Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ấn Độ cụ thể hóa chiến lược Đông Nam Á thách thức Trung Quốc

modi-malaysia

Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah (P) cùng ông Anwar Ibrahim (T) tại Sepang, Malaysia, ngày 31/05/2018.
Department of Information/Muhairul Azman via REUTERS

Báo India Today ngày 05/06/2018 tiết lộ : sau khi rời Việt Nam vào hạ tuần tháng Năm, đội chiến hạm được Ấn Độ triển khai làm nhiệm vụ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã bị tàu quân sự Trung Quốc bám đuôi trên vùng biển quốc tế để dọ thám.

Hành vi thiếu thân thiện của Trung Quốc thể hiện rõ thêm thái độ tức tối của Bắc Kinh trước việc New Delhi ngày càng tăng cường sự hiện diện tại vùng Biển Đông, với một chiến lược Đông Nam Á càng lúc càng rõ nét

Mục tiêu được tuyên bố của Ấn Độ là góp phần kiến tạo một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “vận hành trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, một nhóm từ đã trở thành đồng nghĩa với chống lại các hành vi bành trướng, coi thường luật lệ quốc tế mà Trung Quốc đang áp đặt, đặc biệt là tại Biển Đông.

Trong một bài phân tích ngày 03/06/2018, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật nỗ lực mới nhất của Ấn Độ được ghi nhận nhân dịp giới lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến an ninh châu Á tề tựu về Singapore trong ba ngày 01-03/06 để tham gia Đối Thoại Shangri La.

Theo Reuters, trong dòng thời sự đáng chú ý với thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, Ấn Độ đã bình thản tiến thêm một bước trong việc củng cố quan hệ ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á trong một động thái rõ ràng là thách thức Trung Quốc.

Đối với hãng tin Anh, dĩ nhiên người ta vẫn có thể tự hỏi là Ấn Độ sẽ thúc đẩy những quan hệ đó đi xa đến đâu vì đã từng hứa hẹn từ nhiều năm qua, trong bối cảnh là nước này sẽ bầu lại Quốc Hội trong không đầy một năm, khiến thủ tướng Modi bị phân tâm.
Bên cạnh đó, cho dù đã chọc giận Trung Quốc, nhưng New Delhi rõ ràng là không muốn đối đầu trực diện với Bắc Kinh.

Những đề xuất cụ thể mới của thủ tướng Modi

Thế nhưng phải công nhận rằng trong những ngày gần đây, thủ tướng Ấn Độ đã đưa ra nhiều bước cụ thể về ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á.

Ấn Độ đã ký với Indonesia thỏa thuận phát triển một cảng ở thành phố Sabang nhìn ra lối vào phía tây của eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất hành tinh. New Delhi đồng thời thỏa thuận với Singapore về cung cấp hậu cần cho tàu chiến, tầu ngầm, máy bay quân sự trong các chuyến ghé cảng.

Ông Modi cũng đã bay sang Kuala Lumpur trong một chuyến thăm lên chương trình vào giờ chót để tiếp xúc với tân thủ tướng Malaysia Mahathir, và qua đó thắt chặt thêm quan hệ với ba nước có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á.

Hôm 01/06 vừa qua, ở Đối Thoại Shangri La tại Singapore, hội nghị an ninh hàng đầu tại châu Á, ông Modi tuyên bố sẽ cùng làm việc với các quốc gia ASEAN để phát huy trật tự dựa trên luật pháp ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Trong bài dẫn đề (keynote speech) tại Đối Thoại Shangri La, thủ tướng Ấn Độ xác định: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng với ASEAN, với riêng từng nước hay trên thể thức 3 quốc gia hay nhiều hơn, để bảo đảm ổn định và hòa bình trong vùng”.
Nhiều đại biểu tại hội nghị trong đó có cả bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã lên tiếng ủng hộ.

Khi hội nghị an ninh kết thúc hôm Chủ Nhật 03/06, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen đã đánh giá: “Tôi chắc chắn là nhiều quốc gia đã vui mừng khi thấy Ấn Độ chứng tỏ quyết tâm dấn thân rõ ràng vào khu vực”.

