Sài Gòn nói lời từ biệt thương xá Tax!
- Chúa Nhật, 28 tháng Chín năm 2014 09:40
- Tác Giả: Văn Lang/Người Việt
SÀI GON (NV) - Theo thông báo, ngày 30 tháng 9, 2014 tới đây, thương xá Tax sẽ chính thức đóng cửa, và sau đó sẽ được “phá hủy” để lấy đất xây một trung tâm thương mại mới, cao khoảng 40 tầng. Còn bà con tiểu thương buôn bán trong thương xá thì cho biết ngày 25 tháng 9 là hạn chót họ phải dọn dẹp di dời khỏi thương xá Tax.
Tâm tư tiểu thươngThương xá Tax trong buổi bán hàng cuối cùng nơi đại sảnh với thông điệp chào từ biệt người dân Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Gặp chị L. chủ một quầy hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ - lưu niệm trong thương xá, chị cho biết đã hơn 20 năm nay chị gắn bó với quầy hàng của mình trong thương xá Tax. Khi hỏi về công việc kinh doanh trong tương lai, chị L. buồn bã lắc đầu: “Hàng này chủ yếu bán cho du khách ngoại quốc. Họ thu xếp cho một chỗ mặt bằng ở quận 8,về đó thì biết bán cho ai? Có lẽ đành nghỉ, hai ba năm nữa họ xây xong tòa thương mại, hy vọng thuê lại được một chỗ?”
Hỏi thăm chị L. có phải “bán đổ, bán tháo” hàng lưu niệm trước khi tới hạn trả mặt bằng? Chị L. cười, cho biết: “Nhiều người lầm nên hổm rày cứ tới trả giá rẻ rề. Thực sự hàng này là hàng lấy mối, làm ăn với nhau uy tín hơn hai chục năm nay. Bây giờ người ta lấy mặt bằng, mình bán không hết thì đem trả lại cho chủ hàng. Họ đem bỏ mối chỗ khác, mai mốt mình có mặt bằng kinh doanh lại, thì vẫn lấy hàng chỗ họ. Lúc ngặt nghèo này ai nỡ làm khó nhau?”
Gặp anh M., một chủ cửa hàng kinh doanh hàng thổ cẩm của người dân tộc và đóng giày “hạt cườm” xuất qua cho du khách Nhật.
Anh M. kể, khoảng năm 90 anh bắt đầu vô thuê mặt bằng kinh doanh trong thương xá Tax. Thời đó còn nghèo lắm, dân kinh doanh chủ yếu là quần áo, bán cho khách Nga, hoặc tìm cách bắt mối xuất hàng qua Ðông Âu, nên khu bán quần áo dưới tầng 1 còn được gọi là “chợ Nga” hay “chợ Ðông Âu.” Ðược ít năm thì hàng “đánh” qua Ðông Âu hết ăn, thấy du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây, Mỹ bắt đầu lác đác xuất hiện, anh M. chuyển qua kinh doanh hàng thổ cẩm, bằng cách tìm ra tới mấy nơi của người Chăm ngoài Phan Rang đặt hàng.Thương xá Tax tràn ngập quảng cáo hàng “Sale up to 50%.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sau anh còn đi tuốt ra mấy tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc để tìm hiểu mẫu mã, đặt hàng cho bà con người dân tộc ngoài đó làm. Nhờ vậy, ngoài việc bán hàng cho du khách ghé thương xá Tax, anh M. còn có những mối làm ăn ở bên Nhật. Khi họ yêu cầu, anh đóng hàng xuất qua đó cho họ. Anh M. cũng kể, “bạn hàng Nhật” rất uy tín, dù chỉ giao dịch qua điện thoại, fax, và chuyển khoản.
Trong khi dân mình, theo anh M. ngoài việc ăn cắp mẫu mã của nhau, làm hàng “dỏm,” bán phá giá, giật mối của nhau, đủ thứ trò, làm cho khách hàng Nhật “chạy mặt,” họ quay qua đặt hàng của Trung Quốc hoặc Ấn Ðộ.
Hỏi thăm về chuyện kinh doanh sau khi phải trả mặt bằng, anh M. tỏ ý rầu rĩ. Anh cho biết mặt bằng hiện nay anh phải trả có 20 triệu đồng/1 tháng. Nhưng nếu chuyển qua trung tâm thương mại VC anh phải trả 100 triệu đồng/1 tháng, mà mặt bằng bên đó nhỏ xíu hà, đâu có được thoải mái như bên đây. Chưa kể số tiền anh phải đóng “thế chân”là một khoản tiền lớn nữa. Như năm 2003, sau khi thương xá Tax được sửa chữa, ký lại hợp đồng thuê mặt bằng anh phải đóng tiền thế chân là 1 tỷ đồng (10 năm qua, tiền vừa mất giá,vừa không được hưởng lãi suất).
Anh M. tính về nhà, vẫn kinh doanh nhưng sẽ kinh doanh qua mạng Internet với sự trợ giúp của người cháu đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT). Dù vậy, anh M. vẫn thấy thèm cái không khí tiếp xúc, giao dịch trực tiếp với khách hàng bao nhiêu năm qua, với dự tính làm ăn qua mạng của đứa cháu, anh thấy nghe sao nó mơ hồ quá...
Gặp dì P., một chủ quầy bán đồ sơn mài tại thương xá Tax, dì cho biết từ ngày nghe tin thương xá Tax sắp “dẹp tiệm,” nhiều cơ quan báo, đài tới quay phim, chụp hình phỏng vấn bà con tiểu thương. Sau đó thì hầu hết bà con ai trả lời phỏng vấn thì đều bị ban quản lý mời lên “làm việc.” Chúng tôi thắc mắc lý do thì được dì P. giải thích, là tại vì có một tờ báo viết là bà con tiểu thương nói là hàng ở thương xá Tax mà đem về đường P.H. (quận 8) thì chỉ có nước đem chất đống...làm củi. Sự thật theo dì P. thì bà con chỉ nói là hàng đem qua bên quận 8 thì không có khách (nước ngoài) mua, còn chuyện “làm củi” là do mấy anh nhà báo... “nói thêm.”
Hỏi thăm việc khi tòa thương mại mới được xây xong thì mọi người có dịp quay lại bán không, dì P. thở dài, cho biết, “Thì họ cũng hứa vậy, nhưng chỉ là nói miệng, không có văn bản hợp đồng gì hết. Ở đây, chúng tôi những bà con buôn bán với nhau bao nhiêu năm như một đại gia đình gắn bó, giờ tan đàn xẻ nghé hết, biết 3 năm nữa hay là bao giờ mới được gặp lại nhau? Buồn lắm!”
Theo tìm hiểu, thì với hơn 230 quầy hàng bán tại thương xá Tax, thì có tới 200 quầy hàng không biết...đi về đâu, việc này đồng nghĩa với cả ngàn nhân viên bị mất việc...
Tâm tình của khách
Gặp một người đàn ông tóc đã bạc, ngồi đọc báo ở hàng ghế bên hành lang lầu 1 thương xá Tax, chúng tôi liền tới hỏi thăm.Càng cận ngày bị dẹp thương xá Tax tràn ngập quảng cáo hàng “Sale up to 70%.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Người đàn ông đầu bạc cho biết, gia đình ở ngay quận 1 đây, nên khi còn nhỏ (trước 1975), ngoài ly nước mía Viễn Ðông, thì ly kem đầu tiên ông được mẹ cho ăn (lúc 5 hoặc 6 tuổi) cũng là ở ngay thương xá Tax này. Vừa nói, ông vừa đưa tay chỉ về phía trước, giới thiệu với chúng tôi: “Ðó, cái tiệm kem ngày xưa nó nằm ngay chỗ đó!” Nói rồi, gương mặt người đàn ông đầu bạc chợt bừng sáng lên khi ký ức tuổi thơ chợt ùa về...
Gặp một cô gái trẻ,đi cùng với một dì lớn tuổi tóc bạc phơ nhưng dáng vẻ còn tinh anh. Chúng tôi tới bắt chuyện, hỏi thăm. Dì lớn tuổi nói, để dì nói cho, vì em nó lúc trước còn nhỏ không biết gì đâu. Rồi dì kể, gia đình dì là Việt kiều Cambodia, năm 70 để tránh bị Lon Non “cáp-duồn” gia đình dì hồi hương về nước, định cư tại khu Thị Nghè. Việc đầu tiên mà dì làm lúc đó là đi thăm chợ Bến Thành và thương xá Tax.
Năm 1975, gia đình dì lại tiếp tục chạy ra nước ngoài định cư. Nhưng sau này mỗi khi có dịp về thăm Sài Gòn dì đều ghé thương xá Tax, vì ấn tượng thủa ban đầu thời trước của dì với thương xá Tax là rất tốt đẹp. Dì cũng nói thêm là ở nước ngoài, coi vậy chớ đi shopping không vui bằng không khí đi mua sắm ở thương xá Tax.
Lần này về nước, nghe tin thương xá Tax sắp đóng cửa vĩnh viễn, dì dắt đám con cháu tới thương xá Tax một lần để cho các em nó được biết, cũng là để gởi lời chào với ấn tượng của một ngày xưa còn chưa phai mờ trong ký ức.
Chị T. thì rơi nước mắt khi nhắc tới việc mất thương xá Tax. Vì tuổi thơ nghèo đói của chị sau 1975 có nhiều kỷ niệm gắn với nơi này, nơi mà thời đám em của chị gọi đây là “cửa hàng thiếu nhi.”
Chị đã nhiều lần dắt đám em loi nhoi, lóc nhóc, đầu trần chân đất, lội bộ từ bên khu Khánh Hội (quận 4), băng qua khu chợ Cầu Ông Lãnh, tới “cửa hàng thiếu nhi” để chúi mũi ngắm nghía những món đồ bên trong những tủ kiếng sáng choang hàng giờ mê mỏi...Giờ thì chị T. đã là một Việt kiều “mất nước,” còn em chị đã có những đứa ra đi trong nghèo đói từ lúc tóc còn xanh...
Ngày mai rồi đến, như cánh chim vỗ cánh chợt bay lên trên những tháp xưa,mà tiếng ngân mơ hồ của chúng từ trong thẳm sâu chợt dội xuyên qua biết bao trái tim của chứng nhân.
Related news items:
Tin mới
- Lao động Việt sang Lào, lao động TQ sang Việt Nam - 06/10/2014 01:56
- Người Việt nghĩ gì về ‘Cách mạng cây Dù’ tại Hong Kong - 06/10/2014 01:46
- Sinh viên Việt Nam tham gia biểu tình ở Hong Kong - 01/10/2014 17:01
- Nhìn Joshua Wong, nghĩ về vấn đề lãnh tụ - 30/09/2014 23:34
- Người dân Trà My vẫn sống trong nỗi sợ động đất - 28/09/2014 16:52
- Làm sao chấm dứt nạn ngược đãi tù chính trị? - 28/09/2014 16:39
- Sài Gòn: Xóa chợ Tân Bình, tiểu thương phản kháng quyết liệt - 28/09/2014 16:18
- Trung Quốc xây hàng loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa - 28/09/2014 15:38
- Miền Trung nở rộ dịch vụ mai táng - 26/09/2014 15:21
- Đời sống công nhân Bình Dương sau bạo động - 26/09/2014 14:51
Các tin khác
- Gian nan hành trình học chữ của người thiểu số - 23/09/2014 14:57
- Lễ Giỗ Nguyễn Trung Trực lần thứ 146 tại Kiên Giang - 22/09/2014 21:49
- Buồn vui đường mòn Hồ Chí Minh trên Đất Mũi - 19/09/2014 19:46
- Chính quyền có thực sự muốn bảo vệ ngư dân? - 19/09/2014 19:23
- Phận người 27 năm gắn với sạp báo giữa Sài Gòn - 19/09/2014 18:55
- Can thiệp quân sự không đánh bại một hệ tư tưởng - 12/09/2014 21:06
- Dự án của Trung Quốc chưa hoàn thành đã hại dân Việt - 11/09/2014 23:55
- Phở Cao Vân và triết lý sống 'ngu' của ông chủ tuổi 90 - 11/09/2014 17:18
- Sài Gòn thời loạn xạ tên hàng quán - 11/09/2014 16:44
- Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa - 11/09/2014 16:36