Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đối đầu Iran-Israel và thế cân bằng tế nhị của Nga

syria-israel 3

Quân đội Israel trấn giữ vùng chiếm đóng trên cao nguyên Golan giáp với biên giới Syria.REUTERS/Ronen Zvulun

Iran và Israel là hai quốc gia « không đội trời chung », kể từ khi Nhà nước Do Thái ra đời năm 1948.

Việc Teheran cùng với Nga và lực lượng Hezbollah can thiệp vào Syria hỗ trợ chế độ Damas làm cho quan hệ giữa Iran và Israel trở nên rất căng thẳng.

Là một tác nhân không thể thiếu vắng tại vùng Trung Đông vốn được coi là « chảo lửa », Nga có quan hệ với cả Israel và Iran.
Do vậy, theo giới chuyên gia, để bảo vệ các lợi ích của mình trong khu vực, Matxcơva buộc phải đóng vai trò như người đi trên dây, cố duy trì thế cân bằng tế nhị trong quan hệ với Iran và Israel.

Trong những tuần qua, quân đội Israel đã nhiều lần oanh kích vào lãnh thổ Syria, trong đó không ít lần nhắm thẳng vào những điểm được cho có sự hiện diện của quân đội Iran.

Đỉnh điểm gần đây nhất là trận oanh kích dữ dội của Israel sáng sớm ngày 10/05.
Quân đội Israel đã bắn hỏa tiễn vào 50 vị trí của lực lượng Al-Qods tại Syria, với lý do là phía Iran đã pháo kích vào khu vực Israel chiếm đóng ở cao nguyên Golan, vùng biên giới giữa Syria với Israel.

Đây là lần đầu tiên, thế giới chứng kiến một cuộc đối đầu trực diện giữa hai nước thù nghịch từ khi xảy ra chiến sự tại Syria.
Tình hình căng thẳng đến mức truyền thông phương Tây không ngừng đặt câu hỏi : Liệu có khả năng xảy ra thêm một cuộc chiến khác trong khu vực này hay không ?

Trả lời câu hỏi của đài phát thanh Europe 1 ngày 11/05, ông Frédéric Encel, nhà nghiên cứu địa chính trị chuyên về vùng Cận Đông, cho rằng khó có khả năng xẩy ra chiến tranh giữa Iran và Israel vì chìa khóa hạ nhiệt căng thẳng nằm ở Matxcơva.
« Tôi không tin vì lý do nằm ở Matxcơva. Bởi vì chúng ta hiện nay đang chứng kiến mối quan hệ đúng mức giữa Nga và Israel.
 Hai bên đều mong muốn chia sẻ không phận Syria mà không có sự cố va chạm.
Còn Matxcơva và Teheran thì tạo dựng trục chiến lược. Đương nhiên, tôi khỏi phải nói đến trục chiến lược giữa Matxcơva và Damas.
Do vậy, tôi có thể nói, người quyết định giải pháp giảm căng thẳng thực ra chính là Vladimir Putin.

Tôi lạc quan là vì chừng nào không có leo thang, va chạm trên bộ, nói một cách khác là chừng nào không có đối đầu trực tiếp giữa một bên là Israel và bên kia là lực lượng Hezbollah, Syria hay Iran thì tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. »

Nga tính gì khi « bắt cá hai tay » ?

Câu hỏi đặt ra : Vậy Nga đang tính gì khi bắt tay cùng lúc với Israel và Iran ?

 Theo giải thích của trang mạng Les Yeux Du Monde (tạm dịch là Nhãn Quan Thế Giới), chuyên về địa chính trị, kể từ khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 để ủng hộ chế độ Bachar al-Assad, nước Nga của tổng thống Putin chủ trương một chính sách đối ngoại cân bằng giữa hai nước thù nghịch này.

Một mặt, Nga được đồng minh Iran hỗ trợ trong hồ sơ Syria và cả hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ « tiến trình Astana ».
Mặt khác, Nga lại có mối quan hệ ổn định với Israel, kẻ thù của Iran, và là đồng minh chắc chắn của Hoa Kỳ.

Bằng cách duy trì thế cân bằng mong manh, qua việc nâng cao giá trị các mối quan hệ vừa với Iran vừa với Israel, nước Nga muốn khẳng định vị thế « trung gian hòa giải đương nhiên trên thực tế » (de facto) cũng như tự cho mình một vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các xung đột trong khu vực.

Chính sách này của Nga nhằm hai mục tiêu : thứ nhất, đáp ứng tham vọng được nhìn nhận như là một « cường quốc thế giới » chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quân sự ; thứ hai, giúp Matxcơva thoát ra khỏi thế cô lập chính trị trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Ukraina gây ra.

Chính trong chiều hướng này, nước Nga của ông Vladimir Putin, về mặt lô-gic, sẽ tìm cách khai thác hưởng lợi từ việc Mỹ quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như quyết tâm của châu Âu tôn trọng thỏa thuận.
Một quan điểm cũng được ông Maxime A. Suchkov, chuyên gia về Cận Đông chia sẻ với báo mạng Phương Đông XXI (Orient XXI).

« Nga xuất phát từ quan điểm cho rằng khi chọn một phe trong cuộc xung đột này thì họ mất nhiều hơn là được.
Chừng nào lợi ích của Nga trong cuộc đối đầu này không bị ảnh hưởng, chừng ấy Matxcơva vẫn sẽ tránh tham gia trực tiếp.

Về phần Iran và Israel, cả hai nước đang cố lôi kéo Nga về phía mình, Matxcơva tự cho mình vai trò ‘‘Nhà nước đáng trông cậy’’ hữu ích cho cả hai bên liên quan đến vấn đề an ninh song phương, ít ra là cho đến khi cả Iran và Israel đều muốn biến đổi thế đối đầu hiện nay thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn ».

Dù rằng thế giới hiện nay đã tránh được một cuộc chiến giữa Iran và Israel, nhưng rủi ro leo thang quân sự giữa hai nước vẫn hiện diện.
 Bởi vì cả hai bên đều luôn cho rằng mối bận tâm của họ về an ninh khu vực là chính đáng và rằng bên kia phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu đi.

Vì bản thân cả hai nước không thể tự giải quyết các tranh chấp, do vậy, Nga chắc chắn vẫn sẽ là tác nhân duy nhất có thể giúp hai bên tạm hóa giải xung đột, như khẳng định của chuyên gia Frédéric Encel trên đài Europe 1.

« Vâng, tình hình trong những tháng tới và rất có thể trong những năm tới vẫn như thế, bởi vì không một bên nào nghĩ đến chuyện giảm cảnh giác, đề phòng.
Iran vẫn muốn tiếp tục duy trì trục Shia chiến lược chạy đến tận Địa Trung Hải, từ Liban qua Syria, đến Irak. Và bên kia thì Israel muốn ngăn chặn khả năng phát triển tên lửa đạn đạo và sức mạnh trên không của Iran trong khu vực.

Đúng là căng thẳng có thể kéo dài, nhưng tôi vẫn không tin vào nguy cơ leo thang quân sự nói chung. Bởi vì lại một lần nữa, nước Nga, siêu cường mới trong khu vực cũng như tại Syria, không hề muốn như vậy. »

Giữa Israel và Iran : Bên nặng, bên nhẹ

Nhưng có một điểm mà giới phân tích lưu ý, đó là chiến lược duy trì cân bằng này của Nga cũng chỉ mang tính tương đối.
Trong mối quan hệ tay ba này, bàn tay thân thiện của Nga có phần nào nghiêng nhiều hơn về phía Israel bởi các yếu tố lịch sử và dân số.

Mối thâm giao Matxcơva - Tel Aviv đã từ lâu, ngay từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập.
Quan hệ song phương này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cũng thăng trầm theo những biến đổi địa chính trị thế giới.

Matxcơva - Tel Aviv từng có thời gian đoạn tuyệt bang giao khi Israel quyết định bắt tay với Mỹ năm 1950 và nhất là khi xảy ra Cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967.
Mãi cho đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Israel và Nga mới được nối lại.
Và nhất là kể từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền tại Nga và Ariel Sharon ở Israel, quan hệ đôi bên mới được thật sự được cải thiện đáng kể.

Quan hệ hữu hảo giữa Israel và Nga thể hiện rõ qua việc thiết lập một cơ chế để cả hai nước phối hợp các hoạt động trên không phận Syria nhằm tránh xảy ra va chạm đáng tiếc.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mosshé Ya’alon từng có những tuyên bố như sau về mối hợp tác bí mật này :
« Chúng ta không làm phiền họ và họ cũng chẳng gây phiền toái gì cho chúng ta ».
Nghĩa là, Israel không can dự vào các chiến dịch quân sự của Nga hỗ trợ các lực lượng quân đội của Damas với điều kiện Nga cũng không gây khó dễ cho các vụ oanh kích của Israel nhắm vào phe Hezbollah trên lãnh thổ Syria.

Đó là chưa tính đến yếu tố dân số. Với cộng đồng người Nga chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng hơn một triệu người trên tổng số 8 triệu dân), chỉ đứng sau cộng đồng người Ả Rập (gần 2 triệu người), Israel duy trì một mối quan hệ vừa chặt chẽ mà cũng vừa mập mờ.
Tiếng Nga là ngôn ngữ thứ ba tại Israel và tùy theo từng khu phố hay địa phương mà tiếng Nga có khi trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Tương tự, ảnh hưởng của cộng đồng người Do Thái tại Nga cũng khá quan trọng, hơn một triệu người (trong tổng số 20 triệu dân Nga).
Cộng đồng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Switch mode views: