Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lao động Việt sang Lào, lao động TQ sang Việt Nam


cuakhau viet laoCửa khẩu quốc tế Lao Bảo nối liền Việt - Lào. RFA

Mùa mưa bắt đầu, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đồng áng đã vào dịp ngủ đông, người lao động rảnh rỗi tăng, hay nói cách khác là lượng thất nghiệp tăng vọt khắp các miền đất nước, nhu cầu tìm việc làm cũng tăng tỉ lệ. Tuy các khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn để người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc ồ ạt sang lao động thời vụ và lao động lâu dài nhưng lao động Việt Nam lại phải tìm sang một nước khác để làm thuê. Đương nhiên là chuyện sang nước ngoài làm thuê có lắm nỗi nhiêu khê và cũng không phải nước nào cũng dễ dàng để lao động Việt Nam sang làm việc. Họa hoằng lắm mới có nước bạn Lào chấp nhận để người Việt sang làm những việc lặt vặt.

Người Việt Nam sang làm việc ở Lào

Một người tên Thúy, ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế, có chồng đi làm thuê trên đất Lào, chia sẻ: “Nếu mà anh đi làm một tháng ba mươi ngày thì được khoảng mười triệu, không thì cũng được, sáu, bảy triệu. Ăn ở thì mình ở trong rừng, che láng rồi ở, thực phẩm thì mình ra bản mua vào để ăn cả tuần. Không mưa bão thì đi cả bốn, năm tháng ảnh mới về một lần. Ban đầu thấy nhớ nhưng riết rồi quen chứ răng chừ, ảnh ở nhà cũng giống vậy thôi, ảnh cũng đi làm, mình cũng ở nhà giữ con cũng giống như anh đi Lào vậy đó!”.

Theo bà Thúy, vì sống ở quê, không có công việc trong mùa nông nhàn nên chồng của bà buộc phải xa rời vợ và đứa con thơ chưa đầy ba tháng tuổi để sang Lào làm thuê. Việc sang Lào cũng không mấy khó khăn, chỉ cần làm một hộ chiếu, sau đó xin vào một công ty xây dựng có bản doanh tại Lào với công việc phụ hồ, như vậy là thủ tục tạm ổn, việc còn lại chỉ là tiền nong để phòng thân.

    Nếu mà anh đi làm một tháng ba mươi ngày thì được khoảng mười triệu, không thì cũng được, sáu, bảy triệu. Ăn ở thì mình ở trong rừng, che láng rồi ở, thực phẩm thì mình ra bản mua vào để ăn cả tuần.
    -Cô Thúy

Khi sang Lào, những tháng đầu, chồng bà Thúy phải làm phụ hồ với mức lương rất thấp, tương đương với một ngày lao động ở Việt Nam, không hơn không kém. Nhưng công việc ổn định, không bữa được bữa mất như ở Việt Nam, chính nhờ vào sự ổn định, công việc luôn có này mà nhiều người lao động Việt Nam quyết định chọn nước Lào làm chỗ “đất lành chim đậu”. Trong suốt thời gian làm việc, hầu như không có lúc nào là không có việc, vấn đề là sức khỏe có đảm bảo để làm việc lâu dài hay không mà thôi.

Cũng theo bà Thúy, tuy là công việc phụ hồ, lao động nặng nhọc nhưng giờ giấc làm việc cũng như cách bố trí công việc trên nước Lào có phần mềm dẽo và linh hoạt, giúp cho người lao động không bị sốc vì công việc quá nặng, khác xa với các công trình xây dựng tại Việt Nam luôn tạo không khí quần quật khiến cho người lao động cảm thấy choáng váng, việc trước chưa xong việc sau đã hối thúc bên lưng. Có lẽ nhờ vào cách bố trí công việc hợp lý nên đa phần lao động Việt Nam sang Lào làm việc vẫn giữ được độ bền sức khỏe để theo đuổi mỗi tuần sáu ngày làm việc và liên tục nhiều tháng không sa sút.

Một người từng làm việc tại Lào, tên Hiển, cho biết thêm, thời gian ông làm việc tại Lào là khoản tháng ngày tốt nhất trong nghề thợ hồ của ông. Với mức lương trung bình từ một trăm ngàn đến một trăm năm mươi ngàn đơn vị tiền Lào mỗi ngày, tương đương với số tiền từ hai trăm đến ba trăm ngàn Việt Nam đồng mỗi ngày nhưng công việc ở đây được thu xếp hợp lý, khiến cho người lao động không thấy căng thẳng và phân bố sức lực đều đặn mỗi ngày, không gây lao lực. Chính vì không lao lực nên suốt thời gian làm việc trên nước Lào, ông Hiển không hề bị đau ốm hoặc tổn lực.

tien viet laoMệnh giá tương đương giữa Kíp Lào và Đồng Việt Nam. RFA PHOTO.

Bên cạnh đó, một người Việt thoát khỏi lũy tre làng dù là tạm thời vài tháng cũng là một sự may mắn, bởi ít nhất ông Hiển cũng tiếp xúc được một nền văn hóa khác mà ở đó ông học hỏi được rất nhiều điều về cách làm ăn, nghệ thuật sống cũng như tình nghĩa giữa con người với con người. Đặc biệt là niềm tin giữa người với người.

Ông Hiển nói rằng trong giai đoạn đầu sang Lào làm việc, người Việt Nam đã thu hoạch về rất nhiều tiền của bởi tính giảo hoạt của mình. Với người Lào, tính trung thực được đặt lên hàng đầu, mọi giao dịch mua bán đều thật thà với nhau. Nhưng người Việt thì rất giảo hoạt so với người Lào, kể cả những lao động phổ thông Việt Nam khi sang Lào cũng có thể lợi dụng tính thật thà của các bạn Lào để kiếm tiền. Có lẽ chính vì vậy mà thời gian gần đây, người dân Lào cảm thấy sợ và không tin tưởng người Việt Nam nữa.

Người TQ sang làm việc tại Việt Nam


Và nếu như người Việt Nam sang đất Lào khiến cho người Lào cảm thấy sợ và càng ngày càng khó thân thiện bởi thiếu tính thật thà bao nhiêu thì người Trung Quốc khi sang Việt Nam làm việc, sự hung hăng của họ cũng khiến cho người Việt Nam cảm thấy lo lắng và xa lánh không kém phần.

Ông Vương, từng làm việc ở Lào vào những năm 1996, hiện là giám đốc một công ty dịch vụ cho thuê mặt bằng ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, chia sẻ số lượng người lao động Trung Quốc tại cảng Vũng Áng có thể nói là không kiểm soát được nữa. Mọi thứ thủ tục hành chính chỉ có tính hình thức vậy thôi chứ trên thực tế, ngành công an ở đây đã bó tay từ những ngày có bạo động chứ không phải bây giờ.

Theo ông Vương nhận xét, sở dĩ có cuộc bạo động lớn ở Vũng Áng cách đây vài tháng là vì số người Trung Quốc lao động chui trong khu công nghiệp quá cao, chính vì ỷ lại có nhiều đồng hương còn trấn thủ phía bên trong nên các công nhân người Trung Quốc chuyên quấy rối tha hồ ra ngoài tác oai tác quái, gây sự bất mãn trong nhân dân.

Và nhiều lần tác oai tác quái của họ đã khiến cho người dân chung quanh tức giận, nung nấu một sự trừng phạt nào đó để rồi cuộc bạo động đã diễn ra vào một đêm mà công nhân Trung Quốc đã chuẩn bị tinh thần nghênh chiến với người Việt Nam bằng cách mai phục bên trong khu công nghiệp rồi cho vài người ra nhử người Việt vào bên trong.

Ông Vương nói rằng sở dĩ ông nhắc đến chuyện bạo động Hà Tĩnh là vì theo ông quan sát gần mười năm nay đã có không ít người lao động từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh để kiếm việc làm nhưng vài tháng sau lại phải ngậm ngùi về quê vì thất nghiệp. Trong khi đó, hơn mười ngàn lao động người Trung Quốc đã tràn sang khu công nghiệp này để làm việc. Nếu làm một phép hoán đổi, sẽ có hơn mười ngàn người lao động Việt Nam khỏi phải chạy đôn chạy đáo tìm việc và thất nghiệp. Trong khi đó, giữa người Việt có cùng cung cách văn hóa với nhau dù sao cũng dễ sống, dễ hòa nhập. Sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc như cuộc bạo động vừa qua.

Và, có một nghịch lý là người Việt Nam vì sợ thất nghiệp đã tìm sang một được luôn bị nhà cầm quyền Việt Nam xem là nước kém phát triển hơn Việt Nam như Lào để làm thuê. Trong khi đó, người lao động Trung Quốc lại tràn sang Việt Nam cùng hàng loạt hành vi giảo hoạt, hung hăng của họ. Có lẽ đây là một bài toán không khó nhưng có đáp án rất lạ về thuyên chuyển lao động trong khu vực.

Switch mode views: