Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2013

 Trung Quốc : Tập Cận Bình theo Mao hơn theo cha ?

xi timbres


Bộ tem mang hình ông Tập Trọng Huân, cha của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 15/10/2013
REUTERS/Stringer


Kết cục cuộc đọ sức về ngân sách Mỹ vẫn còn dư âm trên báo chí Pháp hôm nay, 18/10/2013. Riêng Châu Á được tờ Le Monde chú ý với hai bài báo về Trung Quốc, đặc biệt bài về thân phụ ông Tập Cận Bình, một anh hùng cách mạng Trung Quốc, từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng.

Nghịch lý được Le Monde nêu bật là dù đang khai thác di sản chính trị của cha mình, đương kim Chủ tịch Trung Quốc lại có biểu hiện theo Mao hơn là theo cha.

Trong bài viết mang tựa « Di sản người cha của Tập Cận Bình là con dao hai lưỡi », Brice Pedroletti, thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh đã ghi nhận một sự kiện khác thường : Ngày thứ Ba, 15 tháng 10 vừa qua, sinh nhật thứ 100 của ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), người cha quá cố của đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tổ chức một cách rầm rộ bất ngờ.

Ngay tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, nhân vật số một tại Trung Quốc, cùng với mẹ và vợ, đã tham dự một buổi lễ tưởng niệm nhà anh hùng cách mạng, qua đời năm 2002 ở tuổi 88.Một bộ tem kỷ niệm đã được phát hành, trong lúc đài truyền hình phát sóng sáu bộ phim tài liệu về cuộc đời của nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc, từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng vào năm 1962, và mãi đến đầu thập niên 1980 mới được Đặng Tiểu Bình phục hồi, giao cho nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc cải tổ kinh tế thí điểm tại Quảng Đông.

Tính chất rầm rộ của lễ mừng sinh nhật ông Tập Trọng Huân, theo báo Le Monde đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về dụng tâm của ông Tập Cận Bình, muốn thu hoạch lợi ích chính trị từ việc tôn vinh công trạng của cha mình.

Đối với thông tín viên Le Monde, ông Tập Cận Bình có thể khai thác được hai yếu tố trong di sản của cha mình. Ông Tập Trọng Huân đã tham gia cách mạng rất sớm, và sau năm 1949, dù đã trở thành một lãnh đạo cao cấp tại Trung Quốc, ông vẫn rất nghiêm khắc với con cái, nổi tiếng là cần kiệm.

Báo chí Trung Quốc trong những ngày qua không ngớt nêu bật chi tiết là thời nhỏ, hai anh em ông Tập Cận Bình đã bị người cha buộc mặc quần áo cũ của người chị lớn. Chi tiết này đã biện minh cho chiến dịch « thanh đạm » mà ông Tập Cận Bình đang hô hào trong Đảng Cộng sản.

Tập Trọng Huân : Ủy viên Bộ Chính trị từng ủng hộ Hồ Diệu Bang

Yếu tố thứ hai là trong giai đoạn cải cách và mở cửa sau năm 1978, ông Tập Trọng Huân - thành viên của Bộ Chính trị từ năm 1982 đến năm 1987 - đã được biết đến trong tư cách là người ủng hộ Hồ Diệu Bang, cựu lãnh đạo tiến bộ mà tang lễ đã gây ra sự cố Thiên An Môn vào năm 1989. Chi tiết này đã được lướt qua trong một bộ phim tài liệu, và đã gây sôi nổi trong giới blogger Trung Quốc.

Theo Le Monde, các di sản lịch sử đó có lẽ đã cho phép ông Tập Cận Bình đặt quan điểm « giấc mơ Trung Quốc » của ông vào trong một quá khứ Cộng sản vinh quang. Nó cũng giúp ông thu phục các « vương tôn » khác, con cái của những người sáng lập ra chế độ Cộng sản Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình « không ngớt nghi kỵ », theo như nhận định của nhà báo bất đồng chính kiến Cao Du (Gao Yu).

Thế nhưng, đối với Le Monde, di sản của ông Tập Trọng Huân củng có thể là một con dao hai lưỡi : Cha của ông Tập Cận Bình được giới trí thức tự do Trung Quốc xem như một nhân vật đi đầu trong chủ trương tự do hóa, là biểu tượng của tinh thần khoan dung chống lại đường lối cứng rắn, không chỉ dưới thời Mao nhưng cả dưới thời Đặng.

Theo nhận xét của nhà ly khai Cao Du, chính vì đã chống lại quyết định dùng vũ lực đàn áp phong trào Thiên An Môn vào năm 1989 mà ông Tập Trọng Huân đã bị Đặng Tiểu Bình kín đáo loại trừ bằng cách gởi ông đến một nhà dưỡng lão ở Thâm Quyến. Chi tiết này, theo Le Monde, lẽ dĩ nhiên không xuất hiện trong tiểu sử chính thức nặng tính tô hồng của ông.

Riêng sử gia Dương Kế Thằng (Yang Jicheng), tác giả tập sách bị cấm mang tựa « Mộ bi (Mộ bia) » - đã được Nhà xuất bản Seuil dịch ra tiếng Pháp năm 2012 – viết về nạn đói khủng khiếp thời Mao Trạch Đông, thì thấy rằng ông Tập Trọng Huân là một nhà cải cách chính trực, một nạn nhân của chế độ Mao Trạch Đông, một người đã dám « bảo vệ các ý kiến khác nhau » vào năm 1984, khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị.

Có điều, theo sử gia Dương Kế Thằng, một « giọng điệu » nào đó, và một số phương pháp độc tài của ông Tập Cận Bình, cho thấy là ông gần với Mao Trạch Đông hơn là giống cha mình.

Trung Quốc : Dân khổ vì lụt nhưng chính quyền vẫn tự đắc

Trong bài báo khác, phóng viên Le Monde quan tâm đến nỗi bực tức người dân thành phố Dư Diêu (Yuyao). Là nạn nhân vụ lụt lội chưa từng thấy từ một thế kỷ nay do cơn bão Fitow gây ra, họ đã xuống đường tố cáo sự tắc trách, bất lực của chính quyền địa phương, trong lúc truyền thông địa phương thì lại ca ngợi thành tích.

Tác giả bài phóng sự Harold Thibault, tỏ vẻ bực tức không kém người dân của thành phố 1 triệu người này.

Cơn bão quét qua ngày 07/10, nhưng đến nay, hai phần ba nơi này vẫn còn bị ngập nước. Người dân biểu tình ngày thứ Tư 16/10, tố cáo sự chểnh mảng của chính quyền trong việc giúp đỡ họ và đòi lãnh đạo thành phố từ chức. Họ đã bị cảnh sát chống bạo động đến nơi giải tán.

Điều càng làm cư dân Dư Diêu phẫn nộ là báo chí, đài truyền hình tại đây không ngớt lời ca ngợi nào là « tình tương thân tương ái », nào là nỗ lực của chính quyền, đã giúp cuộc sống người dân nhanh chóng trở lại bình thường.

Trong lúc đó, thực tế thì khác hẳn, hàng chục ngàn người không có điện, nhà vẫn bị ngập. Chính một phóng sự truyền hình ca ngợi thành tích của chính quyền đã đẩy người dân ra đường biểu tình.

Theo tác giả bài báo, một bức ảnh được lưu truyền càng làm dân chúng phẫn nộ thêm : Bức hình cho thấy một viên chức mang giầy da thật đẹp được một người dân cõng trên lưng để đi qua môt nơi bị lụt.

Phóng viên Le Monde lấy làm tiếc là việc người dân bực tức xuống đường đã không làm chính quyền nao núng và thay đổi cách thông tin, cứ vẫn tự đắc. Bí thư Đảng bộ Dư Diêu, còn tự cho mình điểm trên trung bình 60/100.

Kết quả các vụ này là những thông tin trên mạng về Dư Diêu, có liên hệ đến tên ông Bí thư Đảng bộ và điểm của ông tự cho, đều bị kiểm duyệt.

Shutdown tại Hoa Kỳ : Thẳng lợi mỏng manh của Obama

Còn về tình hình Hoa Kỳ, trong hàng tựa đầu trang nhất, báo La Croix rút ra : « Những bài học kinh nghiệm của một cuộc khủng hoảng ». Cũng trong dòng tựa lớn ở trang nhất, Le Monde nói đến sự kiện « Obama phục hận ».

Le Figaro nêu bật trong một dòng tít trang đầu sự kiện ông Obama củng cố được vị thế trong cuộc đọ sức với đảng Cộng Hòa, trong khi Les Echos nhận thấy rằng nhờ thắng lợi, dù mong manh, Tổng thống Mỹ muốn đẩy nhanh các cải tổ.

Trở lại với kết cục vụ shutdown ở Mỹ, nhìn chung các báo Pháp đều tán thưởng chiến thắng của Tổng thống Obama, nhưng e ngại cho những ngày sắp đến.

Trong bài xã luận trang nhất tựa đề « Thách thức đối với ông Obama », la Croix phân tích : Người ta có thể thắng một trận mà không thực sự thắng cuộc chiến. Ông Obama đang trong tình cảnh này. La Croix không quên nhắc nhở là kết cục chỉ rất tạm thời, phải thương lượng lại trước cuối năm nay.

Tổng thống Mỹ đã tránh được các cạm bẫy, giữ được thể diện, củng cố được uy tín, nhưng đối thủ của ông, nhiều tiền, tổ chức tốt, rất năng nổ, sẽ tìm mọi cách để phá khuấy, và ngăn cản bước tiến của ông trên các hồ sơ khác.

Le Figaro ở trang quốc tế cũng cùng nhận xét, Tổng thống Obama không phải là không thấy các thách thức phải đối phó. Tờ báo ghi nhận trong hàng tít : « Shutdown : Obama tránh không hô hào thắng lợi ».

Les Echos thì đánh giá là ông Obama đã nắm lại tình hình và trước thế yếu của phe Cộng Hòa, ông muốn đẩy nhanh cải tổ.

Tờ báo cũng nêu bật việc ông Obama đã củng cố được vị thế qua cuộc đọ sức vừa qua. Trong bài phỏng vấn, giáo sư chính trị học đại học Columbia Robert Sapiro đã tỏ ý hài lòng tìm thấy lại ông Obama của năm 2008, năng nổ, không ngần ngại đối đầu.

Trong các tháng đầu năm nay, uy tín của Tổng thống Mỹ đã sứt mẻ nhiều. Ông bị chỉ trích trên vai trò lãnh đạo, trên nhiều hồ sơ từ Syria cho đến vấn đề an ninh quốc nội. Ông cho thấy đã mất đi tinh thần chiến đấu, luôn tìm thỏa hiệp. Nhưng vừa qua thì khác, không nhượng bộ trên hồ sơ bảo hiểm y tế, không ngần ngại ra trận.

Tuy nhiên trong cuộc đấu sắp tới vào tháng Giêng, ông Obama phải cần đến sức mạnh của ông như cho thấy vừa qua, vì không chắc ông sẽ đạt chiến thắng đẹp đẽ như hiện nay.

Putin khiêu khích : Châu Âu bối rối

Căng thẳng Nga Châu Âu sau một loạt sự cố đã được báo Le Monde quan tâm, dành bài xã luận phân tích tình hình mà tờ báo tóm lược trong hàng tựa : « Sự bối rối của Châu Âu trước hành động khiêu khích của Putin ».

Trong phần mở đầu bài báo, Le Monde nhắc lại một sự cố mới xẩy ra gần đây tại Matxcơva, tuy nhỏ nhưng đã gợi lại những ký ức không tốt đẹp chút nào đối với một số nhà ngoại giao và nhà báo hoạt động ở thủ đô nước Nga thời Liên Xô trước đây. Sự cố đó, theo tờ báo Pháp, là dấu hiệu cho thấy cách thức mà nước Nga của Vladimir Putin áp dụng trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu : Một sự so sánh lực lượng có thể trở thành hung bạo.

Sự cố đó là như sau : Tối thứ Ba 15 tháng 10 vừa qua, nhân vật số hai của Đại sứ quán Hà Lan tại Nga, ông Onno Elderenbosch, đã bị hành hung khi về nhà riêng tại Matxcơva. Sau khi buộc ông phải mở cửa cho họ vào bên trong, hai kẻ lạ mặt đã đánh đập và trói gô ông lại, ném ông xuống đất trước khi đập phá căn hộ của ông. Họ không ăn cắp bất cứ thứ gì mà chỉ dùng son môi vẽ trên một tấm gương hàng chữ « LGBT », biểu tượng của phong trào đồng tính Nga .

Theo Le Monde, vụ hành hung nhà ngoại giao Hà Lan tại Matxcơva mang dáng dấp của một chiến dịch trả đũa thô bạo, do một « cơ quan » nào đó của điện Kremlin tiến hành, vì một tuần trước đó, cảnh sát Hà Lan đã can thiệp vào nơi cư trú của nhân vật số hai thuộc Đại sứ quán Nga tại La Haye, bị tình nghi đánh đập con cái. Tổng thống Nga Putin ngay lập tức đã đòi « một lời xin lỗi ».

Đối với nhật báo Pháp, kiểu trả đũa thô bạo kể trên chính là phương thức từng được KGB - cơ quan mật vụ thời Liên Bang Xô Viết - áp dụng để hù dọa các nhà ngoại giao và nhà báo bị cho là quá thân cận với giới ly khai.

