Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-11-2013

Hoa Kỳ : Sinh viên ngoại quốc là một « mỏ vàng » để khai thác

Northen university
Tài liệu quảng cáo của Northern State University thuộc bang South Dakota, Hoa Kỳ


Trong thời buổi kinh tế thị trường, ngành giáo dục cũng trở thành một công cụ để kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Trên hồ sơ kinh tế, tạp chí Courrier international chạy tựa : « Sinh viên tất cả các nước hãy đến đây với chúng tôi ! » và trích dẫn bài báo trên tờ The Wall Street Journal đề tựa : « Hoa Kỳ đang tìm kiếm khả năng sinh lợi ».Tại đây, sinh viên nước ngoài chính là một mỏ vàng để khai thác.

Các trường đại học mở rộng cửa đón sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây không chỉ là phương tiện để lấp đầy ngân khố mà còn thu hút thanh niên tìm kiếm những cơ hội mới.

Bài viết trên tờ The Wall Street Journal cho biết, từ nhiều năm nay, đại diện truờng đại học Northern State University thuộc bang Nam Dakota (South Dakota) đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ hay Châu Âu để tìm kiếm một thị trường mà lợi nhuận ngày càng cao : Đó chính là sinh viên nước ngoài.

Trường đại học này muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình và quảng bá để sinh viên đến du học.

Số lượng sinh viên nước ngoài tại Hoa Kỳ đã đạt con số kỷ lục vào năm ngoái, trong đó đông nhất là sinh viên Trung Quốc.

Báo cáo thường niên của Viện Giáo dục quốc tế (Institute of International Education - IIE) mới đây cho biết, các trường đại học Mỹ đã đón 819 644 sinh viên nước ngoài trong năm học 2012-2013, tức là tăng 7,2% so với năm ngoái.

Cũng theo viện này, sinh viên nước ngoài chiếm 3,9% tổng số sinh viên của nước Mỹ. Có được thành công này là nhờ vào chiến dịch tuyển sinh không ngừng nghỉ của các trường đại học Mỹ vì họ nhìn thấy ở sinh viên nước ngoài một nguồn thu lợi nhuận đáng kể : Sinh viên ngoại quốc phải chi trả hoàn toàn phí đào tạo, vào thời điểm mà trợ cấp cho các trường đại học đều giảm và số lượng học sinh Mỹ cũng giảm từ bậc trung học phổ thông.

Đối với một số trường đại học, sinh viên ngoại quốc còn phải đóng thêm phụ phí.

Theo thẩm định, sinh viên ngoại quốc bơm 24 tỷ đô la (gần 18 tỷ euro) vào nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, chiến lợi phẩm này lại phân bố không đồng đều giữa các khu vực, giữa các trường đại học.

21% sinh viên nước ngoài tập trung học tại 25 trường được xếp hạng cao nhất, trong đó, 18 trường công lập và có 8 trường thuộc các bang ở phía trung đông. Động cơ thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên ngoại quốc là nhờ vào các công ty tư vấn giáo dục mà các trường lập ra để tìm kiếm khách hàng ngoại quốc.

Còn đối với trường đại học nhỏ không mấy danh tiếng như Northern State University, để thu hút sinh viên, trường này cũng có một hình thức khuyến mãi như cho ghi danh học miễn phí trong một thời gian.

Đa phần du sinh ghi danh học về thương mại, quản lý và khoa học.

Gần phân nửa sinh viên Trung Quốc ghi danh học các trường thương mại hay kỹ sư.

Người Ấn Độ thì tập trung nhiều hơn vào trường kỹ sư và các chuyên ngành toán-tin.

Theo một sinh viên nước ngoài, hệ thống giáo dục Mỹ linh hoạt hơn Anh, nơi mà cô từng dự định đến học.

Trong khi sinh viên ngoại quốc ào ạt đến Mỹ thì bài báo cũng cho biết là ngày càng có nhiều sinh viên Mỹ ra nước ngoài học tập.

Cũng theo báo cáo của viện IIE, 283 332 người Mỹ đã đi học ở nước ngoài trong năm học 2011-2012, tức 3% hơn năm ngoái. Bốn điểm đến chính được dân Mỹ lựa chọn là Anh, Ý, Tây Ban Nha và Pháp, đứng hàng thứ năm là Trung Quốc.

Trung Quốc như một nam châm

Bị cám dỗ bởi các hứa hẹn sự nghiệp mà Trung Quốc mở ra trước mặt, ngày càng đông thanh niên Châu Âu lựa chọn đến Trung Quốc học MBA.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng này, tờ Courrier international trích dẫn bài trên tờ Le Temps của Thụy Sĩ đề tựa: “Trung Quốc như một nam châm”.

Simon John Evenett thuộc đại học Saint-Gall nhận định: “Châu Âu giàu có nhưng Châu Á lại đầy hứa hẹn”.

Ông nhận xét, du sinh Châu Âu nhắm đến có một công việc nhanh chóng, một chức vụ quản lý, lương cao và được nhiều người biết đến. Đó là lý do vì sao họ có dự định du học tại Trung Quốc nhưng cuối cùng thì cách biệt giữa thực và hư cũng đáng kể.

Ông Christophe Weber thuộc ban điều hành Ngân hàng Genève đánh giá, tương lai việc làm tại Trung Quốc rất sáng rạng. Ông nhận xét, “người Trung Quốc cần người nước ngoài để ủng hộ tăng trưởng và cán cân thương mại. Các tập đoàn đa quốc gia và các đại sứ quán khuyến khích thanh niên tìm kiếm kinh nghiệm mới”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác thu hút du sinh Châu Âu là chính sách cấp visa của Trung Quốc dễ dàng hơn so với các quốc gia khác cũng nổi tiếng đào tạo MBA như Hoa Kỳ, theo nhận định của ông Simon John Evenett thuộc đại học Saint-Gall. Thế nhưng, để du học được ở Trung Quốc thì cũng phải có một khả năng thích nghi cao và ngôn ngữ là một trong nhiều chướng ngại lớn cần phải vượt qua.

Viện trợ nhân đạo tại Philippines là một nghệ thuật ngoại giao

Cơn bão Haiyan đã đi qua và tàn phá nặng nề đất nước Philippines. Các tuần báo tập trung bàn luận về đề tài này dưới nhiều góc cạnh khác nhau.

Tờ Courrier international trích dẫn bài viết trên tờ The New Yord Times đề tựa: “Philippines: Viện trợ nhân đạo là cả một chính sách ngoại giao”.

Trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản lại nhanh chóng gửi phương tiện, tàu bè đến giúp Philippines khi cơn bão Haiyan công phá nước này thì Trung Quốc lại thể hiện bần tiện với đất nước láng giềng vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với mình. Do đó, tạp chí nhận định rằng, đây là một sai lầm chiến lược mà Trung Quốc khó mà lấy lại được.

Cộng đồng quốc tế đã thể hiện một tinh thần tương thân tương ái khi nhanh chóng huy động người và của đến cứu trợ nạn nhân cơn bão Haiyan hiện đang trong cảnh đói khát, màn trời chiếu đất. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh Quốc hỗ trợ nhiều nhất.

Trung Quốc luôn phô trương thế lực trong khu vực và tranh giành ảnh hưởng với các nước phương Tây, nhưng qua việc ky bo với Philippines, Trung Quốc đã đánh mất cơ hội áp đặt quyền lực mềm tại khu vực.

Tờ The New York Times nhận định : Trung Quốc tỏ ra hào phóng với các nước được xem là bàn bè thâm giao. Ví dụ như Trung Quốc là chủ cho vay hàng đầu của Châu Phi, đã cứu trợ Pakistan qua cuộc động đất xảy ra hồi tháng Chín vừa qua và còn tỏ ra rộng rãi hơn với các láng giềng Châu Á khác.

Thế nhưng, đối với Philippines thì khác, đất nước được coi là kẻ thù số một của Trung Quốc vì đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và nước này còn đưa hồ sơ tranh chấp lên tòa án trọng tài quốc tế.

Mối quan hệ hai nước còn xấu hơn khi Manila vừa thông báo cách đây vài tháng rằng Nhật Bản tặng cho Philippines 10 tàu tuần tra.

Philippines cũng cho biết sẽ ủng hộ dự án của Tokyo nhằm củng cố quan hệ quân sự với các nước trong khu vực. Hơn nữa, Manila cũng đang thương thuyết với Washington nhằm cho phép một lượng lớn binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú trên đất mình.

Sau khi bị thế giới chỉ trích, Trung Quốc cũng quyết định tăng viện trợ, nhưng cũng chẳng là bao so với tầm cỡ của một nền kinh tế thứ hai thế giới muốn thu phục đồng minh.

Tờ The New York Times nhận định, sau nhiều năm Trung Quốc phát triển khá mạnh mẽ và ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị trong khu vực thì giờ đây cũng đã đến lúc sức mạnh ấy quật ngược lại chính mình.

Philippines đang trong cuộc chiến tranh giành biển đảo với Trung Quốc đã làm cho Philippines giảm sự đề phòng đối với Nhật Bản và những ký ức chua chát về sự xâm lược của Nhật Bản trong suốt Đệ nhị Thế chiến cũng tiêu tan.

Khi tuyên bố cứu trợ khẩn cấp ngay khi cơn bão đi qua, Nhật Bản cũng khẳng định đây là một hành động mang tính nhân đạo, mặc dù Tokyo cũng thừa nhận, hành động cứu trợ góp phần củng cố quan hệ an ninh giữa hai nước.

Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhận định : « Philippines có vị trí địa lý gần với Nhật và là một đối tác chiến lược quan trọng ».

Nạn nhân Haiyan vẫn trong cơn tuyệt vọng

Bàn về công tác cứu trợ nạn nhân bão Haiyan, tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài phóng sự của đặc phái viên Cyril Payen tại Philippines đề tựa : « Những người tuyệt vọng tại thành phố Tacloban ».

Thiếu lương thực, thực phẩm, nước, thuốc men, thành phố Tacloban sau cơn bão trở nên hoang tàn, dân chúng trong tình trạng vô chính phủ, cướp bóc vì miếng ăn để sinh tồn.

Đói khát, người dân có cảm giác mình bị bỏ rơi. Một viên cảnh sát cho biết : « Tại đây, người ta sẵn sàng giết nhau vì một túi gạo. Để cứu sống gia đình, họ sẵn sàng làm tất cả ».

Mặc dù các tổ chức phi chính phủ (ONG) đã nỗ lực rất nhiều, nhưng dân chúng vẫn vô cùng tức giận và oán trách nhà cầm quyền Philippines đã không kịp cứu trợ đúng lúc và quản lý tình trạng hỗn loạn này.

Bài viết cho biết, người Mỹ ưu tiên giải cứu kiều bào của mình trước, sau đó đến người Úc và người Anh.

Một viên cảnh sát già người Philippines chua chát nói : « Chẳng có gì thay đổi từ thời bị làm thuộc địa Tây Ban Nha cho đến nay, cách đây đã 500 năm, lúc nào cũng ưu tiên người da trắng trước ».

Tại Ormoc, một thành phố khác cũng bị thiệt hại nặng nề nhưng ít người thiệt mạng hơn, nhân lúc dân chúng cơ cực thiếu thốn, giá cả tăng vọt và chợ đen hoành hành mặc dù các xe tải của thành phố chạy khắp nơi bắt loa với thông điệp như sau : « Tăng giá bất hợp pháp và mọi kẻ phạm tội đều bị bỏ tù ». Thế nhưng, chẳng ai thèm đoái hoài đến. Những kẻ vụ lợi vẫn cứ thừa cơ làm giàu.

Người già vẫn có quyền được yêu

Tình yêu là một đề tài muôn thuở của nhân loại và tình yêu không biên giới. Thế nhưng, tình yêu trong viện dưỡng lão lại là một đề tài cấm kỵ và luôn vấp phải sự phản đối của con cháu hay nhân viên làm việc tại đây.

Tuần san l’Express số ra tuần này đề cập đến đề tài này qua bài viết : « Quyền yêu nhau ».

Tuần san L’Express tiết lộ một chi tiết làm độc giả rất ngạc nhiên, đó là tại các viện dưỡng lão, tình yêu và tình dục vẫn tồn tại ở độ tuổi này.

Tuy già, nhưng họ vẫn cần nhu cầu tình cảm, sinh lý và các cử chỉ âu yếm.

Phản đối điều này chính là một sự ngược đãi đối với họ, theo nhận định của Eric Seguin, viên quản lý một viện dưỡng lão.

Anh tự hỏi : Vai trò của viện dưỡng lão sẽ là gì ? Có nên cho phép họ yêu đương tự do như bên ngoài hay không ? Hay giả vờ không thấy những cảnh tượng âu yếm trong viện ?

Trong các viện dưỡng lão, có rất ít phòng đôi và giường đôi để có thể đáp ứng nhu cầu của các cặp.

Cũng phải tùy từng trường hợp và chú ý là không để vấn đề này đi lệch hướng. Đối với nhân viên làm việc tại đây cũng không phải dễ để cân bằng được vấn đề an ninh và riêng tư của các cặp tình nhân ở tuổi đầu bạc răng long.

Theo nhận định của Bộ trưởng đặc trách về người cao tuổi Michèle Delaunay, « thật không dễ gì đưa ra chính kiến vào lúc này là nên chấp nhận hay cấm đoán vì chủ đề này vẫn còn được ít biết đến ».

Dân Hàn Quốc rầm rộ giải phẫu thẩm mỹ

Tạp chí Le Point số ra tuần này quan tâm đến công nghệ giải phẩu thẩm mỹ tại Hàn Quốc được cho là khá phát triển.

Theo tuần san, người dân Hàn Quốc rất quan trọng ngoại hình nên đa số đã đi giải phẫu để trở nên xinh đẹp hơn.

Bài báo đăng ảnh hai gương mặt khác nhau, trước và sau khi giải phẫu. Người đọc khó mà phát hiện ra đó cùng là một người.

Tại Châu Á, những người muốn giải phẫu khuôn mặt chủ yếu nhận tài trợ từ cha mẹ. Họ sẵn sàng chi trả bằng mọi giá để con cái mình thành đạt.

Bác sĩ Oh Myung-june, Giám đốc bệnh viện tư Regen giải thích : « Hàn Quốc là một xã hội cực kỳ cạnh tranh và ngoại hình giữ vai trò cốt yếu.

Một ngoại hình đẹp sẽ mở ra cho bạn nhiều cánh cửa nghề nghiệp trong tương lai. Giải phẩu thẩm mỹ được xem là một sự đầu tư sánh ngang với các khóa học Anh văn ».

Một số cô gái chia sẻ, nhờ qua phẫu thuật mà họ trở nên quyến rũ hơn, được nhiều chàng trai quan tâm tới và họ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Một phụ nữ xém ly hôn, nhờ phẫu thuật thẩm mỹ mà cứu vãn được cuộc hôn nhân.



Switch mode views: