Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giải trừ hạt nhân : Hoa Kỳ, một tấm gương xấu

button cover

Bắc Triều Tiên :Trump khẳng định có "nút bấm hạt nhân to và mạnh nhất". Ảnh biếm họa của RFI.
RFI-KISWAHILI

Hoa Kỳ có lý do để yêu cầu Bắc Triều Tiên phải tôn trọng hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
Nhưng Hoa Kỳ lại không làm gương. Ông Jeffrey D. Sachs, giám đốc Viện Nghiên Cứu Trái Đất, đại học Columbia, trên báo Les Echos (31/05/2018) cho rằng « Giải trừ hạt nhân cũng cần được áp dụng cho cả Hoa Kỳ ».

Theo tác giả, có hai kiểu chính sách đối ngoại : Mô hình thứ nhất dựa trên ý tưởng « kẻ mạnh đề ra luật lệ ».

Kiểu thứ hai dựa trên luật pháp quốc tế. Thế nhưng, Hoa Kỳ lại muốn sử dụng cả hai : Họ buộc các nước khác phải tuân thủ luật lệ quốc tế, đồng thời tự miễn ràng buộc này.
Không có một lĩnh vực nào chứng minh rõ điều đó như trong hồ sơ giải trừ hạt nhân.

Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP), và chính dựa trên cơ sở này mà Washington đã thúc đẩy Hội Đồng Bảo An ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Cũng bằng cách thức này, Israel kêu gọi có những biện pháp trừng phạt chống lại Iran để ngăn chận nước này phát triển vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước TNP.
Thế nhưng, Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng hiệp ước này và Israel còn tệ hơn : không những không tham gia ký kết, đòi quyền giữ vũ khí hạt nhân mà không thừa nhận sở hữu loại vũ khí này.

Tác giả bài viết nhắc lại, các bên tham gia ký kết TNP (được đúc kết vào năm 1968) cam kết tuân thủ ba nguyên tắc chính :
- Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không tiến hành chuyển giao loại vũ khí này và không giúp đỡ những nước chưa có sản xuất hay mua vũ khí hạt nhân.
- Tất cả các nước đều có quyền phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho những mục đích ôn hòa.
- Tất cả các bên tham gia hiệp ước, kể cả các cường quốc hạt nhân, cam kết tiến hành đàm phán hướng đến việc giải trừ tổng thể.

Chạy đua vũ trang

Mục tiêu cơ bản của TNP là thay thế cuộc đua vũ trang hạt nhân bằng việc giải trừ, để không kéo dài thế độc quyền của một vài nước hiện đang nắm giữ vũ khí nguyên tử.
Nhất là phải làm sao tránh kéo dài thế độc tôn vũ khí hạt nhân trong khu vực bởi một số nước không tham gia ký kết hiệp ước, chẳng hạn Israel dường như tin là có thể không cần thương lượng với Palestine do có ưu thế về quân sự.

Phần đông cộng đồng quốc tế - ngoại trừ những cường quốc hạt nhân hiện tại và các đồng minh quân sự của họ - đã nhiều lần kêu gọi giải trừ hạt nhân bằng cách thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2017.

Hiệp ước này yêu cầu tất cả các nước nắm giữ vũ khí hạt nhân hợp tác « nhằm kiểm chứng việc loại trừ không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của họ ».
Tổng cộng có 122 quốc gia bỏ phiếu thuận, 1 chống, 1 vắng và 69 nước khác không tham gia bỏ phiếu – chủ yếu là các cường quốc hạt nhân và các nước thành viên của NATO.
Cho đến lúc này, 58 nước đã ký kết hiệp ước và 8 nước đã phê chuẩn.

Thái độ trâng tráo của Mỹ

Căn cứ theo những nghĩa vụ của Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ TNP, chính quyền Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, một đòi hỏi được Hội Đồng Bảo An ủng hộ.

Thế nhưng, điều mà Hoa Kỳ muốn không phải là đạt được một sự giải trừ hạt nhân thật sự, mà là nhằm bảo đảm thế thống trị hạt nhân của họ.
 Thái độ trâng tráo này thật sự gây sửng sốt.

Trong một tài liệu chính thức công bố hồi tháng Hai năm 2018, nhan đề Tổng quan tình trạng hạt nhân (Nuclear Posture Review), Hoa Kỳ muốn hiện đại hóa ồ ạt kho vũ khí hạt nhân của họ, chỉ có vài từ về mặt hình thức nhắc đến nghĩa vụ của họ trong khuôn khổ TNP :

« Cam kết của chúng tôi ủng hộ các mục tiêu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận là môi trường hiện nay, trong ngắn hạn, làm cho mọi tiến triển hướng tới việc giảm trừ vũ khí hạt nhân là cực kỳ khó khăn...

Vũ khí hạt nhân, trong một tương lai có thể biết trước được, đang và sẽ tiếp tục có một vai trò chính yếu để răn đe một cuộc tấn công hạt nhân và tránh được một cuộc chiến quy ước có quy mô lớn giữa các nước có trang bị vũ khí nguyên tử ».

Ảo tưởng quyền uy tuyệt đối

Nếu một chế độ suy đồi, thì sức mạnh hạt nhân tạo ra ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối.
Hoa Kỳ là quốc gia chủ chốt trên thế giới chủ ý can thiệp nhiều nhất vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác nữa.

Trong suốt 50 năm qua, Hoa Kỳ vi phạm trắng trợn luật quốc tế và Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, nhiều lần gởi quân tham gia vào các chiến dịch lật đổ chế độ.
Trong số các vụ mới đây, có thể kể đến vụ lật đổ Saddam Hussein tại Irak và Mouammar Kadhafi ở Libya.

Từ đó, tác giả kêu gọi phi hạt nhân hóa nhanh chóng và hiệu quả Bắc Triều Tiên, và làm tương tự đối với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và nhiều nước khác nữa.

Thế giới không sống dưới một nền hòa bình theo kiểu Mỹ, mà là đang sống trong nỗi lo sợ, do hàng tỷ con người đang sống cùng với rủi ro chết ngạt hạt nhân, chưa tính đến hàng triệu người khác bị cỗ máy quân sự Mỹ đẩy vào cuộc chiến vượt ngoài tầm kiểm soát.

Switch mode views: