Bánh Trung Thu, niềm mơ ước của trẻ em nghèo
- Thứ Bảy, 06 tháng Chín năm 2014 10:17
- Tác Giả: Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) - Với trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhà nghèo, Trung Thu bao giờ cũng ẩn chứa phép màu huyền nhiệm nào đó. Những phép màu ấy đôi khi nằm gói gọn trong chiếc lồng đèn ông sao hoặc chiếc bánh Trung Thu của cha mẹ mua cho.
Vui múa lân Trung Thu tại một miền quê miền Trung. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Thế nhưng một số trẻ em nghèo ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ biết mùi vị bánh Trung Thu, tất cả những gì các em cảm nhận được chỉ là màu sắc rực rỡ của những hộp bánh bỏ đi.
Nỗi lo đầu mùa mưa
Bé Bảo Trâm, ở xã Trà Bui, Trà My, tỉnh Quảng Nam kể, “Nhà cháu chưa bao giờ có bánh Trung Thu, chỉ có bánh chưng thôi, bánh chưng của nhà nước phát cho đó!”
“Thì cứ tới Trung Thu thì nhà nước tổ chức múa lân tập thể ở sân trụ sở thôn, sau đó tổ chức phát quà cho trẻ em, ngồi xếp hàng vậy đó, đến lượt ông thôn trưởng gọi tên cha mẹ cháu thì cháu giơ tay lên, sau đó ổng phát cho hai cái bánh chưng, bánh ngon lắm, có lát thịt heo mỡ ở giữa nữa!”
“Thì sau màn múa lân tập thể, múa thi, đội nào thắng được thưởng 100 ngàn đồng và hai chục cái bánh chưng, mấy đội không được chấm giải nhất thì được cho hai chục cái bánh chưng thôi. Ở đây mà có được hai chục cái bánh chưng là quí lắm. Còn bánh Trung Thu thì tụi cháu có lần nhặt được một cái hộp ngoài đường, mang về cất dành để đựng bánh chưng...”
Ðẩy trống đi múa lân. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Một em bé khác tên Liếu, cho biết thêm, “Vì nhà nào ở đây cũng nghèo, nên chẳng có con lân nào chịu tới đây để múa, vì múa lân thì nhà nào cũng thích hết nhưng chỉ cho năm ngàn đồng nên lân họ lỗ, họ không đến đây. Lân trong xã thì ra xã khác múa kiếm tiền, không có múa trong xã, có múa thì cũng múa mấy nhà có tiền thôi!”
“Ở đây Trung Thu cũng là bắt đầu sắp mùa mưa đó mấy chú, mà mưa thì ghê lắm, không đi học được vì đường sá sạt lở, sợ lũ quét, sợ nhiều thứ lắm. Mà mùa mưa thì không đi rừng được nên nhà nào cũng thiếu ăn hết á! Thường làm mùa nắng để dành ăn mùa mưa. Nhà nào kỹ nữa thì dầm măng rừng thành một hủ lớn để mùa mưa vớt ra ăn với cơm.”
“Chính vì nhà nào cũng lo cho mùa mưa nên cháu nghĩ là nhiều khi Trung Thu lại làm người ta lo hơn là mừng, bởi thường thì năm nào sau Trung Thu cũng có lụt hoặc mưa to, có năm bị lũ quét nữa, cha mẹ cháu cũng lo lắm. Nhất là đêm rằm Tháng Tám nếu ngắm trăng thấy có một cái vòng màu vàng quanh mặt trăng thì ai cũng sợ, vì chắc chắn năm đó thời tiết rất xấu...”
“Nhất là gần đây, huyện Trà My của cháu hay có tiếng sấm động đất, nhiều bữa đang ăn cơm, một tiếng nổ rền vang kéo dài cả vài chục giây đồng hồ, nhà thì nứt tường, mặt đất rung chuyển, ai mà không sợ chứ? Không biết mùa mưa năm nay ra sao nữa đây?!”
Tuổi thơ bị đánh cắp
Có thể nói rằng phần đông trẻ em miền núi không có mùa Tết Trung Thu, tuổi thơ của chúng chỉ biết đến hái lượm phụ giúp gia đình và những chén cơm độn khoai sắn, những lớp học mà trường không ra trường, chuồng bò không ra chuồng bò, ngay cả cô giáo, thầy giáo cũng đói rát cả ruột thì lấy đâu cho học sinh ấm bụng mà học tập.
Với trẻ em nơi đây, bánh Trung Thu là một thứ gì đó rất xa lạ... (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Không thiếu những thầy cô giáo rủ học sinh cải thiện bữa ăn bằng cách tranh thủ nghỉ trưa sớm một chút rồi xuống suối bắt cá, bắt nhái về luộc, hấp, xào... Ðã có nhiều cái chết thương tâm do lũ quét...
Một học sinh tên Phí, 10 tuổi, đã học hai năm lớp 1 tiểu học mà vẫn không muốn được lên lớp, kể, “Học lớp một sướng hơn học mấy lớp trên cao, sướng là mình biết hết rồi nên luôn đạt điểm học sinh giỏi, sướng nữa là ít phải góp gạo vì mình ăn theo tiêu chuẩn lớp một và ít bị ra suối bắt cá...”
“Ra suối bắt cá dễ sợ lắm, bình thường thì vui nhưng đến lúc có lũ quét thì chỉ có chết thôi, có mấy đứa trong xóm bị chết bởi lũ quét rồi. Thì đi bắt ốc, bắt cá đó. Nhưng chết rồi thì cha mẹ đem chôn, đâu có ai biết gì mà đăng báo. Ở trên núi này cả trăm đứa chết mới có một đứa được đăng báo. Nói chung là chết vì kiếm ăn cả thôi!”
“Chỉ kiếm ăn mà còn phải vất vả như rứa thôi thì chuyện vui Trung Thu nghe xa quá xá là xa, tụi cháu chưa bao giờ biết bánh Trung Thu là cái chi cả, chỉ có thằng bạn ở đầu xóm hắn ra phố chơi, lượm được cái hộp đựng bánh ở nhà bà con mang về chứa bánh chưng, đứa nào có bánh chưng thì sang nó mượn để đựng một chút rồi trả lại, gọi là bánh Trung Thu đó!”
Một em bé khác, tên Diếc, kể thêm, “Trung Thu năm nay nhà em có để dành một ang nếp, mẹ sẽ nấu chè nếp, xôi nếp đường và bánh chưng. Chủ yếu là nấu xôi nếp đường, em sẽ mang ra chợ bán trong dịp Trung Thu, bán như vậy kiếm cũng được ít tiền. Có cái để dành mà ăn mấy ngày mùa Ðông. Nói chung là trẻ con cũng phải biết làm phụ giúp gia đình, chứ nếu không làm thì lấy chi mà ăn!”
Câu chuyện Trung Thu, Tết của trẻ em miền núi còn dài lắm, không biết kể từ đâu và kể đến bao giờ cho hết. Chỉ nhớ một điều là những trẻ em ở miền núi hình như không có Trung Thu, chúng chỉ biết quần quật phụ giúp gia đình bởi cha mẹ của chúng quá nghèo khó, việc học của các em nhỏ cũng chẳng đến đâu bởi cái nghèo!
Related news items:
Tin mới
- Dự án của Trung Quốc chưa hoàn thành đã hại dân Việt - 11/09/2014 23:55
- Phở Cao Vân và triết lý sống 'ngu' của ông chủ tuổi 90 - 11/09/2014 17:18
- Sài Gòn thời loạn xạ tên hàng quán - 11/09/2014 16:44
- Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa - 11/09/2014 16:36
- Nghề ốp đồng ở miền Bắc - 11/09/2014 16:30
- Khả năng sản xuất của Việt Nam? - 08/09/2014 18:47
- Xuồng ba lá và tàu cao tốc ở miền Tây - 06/09/2014 20:25
- Đừng bỏ dở cuộc vận động thoát Trung - 06/09/2014 15:40
- Thoát Trung về kinh tế ngày càng xa vời - 06/09/2014 15:27
- Mùa thu miền Tây Nam Bộ - 04/09/2014 17:12
Các tin khác
- Khi đường Nguyễn Huệ Sài Gòn 'lột xác' - 02/09/2014 15:41
- Đi buôn rau sạch - 28/08/2014 23:48
- Từ ga Metro tới cổ thụ Sài Gòn - 28/08/2014 14:12
- Phiên tòa Đồng Tháp làm thế giới quản ngại về nhân quyền ở VN - 27/08/2014 11:24
- Sài Gòn, còn đó những nỗi buồn - 26/08/2014 20:49
- Hàng chục người bị bắt khi đến tham dự phiên tòa xử bà Bùi Hằng - 26/08/2014 09:07
- Thủy điện Mekong có thể 'tống' miền Tây ra biển - 25/08/2014 11:02
- Phía sau tờ giấy xác nhận bệnh tâm thần - 24/08/2014 20:28
- Vatican chuyển đổi lập trường chống chiến tranh? - 24/08/2014 20:20
- Đừng để chết người chỉ vì một giây lơ đãng - 24/08/2014 20:08