Truyền hình dài tập Hàn Quốc, một chiêu quảng cáo của các mác lớn
- Thứ Sáu, 27 tháng Sáu năm 2014 22:28
- Tác Giả: Đức Tâm
Một cảnh trong bộ phim "My Love from the Star"
DR
Sự nổi tiếng ăn khách tại Châu Á của các bộ phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc thu hút sự chú ý của các nhãn mác lớn.
Họ chấp nhận chi những khoản tiền lớn để có được hình ảnh các diễn viên nổi tiếng sử dụng điện thoại di động hoặc dùng mỹ phẩm của mình.
Ý đồ quảng cáo của các bộ phim này đôi khi lộ liễu đến mức người xem có cảm giác đang theo dõi chương trình rao bán hàng hóa trên truyền hình.
Trào lưu La Hallyu (làn sóng Triều Tiên) tràn ngập Châu Á và gần đây, ở cả Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, với các bộ phim truyền hình nhiều tập và các nhóm nhạc Pop có hàng triệu người say mê theo dõi.
Nắm bắt hiện tượng này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các mác lớn, đã bỏ ra hàng triệu đô la để quảng cáo cho các sản phẩm của mình, như một cặp tình nhân dùng điện thoại thông minh Samsung để tâm sự, vợ chồng đều muốn lái xe hơi Hyundai hoặc họ tranh luận với nhau trong phòng khách, trước một màn hình vô tuyến LG khổ lớn.
Tại Trung Quốc, thành công của bộ phim truyền hình nhiều tập "My love from the star" (ở Việt Nam dịch là : Vì sao đưa anh tới) đã dấy lên một làn sóng trên toàn quốc thú ăn thịt gà và khoai tây chiên theo kiểu Hàn Quốc, uống bia, bữa ăn giống như nhân vật chính trong phim, một nữ anh hùng từ hành tinh khác, 400 tuổi.
Nữ anh hùng này, do diễn viên Gianna Jun đóng, dùng điện thoại thông minh mác Samsung và xóa son phấn, rửa mặt bằng nước thơm Amorepacific, đứng đầu trong số các mỹ phẩm tại Hàn Quốc.
Các nhân vật khác trong phim tráng miệng bằng các sản phẩm của CJ, tập đoàn chế biến nông phẩm hàng đầu tại xứ kim chi.
Kết quả là số lượng bán các lọ nước rửa mặt Amorepacific và son bôi môi mà diễn viên Jun dùng trong phim, đã tăng từ 75 đến 400% tại Trung Quốc kể từ khi bộ phim được chiếu.
Trong thư điện tử gửi AFP, hãng mỹ phẩm này cho biết : « Trước kia, việc đưa các sản phẩm vào trong các chương trình vô tuyến chỉ làm tăng khối lượng bán tại Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy hiệu ứng tức thời và trên quy mô lớn tại Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc ».
Cho đến nay, hơn 90% các hợp đồng « quảng cáo trá hình » này được ký với các tập đoàn Hàn Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực này.
Giá một đôi ủng mác Jimmy Choo là 450 euro, nhưng giới trẻ Hàn Quốc vẫn lùng sục mua cho bằng được, chỉ vì nhân vật nữ chính trong bộ phim My love from the star đã dùng.
Chỉ cần có tin đồn đại là loại son bôi môi của YSL sẽ xuất hiện trong một tập của bộ phim truyền hình, ngay lập tức, khách hàng, đặc biệt là giới trẻ Hàn Quốc, đổ xô đi lùng mua cho bằng được.
Điều trớ trêu là có khi các mác đó cũng chẳng chi ra xu nào cho chương trình làm phim hoặc sản phẩm đó cũng không xuất hiện trong phim. Nhưng người ta vẫn tìm mua.
Nhà sản xuất xe hơi Đức Mercedes Benz đã đưa được một kiểu xe hơi của mình vào phim. Ngay lập tức, số lượng kiểu xe này bán ra tại Trung Quốc đã tăng vọt, đến mức là chi nhánh của Mercedes tại Trung Quốc gửi thư cảm ơn đối tác tại Hàn Quốc.
Số tiền trả cho hình thức quảng cáo này được giữ bí mật. Nhưng theo các nguồn thạo tin, thì mức tài trợ thấp nhất để có thể hiện diện tối thiểu trong các chương trình phim truyện truyền hình nhiều tập là vào khoảng 100 triệu won, tương đương 72 ngàn euro. Đương nhiên, đối với những bộ phim thành công khác thì chi phí phải cao hơn rất nhiều.
Tập đoàn điện tử Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Các sản phẩm của Samsung hiện diện trong hai phần ba các bộ phim truyền hình tại Hàn Quốc. Một đại diện công ty quảng cáo cho biết, thông thường, đó là những hợp đồng trọn gói, tất cả các sản phẩm điện tử, điện thoại thông minh, máy tính, máy ảnh, điều hòa nhiệt độ, vô tuyến, tủ lạnh, đều là của Samsung, từ đầu cho đến khi kết thúc bộ phim.
Việc quảng cáo, cài đặt các sản phẩm vào trong phim thường được thương lượng rất sớm, ngay từ khi bộ phận đạo diễn, làm phim có quyết định về những nội dung chính, các nhân vật và nghề nghiệp của các nhân vật trong câu chuyện.
Nơi làm việc của các nhân vật trong phim, tức là trường quay các cảnh, cũng được đem ra rao bán. Nơi làm việc của nhân vật chính trong phim, nhất là do những tài tử đang nổi tiếng thủ vai, giá dao động từ 500 triệu đến một tỷ won.
Nhóm Mango Six chuyên bán cà phê giải khát, đã giành được hợp đồng trong bộ phim « Những kẻ thừa kế », một câu chuyện tình của giới trẻ. Nhân vật chính là một thiếu nữ nghèo làm việc tại quán cà phê Mango Six và có hai chàng trai con nhà giàu đem lòng yêu cô gái này. Họ đến quán Mango Six, uống cà phê của hãng này, trong khi chờ đợi gặp cô gái.
Giám đốc phụ trách tiếp thị của tập đoàn Mango Six giải thích, những cảnh « ăn khách » trong phim như cảnh chàng trai thổ lộ tình cảm với cô gái, hoặc những cảnh tranh cãi, gây gổ, sẽ được quay trong nhà hàng của Mango Six và các đồ uống của hãng này được bày đặt trên bàn.
Giá mà hãng này phải trả cho chương trình làm phim là 500 triệu won, vì bộ phim này khá thành công, thu hút được nhiều người xem. Vị giám đốc này cho biết thêm là tại Trung Quốc, khi vào nhà hàng Mango Six, nhiều thanh niên còn đòi uống đúng loại nước hoa quả mà các diễn viên trong phim đã uống.
Đương nhiên, khán giả xem truyền hình có thể cảm thấy bực bội, khó chịu về chiêu quảng cáo trá hình này. Trên một diễn đàn trao đổi về các bộ phim truyền hình nhiều tập, có người viết : Đôi khi tôi không biết là mình đang xem phim hay đang xem chương trình rao bán hàng trên vô tuyến.
Một nhà sản xuất phim thuộc kênh truyền hình SBS cho biết là việc cài đặt hàng chục sản phẩm cần quảng cáo vào trong một giờ chiếu một tập của bộ phim, quả thực là khó. Thế nhưng, đây lại là nhân tố quan trọng, cho phép nuôi sống truyền hình hiện nay.
Tiền thù lao cho các diễn viên nổi tiếng rất cao, chi phí sản xuất tăng vọt, do vậy, việc cài đặt các sản phẩm cần quảng cáo vào trong những bộ phim truyền hình nhiều tập là điều bắt buộc, cơ bản, để có thể cân bằng được về mặt tài chính.
Tin mới
- Ngoại giao Mỹ chinh phục châu Á bằng chiến dịch ẩm thực - 30/06/2014 18:41
- Ý đồ của Bắc Kinh qua chuyến thăm Seoul của Tập Cận Bình - 30/06/2014 18:24
- Hơn 1200 công nhân Trung Quốc tại Irak được sơ tán về Bagdad - 30/06/2014 12:06
- Ngân hàng Pháp BNP chuẩn bị nộp phạt 9 tỷ đô la cho Tư pháp Hoa Kỳ - 30/06/2014 12:00
- Gay Pride tại Pháp : Giới LGBT vận động cho luật nhận con nuôi - 30/06/2014 11:53
- Trưng cầu dân ý Hồng Kông : Phe ủng hộ dân chủ tuyên bố thắng lợi - 30/06/2014 11:47
- Tìm được mẹ thất lạc suốt 20 năm nhờ Facebook - 27/06/2014 23:31
- Google bắt đầu áp dụng ''quyền được lãng quên '' - 27/06/2014 23:19
- Hoa Kỳ ngưng sản xuất mìn chống cá nhân - 27/06/2014 23:09
- Một tàu cá Trung Quốc chìm gần Senkaku, 5 ngư dân mất tích - 27/06/2014 22:33
Các tin khác
- Biển Đông : Philippines mạnh dạn hơn trong đối sách chống Trung Quốc - 27/06/2014 22:20
- Trung Quốc hồi hương công nhân bị kẹt ở Irak - 27/06/2014 22:14
- Quân đội Thái Lan khẳng định không bỏ quyền lực - 27/06/2014 22:06
- Bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc : Thêm một báo động - 27/06/2014 20:16
- Người không nhà ở New York ‘nổi giận’ với tỷ phú Trung Quốc - 27/06/2014 03:47
- Giới tranh đấu Hồng Kông chờ đợi biểu tình lớn nhất kể từ năm 1997 - 27/06/2014 03:34
- Mỹ giải tán đơn vị chống khủng bố ở Philippines - 27/06/2014 03:25
- Phương Tây tăng áp lực lên Nga trước khi hết hạn hưu chiến - 26/06/2014 20:24
- Pháp bổ nhiệm đặc sứ chuyên trách quan hệ kinh tế với ASEAN - 26/06/2014 20:09
- Mỹ lại tố cáo Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông - 26/06/2014 20:04