh tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới
Tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc trong quý III năm nay đã tăng trở lại, đạt mức 7,8%.
Phụ san Kinh tế của tờ báo thiên hữu Le Figaro tấm tắc khen qua hàng tựa « Bắc Kinh thúc đẩy thành công tăng trưởng kinh tế ».
Phụ san Kinh tế và Doanh nghiệp của báo Le Monde thì lại cho rằng : « Dân số già, lương tăng : Bắc Kinh đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới ».
Nhiều chỉ số đưa ra cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang khởi sắc trở lại : Tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng lên lại mức 7,8%, sản lượng công nghiệp và khai thác mỏ tăng lên 10,2%, chỉ số bán lẻ trong tháng Chín tăng 13,3%.
Theo tờ báo, đây chính là kết quả của một loạt các biện pháp phục hồi kinh tế do Bắc Kinh đề ra trong mùa hè năm nay, chủ yếu là các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường sắt, nhà xã hội, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
« Điều đó đã giúp cho thị trường thấy rõ quyết tâm duy trì mức tăng trưởng của chính phủ », theo như nhận định của một chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng J P Morgan tại Trung Quốc.
Dù vậy giới quan sát vẫn tỏ ra dè dặt, tự hỏi liệu sự hồi phục đó có thể kéo dài bao lâu, do bởi nó được dựa trên những phương pháp thúc đẩy tăng trưởng cổ điển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nghĩ rằng việc đảm bảo một mức tăng trưởng tối thiểu trong năm « sẽ cho phép các nhà hoạch định tập trung vào các chính sách cải cách kinh tế ». Vì lý do này, chính quyền Bắc Kinh hiện nay chỉ sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định ở con số 7-8%, chứ không phải là 10% như những năm 2000.
Theo họ, có rất nhiều yếu tố giải thích cho việc gia giảm mức tăng trưởng này, trong đó, dân số là yếu tố hàng đầu. Dân số Trung Quốc ngày càng già đi và hiện tượng lão hóa dân số đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Do tỷ lệ dân số già ngày càng tăng, trong tương lai, thị trường lao động sẽ bị chao đảo, do đất nước sẽ ngày càng thiếu nhân công.
Hiện nay, tại các vùng công nghiệp duyên hải, do thiếu lao động, mức lương tại đây đã tăng nhanh (+15%), hơn là sản lượng công nghiệp (+9-10%) trong vòng một năm qua.
Bà Françoise Lemoine, chuyên gia kinh tế của CEPII, Trung tâm nghiên cứu và thẩm định kinh tế quốc tế, phân tích rằng : « Do vấn đề dân số, đô thị hóa, phát triển an sinh xã hội đã khiến cho giá thành lao động tăng mạnh. Như vậy là Trung Quốc giờ không thể nào tiếp tục dựa vào nhân công giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng ».
« Shutdown » : Dân chúng mất niềm tin vào chính phủ
Trở lại vụ « shutdown » tại Hoa Kỳ, tờ thiên tả Libération có bài nhận định cho rằng mười sáu ngày phải đóng cửa chính phủ đã làm tăng hố sâu ngăn cách giữa người dân Mỹ và chính phủ.
Bài viết đề tựa nhận định « Shutdown : Bài học về mối ngờ vực đối với Washington ».
Những phân tích đầu tiên về tác động của vụ « shutdown », theo đó chính quyền Washington đã cho đóng cửa tất cả các dịch vụ công nào được cho là « không chính yếu » đã cho thấy những tác động nghịch lý của chúng.
Nhà Trắng muốn tin rằng qua vụ đóng cửa các công sở trong vòng 16 ngày qua, người dân Mỹ có thể hiểu rằng các cơ quan này cần thiết đối với họ dường nào.
Đối với đảng bảo thủ Tea Party, sự việc là một bằng chứng hiển nhiên rằng « vắng mợ chợ vẫn đông », cuộc sống vẫn tiếp tục dù là không có chính phủ.
Thế nhưng, đối với giới quan sát, vụ «shutdown » lại cho thấy sự mất niềm tin vào chính phủ ngày càng tăng.
Theo một thăm dò do viện Gallup thực hiện, ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, đã có đến 80% số người được hỏi cho rằng chưa bao giờ hay « thi thoảng » tin vào khả năng chính phủ « làm điều gì đó là đúng ».
Ông Steven J.Weyne, giáo sư sử học trường Đại học Georgetown tại Washington quan sát thấy là « Cuộc khủng hoảng trong những tuần vừa qua xác nhận phần nào cảm giác chung rằng chính phủ hoạt động không hiệu quả.
Người Mỹ đã có thái độ hai chiều đối với chính quyền liên bang, từ hơn 200 năm nay. Nói ngắn gọn, họ không thích nhà nước, trừ khi nào họ cảm thấy thật sự cần mà thôi ».
« Leonarda »: Gây náo động tại Pháp
Chính trường Pháp mấy ngày qua khá ầm ĩ xung quanh vụ việc một nữ sinh gốc Kosovo bị trục xuất khỏi nước Pháp ngay trong buổi đi thực tế với trường.
Chủ đề này vẫn được các tờ báo Pháp hôm nay tiếp tục khai thác với nhiều nhận định trái chiều nhau.
Tờ thiên hữu Le Figaro đặt một câu hỏi lớn trên trang nhất : « Leonarda có trở lại Pháp hay không ? ». Đối với tờ báo, đây quả là một câu hỏi hóc búa dành cho chính phủ thuộc đảng Xã hội.
Cho dù kết quả điều tra có như thế nào đi chăng nữa, chính phủ của ông Hollande cũng không chọn lựa nào khác ngoài những giải pháp tồi tệ.
Nói một cách ngắn gọn, theo như lời của vị dân biểu thuộc đảng Xã hội, « Nếu nữ sinh đó trở lạ đượci, đây là thất bại của Nhà nước Pháp quyền. Còn nếu như cô này không quay lại được, phe tả sẽ lại xâu xé lẫn nhau ».
Thế thì người Pháp nghĩ sao về vụ việc ? Le Parisien công bố một kết quả thăm dò do BVA thực hiện cho thấy « Người Pháp ủng hộ Valls », theo như tựa đề bài viết. 2/3 số người được hỏi phản đối việc cho phép Leonarda quay lại Pháp.
Và 74% người dân Pháp đồng tình với vị Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls. Tuy nhiên, cũng có đến 46% số người được hỏi cảm thấy bị sốc với cách can thiệp của cảnh sát ngay giữa buổi đi thực tế học đường, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ biểu tình của giới học sinh tại nhiều thành phố của Pháp.
Nhật báo Le Monde thì kỹ lưỡng hơn gởi phóng viên đến tận Kosovo để điều tra về gia đình của Leonarda. Tờ báo mô tả lại cho thấy cuộc sống của gia đình cô nữ sinh tại Kosovo cũng khá là tươm tất, không đến nỗi khó khăn như trong trí tưởng tượng.
Tại đây, phóng viên tờ báo phát hiện ra rằng gia đình của Leonarda đã nói dối về thân thế và nguồn gốc xuất xứ, khai gian giấy khai sinh để có thể xin tỵ nạn tại Pháp.
Chính vì điểm này mà « Gia đình Dibrani (họ của bố cô nữ sinh), một trường hợp khó bào chữa », như nhận định của Libération. Bởi vì, cha của cô liên tục đưa ra những lời dối trá. Le Figaro tường thuật chi tiết các chứng cứ giả mạo để xin giấy tờ tỵ nạn tại Pháp.
Thế nhưng Tòa án Quốc gia về quyền tỵ nạn đã phát hiện ra và ba lần từ chối đơn xin của gia đình.
Angkor : Viên ngọc mong manh, nạn nhân của chính sự thành công
Trong khi bảo tàng Guimet tại Paris mở một triển lãm, khôi phục danh dự cho viên sĩ quan thủy quân Louis Delaporte, người có công họa lại những tác phẩm và những tài liệu quý giá về đền Angkor của Campuchia, và cũng là người đầu tiên thành lập bảo tàng Đông Dương đầu tiên tại Paris
Phóng viên nhật báo Công giáo La Croix đã trực tiếp đến thăm đền Angkor. Bất chấp các nỗ lực của hơn 30 nhóm chuyên gia quốc tế, công tác bảo tồn các đền đài hoàn toàn bị quá tải.
Tờ báo ưu ái đưa tít lớn trên trang nhất « Kho báu của Angkor », đính kèm theo tấm ảnh chụp dãy tượng bán thân các vị thần Hindu bằng đá khổng lồ, nằm dọc theo con đường dẫn đến khu đền Bayon nổi tiếng, xây dựng vào cuối thế kỷ XII.
Theo con số thống kê trong năm 2012, có đến 3 triệu lượt du khách đến tham quan Angkor. Dự tính đến năm 2015, số du khách ước tính sẽ lên đến 7 triệu.
La Croix tự hỏi “Làm thế nào có thể chứa hết được lượng đông du khách như vậy, trên những công trình kiến trúc mong manh, được xây dựng cách đây hơn 10 thế kỷ?”
Kể từ khi khu đền được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của nhân loại vào năm 2004, Angkor trở thành nạn nhân của chính sự thành công.
Để bảo vệ khu đền, một loạt các biện pháp điều chỉnh giao thông trong khuôn viên rộng đến 400 km² như cấm lưu thông các loại xe car trên 25 chỗ ngồi…Đồng thời một dự án phát triển lối đi dành cho xe đạp và xe ô-tô điện cũng đang được tiến hành.
Kêu gọi du khách tôn trọng các di tích cổ cũng trở nên rất khẩn cấp. Sự thiếu ý thức tuân thủ các luật lệ quy định hay các hướng dẫn việc bảo tồn các di khảo cổ vẫn không được tôn trọng.
Chỉ tính riêng công tác dọn dẹp vệ sinh, chính quyền vùng Apsara phải tốn đến 30 ngàn đô-la Mỹ mỗi tháng. Nếu nhìn trong tổng số tiền thu được từ việc bán vé cho du khách, thì quả thật số tiền trên chỉ là hạt cát.
Thế nhưng, chính quyền Campuchia trưng thu đến ¾ số tiền thu được, phần còn lại (khoảng độ từ 8-10 triệu đô-la) là để cho công tác trùng tu và bảo dưỡng khu đền.
La Croix cũng lấy làm tiếc là do khu vực đền quá bao la, nên trong số 200 công trình kiến trúc của Angkor, chỉ có 98 địa điểm được đưa vào danh sách UNESCO, và chỉ có những khu vực đền nổi tiếng mới được các nhóm trùng tu quốc tế quan tâm đến.
Đó là chưa kể đến việc do có đến 16 nhóm trùng tu quốc tế khác nhau, mỗi nhóm mỗi kiểu làm. Hậu quả là nhiều chỗ phải làm đi làm lại nhiều lần và có những điểm khập khiểng giữa vết tích cũ và mới.
La Croix đơn cử ví dụ các chuyên gia Trung Quốc đã không ngần ngại làm lại một số cái đầu hoàn toàn mới cho các nhân vật khổng lồ uy nghi nằm dọc theo các lan can của khu đền Preah Khan bị các tên trộm cưa mất.
Tin mới
- Thủ tướng Pakistan thăm Mỹ, một chuyến công du trọng yếu - 23/10/2013 19:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2013 - 23/10/2013 19:22
- Malaysia tăng cường võ trang đề phòng Trung Quốc - 23/10/2013 18:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2013 - 22/10/2013 22:09
- Brunei ban hành luật Hồi giáo - 22/10/2013 17:56
- Greenspan lo ngại về nợ Mỹ - 21/10/2013 21:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2013 - 21/10/2013 20:13
- Kêu án chung thân cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ - 21/10/2013 20:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2013 - 20/10/2013 19:40
- Mỹ hiện đại hóa căn cứ quân sự tại Hàn Quốc - 20/10/2013 19:25
Các tin khác
- Syria : Tấn công đẫm máu ở ngoại ô Damas - 19/10/2013 19:45
- Hiệp định TPP có thể thúc đẩy cải cách ở Việt Nam - 19/10/2013 17:06
- Obama chỉ định cựu viên chức Ngũ Giác Ðài làm bộ trưởng Nội An - 19/10/2013 02:52
- Ả Rập Xê Út từ chối làm thành viên Hội Đồng Bảo An - 19/10/2013 01:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2013 - 18/10/2013 20:13
- VN nhất quyết làm điện hạt nhân - 17/10/2013 22:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-11-2013 - 17/10/2013 22:03
- Nước Pháp trên con đường tái chinh phục Việt Nam - 17/10/2013 16:32
- Tổng thống Mỹ ban bố đạo luật cho phép nâng trần nợ công và mở cửa các công sở - 17/10/2013 16:24
- Chính phủ Mỹ tạm thoát vỡ nợ vào phút chót - 17/10/2013 04:16