Trung Quốc tỏ thái độ lạnh nhạt

Cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” ngày càng được sử dụng trong thời gian gần đây, trong giới ngoại giao và an ninh ở Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, thay cho khái niệm “Châu Á Thái Bình Dương” mà theo một số người là quá đặt Trung Quốc vào trọng tâm.

Như một sự thừa nhận vị trí ngày càng lớn của Ấn Độ trong khu vực, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii đã chính thức đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương trong một buổi lễ tổ chức vào ngày thứ Tư 30/05 tuần qua.

Cho dù bề ngoài hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều tỏ thái độ hữu nghị, và trong diễn văn của mình, thủ tướng Modi cũng nói đến quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, Bắc Kinh đã lạnh lùng phản bác chiến lược của thủ tướng Ấn Độ.

Trong bài xã luận tuần qua, Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo: “Nếu quả thực là Ấn Độ thật sự muốn cho quân đội tiếp cận cảng chiến lược Sabang, thì họ đã tính toán sai lầm khi lao vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc với khả năng tự làm phỏng tay.”

Đại tá Triệu Hiểu Trác (Zhao Xiaozhuo), thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự Trung Quốc đã nói với báo giới bên lề hội nghị Shangri La là ông Modi “đã có những đánh giá riêng về những gì ông nghĩ về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Nhân vật này không nói chi tiết nhưng Hoàn Cầu Thời Báo đã trích lời ông cho rằng: “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và liên minh giữa Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ sẽ không tồn tại lâu dài”.

Mục tiêu của Ấn Độ rộng lớn hơn

Các quan chức bộ Ngoại Giao Ấn Độ công nhận rằng nỗ lực của New Delhi nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải qua eo biển Malacca xuất phát từ một động cơ tư lợi mạnh mẽ: đó là vì 60% ngoại thương Ấn Độ đi qua ngã này. Thế nhưng dấu ấn của Ấn Độ có vẻ rộng lớn hơn.

Hạ tuần tháng Năm vừa qua, 3 tàu chiến của Ấn Độ đã cùng với Hải Quân Việt Nam lần đầu tiên tập trận tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ.
Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng được huấn luyện tại Ấn Độ trong lúc hai bên gia tăng việc chia sẻ thông tin tình báo và xem xét khả năng mua bán vũ khí tối tân.

Ở phía tây, Ấn Độ ký thỏa thuận để tiếp cận cảng Duqm trên bờ biển phía nam Oman, trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Modi vào đầu năm nay. Với thỏa thuận đó, theo nguồn tin báo chí, Hải Quân Ấn Độ có thể sử dụng cảng Duqm cho vấn đề hậu cần và tiếp liệu,cho phép Ấn Độ thực hiện những chiến dịch dài hạn ở phía tây Ấn Độ Dương.

Vào tháng Giêng, Ấn Độ cũng đã đúc kết một thỏa thuận trao đổi với Pháp theo đó Ấn Độ có thể sử dụng những cơ sở quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Các nhà phân tích cho rằng một Ấn Độ quyết đoán hơn sẽ giúp giảm bớt các mối quan ngại ở Đông Nam Á về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng và mối lo ngại về khả năng Mỹ lơ là khu vực.

Theo các chuyên gia này, tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đang tìm kiếm hòa bình với Bắc Triều Tiên, đã làm nhiều nước trong vùng bất an.

Ông C. Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Đại học Singapore nhận định: “ASEAN đã bị sức ép là phải đa dạng hóa quan hệ an ninh, tìm kiếm những đảm bảo khác”, thay vì chỉ dựa vào Mỹ. “Một Ấn Độ năng động rất phù hợp với tình hình đó”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Mohan, cho dù ông Modi đã khởi động mạnh mẽ, nhưng chưa rõ là chiến lược của ông bền vững như thế nào:

“Thực hiện các chiến lược luôn luôn là một vấn đề đối với Ấn Độ. Ông Modi đang cố sức tăng cường khả năng của New Delhi thực hiện những chủ trương bên ngoài biên giới. Đã có một số tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức mang tính chất cơ cấu”.

Switch mode views: