Nghề ốp đồng ở miền Bắc
- Thứ Tư, 17 tháng Chín năm 2014 07:48
- Tác Giả: RFA
Ảnh chỉ mang tính minh họa. RFA
Với Việt Nam hiện tại, hoạt động ốp đồng phải được xem là một cái nghề ăn nên làm ra hơn bao giờ hết. Nó tạo ra được một thị trường siêu lợi nhuận mà ở đó, mọi thứ hàng hóa tưởng như bỏ đi cũng không ai thèm lượm thì chỉ cần qua tay ông đồng bà cốt, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, một chai nước lọc có thể bán với giá vài trăm ngàn đồng, một nải chuối hoặc một mâm trái cây được mua với giá vài triệu bởi đó là lộc bề trên, chuyện này vốn là chuyện rất bình thường. Và đặc biệt, chuyện chữa bệnh ở các điện được sùng bái hết cỡ bởi những kẻ có tiền, có quyền.
Giàu nghèo lẫn lộn…
Một xác đồng yêu cầu giấu tên, ở Hàng Thiếc, Hà Nội, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Có lộc lúc hầu hạ, đó là tình duyên mà. Chữa bệnh cũng có, tùy theo bệnh âm hay bệnh dương, bệnh âm thì chữa theo đường âm, bệnh dương thì thuốc thang, vừa kết hợp âm dương.”
Chữa bệnh cũng có, tùy theo bệnh âm hay bệnh dương, bệnh âm thì chữa theo đường âm, bệnh dương thì thuốc thang, vừa kết hợp âm dương.
-Một xác đồng
Theo người này, mỗi ngày ở điện của ông có trung bình trên trăm người đến cúng kính, xin lộc, chữa bệnh. Đa phần những người đến cúng kính, xin lộc đều là vợ các quan chức, thậm chí có một số bà vợ các quan cỡ trung ương. Chính những bà vợ quan cấp trung ương này đã mang lại mối lợi cho điện của ông mỗi tháng không dưới một trăm triệu đồng. Và ông cảm thấy hoàn toàn hợp lý về khoản tiền này, ông không cho rằng đó là lộc do ơn trên ban cho ông mà là số tiền các quan cấp cao này nhờ vợ mang đến để trả nợ, thậm chí đút lót bề trên sau quá trình tham nhũng và làm những việc đen tối.
Về phần chữa bệnh, điện của ông không có những bệnh nhân nhà giàu, có thể nói bước vào điện là hai thế giới hiện ra rõ rệt, một cõi âm, một cõi dương, một giàu sụ đi xin lộc, một nghèo rớt mùng tơi đi chữa bệnh. Những người đến điện chữa bệnh chủ yếu bằng nước lá, nước suối. Những ai khó khăn quá thì mang một chai nước lọc ở nhà đến điện, ông nhập vào, niệm chú mấy câu vào chai nước để mang về nhà uống sẽ lành bệnh. Và hầu như đa phần đến chữa bệnh chừng hai tuần thì không đến nữa. Theo ông đoán là có lẽ họ đã lành hẳn bệnh hoặc đã chết vì bệnh nan y.
Một ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam (ảnh minh họa). RFA PHOTO.
Ông nói rằng đến điện của ông chữa cũng có cái hay, hoặc là lành bệnh do niềm tin, do tâm linh được trấn an và do bề trên phù hộ, hoặc chết đi một cách nhẹ nhàng, khỏi bị kim chích, dao kéo mổ vào người. Cả chết và sống sau khi chữa bệnh ở điện đều rất lành tính bởi nó chứa niềm tin và sự an tâm. Những thứ này không có được khi đến bệnh viện.
Và có một điểm mà ông luôn cảm thấy an tâm mỗi khi nhập đồng, cho thuốc, cho dù chính ông cũng không hiểu phép màu trong chai nước hoặc gói bánh, nải chuối kia có thật hay không. Đó là đa phần người đến điện chữa bệnh là người nghèo, nghèo đến mức không còn gì để bàn, số còn lại đến chữa bệnh là những người quá giàu có nhưng mắc bệnh nan y, bệnh viện bó tay, lại đến tìm ông, đương nhiên ông không dại gì tuyên bố mình bó tay giống như bệnh viện. Sự im lặng của ông không phải vì tiền bạc, lợi lộc ở những mối này mà là vì những bệnh nhân nghèo, họ luôn nuôi hy vọng ở bề trên, chính vì vậy, dù thế nào ông cũng giữ im lặng.
Xã hội càng bất an, đồng bóng càng lên ngôi
Một giảng viên dạy môn tâm lý ở một trường đại học y, yêu cầu không nêu tên, chia sẻ: “Bây giờ điện này ở đây thì đầy, thiếu gì. Ở đây thầy hầu thì nhiều, nhiều thầy lắm, mình hầu thánh, chứ không phải hầu Phật. Mình hầu chúa, hầu quan ấy, đó là một nét tâm linh thôi, chứ không phải xin gì được đó, đó là tâm linh thôi!”
Ở đây thầy hầu thì nhiều, nhiều thầy lắm, mình hầu thánh, chứ không phải hầu Phật. Mình hầu chúa, hầu quan ấy, đó là một nét tâm linh thôi, chứ không phải xin gì được đó.
-Một giảng viên tâm lý
Theo giảng viên này, vấn để ốp đồng ở Việt Nam vốn dĩ không còn xa lạ gì trong hoạt động hằng ngày của xã hội. Vấn đề là khi xã hội càng trở nên bất an thì hoạt đồng đồng bóng càng phát triển, điều đó giống như một qui luật. Trong đó, không ngoại trừ vấn đề tham quyền đoạt vị của nhiều cán bộ nhà nước, bởi không có bất cứ thế lực thần linh nghiêm túc nào chấp nhận giúp họ thực hiện những thủ đoạn đen tối để khai trừ hay thanh trừng đồng nghiệp. Chính vì thế, họ chuyển sang nhờ cậy những nơi đồng bóng, những nơi xưng vương xưng bá cõi âm và sẵn sàng giúp họ hạ người này, phá người kia.
Đương nhiên là không thể có ông đồng bà cốt nào đủ công lực hay phép thuật để hại người, làm ảnh hưởng đến sinh mệnh của người khác cả, vì theo lý thuyết cân bằng âm dương thì mỗi một sinh mệnh luôn có những thế lực siêu nhiên đối trọng nhau ở quanh họ để hộ mệnh, hay nói cách khác là những nguồn năng lượng chung quanh một con người, đảm bảo mọi hoạt động của người đó giữ cân bằng. Chính vì lẽ này, bất cứ ông đồng bà cốt nào tuyên bố sẽ giúp ai đó hại một người khác chỉ là những trò lừa bịp. Nhưng trong trường hợp lừa bịp như thế cũng hợp lý, kẻ lừa bịp quyền lực siêu nhiên gặp kẻ muốn ám hại người khác, điều này chẳng khác nào giai thoại mạt cưa mướp đắng.
Nhưng, giảng viên đại học này cũng cho biết thêm là tỉ lệ cán bộ đến điện ông đồng bà cốt ngày càng cao, nhất là những dịp đầu năm, thậm chí có những lúc họ chiếm số đông và dùng cả những tiểu xảo đút lót với đám đệ tử để đám này xếp lịch vào xin lộc trước. Cuối cùng, những người nghèo đi chữa bệnh phải ngồi ngoài chờ hết ngày này sang ngày khác mà vẫn không được chữa bệnh. Càng lúc, sự lố lăng cũng như văn hóa hối lộ, đút lót càng phát triển mạnh ở những nơi được xem là chốn tâm linh.
Điều đáng buồn là một khi những nơi như chùa chiền, đền miếu và đồng bóng đều ảnh hưởng chung một thói quen văn hóa hối lộ và đút lót, kẻ mạnh đạp kẻ yếu và kẻ có tiền được tung hô thì vấn đề đạp giẫm lên sinh mệnh và số phận của nhau trong xã hội sẽ mỗi ngày thêm gia tăng. Điều đó chỉ cho thấy xã hội đang ngày một bất an, con người sẽ bị mất phương hướng.
Related news items:
Tin mới
- Gian nan hành trình học chữ của người thiểu số - 23/09/2014 14:57
- Lễ Giỗ Nguyễn Trung Trực lần thứ 146 tại Kiên Giang - 22/09/2014 21:49
- Buồn vui đường mòn Hồ Chí Minh trên Đất Mũi - 19/09/2014 19:46
- Chính quyền có thực sự muốn bảo vệ ngư dân? - 19/09/2014 19:23
- Phận người 27 năm gắn với sạp báo giữa Sài Gòn - 19/09/2014 18:55
- Can thiệp quân sự không đánh bại một hệ tư tưởng - 12/09/2014 21:06
- Dự án của Trung Quốc chưa hoàn thành đã hại dân Việt - 11/09/2014 23:55
- Phở Cao Vân và triết lý sống 'ngu' của ông chủ tuổi 90 - 11/09/2014 17:18
- Sài Gòn thời loạn xạ tên hàng quán - 11/09/2014 16:44
- Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa - 11/09/2014 16:36
Các tin khác
- Khả năng sản xuất của Việt Nam? - 08/09/2014 18:47
- Xuồng ba lá và tàu cao tốc ở miền Tây - 06/09/2014 20:25
- Đừng bỏ dở cuộc vận động thoát Trung - 06/09/2014 15:40
- Thoát Trung về kinh tế ngày càng xa vời - 06/09/2014 15:27
- Mùa thu miền Tây Nam Bộ - 04/09/2014 17:12
- Bánh Trung Thu, niềm mơ ước của trẻ em nghèo - 02/09/2014 21:42
- Khi đường Nguyễn Huệ Sài Gòn 'lột xác' - 02/09/2014 15:41
- Đi buôn rau sạch - 28/08/2014 23:48
- Từ ga Metro tới cổ thụ Sài Gòn - 28/08/2014 14:12
- Phiên tòa Đồng Tháp làm thế giới quản ngại về nhân quyền ở VN - 27/08/2014 11:24