Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-06-2013

 Vì sao người dân Cam Bốt đổ xô học tiếng Hoa?

cambodia hoctiengHoa



Một lớp học tiếng Hoa của người Khơ-me
(DR)


Tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc đối với Cam Bốt ngày càng lớn. Do đó, ngày càng có nhiều người Cam Bốt chọn học tiếng Hoa.

Đối với họ thì đây là một lựa chọn logíc cho tương lai nghề nghiệp.

Courrier international số ra tuần này đặc biệt quan tâm đến đề tài này và trích dẫn bài báo từ trang mạng của Anh The Diplomat.

Bài báo trích nhận định của một giáo viên dạy tiếng Hoa tại Cam Bốt: “Hiện nay, nhiều doanh nhân Trung Quốc đến Cam Bốt làm ăn. Họ đầu tư rất nhiều tiền. Do đó, hiển nhiên là phải học tiếng của họ”.

Theo số liệu từ một hiệp hội, hiện nay có khoảng 30 000 sinh viên học tiếng Hoa toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Để giải thích cho khuynh hướng trên, trước tiên phải kể đến bối cảnh nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc và sự đầu tư đáng kể vào Cam Bốt.

Từ nhiều năm nay, tiếng Anh vốn là một điều kiện cần thiết mà những người tham vọng cần phải học.

Tuy nhiên với ảnh hưởng ngày càng cao của Trung Quốc tại Cam Bốt thì sử dụng được tiếng Hoa được xem như một kỹ năng quí báu.

Theo lời một giáo viên tiếng Hoa, được trang mạng Diplomat trích dẫn, những năm 1990, chỉ có vài học sinh theo học lớp tiếng Hoa, đa phần là dân gốc Hoa muốn tìm lại cội nguồn dân tộc.

Thế nhưng, hiện nay, gần như hầu hết học sinh theo học đều là dân Khơ-me và không có tí gốc gác nào với Trung Quốc. Họ theo học chỉ mong sau này có thêm thế mạnh để kiếm việc làm.

Về phần gia đình học sinh, “họ khuyến khích con em mình học tiếng Hoa để mong sau này dễ tìm việc làm”.

Trường học cũng đưa vào dạy một số tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Việt. Khi học sinh mới đến xin tư vấn thì đa phần giáo viên tư vấn học tiếng Hoa bởi họ cho rằng hiện nay, Trung Quốc là nhà đầu tư số một tại Cam Bốt và Hàn Quốc đứng rất xa phía sau.

Hơn nữa, những hiệp định và dự án đầu tư của Trung Quốc với Cam Bốt thường mập mờ và thiếu tính minh bạch, khác xa so với đầu tư của các nước phương Tây thường đòi hỏi việc kiểm tra và giám sát. Đó chính là điều mà chính phủ Cam Bốt thích làm ăn với Trung Quốc.

Không dừng lại ở ngôn ngữ dùng trong thương mại, tại Cam Bốt, tiếng Hoa còn được dùng trong chính trị. Munyrith, đồng giám đốc của Viện Khổng giáo tại Phnom Penh kể lại hồi anh còn nhỏ, bà anh là người gốc Hoa di cư sang Cam Bốt sau khi chế độ Khơ-me đỏ sụp đổ. Nhưng bà chẳng bao giờ dám nói tiếng Hoa và luôn che giấu gốc tích của mình.

Bà dạy anh rằng mình là người khơ-me nên phải nói tiếng khơ-me và không màn dạy anh tiếng Hoa.

Mãi sau này trưởng thành, do nhu cầu công việc buộc anh phải học tiếng Hoa để giao tiếp với đồng nghiệp Trung Quốc. Giờ đây, tình thế đảo ngược hoàn toàn.

Trung Quốc mở ra những trung tâm Khổng giáo như thế này để quảng bá tiếng Hoa. Từ năm 2010, Viện Khổng giáo tại Phnom Penh đã mở lớp dạy tiếng Hoa cho viên chức nhà nước Cam Bốt, trong đó có cả các thành viên chính phủ.

Theo The Diplomat, từ lệ thuộc kinh tế, Cam Bốt giờ đây cũng bị thao túng về đường lối chính trị. Các sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc và Cam Bốt có giọng điệu khá giống nhau. Các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo dẫn đến căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực.

Năm 2012, Cam Bốt giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và Cam Bốt đã bị cáo buộc cấu kết với Trung Quốc, làm tổn hại đến các nước láng giềng khi tranh cãi về chủ quyền biển đảo.

Theo một giáo sư thuộc đại học Kyoto: “việc người dân Cam Bốt học tiếng Hoa ngày càng đông là dấu hiệu cho thấy dân tộc này chấp nhận chính quyền Trung Quốc trên lãnh thổ của mình”.

Hay theo một giáo sư dạy khoa học chính trị tại Mỹ thì “khi người ta học ngôn ngữ của một nước khác, điều đó cho thấy người ta hiểu và chấp nhận vai trò thống trị của nước đó”.

Edward Snowden: kẻ phản bội hay anh hùng?

Edward Snowden, 29 tuổi, cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), người đã tiết lộ cho báo chí biết về kế hoạch theo dõi thường dân của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA cũng được báo tuần Courrier International khá quan tâm trong tuần này, qua bài dịch từ báo USA Today.

Hiện nay, anh đang tị nạn tại Hồng Kông. Tờ báo đặt câu hỏi: nên xem anh là một kẻ phản bội hay một người hùng?

Tờ báo định nghĩa về anh hùng như sau: một người khi anh ta có quyền lựa chọn giữa một hành động tốt mà anh ta phải trả giá đắt với một hành động tồi mà anh ta sẽ kiếm được nhiều mối lợi cho bản thân, thì anh ta chọn giải pháp thứ nhất.

Tờ báo hóm hỉnh: sự việc trên làm người ta nghĩ tới Nelson Mandela đã từng hy sinh ngồi tù 29 năm để đấu tranh giải phóng dân tộc.

Còn nhìn về trường hợp của Edward Snowden, có nên xem anh là anh hùng vì đã bảo vệ đời sống riêng tư của công dân hay xem anh là một tội phạm cần truy tố, vì đã tiết lộ bí mật cho những kẻ khủng bố, bởi vì Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ theo dõi những cuộc điện đàm và những dữ liệu internet để dò tìm những mối đe dọa khủng bố ?

Giờ đây, công chúng đưa ra hai giả thuyết : hoặc anh phải đứng trước vành móng ngựa và các chính quyền tiếp tục ngang nhiên theo dõi đời tư người dân, hoặc là anh sẽ được ca ngợi và giới chính quyền sẽ lùi bước.

Nhìn vào sự việc này, tờ USA Today thấy Snowden chẳng được lợi lộc gì mà thậm chí còn bị mất mát khá nhiều : anh đã hy sinh một sự nghiệp khá sáng sủa và mất một nguồn thu nhập 200 000 đô-la hàng năm, mất gia đình và bạn gái vì anh mà đang phải trốn chui trốn nhủi.

Snowden đã hành động một cách hoàn toàn có ý thức. Anh khẳng định cần phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn chương trình theo dõi đời tư của công dân vì anh cho rằng hành động này có thể tổn hại đến một số người.

Trái với một số tên tuổi như Julian Assange của WikiLeaks hiện đang bị truy tố và có nguy cơ dẫn đến án tù chung thân, Snowden hiện đang được nhiều người ủng hộ. Trước mắt, anh sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách và chắc chắn là sẽ bị truy tố.

Iran : "một nền dân chủ trá hình"

Sự kiện bầu cử tổng thống tại Iran cũng là một đề tài lớn trên các tuần báo. Đặc biệt tuần báo Pháp Le nouvel Observateur có bài viết khá sâu sắc với dòng tựa : « Một nền dân chủ trá hình ».

Mọi chống đối đều bị bịt miệng, biểu tình bị cấm đoán, nhiều ứng cử viên phải bị loại do không đáp ứng tiêu chí của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, tuần báo nhận định rằng khác với lần bầu cử tổng thống vào năm 2009, mọi chuyện đã được dàn xếp để lần bầu cử này chỉ mang tính thủ tục.

Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei còn tuyên bố sẽ không để xảy ra « bất kỳ tranh cãi nào về kết quả bầu cử, phiếu bầu được các cấp an ninh kiểm tra ».

Tuần báo L’Express thì nhận định vị lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei là người trị vì duy nhất của Iran sau Allah. Ông đã biết cách bảo vệ ngôi vị của mình và ông chẳng có gì để ngại trong lần bầu cử ngày 14/06.

Bên cạnh đó, tuần báo Courrier International thì mỉa mai ngay trên trang nhất : « Không có mùa xuân tại Iran ». Đồng thời, tuần báo dí dỏm : « Thay đổi tổng thống nhưng Khamenei vẫn còn đó ».

Sinh viên châu Âu mơ ước làm việc ở đâu khi tốt nghiệp ?

Bàn về mơ ước việc làm của sinh viên châu Âu, tuần báo l’Express đăng danh sách các công ty mà sinh viên trường thương mại và kỹ sư mơ ước được làm việc sau khi tốt nghiệp qua bài viết : « Việc làm : sinh viên châu Âu mơ gì ? »

Viện nghiên cứu Đức Trendence đã tiến hành cuộc khảo sát trên hơn 300 000 nhà quản lý và kỹ sư tương lai thuộc 24 quốc gia châu Âu để xác định những công ty mà các sinh viên này muốn làm việc khi ra trường. Lựa chọn của các sinh viên này phản ánh một thế hệ lo ngại về tương lai nghề nghiệp của họ.

Bảng xếp hạng cho thấy trong ba năm liên tục từ 2011-2013, tập đoàn Google vẫn chiếm vị trí quán quân, là niềm mơ ước của nhiều sinh viên cả trường thương mại lẫn trường kỹ sư sau khi tốt nghiệp.

Đối với các sinh viên học trường thương mại thì các công ty « lý tưởng » được sinh viên mơ ước tiếp đến sau đó là Apple, Ernst&Young, PwC, Volkswagen… Còn các sinh viên trường kỹ sư là các công ty như Volkswagen, Microsoft, Apple, BMW…

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong bảng xếp hạng « top 20 » công ty không hề có một ngân hàng nào lọt sổ trong khi vào năm 2012 thì có những 4 ngân hàng lọt vào danh sách. Hình ảnh của lĩnh vực ngân hàng đang xuống cấp nghiêm trọng và khó lấy lại được lòng tin của thanh niên.

Để lý giải cho khuynh hướng trên thì trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay, tiêu chí về công việc ổn định vẫn chính là điều kiện hàng đầu mà sinh viên quan tâm.

Nhiều thanh niên lo ngại về tương lai vì họ biết rằng « từ nay, sẽ khó khăn hơn trong việc kiếm việc làm mặc dù có một chương trình đào tạo cao cấp».

Kết quả thăm dò cho thấy có 30% sẵn sàng ra nước ngoài tìm việc, mức lương mong muốn của sinh viên cũng giảm so với năm 2012. Xu hướng đi xuống này đặc biệt rõ tại các nước đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng như Tây Ban Nha, Hy Lạp.

Đồng thời, tiêu chí phát triển nghề nghiệp và bản thân cũng là một trong những mối bận tâm hàng đầu của thanh niên châu Âu.

Hàn Quốc : hôn nhân cho người đồng tính không phải là việc trong chốc lát

Gần đây, đề tài đồng tính khá mang tính thời đại. Đâu đâu, giới đồng tính cũng đòi hỏi quyền bình đẳng.

Phụ trang báo Le Monde số ra tuần này quan tâm đến cuộc đấu tranh chống kỳ thị đồng tính tại Hàn Quốc. Sau nhiều lần thất bại, dự luật phạt mọi hành vi kỳ thị người đồng tính sẽ được thảo luận trở lại tại Quốc hội vào tháng 9 tới. Đây là một cuộc chiến gay go trong một xã hội khép kín bị Giáo hội Tin lành chi phối mạnh.

Bài báo nhận định : đây là lần thứ 3 kể từ năm 2007, một dự luật thất bại dưới sự vận động hành lang của các thế lực tôn giáo. Đặc biệt, Giáo hội Tin lành không ngần ngại nêu lên mối đe dọa của chế độ cộng sản trước Quốc hội và buộc tội những nhà soạn ra đạo luật này đã ủng hộ chế độ Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc dự luật này sẽ được bàn luận lại vào tháng 9 cho thấy xã hội Hàn Quốc cũng đã thay đổi khá nhiều. Năm 1999, sách giáo khoa ở trường học mô tả hiện tượng đồng tính như một căn bệnh. Ngày nay, quyền lợi của người đồng tính được đưa ra tranh luận rộng rãi.

Pháp : truyện trinh thám không biên giới

Trong hồ sơ văn hóa, tuần báo L’Express cho biết đọc truyện trinh thám đã trở thành một « con nghiện » đối với dân Pháp.

Theo đánh giá, có 16,4 triệu tiểu thuyết trinh thám được bán ra tại Pháp vào năm 2012. Do đó, các nhà xuất bản lao vào sản xuất thể loại này và đã chống chọi lại được khủng hoảng.

Các nhà sản xuất tìm kiếm các tác phẩm mới ngoài những nước Bắc Âu vốn nổi tiếng với truyện trinh thám như các nước Anh-Mỹ, Bỉ, Pháp, Ý, Chi Lê … Cạnh tranh ngày càng khốc liệt : 1711 tác phẩm mới được phát hành tại Pháp năm ngoái.



Switch mode views: