Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-11-2013
- Thứ Năm, 17 tháng Mười năm 2013 22:03
- Tác Giả: Thu Hằng
Châu Phi : Pháp muốn thay đổi chiến lược
Tổng thống Pháp François Hollande (T) và đồng nhiệm Jacob Zuma tại trụ sở chính phủ Nam Phi, Pretoria, 14/10/2013
REUTERS
Quan hệ giữa Pháp và Châu Phi được phụ trang « Địa chính trị » của nhật báo Le Monde phân tích dưới tựa đề : « Tại Châu Phi, Pháp muốn thay đổi chiến lược ». Ngoài quan hệ lịch sử lâu dài, Châu Phi thu hút các doanh nghiệp Pháp nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, như nhiên liệu và khoáng sản.
Thế hệ ngoại giao mới của Pháp hiện nay đang bị các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy để đưa Pháp ra khỏi khu vực Cộng đồng Phi nói tiếng Pháp không mang lại nhiều lợi nhuận.
Chỉ tính riêng khu vực Nam Sahara, chưa tính khu vực Nam Phi, các quốc gia Châu Phi Pháp ngữ chiếm 19% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này, trong khi đó các quốc gia Anh ngữ chiếm 47%.
Ngoài ra, tăng trưởng của các quốc gia Đông Phi thuộc khối Anh ngữ sẽ cao gấp 2-3 điểm so với Tây Phi thuộc khối Pháp ngữ. Lý do giải thích sự khác biệt này chính là tư tưởng viên chức - nhược điểm tồi tệ nhất- mà các lãnh thổ cũ của Pháp thừa hưởng.
Trong khi đó, các thuộc địa cũ của Anh lại được hưởng ưu điểm tối ưu là đầu óc kinh doanh. Một nhà kinh tế học người Sénégal nêu lên một số lý do khác, như chế độ hưu trí và vai trò tai hại của đồng Franc chung của 14 nước thuộc Liên hiệp kinh tế và tiền tệ Tây Phi (CFA).
Ủng hộ việc phải phát triển đầu tư sang các nước Châu Phi Anh ngữ, một nhà ngoại giao Pháp nhận định : « Đừng có nhầm lẫn giữa di sản thuộc địa và quan hệ mật thiết của chúng ta với những đòi hỏi chiến lược của nước Pháp ở thế kỷ 21 này.
Nước Pháp phải thiên về những nền kinh tế đang phát triển, tập trung chủ yếu ở Nam Phi, Nigeria, Ghana và Ethiopie. Những nước này có tiền và có nhu cầu ».
Từ năm 1990, Pháp giảm bớt đầu tư trên toàn lục địa đen này, ngay cả tại khu vực mà Pháp biết rất rõ. Xuất khẩu Châu Phi tăng 16% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong khi đó, Pháp đánh mất từ 10 đến 20 điểm thị phần tại khu vực này.
Cạnh tranh Pháp-Anh tại Châu Phi không phải là vấn đề từ ngày hôm qua. Mới đây, Cơ quan Pháp về phát triển (AFD) hướng đầu tư của mình về các nước Phi Anh ngữ. Nam Phi và Kenya là hai điểm đến quan trọng nhất.
Tình trạng nghèo khó tại Pháp vẫn quan ngại
Ngày 17/10 là Ngày quốc tế chống nghèo. Hai báo cánh tả Libération và L’Humanité quan tâm tới hoạt động của tổ chức ATD Quart-Monde trong quá trình giúp đỡ người thất nghiệp tìm việc làm và tái hội nhập.
Bài phóng sự của hai tờ báo trên cho biết tình trạng nghèo khó vẫn là vấn đề nan giải tại Pháp.
Theo con số mà tờ Libération đưa ra, năm 2011, Pháp có 8,7 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó, chiếm khoảng 14,7% dân số, tăng thêm 1 triệu người từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu, những người được coi là nghèo khó có mức thu nhập chỉ đạt 60% mức thu nhập trung bình. Tại Pháp là 976 euros (60% của 1628 euros). Thế nhưng, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Pháp (INSEE) luôn quy định ngưỡng nghèo khó là 50% mức thu nhập trung bình, tức là 814 euro.
Trong bài : « Xưởng chống nghèo », tờ Libération nêu lên điển hình của hội ATD Quart-Monde trong cuộc chiến chống nạn thất nghiệp và tình trạng nghèo khó. Tổ chức này có một xưởng giúp tìm việc làm và hỗ trợ hàng trăm người, cùng với một công ty thu hồi máy tính cũ, TAE (Travailler et apprendre ensemble).
Nhân Ngày Quốc tế chống nghèo, tổ chức này xuất bản cuốn : « Chấm dứt với những ý nghĩ sai về người nghèo và tình trạng nghèo khó » với hy vọng phá vỡ những định kiến và nhấn mạnh nỗi khổ kép mà người nghèo phải gánh chịu.
Tờ L’Humanité cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng người nghèo đã chịu mọi khó khăn tài chính và còn bị kì thị. Tờ báo trích lại một câu trong cuốn sách trên : « Nghèo, không chỉ là thiếu thu nhập, mà hàng ngày còn phải chống chọi với nhục nhã. Phải chịu hàng loạt kiểu phân biệt ».
Trong cuốn sách : « Đã nghèo lại tốn kém hơn » của Martin Hirsch cũng xuất bản ngày hôm nay, cựu ủy viên các vấn đề Tương ái dưới thời Sarkozy, chua cay nhận định : « Để sống nghèo thì cũng phải có khả năng tài chính ». Ông cho biết, người nghèo phải chi nhiều hơn những người khác từ 6-8% trên tổng thu nhập hàng tháng của mình cho bảo hiểm, đi lại, y tế hay nhà ở.
Vì nghèo nên họ phải ở xa, như vậy phải trả tiền đi lại nhiều hơn, hoặc phải trả thêm hơn 33% cho bảo hiểm ô tô...
Mỹ thoát khỏi khủng hoảng « Shutdown »
Quay sang Mỹ, cường quốc số 1 thoát khỏi « Shutdown » đều là chủ đề trọng tâm của các báo Pháp. Sau hai tuần chìm trong khủng hoảng và chỉ hai ngày trước hạn chót, Mỹ tạm thời thoát khỏi nguy cơ phá sản nhờ Nghị viện và Tổng thống Barack Obama đã tìm được một thỏa thuận chung.
Le Figaro thở phào nhẹ nhõm cho nước Mỹ : « Washington tìm được giải pháp cho khủng hoảng "shutdown" ».
Nhận định về thỏa thuận vào phút chót này, phóng viên tờ báo cho rằng đây là thành công của Tổng thống Obama và thái độ cứng rắn của ông trước phe đối thủ. Hai tuần vừa qua, Đảng Cộng Hòa đã mất 20 điểm theo kết quả thăm dò.
Trong khi đó, họ không đạt được kết quả gì cụ thể về luật y tế mà họ muốn loại bỏ để đổi lại việc bỏ phiếu ngân sách.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng như các báo Le Monde và Libération đều cho rằng đây chỉ là kết quả tạm thời. Tờ Le Monde nhận định : « Tại Mỹ : hỗn loạn ngân sách không hồi kết ».
Còn tờ Libération cũng tỏ ra lo ngại : « "Shutdown" : nước Mỹ tạm nghỉ ». Chính phủ của Obama được phép nâng trần mức nợ công cho phép chi trả tới ngày 15/01/2014. Hết thời hạn này, cuộc đấu tranh giữa hai Đảng lại có nguy cơ bùng nổ.
Cũng theo tờ báo, sau cuộc khủng hoảng này, nước Mỹ phải hàn gắn vết thương kinh tế và chính trị. Vì trong vòng 15 ngày đen tối, khoản nợ của Mỹ tăng thêm 17%, theo đánh giá của Bi-partisan Policy Center. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cũng đã xếp nợ của Mỹ vào vòng ngắm đỏ.
Về mặt chính trị, đối với ông John Boehner, thuộc đảng Cộng Hòa, đây là một cuộc chiến gây nhiều tổn thất và làm tê liệt hoàn toàn Đảng của mình trong những ngày vừa qua. Nếu lỗi hoàn toàn do phe Cộng Hòa gây ra, ảnh hưởng của nó cũng có tác động tới Tổng thống Obama.
Một giáo sư tại đại học Virginie đánh giá : « Tổng thống đã để tuột khỏi tay mọi việc từ năm 2010 vừa qua khi dự luật cải cách sức khỏe của ông nằm ỳ tại Nghị viện trong vòng hơn một năm. Từ đó, ông không tài nào làm Nghị viện thông qua cải cách quan trọng này. Hiện nay, ông chỉ đang làm mỗi việc là ngăn cải cách này bị phá hỏng ».
Đàm phán về nguyên tử với Iran
Thuyết trình của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Iran đã đưa ra nhiều điểm bất ngờ cho các nước của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tại vòng đàm phán hạt nhân diễn ra tại Genève thứ Ba và thứ Tư vừa qua.
Cuộc thương thuyết sẽ được nối lại vào ngày 07 và 08/11 tới, cũng tại Genève. Đây cũng là đề tài được các nhật báo Pháp quan tâm.
Trong bài : « Căng thẳng song phương giữa Iran và Hoa Kỳ », Le Figaro cho biết mối quan hệ này đang dịu đi với nhiều dấu hiệu đáng hoan nghênh giữa hai người đồng nhiệm Mỹ và Iran.
Năm cường quốc của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với Đức sẽ nghiên cứu chi tiết những đề xuất mới của Iran. Tờ báo trích ý kiến của một chuyên gia về vấn đề an ninh tại vùng Vịnh cho biết : « Trong vấn đề này, Pháp phải nỗ lực nhiều để tìm lại vai trò chỉ đạo của mình ».
Sau cú chơi của liên minh Mỹ, Pháp tỏ ra không thoải mái với chính sách lưỡng lự của Obama trong các vấn đề quốc tế.
Theo thông tin được đăng trong hai bài : « Nguyên tử tại Iran : khoảnh khắc hòa hoãn » của tờ Libération và « Không khí hòa hoãn tại Genève xung quanh vấn đề hạt nhân Iran » trên tờ L’Humanité, cuộc đàm phán giữa Iran và các Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc diễn ra tốt đẹp.
Phái đoàn Iran đưa ra hai giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn thứ nhất, « xây dựng lại lòng tin với nhau », sẽ diễn ra trong vòng sáu tháng. Giai đoạn thứ hai là Iran sẽ áp dụng những biện pháp kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để minh bạch chương trình hạt nhân của mình, đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế. L’Humanité nhận định, đối với Mỹ, vấn đề an ninh tại khu vực Trung Đông không hẳn là tình hình hạt nhân tại Iran mà chính là tình trạng bất ổn.
Trước những kết quả thu được, trong bài : « Các cường quốc và Iran định ngày gặp mới », La Croix cho biết nước Pháp vẫn tỏ ra nghi ngại. Vì, trung thành với đường lối không nhượng bộ, Paris tỏ ra chưa sẵn sàng như Washington trong việc chấp nhận việc làm giàu uranium vẫn được tiếp tục trên lãnh thổ Iran.
Pháp cho rằng không nên nhượng bộ về trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran nếu Teheran không áp dụng triệt để sáu giải pháp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu ngừng chương trình làm giàu uranium.
Tại Miến Điện, dân chủ và tự do từng bước chậm chạp
Dự luật về hội đoàn vừa được công bố thứ ba vừa qua là một bước tiến trong lịch sử Miến Điện. Cùng với việc ân xá một số tù chính trị, đây là một trong những dấu hiệu có vẻ khả quan của tổng thống Thein Shein.
Tuy nhiên, khi phân tích dự luật này, tờ L’Humanité nhận định : « Tại Miến Điện, dân chủ và tự do từng bước chậm chạp ».
Tờ báo cho biết, trên thực tế, bên cạnh dự luật mới về hội đoàn trên, các cuộc bắt giam các nhà hoạt động không ngừng tăng lên chiểu theo một điều luật khác liên quan tới biểu tình. Miến Điện không ngừng đưa ra những dấu hiệu trái ngược về khả năng chấm dứt quá trình chuyển giao dân chủ của mình.
Dự luật mới vừa được hé lộ nhưng đã nhận được rất nhiều chỉ trích. Theo đó, việc đăng kí thành lập một tổ chức là bắt buộc, với hình phạt có thể lên tới ba năm tù đối với các thành viên và cấm hoạt động. Dự luật ban đầu còn yêu cầu nộp 500 000 kyat (khoảng 400 euro) để thành lập một tổ chức đoàn hội.
Theo thực trạng hiện nay, văn kiện trên vẫn có thể tiếp tục cấm các tổ chức hoạt động cho nhân quyền và quy định chặt chẽ quyền tự do ngôn luận.
Xì-căng-đan bắt và trục xuất một nữ sinh Kosovo gốc Rom
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay đều đăng trên trang nhất vụ xì-căng-đan cảnh sát bắt một nữ học sinh người Kosovo gốc Rom lúc tan học vì gia đình học sinh này sẽ bị trục xuất.
Nhật báo Le Monde đăng tin : « Một người Kosovo bị trục xuất : cánh tả tố cáo Valls ». Bên trong, tờ báo nhận định « Valls bị sức ép sau vụ trục xuất một học sinh người Kosovo ». Tờ Le Figaro chế nhạo : « Vụ Leonarda : Cánh tả bốc hỏa chống Manuel Valls » và « Vụ Leonarda đặt cánh tả trong lửa và máu ».
Báo L’Humanité dự đoán : « Đường dây Manuel Valls sắp đứt ». Còn báo Libération chơi chữ : « Nghị định hạnh kiểm xấu cho Valls ». Báo La Croix nhận định : « Việc trục xuất một gia đình Kosovo lại gây chia rẽ cánh tả ».
Tin mới
- Kêu án chung thân cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ - 21/10/2013 20:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2013 - 20/10/2013 19:40
- Mỹ hiện đại hóa căn cứ quân sự tại Hàn Quốc - 20/10/2013 19:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-11-2013 - 19/10/2013 20:42
- Syria : Tấn công đẫm máu ở ngoại ô Damas - 19/10/2013 19:45
- Hiệp định TPP có thể thúc đẩy cải cách ở Việt Nam - 19/10/2013 17:06
- Obama chỉ định cựu viên chức Ngũ Giác Ðài làm bộ trưởng Nội An - 19/10/2013 02:52
- Ả Rập Xê Út từ chối làm thành viên Hội Đồng Bảo An - 19/10/2013 01:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2013 - 18/10/2013 20:13
- VN nhất quyết làm điện hạt nhân - 17/10/2013 22:14
Các tin khác
- Nước Pháp trên con đường tái chinh phục Việt Nam - 17/10/2013 16:32
- Tổng thống Mỹ ban bố đạo luật cho phép nâng trần nợ công và mở cửa các công sở - 17/10/2013 16:24
- Chính phủ Mỹ tạm thoát vỡ nợ vào phút chót - 17/10/2013 04:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2013 - 16/10/2013 23:33
- Quốc hội Mỹ chỉ còn vài giờ để tránh cho Hoa Kỳ bị vỡ nợ - 16/10/2013 22:45
- Nguyên tử : Iran chấp nhận bị thanh tra bất ngờ - 16/10/2013 20:27
- Hungary : Một cựu lãnh đạo Cộng sản bị truy tố vì tội ác chiến tranh - 16/10/2013 20:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2013 - 15/10/2013 21:48
- Việt-Trung thỏa thuận gia tăng hợp tác kinh tế để làm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền - 15/10/2013 16:18
- Hoa Kỳ : Cuộc chạy đua nước rút tránh để bị vỡ nợ - 15/10/2013 00:54