Hành động trả đũa nhắm vào các nhà ngoại giao nói trên, theo Le Monde, đã diễn ra vào lúc Matxcơva đang đọ sức với Bruxelles trên vấn đề mở rộng vùng ảnh hưởng : Nga tìm cách ngăn không cho một số quốc gia láng giềng – trong đó có Ukraina và Moldovia – xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu hơn.

Vào lúc Bruxelles đề nghị các nước này ký kết thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu, ông Putin lại muốn buộc các láng giềng đó tham gia liên minh thuế quan mà Nga đã thành lập với Kazakhstan và Belarus.

Giấc mơ của Tổng thống Nga là biến tập hợp đó thành một Liên hiệp Á-Âu vào năm 2015, với mục tiêu tạo ra một khối nước do Nga lãnh đạo, gần giống như Liên Xô trước đây.

Vấn đề, theo Le Monde, là chủ nhân điện Kremlin không chỉ chống phương Tây về mặt lập trường, quan điểm. Ông còn sử dụng các phương tiện khác như ngăn chặn việc nhập khẩu rượu từ Moldovia và nhiều loại thực phẩm từ Ukraina.

Từ bắt chẹt, gây áp lực kinh tế, thậm chí quân sự trong trường hợp Gruzia, cho đến các hành vi xã hội đen nho nhỏ để cảnh cáo, tất cả đều có ích cho Nga trong việc đe dọa nước khác.

Điều đáng tiếc, theo Le Monde, là Liên Hiệp Châu Âu đã phản ứng qua yếu ớt, theo phong cách cố hữu của mình. Sau khi đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong quan hệ của mình với ông Putin, giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu như đang tìm cách duy trì một đường lối khó thực hiện : Giữ khoảng cách trong quan hệ chính trị và thắt chặt giao lưu kinh tế.

Đối với Le Monde, ông Putin có thể là một đối tác thô bạo, nhưng nếu biết đoàn kết, các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ có một lợi thế lớn trong tư cách là một chàng khổng lồ so với nền kinh tế Nga. Vấn đề là liệu Châu Âu có dám cho Nga thấy trọng lượng chính trị đại diện cho uy lực kinh tế đó hay không.

Pháp : Bão tố chung quanh chính sách trục xuất người nhập cư

Vụ một nữ sinh 15 tuổi người Kosovo, bị trục xuất về nước trong lúc đang đi học tiếp tục được báo giới Pháp bình luận, nhất là khi vụ việc đã lên đến bàn làm việc của Tổng thống Pháp François Hollande.

Báo Le Figaro, cánh hữu bảo thủ nhận thấy là Tổng thống « Hollande vướng trong bẫy của vụ Leonarda ». Leonarda Dibrani là tên cô nữ sinh trung học vừa bị trục xuất cùng với cả gia đình vì thuộc diện người nhập cư bất hợp pháp.

Libération, bên cánh tả độc lập thì đưa ra lời kêu gọi chung : « Vấn đề Leonarda, vấn đề người Roms, các vụ trục xuất : Thưa ngài Tổng thống, xin ngài hãy giải thích ». Điều mà tờ báo phê phán ông Hollande chính là thái độ tuyệt đối im lặng của ông.

Nhật báo Cộng sản L’Humanité thì bày tỏ thái độ công phẫn trước hai trường hợp học sinh bị trục xuất mới đây : cô Leonarda và một thanh niên người Armenia tên là Khatchik. Tờ báo ghi nhận : « Hàng ngàn học sinh đã xuống đường… Tất cả đều đòi cho Leonarda và Khatchik được trở lại Pháp và một sự thay đổi trong chính sách nhập cư ».

Người đứng mũi chịu sào trong vụ trục xuất nữ sinh Leonarda dĩ nhiên là Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls. Ông đã phải gánh chịu rất nhiều lời đả kích, kể cả từ những nhân vật trong đảng Xã Hội của ông.

Nhật báo Công giáo La Croix đã trích đăng bài phỏng vấn bà Marie- Noelle Lienemann, cựu Bộ trưởng, người thường được xếp vào cánh tả của đảng Xã Hội. Theo nhân vật này, ông Manuel Valls đã « khiêu khích cử tri cánh tả ». Người hiện đang là Thượng nghị sĩ khẳng định là giờ đây, Bộ trưởng Nội vụ sẽ « phải chịu trách nhiệm .... ».


Switch mode views: