Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-02-2016
- Thứ Bảy, 27 tháng Hai năm 2016 00:05
- Tác Giả: Trọng Thành
Khối Schengen châu Âu : Ngàn cân treo sợi tóc
Ủy viên châu Âu về Di cư và Nội vụ, Dimitris Avramopoulos, phát biểu trước Nghị viện châu Âu về vấn đề tị nạn, kiểm soát biên giới và tương lai khối Schengen, Strasbourg, Pháp, ngày 02/02/2016.
REUTERS/Vincent Kessler
Khủng hoảng nhập cư châu Âu, thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, bầu cử Quốc Hội Iran và một số dấu hiệu đáng mừng của ngành công nghiệp Pháp là tựa chính trang nhất của các nhật báo hôm nay.
Khối tự do đi lại Schengen trước viễn cảnh tiêu tan là hồ sơ lớn của Le Figaro : « Số phận ngàn cân treo sợi tóc của không gian Schengen » là tựa lớn bài tổng thuật bên trang trong, còn bài xã luận Le Figaro có tựa như lời khắc trên bia đá mộ : « Nơi đây yên nghỉ khối Schengen ».
Theo Le Figaro, bộ Nội Vụ Đức đã ra « tối hậu thư » cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phải ngăn chặn làn sóng nhập cư sang Hy Lạp trong vòng 10 ngày, trong bối cảnh Áo và các nước vùng Balkan không còn tin tưởng vào khả năng của Athens kiểm soát được đường biên giới chung của khối, khi mỗi ngày có hàng ngàn người tị nạn ồ ạt tràn lên các hòn đảo Hy Lạp nằm sát Thổ Nhĩ Kỳ, và khả năng đón tiếp vượt quá sức của Athens.
Họp riêng với bộ trưởng Di Trú Hy Lạp, bộ trưởng Nội Vụ Đức yêu cầu Athens và Ankara áp dụng thỏa thuận cưỡng chế người nhập cư trở về nước xuất phát, có nghĩa là ngược lại với chủ trương tìm cách tiếp nhận một cách có chọn lọc người xin tị nạn như từ trước cho đến nay.
Thủ tướng Đức phải khẩn trương, vì chỉ trong ít ngày nữa (ngày 13/03) sẽ diễn ra ba cuộc bầu cử địa phương quan trọng, trong đó, đảng bảo thủ cầm quyền có nguy cơ mất phiếu về tay đảng cực hữu bài ngoại.
Đức cảnh báo, nếu trong vòng 10 ngày không có gì thay đổi, châu Âu sẽ phải có « các biện pháp bổ sung ».
Cho dù không biện pháp cụ thể nào được nói trước, nhưng theo dự kiến của Le Figaro, các đường biên giới giữa các nước thành viên châu Âu Schengen sẽ lần lượt bị đóng lại, như một « phản ứng dây chuyền ». Điều đó có nghĩa là báo tử không gian Schengen.
Hy Lạp bất bình
Theo Le Figaro, Hy Lạp rất bất bình trước cảnh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" của các thành viên châu Âu, đặc biệt sau việc Áo họp riêng rẽ với 9 nước bán đảo Balkan, mà không mời Athens. Hy Lạp càng bất mãn khi nước này đang thực hiện cam kết thiết lập 5 trung tâm tiếp nhận Hot Spost, theo đúng chính sách của châu Âu.
Thủ tướng Hy Lạp đe dọa sẽ phủ quyết mọi quyết định của châu Âu, nếu « không có sự chia sẻ tránh nhiệm một cách hợp lý ».
Người dân Hy Lạp - với 7 năm liên tiếp suy thoái kinh tế - rất khó hiểu được ý đồ của nhiều thế lực muốn quốc gia này phải một mình gánh vác gánh nặng nhập cư.
Le Figaro dẫn lời một giáo sư luật châu Âu tại Athens, theo đó, không thể biến tất cả các đảo của Hy Lạp thành những pháo đài và trung tâm đăng ký tị nạn.
Phóng viên Le Figaro cho hay, tàu chiến của NATO bắt đầu tuần tiễu xung quanh các đảo Hy Lạp, nhưng với nhiệt độ khá ấm hiện nay, dòng người tìm đường tị nạn chắc chắn vẫn tiếp tục đổ về Hy Lạp trong những ngày tới.
Câu hỏi đặt ra là : « Hy Lạp còn chịu được trong bao lâu? »
Nguy cơ suy thoái kinh tế : Hội nghị G20 rất khó có giải pháp
Về thời sự quốc tế, sự kiện thu hút nhiều trông đợi là hội nghị tại Thượng Hải (diễn ra ngày 26-27/02/16) của các bộ trưởng Tài Chính khối G20. Khối này chiếm 85% trọng lượng kinh tế toàn cầu.
Les Echos có bài nhận định « Khối G20 khó trấn an về tăng trưởng kinh tế », phụ trương Le Figaro chạy tít : « Những rối ren của nền kinh tế toàn cầu đặt G20 dưới áp lực ».
Theo Les Echos, ngày 24/02, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố một bản phân tích, theo đó ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy viễn cảnh hồi phục của kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tờ báo kinh tế dự đoán, các nhà đầu tư sẽ có nhiều khả năng thất vọng với kết quả của hội nghị G20, khi « cuộc họp này ắt hẳn sẽ kết thúc bằng việc lặp lại các thông điệp từng có.
Như cổ vũ tăng trưởng ổn định, chắc chắn, cân bằng và bền vững, tránh cạnh tranh trong việc phá giá đồng tiền và mọi biện pháp bảo hộ ».
Về hội nghị G20, theo Le Figaro, chính sách giữ lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và của Ngân Hàng Nhật Bản có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua cạnh tranh hạ giá tiền.
Trong khi đó, chính sách nâng lãi suất chỉ đạo của Mỹ có thể gây khó khăn cho các nước đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, các thị trường trong những ngày gần đây dường như quan tâm đến việc giá dầu sụt giảm hơn là hội nghị tại Thượng Hải.
Điều mà nhiều người trông đợi là các thành viên chủ chốt của kinh tế toàn cầu có thể đạt được một « thỏa thuận Plaza » mới. Trả lời Le Monde (bài « Không khí yên ắng trên thị trường chỉ là tạm thời »), kinh tế gia Pháp Christopher Dembik, làm việc cho Saxo Banque France, cho biết Thỏa thuận Plaza ký tại New York năm 1985 giữa 5 cường quốc kinh tế (Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Đức) về phối hợp hành động trong việc ổn định giá đồng đô la, cho phép các thị trường bình ổn trong vòng hai, ba năm.
Tuy nhiên, theo ông, tình hình hiện nay dường như là hoàn toàn khác, bởi các thế lực hàng đầu thế giới « không tìm thấy lợi ích chung ».
Kinh tế gia Pháp dự đoán với Le Monde, « hiện tượng kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị bốc hơi sẽ còn tiếp tục và gây thêm căng thẳng ».
Còn theo một giới chức cao cấp Ý, G20 « chắc chắn sẽ không mang lại một câu trả lời trước mắt nào cho cuộc khủng hoảng ».
Syria : Mỹ - Nga không kiểm soát được các lực lượng tại chỗ
Cuộc chiến tại Syria có khả năng lắng lại, với thỏa thuận ngưng bắn theo đề nghị của Mỹ và Nga, nhật báo La Croix có hai bài phỏng vấn chuyên gia, được gộp chung trong hồ sơ : « Mỹ và Nga có thể áp đặt được lệnh ngừng bắn? »
Chuyên gia về địa chiến lược và quân sự Pháp Gérard Chaliand đưa ra nhận định, trên thực tế « không đại cường quốc nào kiểm soát được (toàn bộ) các lực lượng tham chiến » ở Syria.
Cho dù Mỹ, Nga và châu Âu đều có lợi ích chung là không để cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan (gồm Daech và các nhóm khác) giành chiến thắng tại Syria, nhưng trên thực địa, các nhóm phái Hồi Giáo cực đoan không dễ từ bỏ vũ khí, chỉ bằng sức mạnh của bom đạn : « tư tưởng không thể bị tiêu diệt bằng bom đạn », và « cần phải có nhiều thời gian để những kẻ thánh chiến hiểu rằng đạo Hồi không phải là giải pháp ».
Indonesia miễn dịch với Hồi giáo cực đoan
Về chủ đề này, báo Le Monde cung cấp một kinh nghiệm đáng chú ý của : « Indonesia : Hồi giáo ôn hòa kháng cự lại được các thế lực tôn giáo cực đoan ».
Bất chấp các tuyên truyền của Daech hay các tổ chức Hồi Giáo cực đoan khác, chỉ có khoảng từ 500 đến 700 người Indonesia đầu quân tại Syria (trên tổng số 255 triệu dân).
Theo đặc phái viên Le Monde, chính không khí khoan dung và các định chế tôn giáo ôn hòa của Indonesia, quốc gia có đến 90% dân số theo đạo Hồi (chủ yếu thuộc hệ phái Sunni), có thể coi là miễn dịch với Hồi Giáo cực đoan.
Chủ tịch của Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi Giáo lớn nhất của Indonesia, khẳng định « không có chỗ cho sự cực đoan trong đạo Hồi ».
Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý đến những mảng tối của bức tranh, với việc « luật chống báng bổ đang ngày càng được sử dụng nhiều để chống lại các cộng đồng thiểu số và người Hồi Giáo Shia, với từ khoảng một đến ba triệu tín đồ.
Những người này không được quyền tự xưng là theo đạo Hồi ».
Iran bầu cử : Phe cải cách khó huy động cử tri
Sự kiện người Iran đi bầu Quốc hội mới là chủ đề trang nhất báo Libération, với hàng tựa « Im lặng tại Iran ».
Libération đặt câu hỏi : « Sau thỏa thuận về hạt nhân giúp Iran tái hòa nhập cộng đồng quốc tế, liệu phe cải cách có giành được chiến thắng thứ Sáu này? ».
Câu trả lời là « Không có gì là chắc chắn cả, khi phe bảo thủ còn rất mạnh ».
Libération có một cuộc phỏng vấn dài một nhà chính trị Iran, 30 tuổi, một người vừa có quan điểm hết sức bảo thủ, nhưng lại vừa chủ trương xây dựng một nước Iran hiện đại.
Bài phỏng vấn mang tựa đề « Mọi kẻ thù của cách mạng cần phải được xét xử và bị hành quyết ».
Le Monde có bài viết « Phe cải cách khó huy động cử tri », mô tả không khí bầu cử tại Iran qua lời kể của một số nhân chứng, như Eric, 30 tuổi, một nghiên cứu sinh.
Eric đã trực tiếp tham gia ngay từ đầu vào các hoạt động kêu gọi cử tri đi bầu, bỏ phiếu cho những người cải cách. Eric phàn nàn, cuộc bầu cử này ít gây chú ý, bởi một lý do cơ bản là đông đảo người Iran thất vọng vì kinh tế không phục hồi nhanh chóng.
Một nhân chứng khác cho biết, rất nhiều người đã từ chối nhận tờ rơi tranh cử của đảng cải cách, do phẫn nộ với việc nhiều ứng cử viên cải cách bị Hội Đồng Bảo Vệ Cách Mạng gạt bỏ, đảng cải cách buộc phải đề cử ứng cử viên bảo thủ để thế chỗ.
Bầu cử sơ bộ Mỹ : Các ứng viên Dân Chủ thu hút cử tri gốc Phi
Vẫn về bầu cử, nhưng tại Mỹ, Le Monde có bài « Cuộc chiến giành phiếu của cử tri da đen ». Điều tra cho biết, trước cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân Chủ tại tiểu bang Nam Carolina, hai ứng viên Clinton và Sanders liên tục có các sáng kiến để thu hút cử tri Mỹ gốc Phi châu. Tiểu bang Nam Carolina là nơi người da đen chiếm hơn một nửa cử tri của đảng Dân Chủ.
Pháp : Sơ kết 3 tháng tình trạng khẩn cấp
Le Monde chú ý đến việc sơ kết tình hình chống khủng bố ba tháng sau khi áp đặt tình trạng khẩn cấp tại Pháp, sau loạt khủng bố đẫm máu ngày 13/11 của Daech.
Theo Le Monde, chiến dịch chống khủng bố đã mang lại một kết quả giới hạn và bị nhiều chỉ trích. 3.397 vụ khám xét chỉ dẫn đến 5 cuộc điều tra chống khủng bố và và trong số 274 người bị quản thúc tại gia lúc đầu, chỉ còn gần 100 trường hợp được gia hạn.
Năm người bị quản thúc trong đợt này có đơn khiếu nại nhắm vào bộ trưởng Nội Vụ, vì « xâm phạm tự do cá nhân ».
Theo Amnesty International, tình trạng khẩn cấp được ban bố không tương ứng với mối đe dọa thật sự, và có nhiều vi phạm nhân quyền trong việc thực thi.
Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp (LDH) và Liên Minh Quốc tế Nhân Quyền cũng tuyên bố ủng hộ 5 trường hợp bị quản thúc có đơn kiện lãnh đạo bộ Nội Vụ và người phụ trách trực tiếp, cựu giám đốc Vụ Các Quyền Tự Do Công Cộng.
Kinh tế Pháp : những dấu hiệu khả quan
Les Echos vui mừng với hàng tựa trang nhất « Doanh nghiệp : Một số dấu hiệu mang lại niềm tin », với nhận xét : Năm 2015 là một năm khá được mùa với đa số tập đoàn lớn của Pháp.
Đồng euro giá thấp và giá dầu giảm là hai yếu tố hỗ trợ, bên cạnh đó ngành xe hơi được xem như đang thoát dần khỏi khủng hoảng. 35 doanh nghiệp hàng đầu đăng ký trên Chứng khoán Paris vừa thông báo tổng số lãi ròng là 56,5 tỷ euro, so với 60,4 tỷ năm 2014.
Cuộc khủng hoảng nông nghiệp Pháp ngay trước thềm Triển Lãm Nông Nghiệp được tổ chức tại Paris cũng là một sự kiện thời sự chính trên Les Echos.
Hàng tựa trang nhất của chủ đề này trên Les Echos là : « Pháp vẫn là một siêu cường nông nghiệp, cho dù khủng hoảng ».
Tờ báo ghi nhận khủng hoảng liên quan đến hầu hết các sản phẩm chăn nuôi, tuy nhiên « Đừng nên chôn cất quá sớm nền nông nghiệp Pháp » (xã luận Les Echos) (Nông nghiệp Pháp đứng đầu châu Âu, chiếm 18% tổng sản phẩm trong lĩnh vực).
Báo La Croix cũng dành nhiều trang đầu cho chủ đề này.
Trả lời phỏng vấn La Croix, bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp khuyến nghị Ủy Ban Châu Âu thừa nhận tính cấp thiết của việc ngừng sản xuất dư thừa.
Ông cũng cho rằng việc « tự do hóa thị trường châu Âu » trong lĩnh vực này đã đi quá xa.
Tin mới
- Biển Đông : Giải mã phản ứng cứng rắn của Việt Nam chống Trung Quốc - 29/02/2016 14:14
- Hồng Kông: Phe chủ trương tự trị được ủng hộ ngày càng nhiều - 29/02/2016 14:05
- Ả Rập Xê Út khởi động cuộc tập trận lớn huy động 20 nước - 29/02/2016 00:57
- Tái thiết FIFA từ đổ nát, sứ mệnh của tân chủ tịch Gianni Infantino - 29/02/2016 00:30
- Doanh nghiệp khắp thế giới vất vả đối phó với các cuộc tấn công mạng - 28/02/2016 03:25
- Bà Clinton giành thắng lợi dễ dàng ở South Carolina - 28/02/2016 01:48
- Dầu hỏa rẻ vẫn không tạo đà cho tăng trưởng thế giới - 27/02/2016 20:06
- Chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga chưa bao giờ nguy hiểm như bây giờ - 27/02/2016 19:40
- Bầu cử tại Iran : Dân nghèo chống cải cách - 27/02/2016 19:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-02-2016 - 27/02/2016 17:56
Các tin khác
- Oscar 2016 : Giải thưởng đượm màu "phân biệt" ? - 26/02/2016 20:55
- G20 : Trung Quốc trấn an về chính sách tiền tệ, tăng trưởng - 26/02/2016 19:57
- Chiến đấu cơ Trung Quốc tại Hoàng Sa, Nhật Bản tăng cường cảnh giác - 26/02/2016 18:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-02-2016 - 25/02/2016 20:06
- Cuộc đời tình ái của Tập Cận Bình - 25/02/2016 19:59
- Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương: Sẽ gia tăng tuần tra Biển Đông - 25/02/2016 19:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-02-2016 - 24/02/2016 18:25
- Trung Tâm Phục Vụ Người Mỹ Gốc Việt - 24/02/2016 17:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-02-2016 - 24/02/2016 00:46
- Brexit : Thủ tướng Anh đối mặt với chia rẽ nội bộ - 24/02/2016 00:33