Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-04-2013

 Indonesia : Tham nhũng khiến người dân mất lòng tin vào chính quyền

Indonesia  corruption protest


Biểu tình của người Indonesia chống tham nhũng, ủng hộ Ủy ban diệt trừ tham nhũng (KPK), trước cửa trụ sở KPK, Jakarta, 08/10/2012.
Reuters


Tại Indonesia, gần đây xảy ra nhiều vụ người dân dùng vũ lực tấn công chính quyền.

Tình trạng này có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa an ninh trật tự của đất nước. Nguyên nhân là do đâu ?

Theo nhật báo Kompas tại Jarkata thì đó là do tình trạng tham nhũng tràn lan khiến người dân ngày càng mất lòng tin vào nhà cầm quyền.

Nhận định này được tuần san Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Tiến về phía luật rừng ».

Tờ báo nhắc lại một số vụ bạo lực tiêu biểu thời gian gần đây. Như vào ngày 27/3 vừa qua, một đám đông người dân đã tấn công và đánh chết một quan chức cảnh sát. Ngày hôm sau đó, ở một địa phương khác lại có một cảnh sát bị đâm chết.

Rồi ngày 31/3, tại một địa phương khác nữa, một đám đông dân chúng đã tấn công và đốt rụi trụ sở của một tòa thị chính.

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng bạo lực nói trên, tờ báo dẫn lại một số nhận định đáng chú ý.

Một cựu lãnh đạo của một trong hai tổ chức Hồi Giáo lớn tại Indonesia, ông Ahmad Syafii Maarif, cho rằng, tất cả những vụ bạo lực xảy ra trong thời gian qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc dân chúng mất lòng tin vào chính quyền, vì họ nhìn thấy những cán bộ lãnh đạo sống thiếu gương mẫu.

Người này còn nói thêm, một bộ phận lớn quan chức từ trung ương đến địa phương đều có dính dấp đến tham nhũng, ngành tư pháp cũng bị mất tín nhiệm, trong khi đó sự phân biệt giàu nghèo ngày càng lớn, tất cả dẫn đến căng thẳng xã hội và kinh tế.

Về phần mình, nhà xã hội học Arie Sudjito của trường đại học Gadjah Mada nhận định, luật chống tham nhũng đã có đó, cảnh sát có đó, tòa án có đó, thế nhưng vấn đề là tất cả không được thực thi nghiêm túc và có sự cấu kết giữa các quan tòa, giữa cán bộ nhà nước và các doanh nhân.

Trước thực tế đó, người dân ngày càng bức xúc và có hành động bạo lực chống lại chính quyền.

Cuối cùng, tờ báo cảnh báo, bạo lực lan tràn ở nhiều địa phương khác nhau cho thấy mức độ đáng báo động của hiện tượng người dân mất lòng tin vào chính quyền và luật pháp. Tờ báo kêu gọi : Cần phải nhanh chóng có hành động để cho đất nước không bị rơi vào cảnh « luật rừng ».

Quan chức và các đại gia cấu kết, người dân chịu khổ

Nhìn về một góc khác để giải thích sự mất lòng tin của dân chúng đối với chính quyền, Courrier International trích dẫn bài viết của tờ Tempo ở Jakarta với dòng tựa đáng chú ý : « Khi tham nhũng đồng điệu với lũ lụt ».

Thủ đô Jarkata của Indonesia ngày càng hứng chịu nhiều đợt lũ lụt nghiêm trọng.

Tờ báo nhắc lại trận lũ lụt hồi đầu năm nay tại Jakarta làm thiệt mạng 20 người và gây thiệt hại vật chất hơn 1 tỷ euro.

Chính quyền Jakarta sau đó đã tiến hành nhiều biện pháp phòng chống lũ lụt, thế nhưng Tempo cho rằng, chỉ như vậy thôi là chưa đủ, mà cần phải có sự phối hợp của các tỉnh lân cận.

Đề cập đến các tỉnh lân cận của Jakarta, tờ báo đặc biệt chú ý đến tỉnh Bogor.

Theo tờ báo, rừng ở tỉnh này đã bị phá hủy nghiêm trọng, mà một trong những nguyên nhân gây phản cảm nhất đó chính là việc các đại gia đầu tư phá rừng lấy diện tích xây hàng loạt khu villa cao cấp. Điều đáng chú ý là trong số các đại gia phá rừng xây nhà này có cả các cán bộ cấp cao.

Bogor là tỉnh có lượng mưa lớn nhất ở Indonesia. Thế mà theo tờ báo, các khu rừng trước kia vốn có thể hấp thụ nước mưa thì đã bị phá hủy nhiều, và hiện tại diện tích rừng này chỉ còn có 5%. Chính vì nước mưa không được hấp thụ tốt tại các vùng lân cận thủ đô, nên các con sông dâng lên quá mức và đó là nguyên nhân góp phần gây lũ lụt tại Jakarta.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên : Ai có lỗi ?

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục làm hao tốn giấy mực của báo giới tuần này.

Courrier International dẫn lại bài của tờ Pressian tại Seoul với nhận định : tình hình xấu đi trên bán đảo Triều Tiên không chỉ do lỗi của một mình Bắc Triều Tiên, mà còn có của Mỹ và Hàn Quốc.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phải là chuyện mới mẻ gì, thế nhưng trong quá khứ, các căng thẳng đều được kết thúc bằng việc đàm phán có hoặc không có trung gian.

Lần này thì khác, hình như không có chỗ cho đàm phán mà chỉ thấy đối đầu. Và cũng chẳng hề có trung gian bởi anh bạn đồng minh Trung Quốc cũng đã bắt đầu thấy khó chịu với những động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên.

Tờ báo nhấn mạnh, sự thiếu tinh thần ngoại giao hiện hữu ở cả Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Bắc Triều Tiên thì không muốn đàm phán nữa về vấn đề giải trừ hạt nhân của mình, và có ý buộc Mỹ và Trung Quốc phải chọn một trong hai là : chiến tranh hoặc hòa bình.

Chính quyền Obama thì có thông điệp không rõ ràng, khi mà vừa tuyên bố mở cửa cho khả năng ngoại giao, vừa đặt điều kiện tiên quyết để nối lại ngoại giao. Điều kiện mà Mỹ đặt ra đó là : Bắc Triều Tiên phải chấm dứt động thái khiêu khích và phải tỏ thiện chí giải trừ hạt nhân.

Tờ báo nhận định, Mỹ đã biến « mục tiêu » của đàm phán thành « điều kiện tiên quyết » để nối lại đàm phán, đó là nguyên nhân góp phần gây căng thẳng.

Về phần mình, tân tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun Hye tỏ ra đồng tình với Mỹ.

Đến hiện tại, hai miền nam bắc Triều Tiên vẫn chưa ký kết được hiệp ước hòa bình chính thức, tức là trên nguyên tắc hai bên vẫn đang trong thế chiến tranh.

Theo kết quả của cuộc đàm phán 6 bên hồi tháng 9/2005, các bên dự định xúc tiến một hội nghị để biến đổi hiệp ước đình chiến 1953 thành hiệp ước hòa bình chính thức. Thế nhưng, theo Pressian, đến hiện tại hội nghị này vẫn chưa thấy đâu. Tờ báo cho biết, Bắc Triều Tiên đã từng lên tiếng yêu cầu đàm phán về vấn đề này, nhưng Hàn Quốc và Mỹ đã không quan tâm đến.

Liên quan đến việc đàm phán 6 bên bị đình chỉ kể từ năm 2008, tờ báo cho rằng, từ 5 năm nay, hồ sơ Bắc Triều Tiên không là ưu tiên của Hàn Quốc và Mỹ.

Và chính trong giai đoạn này, tiềm lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên lại có thêm thời gian để phát triển. Hồi năm 2008, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il của miền Bắc bị tai biến mạch máu não, chính quyền miền Nam cho rằng miền Bắc sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Hoa Kỳ cũng nuôi hy vọng tương tự và lập tức tỏ thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên.

Thêm vào đó, thay vì theo đuổi con đường ngoại giao, Seoul và Washington mấy năm qua cứ lao vào giải pháp tăng sức ép bằng các lệnh trừng phạt.

Tờ báo Hàn Quốc kết luận : Thế là, Hàn Quốc và Mỹ thì lao vào các biện pháp trừng phạt còn Bắc Triều Tiên thì lại tăng cường động thái khiêu khích.

Về phần mình, như một minh chứng cho hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên, phụ trang cuối tuần báo Le Monde dành mục "Ảnh trong tuần" để đăng bức ảnh một con chó đang gặm cổ một hình nhân nằm sống xoài dưới đất.

Đặc biệt đáng chú ý là gương mặt của hình nhân này lại chính là ông Kim Kwan-jin, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc. Le Monde cho biết, bức ảnh này được công bố bởi hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên.

Syria : Chính phủ Damas sẽ sử dụng vũ khí hóa học ?

Nhìn về cuộc chiến tại Syria, tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài : «Syria : cảnh báo vũ khí hóa học », quan ngại khả năng chính phủ Assad có thể dùng vũ khí hóa học.

Cuộc chiến tại Syria đang tiến sang một giai đoạn khác khi mà vừa qua các nhà khoa học quốc tế cho biết có bằng chứng về việc vũ khí hóa học được sử dụng trên chiến trường Syria.

Vấn đề là chưa biết bên nào đã sử dụng. Chính phủ Damas và phe nổi dậy đổ trách nhiệm cho nhau.

Tuy nhiên, vấn đề khiến Le Nouvel Observateur chú ý đó là vừa qua, chính phủ Syria đã lên tiếng chính thức tố cáo phe nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học, và đây là lần tố cáo đầu tiên về vấn đề này kể từ khi nổ ra cuộc chiến cách đây 2 năm.

Tờ báo nghi ngờ chính quyền Damas có ẩn ý đằng sau lời tố cáo nói trên. Ẩn ý đó là : chính quyền Damas muốn bắt chước chính phủ Irak trước kia, là tố cáo phe nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học để làm cớ sử dụng vũ khí hóa học.

Chưa hết, trong cuộc chiến Syria hiện tại, mỗi bên đều được sự trợ giúp của nước ngoài. Trong khi đó, chính phủ Damas đã từng tuyên bố là chỉ sử dụng vũ khí hóa học trong trường hợp có sự can thiệp của nước ngoài. Bởi vậy mà, động thái tố cáo nói trên càng làm tăng quan ngại về việc chính phủ Damas sẽ chính thức sử dụng vũ khí hóa học, trong khi mà kho vũ khí hóa học của Syria được cho là thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Xì căng đan Cahuzac làm phương hại đến hình ảnh nước Pháp

Vụ trốn thuế tai tiếng của cựu bộ trưởng ngân sách Jérôme Cahuzac được sự quan tâm đặc biệt của các tờ tạp chí Pháp tuần này với nhận định chung là : vụ việc gây phương hại không chỉ đến uy tín của chính phủ Hollande mà còn đến hình ảnh nước Pháp.

Tuần san Le Nouvel Observateur dành trang nhất cho chủ đề với dòng tựa : « Cánh tả bị sập bẫy tiền ».

Tờ báo dành nhiều bài mổ xẻ những tác hại của vụ xì căng đan Cahuzac đối với chính phủ Hollande. Tờ báo cho rằng, trong vụ việc này, tổng thống Hollande đã tỏ ra thiếu quyết liệt trong việc tìm ra sự thật.

Tờ báo còn dẫn lời nhận định của nhiều trí thức Pháp với ý chung là : Vụ Cahuzac gây sốc nghiêm trọng cho xã hội Pháp, nó làm lộ diện một sự thật đau lòng : sự thật về một tầng lớp xã hội tự cho mình cái quyền không có trách nhiệm gì đối với xã hội.

Từ đó, tờ báo đề nghị : Nước Pháp đã « bị hoen ố » bởi Cahuzac, bởi thế nước Pháp phải vực dậy bằng cách ưu tiên cho cuộc chiến chống tham nhũng và trốn thuế.

Về phần mình, tạp chí L’Express cũng dành trang nhất cho hồ sơ Cahuzac với dòng tít lớn : « Ngài Hollande mềm yếu ».

Tờ báo cũng cho rằng tổng thống Hollande còn chưa đủ quyết liệt trong vụ việc Cahuzac.

Bên cạnh đó, L’Express còn dành một bài xã luận với nhận định : « Vụ việc Cahuzac là một cơn khủng hoảng của chế độ. Nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông François Hollande đã bị vụ việc này làm đổ vỡ ».

Tuần san Courrier International dành trang nhất cho chủ đề này và trích dẫn một số bài đánh giá của báo chí nước ngoài về hồ sơ Cahuzac.

Dẫn lại tạp chí The Observer tại Luân Đôn, Courrier International đăng tựa : « Pháp : các quan chức không niềm tin, không luật lệ », với nhận định, vụ Cahuzac là một minh chứng rõ ràng cho thấy đạo đức đang bị thục lùi và tạo thành một thảm họa ở thời đại chúng ta.

Nhìn từ nước Ý, Courrier International dẫn lại nhận định của một số tờ báo nước này với sự mỉa mai : Vụ việc Cahuzac « trấn an » người Ý, bởi qua đó cho thấy không phải chỉ có nước Ý mới có các xì căng đan chính trị đình đám.

Đề cập đến quan điểm của báo chí Đức, Courrier International cho hay, báo chí nước này đã bình luận rất nhiều về vụ Cahuzac với những từ ngữ hết sức mạnh bạo để chỉ trích xì căng đan chính trị của Pháp như : « Sự tuộc dốc của chính trị và đạo đức », hoặc là « sự suy đồi »…

Nhìn sang dư luận ở một nước láng giềng khác của Pháp là Tây Ban Nha, Courrier International cho biết, báo chí Tây Ban Nha nhận định : Cũng giống như Ý và Tây Ban Nha, Pháp đã chạm đỉnh của sự dối trá và tham nhũng.

Vì sao Hồng Kong không nằm trong danh sách thiên đường trốn thuế ?

Từ vụ trốn thuế Cahuzac, tạp chí L’Express nhìn rộng ra hồ sơ trốn thuế rửa tiền trên thế giới, trong đó có bài đáng chú ý:

« Hồng Kông, một thiên đường thật sự ».

Thiên đường ở đây chính là thiên đường trốn thuế.

Tờ báo cho biết, hiện tại Hồng Kông nắm giữ đến 13% lượng tài sản tư nhân trên thế giới.

Sau Singapore, Hồng Kông đã trở thành điểm đổ bộ của các tổ chức và cá nhân Châu Âu trong việc che dấu tài sản để trốn thuế.

Tờ báo cho hay, tập đoàn tài chính Reyl & Cie tại Geneva, tức cơ sở đã mở tài khoản ở Thụy Sĩ cho ông Cahuzac, đã liên kết với một tập đoàn đầu tư tại Hồng Kong để mở một chi nhánh ở nơi này vào tháng 04/2011.

Dù như vậy, nhưng đặc khu Hồng Kông vẫn không bị đưa vào danh sách « các địa điểm bị nghi ngờ » về rửa tiền và trốn thuế.

Nguyên nhân theo tờ báo là do sức ép của Trung Quốc : "Ai dám đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch ?".

Một chuyên gia tài chính tại Thụy Sĩ nhận xét : « Cuộc chiến chống các thiên đường trốn thuế là vấn đề tương quan lực lượng chính trị và kinh tế ».
tags: Châu Á - Indonesia - Tham nhũng - Điểm báo

Switch mode views: