Kiev lo ngại lính Nga xâm nhập sân bay ở Crimée
- Thứ Sáu, 28 tháng Hai năm 2014 20:23
- Tác Giả: Trọng Thành
Binh sĩ tuần tra quanh khu vực sân bay Simferopol, tại khu tự trị Crimée, Ukraina, hôm nay 28/02/2014.
REUTERS/Baz Ratner
Căng thẳng Ukraina tăng thêm một nấc với việc các nhóm vũ trang xâm nhập khu vực sân bay Simféropol, thủ phủ nước cộng hòa tự trị Crimée đêm hôm qua rạng sáng nay 28/02/2014 và sân bay tại Sebastopol, nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen của Nga.
Chính quyền Ukraina nghi ngờ lực lượng xâm nhập gồm các quân nhân Nga. Quốc hội Ukraina ra tuyên bố kêu gọi Hội Đồng Bảo An xem xét can thiệp.
Tân bộ trưởng Nội vụ Ukraina Arsen Avakov khẳng định sân bay quân sự Belbek, Sebastopol, và sân bay Simféropol nằm dưới sự kiểm soát của các quân nhân Nga, thuộc hạm đội biển Đen và một số đơn vị khác.
Về tình hình cụ thể tại Simféropol, thông tín viên Sébastian Gobert tường trình,
« Họ đã đến và đã được nhìn thấy, rồi họ biến mất trong đêm. Họ gồm khoảng 50 người mang quân phục, cùng với bốn chiếc xe, tới triển khai tại vùng xung quanh sân bay Simféropol, thủ phủ nước cộng hòa tự trị Crimée.
Những người mang quân phục này không chiếm lĩnh các vị trí, các hoạt động của sân bay vẫn diễn ra bình thường.
Những người này cũng không công bố danh tính, là quân nhân Nga, quân nhân Ukraina hay thuộc lực lượng vũ trang nào.
Vài giờ sau khi xuất hiện tại sân bay, họ đã ra đi, nhưng không ai biết họ đi về đâu.
Vụ việc này khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, trong khi bán đảo Crimée đang sôi sục, với việc nhà Nghị viện và trụ sở chính phủ bị những người mang vũ khí kiểm soát.
Tổng thống lâm thời Olexandre Tourtchinov hiện có mặt tại chỗ để cố gắng lập lại trật tự.
Tổng thống tạm quyền Ukraina lên án mưu đồ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai bán đảo Crimée, dự kiến diễn ra vào ngày 25/05.
Tổng thống lâm thời Ukraina cũng cảnh cáo mọi di chuyển của các đơn vị quân đội Nga ra ngoài khu vực ở Sebastopol, được quy định theo hợp đồng thuê mượn với Ukraina, ở vùng miền nam nước này sẽ bị coi là một khiêu khích quân sự.
Vấn đề là, nếu như có một khiêu khích như vậy, phía Ukraina sẽ phản ứng thế nào ? »
Hãng tin Nga Interfax dẫn lời một số nhân chứng ghi nhận khoảng 50 người trong trang phục quân nhân, mang vũ khí có mặt tại sân bay Simféropol, nhưng không mang bất cứ dấu hiệu cho thấy họ thuộc về lực lượng nào.
Cũng theo hãng tin này, có một số người mang phù hiệu hải quân Nga. Theo AFP, khoảng 30 dân thường có mặt tại sân bay nói trên tuyên bố họ túc trực ở đây là để ngăn cản những "thành phần phát xít hay cực đoan" từ miền Tây xâm nhập Crimée, khu vực duy nhất mà người Nga chiếm đa số dân cư.
Về sự hiện diện của quân đội Nga tại Ukraina, người phát ngôn của hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú tại Sebastopol khẳng định, không có một đơn vị nào di chuyển đến khu vực sân bay.
Tuy nhiên, đại diện hạm đội Biển Đen cũng thừa nhận có một số đơn vị « chống khủng bố » hoạt động tại khu vực trú đóng của hạm đội, và tại các doanh trại và khu gia binh.
Theo tin giờ chót của Reuters vào 14 giờ giờ GMT, khoảng 20 binh sĩ Nga tự giới thiệu thuộc hạm đội Biển Đen, mang súng trường tự động, bao vây một trạm biên phòng ở Balaklava, gần Sebastopol.
Một người mang trang phục quân nhân nói với Reuters là họ có mặt ở đây để "ngăn cản tình hình tương tự như Maidan tái diễn".
Phản ứng của chính quyền Ukraina
Hôm nay, ít giờ sau biến cố kể trên, Quốc hội Ukraina ra tuyên bố kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm họp để xem xét cuộc khủng hoảng tại nước này.
Trong lời kêu gọi gửi Liên Hiệp Quốc, Quốc hội Ukraina nhắc đến hiệp định 1993, theo đó các cường quốc cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Đồng thời Quốc hội Ukraina cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ và Anh Quốc hỗ trợ để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thể theo Bản ghi nhớ năm 1994 tại Budapest, trong đó hai quốc gia nói trên và Nga đã cam kết.
Tổng thống lâm thời Ukraina đã triệu tập một cuộc họp khẩn các lãnh đạo ngành an ninh để bàn cách đối phó.
Về cuộc tập trận của Nga hiện nay tại vùng tây nam, giáp biên giới với Ukraina, chính quyền Kiev cảnh báo mọi động thái vượt qua biên giới của quân đội Nga sẽ bị coi là hành động xâm lược quân sự.
Sau khi Nghị viện Crimée bị một nhóm vũ trang xâm chiếm, Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen hối thúc Nga tránh « mọi hành động có thể dẫn đến một căng thẳng gia tăng » trong khủng hoảng Ukraina hiện nay.
Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nga hôm qua, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov bảo đảm không đứng đằng sau các biến loạn tại bán đảo Crimée.
Trong cuộc điện đàm hôm qua với Thủ tướng chính phủ quá độ Ukraina Arseni Iatseniouk vừa được Quốc hội bầu lên, Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bảo đảm Washington sẽ mang lại « sự ủng hộ hoàn toàn » cho Ukraina.
Tin mới
- Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Trung Quốc - 03/03/2014 20:11
- Côn Minh: Kẻ thảm sát sẽ bị trừng trị nghiêm khắc - 03/03/2014 20:06
- Bình Nhưỡng trả tự do cho một nhà truyền giáo Úc - 03/03/2014 20:00
- Tân chỉ huy hải quân Ukraina tuyên bố trung thành với chính quyền thân Nga - 03/03/2014 00:02
- Vụ thảm sát ở Trung Quốc : Nguy cơ về chu trình đàn áp - bạo động tại Tân Cương - 02/03/2014 23:53
- Thái Lan bầu cử bổ sung, phe Áo Đỏ biểu tình - 02/03/2014 23:33
- Ý đồ của Nga chưa thật sự lộ rõ - 01/03/2014 18:25
- Miến Điện:Y sĩ không biên giới bị ngưng hoạt động - 01/03/2014 18:10
- Đối lập Thái Lan ngưng phong tỏa Bangkok - 01/03/2014 18:01
- Philippines bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về tranh chấp biển đảo - 01/03/2014 17:47
Các tin khác
- Hàn Quốc : Bình Nhưỡng bắn tên lửa là "một sự khiêu khích có tính toán" - 28/02/2014 20:16
- Tổng thống Pháp công du Trung Phi, cảnh cáo mọi ý đồ chia cắt - 28/02/2014 20:09
- Tổng thống Miến Điện đề nghị ra luật về hôn nhân khác tín ngưỡng - 28/02/2014 20:01
- Philippines mời Việt Nam và Malaysia cùng kiện Trung Quốc về Biển Đông - 28/02/2014 17:47
- Venezuela: Sinh viên tiếp tục phong trào biểu tình mạnh mẽ - 27/02/2014 20:48
- Anh tiếp đón long trọng Thủ tướng Đức Angela Merkel - 27/02/2014 20:25
- Pháp: Thất nghiệp tiếp tục tăng trong tháng 01/2014 - 27/02/2014 20:18
- Nhật Bản –Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại cấp chính phủ - 27/02/2014 20:03
- Một địa phương Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp vì khói mù dầy đặc - 27/02/2014 19:57
- Thủ tướng Thái né tránh UB chống tham nhũng - 27/02/2014 19:50