Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khi đường Nguyễn Huệ Sài Gòn 'lột xác'


SÀI GÒN (NV) - Ðường Nguyễn Huệ (và đường Lê Lợi, trước 30 tháng 4, 1975, biển đề là đại lộ) hiển nhiên là xương sống của trung tâm Sài Gòn, đồng thời là con đường khai sinh cùng thành phố vốn từ vùng đất có tên Bến Nghé.

duongnguyenhue taxThương Xá Tax sắp phá bỏ.

Hiện nay, nhà nước đang tiến hành xây dựng công trình nhà ga ngầm (ga Métro ) của Sài Gòn, cùng lúc chuẩn bị thực hiện dự án gọi là “Nâng cấp, chỉnh trang đường Nguyễn Huệ, quận 1.”

Chuẩn bị thực hiện dự án này, chủ đầu tư - giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 1 - đã thông báo lịch tháo dỡ Thương Xá Tax; và theo dự án đã công bố, đường Nguyễn Huệ sau khi nâng cấp, chỉnh trang, sẽ hoàn toàn “lột xác”!

Sự kiện này gây chấn động trong tâm tư người dân thành phố, nhất là đối với những người đã biết lịch sử của đường Nguyễn Huệ. Hiện thân lịch sử ấy, đường Nguyễn Huệ của Sài Gòn, sắp bị xóa bỏ.

Con đường này trước năm 1955 có tên là Charner; từ những năm đầu của nền đệ nhất Cộng Hòa, được mang tên Nguyễn Huệ.

Chúng tôi còn nhớ nhiều năm sau đó, không ít người vẫn còn gọi là phố Charner; cùng với phố Bonard, tuy cũng đã được đổi tên là Lê Lợi. Ðường Nguyễn Huệ dài khoảng một cây số, rộng khoảng 40 mét.

Tòa đô chính Sài Gòn - bây giờ là ủy ban nhân dân thành phố - tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn, nhìn thẳng ra đường Nguyễn Huệ; cuối đường Nguyễn Huệ là Bến Bạch Ðằng.

Ngược dòng thời gian, từ vùng đất có tên Bến Nghé trở thành Sài Gòn, chúng tôi càng tha thiết với đường Nguyễn Huệ; không khác tình cảm đối với những người thân thuộc đã quá vãng, có liên hệ trực tiếp tới cuộc đời mình.

duongnguyenhue 1Ðường Nguyễn Huệ.

Thuở đó, đường Nguyễn Huệ còn là một con kênh bùn lầy, tiếp nối rạch Cây Cám. Rạch Cây Cám khởi từ Thảo Cầm Viên, chảy theo vách thành Gia Ðịnh cũ. Con kênh bùn lầy được lấp bằng vào năm 1884 để xây dựng đường phố Nguyễn Huệ của Sài Gòn. Xong đường Nguyễn Huệ, đoạn kênh kế tiếp được lấp bằng để trở thành đường Hàm Nghi. Chợ Bến Thành đầu tiên được xây dựng ở khu vực này; vị trí chính xác của chợ Bến Thành lúc đó là địa điểm sau này của Tổng Ngân Khố Sài Gòn, trên đường Nguyễn Huệ, đoạn gần Bến Bạch Ðằng. Như vậy, một thời gian dài, nơi này là khu vực buôn bán sầm uất, hàng ngàn ghe thuyền ra vào tấp nập đêm ngày ở sông Sài Gòn. Chợ Bến Thành ngày nay, thay thế chợ Bến Thành nói trên, được xây dựng vào năm 1911.

Ðường Nguyễn Huệ cũng ghi dấu một sự kiện lịch sử đáng kể, vào thời gian phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục ở Nam Kỳ. Khách sạn Chiêu Nam Lầu thuở đó, do người cô ruột của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh chủ trương, chính là cơ quan đại diện và liên lạc của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục. Khách sạn Chiêu Nam Lầu ở khoảng đầu đường Nguyễn Huệ, gần Dinh Xã Tây của thực dân Pháp (một thời gian là trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ, sau này là Tòa Ðô Chính của Sài Gòn cũ).

Thực hiện dự án “Nâng cấp, chỉnh trang đường Nguyễn Huệ, quận 1,” trước mắt, ngành chức năng của nhà nước sắp phá bỏ Thương Xá Tax, một địa chỉ thân thuộc, một dáng nét của Sài Gòn, tọa lạc chính giữa góc hai con đường: Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Tòa nhà này được xây dựng từ đầu thế kỷ XX; vào những năm 1930, là nơi kinh doanh ăn uống của Nhà Hàng Charner.

Từ thời đệ nhị Cộng Hòa, tòa nhà trở thành Thương Xá Tax, một trung tâm thương mại của Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng cao cấp, ngoại nhập. Mặt tiền tòa nhà, nơi chính giữa góc hai đại lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi, là quán cà phê giải khát Pôle Nord, cửa lắp kính và có máy lạnh. Ðây là điểm hẹn lý tưởng của giới trẻ Sài Gòn; gặp gỡ, nhâm nhi thức uống và nhìn ngắm khung cảnh trung tâm thành đô. Sau năm 1975, một thời gian tòa nhà trở thành cửa hàng thiếu nhi thành phố; rồi Thương Xá Tax xuất hiện trở lại, với sự đầu tư của tập đoàn thương mại Satra.

duongnguyenhue nguyenthiepMột góc phố xưa: Nguyễn Huệ-Nguyễn Thiệp.

Những ngày này, tiểu thương tại Thương Xá Tax đang dốc hàng bán giá rẻ, trước ngày tòa nhà bị phá bỏ. Nhiều người dân Sài Gòn đi lại nhìn ngó hình ảnh những ngày cuối của Thương Xá Tax một thời thân thuộc, bấm máy ảnh ghi lại dáng hình sắp tan biến nay mai.

Nhiều người tỏ lộ nỗi buồn trước những đặc điểm, những gì đã làm nên một thành phố từng một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông, dần mất đi. Những gì là lịch sử của Sài Gòn, sẽ không còn hoặc mất mát nhiều, trong sự hiểu biết của các thế hệ sau.

Vụ việc tập đoàn Vincom đầy thế lực nhà nước phá bỏ khu tứ giác Eden, một công trình kiến trúc xưa của Pháp còn chắc bền; thay vào đó, xây dựng tòa nhà lộng lẫy xa hoa đầy vẻ phù phiếm; rồi xóa bỏ quán Brodard lưu dấu một thời Sài Gòn đầy sinh khí của miền Nam tự do...

Bây giờ tới lượt Thương Xá Tax cùng đại lộ Nguyễn Huệ của Sài Gòn sắp “lột xác.” Theo dự án “nâng cấp, chỉnh trang” đã công bố, đường Nguyễn Huệ sẽ trở thành quảng trường với hệ thống đèn mỹ thuật, nhạc nước... Và sẽ lập một trung tâm thương mại ngầm ở tuyến đường này, liên hoàn với nhà ga Métro trước nhà hát thành phố.

Switch mode views: