Châu Á chờ Ấn Độ dứt khoát dấn thân làm đối trọng với Trung Quốc
- Thứ Sáu, 01 tháng Sáu năm 2018 21:12
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghi an ninh Đối Thoại Shangri La, Singapore, ngày 01/06/2018.
REUTERS/Edgar Su
Hội nghị an ninh hàng đầu châu Á - Đối Thoại Shangri La mở ra hôm nay 01/06/2018 tại Singapore, với bài diễn văn được đánh giá là rất quan trọng của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có xu hướng độc bá châu Á, bất cần luật lệ quốc tế, còn Hoa Kỳ lại đang bị chủ nghĩa co cụm cám dỗ, mọi người chờ đợi Ấn Độ, nước đang vươn lên một cách ngoạn mục tại châu Á, mạnh dạn đứng ra gánh vác trách nhiệm bảo đảm một trật tự dựa trên luật pháp đang bị đe dọa.
Trong bài viết trên trang ý kiến của chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 31/05/2018, hai chuyên gia Mỹ và Ấn Độ, trong đó có bà Amy Searight, nguyên phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á, ghi nhận, tình hình chính trị và kinh tế không chắc chắn tại châu Á hiện nay là thời cơ tốt để New Delhi khẳng định vai trò quan trọng của mình.
Chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có quyết định rút Mỹ ra khỏi khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và cách tiếp cận "con buôn" với các đồng minh lâu năm, đã khiến cho khu vực ngả theo Trung Quốc, trong khi nước này ngày càng trở nên hung hăng và độc đoán.
Trong tình thế nói trên, các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, thậm chí ngay cả Hoa Kỳ, cũng hy vọng là New Delhi có thể đứng ra làm nhân tố mang lại ổn định. Đối với Washington, thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á, nhưng là một châu Á gồm cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ.
Thế nhưng cao vọng của Ấn Độ đang bị hai cản lực : Cơ sở quốc phòng-công nghiệp của Ấn Độ còn chưa phù hợp, trong lúc nước này vẫn thiếu hội nhập vào kinh tế khu vực.
Do vậy, giới quan sát cho rằng ông Modi cần thuyết phục giới tinh hoa tại châu Á rằng đất nước của ông đã sẵn sàng trở thành một cường quốc hàng đầu, có thể bảo đảm sao cho không một quốc gia nào có thể thống trị tương lai của khu vực.
Tại Đông Nam Á, Singapore,ngay từ thời nhà sáng lập Lý Quang Diệu đã từng mong muốn Ấn Độ hướng đông.
Và không chỉ có Singapore, đa số các nước trong vùng hiện nay đang muốn ông Modi tuyên bố quyết tâm dấn thân mạnh mẽ và lâu dài, với những nguồn lực cụ thể, để gánh vác vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các chuẩn mực, luật lệ đã được tất cả mọi người chấp nhận, nhưng đang bị Trung Quốc bào mòn.
Đối với giới phân tích, vào lúc này, nếu so với Trung Quốc, Ấn Độ còn trong thế yếu. Cụ thể là về quân sự.
Ngân sách quốc phòng Ấn Độ năm 2018 không vượt quá 1,5% GDP, trong lúc quân đội vẫn còn thiếu nghiêm trọng các hệ thống vũ khí chính như máy bay chiến đấu, súng ống và thiết bị chiến đấu cơ bản cho bộ binh, và thậm chí cả đạn dược.
Trong khi đó thì chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là khoảng 2% GDP, nhưng với một nền kinh tế lớn hơn gấp 5 lần Ấn Độ trong năm 2016.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang là một nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, do vậy nước này đang có lợi thế tốt hơn để xây dựng khả năng phòng thủ…
Ông Modi có thể bắt đầu gần nhà, tại vùng Ấn Độ Dương, bằng cách tuyên bố tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ trong vùng.
Đây là điều cần thiết vì Trung Quốc cũng đang thách thức Ấn Độ tại vùng Nam Á.
Thủ tướng Ấn Độ cũng nên huy động các nỗ lực tập thể giúp khu vực Đông Nam Á tăng cường năng lực hàng hải. Tuyên bố của ông về các tranh chấp Biển Đông, và nhu cầu giải quyết bằng các phương pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đang rất được các nước khu vực lắng nghe.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã phá vỡ luật lệ quốc tế.
Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đều phải đối mặt với các phán quyết quốc tế bất lợi về các yêu sách trên biển.
Thế nhưng chỉ có Ấn Độ chấp nhận quyết định có lợi cho Bangladesh ở Vịnh Bengal, trong khi Trung Quốc đã phủ nhận hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về Biển Đông không có lợi cho Bắc Kinh.
Hiện nay có rất nhiều nước muốn cùng Ấn Độ gánh vác vấn đề an ninh châu Á, từ ba thành viên còn lại trong bộ tứ Kim Cương là Úc, Nhật, Mỹ, cho đến Pháp hay Hàn Quốc…
Vấn đề là Ấn Độ phải từ bỏ thái độ dè dặt cố hữu.
Hy vọng là cú hích mới đây từ Mỹ, với việc đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương sẽ khích lệ thủ tướng Modi theo chiều hướng đó.
Tin mới
- Hoa Kỳ : Biểu tình phản đối chính quyền xử tệ với người nhập cư - 03/06/2018 19:24
- Trước thượng đỉnh Trump - Kim, James Mattis cứng giọng với Bình Nhưỡng - 03/06/2018 19:12
- Donald Trump xác nhận sẽ gặp Kim Jong Un ngày 12 tháng 6 - 03/06/2018 03:21
- Thủ tướng Ấn Độ cổ vũ cho tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương - 02/06/2018 20:06
- Chiến hạm Pháp ghé cảng Sài Gòn - 02/06/2018 19:58
- Khí hậu : Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bị kiện - 02/06/2018 19:02
- G7 cực lực phản đối thuế nhôm thép của Mỹ - 02/06/2018 18:39
- Palestine: Mỹ bị cô lập hoàn toàn tại Hội Đồng Bảo An LHQ - 02/06/2018 18:10
- Tân bộ trưởng Nội Vụ Ý muốn siết chặt chính sách nhập cư - 02/06/2018 17:53
- Tây Ban Nha: Tân thủ tướng thuộc đảng Xã Hội nhậm chức - 02/06/2018 17:45
Các tin khác
- Ý lập chính phủ dân túy bài châu Âu - 01/06/2018 19:04
- Năm câu hỏi về tân chính phủ Ý - 01/06/2018 18:55
- Pháp : Khách Trung Quốc "quay vòng vé" có tổ chức vào bảo tàng Louvre - 01/06/2018 15:40
- Đàm phán tại New York « tiến triển » hướng đến thượng đỉnh Trump-Kim - 01/06/2018 15:32
- Assad sẵn sàng thương thuyết với phe nổi dậy được Mỹ ủng hộ - 01/06/2018 01:35
- Afghanistan: Mỹ hạ sát hơn 70 cấp chỉ huy Taliban trong một tháng - 31/05/2018 22:31
- Biển Đông : Mỹ làm gì để đối phó hiệu quả hơn với chiến thuật của Trung Quốc ? - 31/05/2018 22:22
- Biển Đông: Bắc Kinh tìm cách ngăn chận công kích tại Diễn đàn Shangri-La - 31/05/2018 19:12
- Mike Pompeo gặp Kim Yong Chol, thuyết phục Bình Nhưỡng nhượng bộ - 31/05/2018 19:04
- Thượng đỉnh Kim – Trump : « Bình Nhưỡng và Bắc Kinh hưởng lợi từ những sai lầm của Mỹ » - 31/05/2018 14:59