Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khí hậu : Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bị kiện

gaz effet de serre

Than đá, nguồn tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu, tiếp tục phát triển trong những năm gần đâyReuters

Lần đầu tiên nạn nhân khí hậu khởi kiện Liên Hiệp Châu Âu - khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh sau ba năm chững lại.

Dân Hàn Quốc bắt chước hai lãnh đạo Moon – Kim siết tay nhau tại « Bàn Môn Điếm ».
Thủ tướng Đức lặng lẽ thăm vợ các nhà tranh đấu Trung Quốc.
 Starbucks đóng cửa đồng loạt 8.000 quán cà phê.
Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Khoảng 30 người từ tám quốc gia đã đệ đơn lên Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu ngày 24/05/2018.
 Các nguyên đơn khiếu nại là Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu đã « không có các biện pháp thích hợp » để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho sinh kế của họ.

Mạng lưới Hành động Khí hậu (Réseau Action Climat), tập hợp nhiều tổ chức phi chính phủ vì khí hậu trên khắp châu Âu, ủng hộ vụ kiện này (được gọi tên là « People’s climate case »), cho biết đây là lần đầu tiên các nạn nhân kiện Liên Hiệp Châu Âu.

Trả lời AFP, nữ luật sư Roda Verheyen giải thích hầu hết nguyên đơn là các gia đình sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như gần bờ biển, có rừng, sống trên núi hay trong các xứ sở băng giá.
Cụ thể là : Một nguyên đơn người Pháp, ông Maurice Feschet, 72 tuổi (ở tỉnh Drome, miền tây nam), cho biết khô hạn tăng cao và tiết băng giá đến muộn hơn khiến cho thu hoạch cây oải hương của trang trại ông giảm rất mạnh (khoảng 40% sản lượng), đặc biệt từ 15 năm trở lại đây.

Hay ông Armando Carvalho ở Bồ Đào Nha khiếu kiện vì rừng của ông ở miền trung bị cháy trong mùa hè khô hạn năm vừa qua.
Các gia đình thổ dân người Sami Thụy Điển kiện vì thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc nuôi tuần lộc.
Trong số nguyên đơn, có các công dân ở Kenya (châu Phi) hay đảo Fidji (Thái Bình Dương).

Thỏa thuận về Khí hậu 2015, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến khái niệm « công lý khí hậu ».
Kể từ đó, việc khiếu kiện khí hậu tăng vọt.

Theo một viện nghiên cứu về khí hậu ở Luân Đôn (Grantham Research Institute on Climate Change), hiện tại, trên thế giới có khoảng 1.500 luật liên quan đến Trái đất bị hâm nóng, tăng gấp 20 lần so với năm 1997.

    Đọc thêm : COP 21 mở đầu cho một tiến trình mang tính ràng buộc (phần cuối)

Trước vụ kiện Liên Hiệp Châu Âu nói trên, còn có ba vụ nạn nhân khí hậu kiện các chính quyền Hà Lan, Đức, Mỹ và vụ kiện chống lại 47 tập đoàn đa quốc gia, bị coi là thủ phạm của tình trạng bão tố gia tăng ở Philippines. Vụ án hiện đang được thụ lý.

Kinh tế tăng mạnh, năng lượng tái tạo phát triển chậm

Vụ kiện trên đây của những người tự coi là « nạn nhân » của biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính diễn ra chỉ ít ngày, trước khi một kết quả điều tra về tình trạng khí thải của G20 - khối 20 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (chiếm 80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu) - được công bố (nghiên cứu của Văn phòng Enerdata chuyên về kinh tế và môi trường). Kết quả gây lo ngại lớn.

Sau ba năm gần như không tăng, thậm chí có giảm, kể từ 2016 và đặc biệt là 2017, cùng với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng bắt đầu ngóc lên mạnh trở lại.
Mục tiêu của thượng đỉnh khí hậu COP21, giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, vốn đã hết sức mong manh, nay với đà này trở nên gần như vô vọng.

    Đọc thêm : Lập liên minh quốc tế ‘‘đoạt tuyệt than đá’’ để bảo vệ khí hậu

Kinh tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc năng lượng tái tạo chưa phát triển tương ứng, là nguồn gốc chính của tình hình.
Trong lúc Trung Quốc có xu hướng giảm khí thải, do tăng trưởng không còn mạnh như trước, Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực đang nổi lên như một đầu máy mới của tăng trưởng toàn cầu.

Bàn Môn Điếm giả, hy vọng thật

Thế giới đang ngóng chờ cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 12/06 tới, với hy vọng một thỏa thuận được ký kết, cho phép bán đảo Triều Tiên giải trừ hạt nhân một cách hòa bình.

Tại Hàn Quốc, một địa điểm đột ngột thu hút nhiều khách du lịch nhờ một mô hình Bàn Môn Điếm giả, nơi khách thăm có thể tưởng tượng mình trong vai tổng thống Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, mà nhiều người vẫn coi là một kẻ độc tài tàn bạo.
Bên cạnh niềm vui và hy vọng gia tăng trong bối cảnh quan hệ hai miền cải thiện chưa từng có, nhiều người vẫn giữ trong lòng nỗi nghi kỵ.

korea-summit-handshakeChụp ảnh kỷ niệm bắt tay nhau giống Moon Jae In và Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm giả, ở Namyangju, Hàn Quốc, 8/5/2018.
©REUTERS/Kwak Sung-Kyung

Phóng sự của thông tín viên Frederic Ojardias thực hiện tại Seoul :

« Tòa nhà màu xanh da trời nằm vắt qua biên giới, với đường phân giới tuyến bằng một dải bê tông…

Ngôi nhà Bàn Môn Điếm này trên thực tế chỉ là cảnh giả trong một trường quay phim, nhưng người ta sẵn lòng tin đây là cảnh thật, nếu như không để mắt đến một con tàu cướp biển khổng lồ nằm cách đó chừng 20 mét !

Nhiều du khách, nhiều nhóm gia đình, bạn bè đến đây chụp cảnh bắt tay nhau, mỗi người đứng một bên đường biên giới giả, giống như Kim Jong Un và Moon Jae In. Ông Wie Seong Hyn, 60 tuổi, đi cùng với các đồng nghiệp, cho biết : ‘‘Tôi rất quan tâm đến các cuộc gặp của họ, bởi vậy mà tôi quyết định đến đây.

Một cuộc thượng đỉnh thôi thì sẽ không đủ để cho chúng tôi rũ bỏ hết nỗi ngờ vực đối với Kim Jong Un và chế độ của ông ta…
Thế nhưng từ đó đến nay, cảm nhận tiêu cực của tôi về Kim Jong Un và các lãnh đạo Bắc Triều Tiên khác đã bớt đi đáng kể’’.

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay hôm sau cuộc thượng đỉnh đầu tiên, gần 80% người dân Hàn Quốc thậm chí cho biết tin tưởng vào Kim Jong Un.
Một sự thay đổi kỳ lạ đối với một lãnh đạo vốn bị cáo buộc về các hành động xâm hại nghiêm trọng, chống lại dân chúng Bắc Triều Tiên.
Hệ quả là : một công luận Hàn Quốc có thiện cảm với miền Bắc có thể làm tổn hại cho liên minh giữa Seoul và Washington.

Đa số người Hàn Quốc giờ đây muốn đối thoại và không chấp nhận biện pháp quân sự mà Hoa Kỳ thường đưa ra trước đây.
Ông Lee Jong Cheol, 51 tuổi, bày tỏ :
‘‘Tin tưởng à ? Không, chúng tôi không thực sự tin vào Kim Jong Un đâu ! Nhưng dù gì đi nữa, tin hay không tin, cũng vẫn phải đối thoại với ông ta, phải thông qua các thỏa thuận và theo dõi…
Nếu ta muốn phi hạt nhân hóa (Bắc Triều Tiên), thì cần phải làm việc thực sự với ông ta.
Nếu đối kháng với Kim Jong Un, quan hệ của chúng tôi với miền Bắc sẽ đi vào ngõ cụt’’.

Về phần mình, ông Kang Byung Chan, 70 tuổi, đến đây dã ngoại với bạn bè, không dấu vẻ hoài nghi.
Ông nói : ‘‘Có thể do tuổi tác, nhưng chúng tôi không thể tin vào chế độ miền Bắc. Họ đã đánh lừa chúng tôi nhiều lần rồi. Nếu (tiến trình đối thoại) diễn ra tốt đẹp, thì rất hay. Nhưng nếu không…, vẫn phải tiếp tục ! ’’».

Thủ tướng Đức lặng lẽ ủng hộ vợ hai nhà nhân quyền

Nam Bắc Triều Tiên đang vượt qua các ngăn cách hơn nửa thế kỷ để tìm kiếm hòa bình với sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, trong lúc tại nước láng giềng Trung Quốc, có một hố sâu ngăn cách khủng khiếp trong lòng xã hội, vô cùng khó vượt qua, giữa một bên là chính quyền cộng sản và bên kia là giới tranh đấu vì dân chủ và nhân quyền.
Oái ăm thay, dường như lại chính nhờ sự can thiệp từ bên ngoài mà dường như chiếc hố ngăn cách giữa người Trung Quốc với nhau có hy vọng giảm bớt phần nào.

TQ Germany
Bà Lý Văn Túc (T) cùng thủ tướng Đức Angela Merkel ở Bắc Kinh.
Handout / Li Wenzu / AFP

Thông tín viênNathalie Versieux tường trình từ Berlin :

« Hôm thứ Hai vừa qua, các phu nhân của hai luật sư bị bắt cho biết là đã gặp thủ tướng Đức Angela Merkel, trong chuyến công du Trung Quốc của bà hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần trước.

Bà Lý Văn Túc (Li Wenzu) là vợ của luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), bị bắt hồi tháng 7/2015.
Kể từ đó, gia đình không hề có tin ông, thậm chí cũng không biết là ông có còn sống hay không.

Luật sư Vương Toàn Chương từng bảo vệ nhiều người dân bị trưng thu đất đai, các nhà tranh đấu cho nhân quyền hay các thành viên của giáo phái Pháp Luân Công, bị cấm tại Trung Quốc.

Hôm thứ Hai này, vợ ông Vương Toàn Chương đã đưa ra một số bức ảnh, trong đó bà đứng bên Angela Merkel. Thủ tướng Đức hứa sẽ tiếp tục ủng hộ bà.
Người đứng đầu chính phủ Đức cũng đã gặp bà Hứa Diễm (Xu Yan), vợ của luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng), bị bắt hồi đầu năm nay, vì kêu gọi bầu cử tự do tại Trung Quốc.
Thủ tướng Đức duy trì quan hệ tốt với các lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần công du Bắc Kinh, bà đều đề cập đến vấn đề nhân quyền, tuy nhiên luôn theo cách hết sức kín đáo ».

Chống kỳ thị chủng tộc : Starbucks tổ chức đào tạo khẩn

8.000 cửa hàng cà phê của tập đoàn Starbucks phải đóng cửa hôm thứ ba, 29/03/2018, không phải do bãi công hay nghỉ lễ.
Lý do là hãng tổ chức huấn luyện chống kỳ thị chủng tộc cho toàn thể 175.000 nhân viên.
 Khóa đào tạo được bất ngờ tổ chức, sau vụ hai thanh niên da đen đột ngột bị còng tay khi vào một quán cà phê của Starbucks.

Phóng sự của thông tín viên Gregoire Pourtier trên đường phố Brooklyn, New York :

« Trên con phố này của Brooklyn, tất cả mọi người đều nghe nói về vụ hai khách hàng người da đen ở Philadelphia gặp chuyện rủi ro, nhiều người cũng biết là công ty Starbucks đã dự kiến có một chương trình đào tạo chống kỳ thị chủng tộc cho các nhân viên của hãng.
Tuy nhiên hiếm có ai biết là vào buổi chiều thứ Ba này, 8.000 cửa hàng cà phê của công ty bị đóng cửa.

Mora - một người Mỹ gốc châu Phi - cho biết còn nhiều việc cần phải làm để chống lại nạn kỳ thị nói chung, bởi không phải là khi đến uống một ly capuccino ở quán mà cô phải chịu sự kỳ thị nặng nề nhất.
Mora thừa nhận : ‘‘rõ ràng đây là một phản ứng tích cực, đây là điều dễ thực hiện. Trái bóng ở trong chân của họ và họ đã có một quyết định đúng…’’.

Ở kế bên, Mike, một người Mỹ gốc Phi châu cho biết anh có hình ảnh tích cực về công ty Starbucks. Anh nói : ‘‘công ty đã tuyển mộ nhiều người trong các cộng đồng thiểu số, như vậy tôi không có gì để trách cứ Starbucks cả.
Điều phải thay đổi là một số nhân viên cần cải thiện cách giao tiếp với khách hàng’’.

Tấm áp phích kín đáo của Starbucks thông báo cửa hàng đóng từ 14g30 thay vì 21g30, với lời giải thích, mục tiêu là để ‘‘giúp cho các ê kíp trở lại với sứ mạng căn bản, với việc chia sẻ các ý tưởng để Starbucks có thể niềm nở với khách hàng hơn nữa’’.

Về phần mình, Philip, một người da trắng, khẳng định là anh không ngây thơ gì.
Philip cho biết : ‘‘bất cứ đào tạo nào cũng có thể mang lại các ích lợi. Nhưng đây chủ yếu là một biện pháp tuyên truyền, để chứng minh rằng công ty này là một doanh nghiệp có ý thức công dân’’.

philadelphia-starbucks
Một đại diện của chính quyền địa phương xin lỗi trước báo giới về vụ hai người da đen vô cớ bị còng tay tại một tiệm cà phê của Starbucks ở Filadelfia, 16/04/2018.
REUTERS/Mark Makela

Một khách hàng khác thì trách cứ Starbucks đã thường xuyên phá hoại thị trường, đè bẹp các quán cà phê độc lập kế bên.
Dù sao, ông cũng hoan nghênh một sáng kiến khác được đưa ra sau vụ ồn ào này. Đó là kể từ giờ, mọi người có thể tự do sử dụng nhà vệ sinh trong các quán cà phê của Starbucks hay vào đây nghỉ chân chốc lát, mà không cần phải mua hàng của quán ».

Switch mode views: