Châu Âu : Nạo phá thai gây chia rẽ xã hội
- Thứ Tư, 06 tháng Sáu năm 2018 16:32
- Tác Giả: Thùy Dương
Tại thủ đô Dublin, Ailen, những người ủng hộ bỏ tu chánh án thứ 8 khỏi Hiến Pháp về cấm nạo phá thai đang ăn mừng chiến thắng sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/05/2018.REUTERS/Max Rossi
Ngày 25/05/2015, Ailen (Irland) tổ chức trưng cầu dân ý về việc cho phép phụ nữ nạo phá thai.
Cuộc trưng cầu dân ý gây rất nhiều ý khiến trái chiều, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ hay phản đối nạo phá thai đã diễn ra tại đất nước mà Giáo Hội Công Giáo có nhiều tác động tới đời sống xã hội.
Nhưng nạo phá thai không chỉ là vấn đề nhạy cảm ở riêng Irland, mà là chủ đề gây nhiều nạn nứt trong xã hội tại nhiều quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn Ba Lan và Ý.
Ailen : Sửa đổi Hiến Pháp và trưng cầu dân ý về nạo phá thai
Là quốc gia có 87% dân số theo Công Giáo, năm 2015, Irland đã khiến thế giới sững sờ khi 62% người tham gia trưng cầu dân ý ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Chuyển biến cởi mở này được coi là « một trận động đất về văn hóa » ở Ailen.
Nhưng câu hỏi về cho phép hay tiếp tục cấm phụ nữ nạo phá thai lại hoàn toàn khác.
Bà Rhona Mahony, giám đốc Bệnh Viện Phụ Sản Quốc Gia ở Dublin và là nhà tranh đấu ủng hộ quyền nạo phá thai nhận xét : « Lần này, câu hỏi không phải về tình yêu mà về điều mà nhiều người thành thật coi là hành vi giết người ».
Nhìn lại lịch sử, từ năm 1861, nạo phá thai đã bị cấm trên toàn đất nước. Nhưng tới những năm 1970, phong trào bảo vệ quyền được nạo phá thai của phụ nữ ở các nước Tây Âu và Mỹ lan rộng.
Do lo sợ phong trào trên ảnh hưởng tới người dân Ailen, năm 1983, sau một cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ đã đưa tu chính án số 8 vào Hiến Pháp nhiều nhóm đấu tranh vì « quyền được sống » đã tập hợp thành tổ chức công giáo cánh hữu PLAC và đấu tranh, vận động hành lang chính quyền tổ chức dân cầu trưng ý về việc nạo phá thai là bất hợp pháp.
Ngày 07/09/1983, 844.223 người tham gia trưng cầu dân ý. Kết quả là 67% phản đối quyền phá thai.
PLAC tiếp tục gây sức ép cho các đảng phái chính trị, doanh nhân và dân thường, kể cả những người không theo công giáo trong khắp cả nước, để đưa điều luật cấm phá thai vào Hiến Pháp, nhằm bảo vệ quyền được sống của « những đứa trẻ sắp chào đời », khẳng định thai nhi và thai phụ có quyền ngang nhau trong cuộc sống.
Rất nhanh chóng, nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình áp dụng điều luật. Thế nào là « những đứa trẻ sắp chào đời » ?
Các bác sĩ sẽ phải làm gì nếu việc can thiệp cứu bà mẹ có thể khiến « đứa trẻ sắp chào đời » không còn cơ hội được sinh ra ?
Sẽ phải làm gì với những người phụ nữ có thai vì bị cưỡng hiếp hoặc có quan hệ loạn luân ?
Vào năm 1992 nổ ra « vụ X » gây chấn động dư luận Ailen. Đó là câu chuyện về một cô bé 14 tuổi có thai sau khi bị cưỡng hiếp.
Vì không được phép phá thai tại Irland, cô bé mong muốn được sang Anh phá thai.
Vụ việc tới tai công tố viên trưởng. Quan chức này đã viện dẫn Hiến Pháp để ngăn cản kế hoạch trên và yêu cầu Tòa Tối Cao ngăn cản chuyến đi của cô bé.
Nhưng cuối cùng, vì bé gái dọa tự vẫn, Tòa Tối Cao Irland đành để cô bé đang Anh phá thai.
« Vụ X » đã khơi dậy những tranh cãi gay gắt về luật phá thai. Một vụ việc tương tự - « vụ C » - xảy ra vào năm 1997.
Tới năm 2012, cô Savita Halappanavar, 31 tuổi, đã chết vì nhiễm trùng máu do thai chết lưu.
Trước đó, cô đã xin phá thai nhưng không được vì có bác sĩ nói vẫn nghe thấy tim thai.
Từ năm 2013, chính quyền nới lỏng luật, cho phép phụ nữ phá thai nếu thai nhi gây nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ.
Nhưng có thai do bị cưỡng hiếp hay thai nhi bị dị tật vẫn không phải những lý do chính đáng để xin phá thai và có thể khiến thai phụ lãnh án 14 năm tù.
Trong suốt 35 năm qua, bất chấp nhiều tranh cãi, ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo khiến cuộc đấu tranh của các phong trào nữ quyền, các tổ chức nhân quyền vẫn không mang lại nhiều thay đổi về luật phá thai ở Irland.
Xã hội vẫn chia làm hai phe : một phe bảo vệ « quyền được lựa chọn » và sức khỏe của phụ nữ, kêu gọi « ngưng giám sát thân thể phụ nữ », một phe cho rằng « cuộc sống là một món quà », coi việc cho phép phá thai là « cấp giấy phép giết người » …
Trong khi đó, hàng năm, ước tính có 3.000 phụ nữ Ailen sang Anh phá thai, hàng ngàn người hoặc phải « đặt mua chui » viên thuốc ngừa thai khẩn cấp trên mạng internet hoặc « mua chui » thuốc về uống để tự phá thai.
Thủ tướng Ailen, ông Leo Varadkar, khẳng định từ khi tu chánh án số 8 được đưa vào Hiến Pháp năm 1983, tổng cộng 170.000 phụ nữ đã phải ra nước ngoài phá thai.
Chính phủ Ailen mới đây đã đồng ý cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc hủy bỏ điều luật cấm phá thai ghi trong Hiến Pháp.
Bản thân vị thủ tướng trẻ, 39 tuổi, từng là bác sĩ và là người đồng tính, ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi Hiến Pháp để phụ nữ được quyền phá thai và ông tích cực kêu gọi 3.5 triệu cử tri bỏ phiếu và nói « có » với việc bỏ tu chính án số 8 cấm phá thai.
Những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đồng thời những bê bối linh mục lạm dụng tình dục trẻ em đã khiến ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo suy giảm.
Thêm vào đó là sự tích cực của giới trẻ. Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 25/05/2018, 68% cử tri ủng hộ hộ hợp pháp hóa quyền phá thai.
Thông tín viên RFI Tudor tại Dublin cho biết :
« Như vậy là chúng ta đã quan sát thấy một sự thay đổi lớn trong quan niệm, nhất là đối với những người trẻ tuổi hơn, với những giá trị mới trong một xã hội cởi mở hơn rất nhiều, thậm chí là một xã hội đã được toàn cầu hóa.
Nhưng cũng phải nói là ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Irland đã suy yếu sau nhiều bê bối lạm dụng tình dục trẻ em trong những năm 1990-2000.
Giáo hội không còn áp đặt được những chuẩn mực về tính dục, nhất là đối với phụ nữ. Tất cả những điều đó giải thích việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cách nay 3 năm, sự đắc cử của một vị thủ tướng thừa nhận mình là người đồng tính và giờ đây là số phiếu rất cao để ủng hộ quyền nạo phá thai ».
Đương nhiên là kết quả trưng cầu dân ý không làm Giáo hội Công giáo Irland hài lòng.
Nhưng theo nhiều người, Giáo hội sẽ phải thích nghi với sự tiến triển trong xã hội.
Cô Romanne Monero, đang có chuyến đi sang Đan Mạch cũng cố trở về nước trước ngày 25/05 để bỏ phiếu ủng hộ hợp pháp hóa nạo phá thai.
Trả lời phỏng vấn của thông tín viên Julien Lagache tại Dublin, cô Monero phát biểu : « Giáo hội Công giáo cũng từng không ủng hộ chuyện li dị. Nhưng giờ đây tại Irland, việc li dị đã được chấp nhận.
Trong vòng 10 năm nữa, nạo phá thai chắc chắn cũng sẽ được nhìn nhận bình thường hơn ».
Về quan điểm của giới trẻ, trả lời phỏng vấn của RFI, bà Agnès Maillot, giáo sư về văn hóa Irland tại đại học Dublin giải thích :
« Các lá phiếu ủng hộ hợp pháp hóa nạo phá thai chủ yếu là của giới trẻ. Điều này không khiến mọi người ngạc nhiên vì tại Irland họ là thế hệ mới, những người tích cực lên tiếng thể hiện quan điểm từ 10-15 năm trở lại đây.
Đó là những người có học thức, thường ở trình độ đại học trở lên. Họ đi du lịch rất nhiều và rất cởi mở với thế giới bên ngoài.
Từ 20 năm nay, họ sống trong nền kinh tế toàn cầu hóa, họ chứng kiến có nhiều di dân đến Irland chứ không chỉ là người Irland phải di cư ra nước ngoài như thời của các thế hệ trước.
Cái nhìn riêng của giới trẻ về Irland và tương lai của đất nước không giống cái nhìn của thế hệ cha mẹ, ông bà họ.
Chính vì thế, chúng ta thấy là đã có sự thay đổi sâu sắc trong cuộc bỏ phiếu. 68% số phiếu ủng hộ hợp pháp hóa nạo phá thai là tỉ lệ rất lớn. »
Ba Lan - Kiến nghị « sáng kiến công dân » chống « phá thai ưu sinh »
Trong thời gian qua, cuộc tranh luận về hợp pháp hóa nạo phá thai thường xuyên châm ngòi cho các cuộc đối đầu giữa Giáo Hội Công Giáo Ba Lan và những người đấu tranh đòi quyền phá thai, nhất là phụ nữ.
Tại Ba Lan, phụ nữ chỉ được phép phá thai trong ba trường hợp : thai nhi bị dị tật, có thai sau khi bị cưỡng hiếp hoặc quan hệ loạn luân, thai nhi gây nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ.
Mặc dù Ba Lan là một trong những nước khắt khe nhất về nạo phá thai, nhưng đảng cực hữu và Giáo hội Công giáo Ba Lan, vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ, luôn tìm cách cấm triệt để việc nạo pha thai.
Hồi cuối năm 2016, một dự luật về cấm hoàn toàn nạo phá thai, bỏ tù phụ nữ phá thai và cấm mọi biện pháp ngừa tránh thai đã khiến hàng trăm ngàn phụ nữ trên khắp đất nước xuống đường tuần hành trong trang phục đen. Các dân biểu cuối cùng đã phải lùi bước.
Vào tháng 11/2017, nhiều hiệp hội Công Giáo lại đệ trình lên Quốc Hội bản kiến nghị « sáng kiến công dân » với chữ ký của 850.000 người dân, nhằm ngăn cấm phụ nữ phá thai trong trường hợp thai nhi bị dị tật mà họ gọi là « phá thai vì mục đích ưu sinh », trong khi đó 96% số vụ phá thai ở Ba Lan là vì lý do này.
Dự luật hiện vẫn đang được Quốc Hội xem xét.
Thực ra, theo bà Krystyna Kacpura, giám đốc tổ chức phi chính phủ Liên đoàn vì phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình, trước đây mọi việc không phải như vậy:
« Cho tới năm 1993, phụ nữ Ba Lan vẫn được phép vẫn phá thai trước 12 tuần. Nhiều phụ nữ từ các nước khác ở châu Âu từng sang Ba Lan để phá thai, nhất là người Pháp.
Nhưng giờ đây, bằng cách cố ý yêu cầu thai phụ đi khám hết lần này tới lần khác, các bác sĩ đã buộc họ phải tiếp tục mang thai cho đến khi thai quá lớn, chỉ còn cách phải sinh con. Điều đó là bất hợp pháp, nhưng các bác sĩ này không muốn bị ghi vào hồ sơ là đã từng làm thủ thuật phá thai ».
Và hiện nay, Đức, Slovakia và Cộng Hòa Séc lại trở những nước mà phụ nữ Ba Lan thường tìm cách tới để phá thai.
Theo chính phủ Ba Lan, mỗi năm chỉ có 700 phụ nữ phá thai, nhưng theo nhiều ước tính, số vụ « phá thai chui » lên tới 80.000-150.000 ca/năm.
Ý : Nạo phá thai là hợp pháp, nhưng 70% bác sĩ từ chối thực hiện
Trái ngược với Ailen, Ba Lan, tại Ý, « luật 194 » hợp pháp hóa nạo phá thai được ban hành từ năm 1978. Nhưng trên thực tế, đảng cầm quyền khi đó là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo đã kêu gọi các bác sĩ từ chối thực hiện phá thai với lý do là hành vi đó là trái với lương tâm.
Tỉ lệ này nay trung bình là 70%. Thậm chí là 83% ở đảo Sicile và 93% ở Molise. Điều này đã khiến phụ nữ ở nhiều nơi, nhất là miền nam nước Ý, gặp rất nhiều khăn, thậm chí là không thể phá thai.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức ngày càng theo khuynh hướng cực đoan, chẳng hạn ProVita, và có nhiều liên hệ chặt chẽ với đảng tân phát xít Forrza Nuova đẩy đẩy mạnh các phong trào chống nạo phá thai với nhiều chiến dịch vận động mạnh mẽ.
40 năm sau khi « luật 194 » ra đời cho phép phụ nữ nạo phá thai, vào ngày 19/05, tại thủ đô Roma, vài ngàn người đã xuống đường tham gia cuộc « tuần hành vì cuộc sống » với khẩu hiệu « Nạo phá thai là giết người ».
Sau khi số vụ nạo phá thai đạt mức cao kỷ lục 230.000 vụ vào đầu những năm 1980, số ca nạo phá thai giảm dần.
Con số này chỉ còn 85.000 vụ vào năm 2017.) Tuy nhiên, tỉ lệ nạo phá thai giảm cũng không khiến tỉ lệ sinh ở Ý tăng.
Năm 2017, chỉ có 460.000 em bé được sinh ra. Và đó là con số thấp nhất trong lịch sử nước này.
Related news items:
Tin mới
- G7 : Macron và Trudeau kêu gọi một « mặt trận đa phương » chống Trump - 07/06/2018 14:05
- NATO họp bàn chia sẻ gánh nặng với Mỹ - 07/06/2018 13:58
- TT Trump: Kết quả bầu sơ bộ ‘rất tốt đẹp’ cho Đảng Cộng Hòa - 06/06/2018 21:46
- Chiến lược phùng thời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên - 06/06/2018 19:14
- Nhật muốn được « bảo đảm » trước thượng đỉnh Trump-Kim - 06/06/2018 18:54
- Ấn Độ cụ thể hóa chiến lược Đông Nam Á thách thức Trung Quốc - 06/06/2018 17:58
- Nhật chặn máy bay Trung Quốc do thám lúc Đài Loan tập trận - 06/06/2018 17:38
- HĐBA yêu cầu Miến Điện hợp tác điều tra vụ đàn áp người Rohingya - 06/06/2018 17:23
- Pháp cảnh báo Iran đừng đùa với lửa - 06/06/2018 16:47
- Quốc Hội Ý biểu quyết về chính sách của chính phủ dân túy - 06/06/2018 16:40
Các tin khác
- Facebook bị kiện vì quảng cáo bầu cử - 05/06/2018 22:43
- Seoul muốn Bình Nhưỡng bảo đảm quyền « miễn trừ » ở Kaesong - 05/06/2018 22:27
- Nếu động đất lớn, dân California sẽ chạy đi đâu? - 05/06/2018 13:58
- San Jose: Thanh niên gốc Việt bị tình nghi giết cha mẹ vì gia tài - 05/06/2018 13:45
- Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore sẽ chỉ là bước khởi đầu - 05/06/2018 13:33
- Dân Hồng Kông tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát Thiên An Môn - 05/06/2018 13:27
- Mỹ dự trù gia tăng tuần tra Biển Đông - 04/06/2018 23:01
- Đảo Hải Nam : Tiền đồn quân sự Trung Quốc khống chế Biển Đông - 04/06/2018 22:07
- Châu Á xem cả Mỹ lẫn Trung Quốc là một mối đe dọa - 04/06/2018 18:46
- Trung Quốc phản đối tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ về Thiên An Môn - 04/06/2018 18:37