Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc lo ngại trước hiệp định giữa Nhật và Đài Loan về Senkaku

Senkaku-islands 2




Hiệp định cho phép ngư dân Đài Loan đánh cá ở các vùng biển do Nhật kiểm soát xung quanh Senkaku/ Điếu Ngư (Reuters)


Ngày 10/04 vừa qua, Đài Loan và Nhật Bản đã ký được một hiệp định về đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Senkaku, mà Nhật Bản đang kiểm soát, nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều giành chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Hiệp định này là một tiền lệ đáng ngại đối với Bắc Kinh.

Hiệp định nói trên cho phép các ngư dân Đài Loan đánh bắt cá ở phần lớn các vùng biển do Nhật kiểm soát xung quanh quần đảo Senkaku.
 Mặc dù đây chỉ là một hiệp định có tính chất tạm thời, chưa giải quyết vấn đề chủ quyền, nhưng nó làm thay đổi cục diện ở vùng biển Hoa Đông.

Hiệp định này không chỉ giải tỏa được mối bất hòa chính giữa Đài Bắc và Tokyo, mà còn gây ra nhiều vấn đề cho Bắc Kinh, khiến Trung Quốc sợ sẽ bị cô lập ngoại giao trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, trong khi quy chế ngoại giao của Đài Loan được nâng cao.

Hiệp định ký kết hôm 10/04 có lợi cho cả Đài Loan lẫn Nhật Bản.

Đối với Đài Bắc, hiệp định này mở rộng phạm vi hoạt động của các ngư dân Đài Loan, yếu tố rất quan trọng đối với một quốc gia mà ngư nghiệp là một trong nguồn lợi kinh tế chủ yếu.

 Đối với chính phủ Nhật, sau khi ký hiệp định này, họ sẽ không phải đối phó với những phản đối thường xuyên từ các ngư dân Đài Loan, vốn vẫn gây căng thẳng giữa hai nước, và như vậy kéo Đài Bắc về phía Tokyo.

Dĩ nhiên là Trung Quốc đã phản đối kịch liệt hiệp định đánh bắt cá vùng Senkaku giữa Nhật Bản với Đài Loan, nhưng Bắc Kinh chủ yếu chỉ trích Tokyo trên vấn đề quy chế của Đài Loan.

Trong cuộc họp báo ngày 10/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi yêu cầu Tokyo tuân thủ nghiêm chỉnh những cam kết trên vấn đề Đài Loan, tức là phải tôn trọng chính sách « Một nước Trung Hoa ».

Nhật Bản hiện giờ chỉ có bang giao với Bắc Kinh và vẫn thừa nhận Đài Loan là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc.

Đây là lần thứ hai trong nhiều tháng qua mà Nhật Bản bị Trung Quốc xem là không thực hiện nghiêm chỉnh chính sách đối với Đài Loan.

 Lần cuối cùng, nhân lễ kỷ niệm 2 năm tai nạn hạt nhân Fukushimma, đại diện của Đài Loan đã được mời đến dự và được chính phủ Nhật tiếp đón như là một đại sứ.

Hiệp định ký kết giữa Đài Bắc với Tokyo cũng khiến Bắc Kinh mất đi vai trò đàn anh bảo vệ cho đàn em Đài Loan.

Cho tới nay, lực lượng Hải quân Trung Quốc vẫn tỏ ý sẵn sàng bảo vệ ngư dân Đài Loan chống lực lượng tuần duyên Nhật Bản.

 Trung Quốc cũng đã từng đề nghị hợp tác với Đài Loan tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hợp tác đâu chưa thấy, nhưng theo lời lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan hôm thứ tư vừa qua, các tàu của Đài Loan sẽ giúp Nhật Bản ngăn chận tàu của Trung Quốc xâm nhập khu vực đang tranh chấp và như vậy có nguy cơ căng thẳng lại bộc phát giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Hiệp định về Senkaku còn gây lo ngại cho Trung Quốc ở chỗ là nếu Nhật Bản và Đài Loan đạt được thỏa hiệp như vậy, Bắc Kinh có thể bị xem là không có thiện chí giải quyết tranh chấp.

Theo nhận định của ông Jerome Cohen, một chuyên gia nổi tiếng về luật pháp Trung Quốc, cùng với việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra trước tòa án quốc tế, hiệp định Senkaku cho thấy là các nước láng giềng Đông Á của Trung Quốc đang có xu hướng dùng công pháp quốc tế như là « vũ khí phòng vệ » trước tham vọng bành truớng của Bắc Kinh.

Ông Cohen nhắc lại là các giới chức Nhật Bản trong những tháng qua cũng đã suy tính khả năng đưa tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ra trước quốc tế, nhưng muốn như thế trước hết Tokyo phải thừa nhận đang có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo này, và khi kiện cáo như vậy, không loại trừ khả năng Nhật Bản thua kiện, mất một phần, thậm chí toàn bộ quần đảo Senkaku.

Switch mode views: