Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông : Giải mã phản ứng cứng rắn của Việt Nam chống Trung Quốc

CHINA-PARACELS


Tàu tuần duyên của Trung Quốc (màu trắng) đối diện với tàu cảnh sát biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km (130 hải lý), 14/05/2014.REUTERS/Nguyen Minh/Files

  Ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ công bố trong thời gian gần đây đã vạch trần các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Hành động của Bắc Kinh không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của Hà Nội trong khu vực, mà còn trực tiếp đe dọa an ninh của Việt Nam.
Trước các hành động đó, Việt Nam đã có một loạt phản ứng được giới phân tích đánh giá là nhanh chóng và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trả lời RFI qua thư điện tử, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng đã có « đồng thuận » trong giới lãnh đạo mới tại Việt Nam là cần phải quyết đoán hơn.

Vào tháng 9 năm ngoái 2015, nhân chuyến viếng thăm Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai cam kết là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Lời hứa này đã nhanh chóng bị thực tế hiện trường chứng minh là lời hứa suông.

Bằng chứng do các phương tiện truyền thông Mỹ cũng như Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố trong tháng Hai 2016 này, cho thấy là Bắc Kinh đã cho triển khai tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9, đồng thời cho điều hai loại chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 đến đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ảnh vệ tinh mới nhất cũng cho thấy là Trung Quốc vừa củng cố các phi đạo xây trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), vừa cho xây dựng hệ thống radar tần số cao trên đá Châu Viên (Cuarteron), và các trạm radar khác trên đá Ga Ven (Gaven), đá Tư Nghĩa (Hughes) và đá Gạc Ma (Johnson South). Mục tiêu quân sự của các công trình này rất hiển nhiên.

Tố cáo đích danh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Trước các hành động triển khai vũ khí và thiết bị quân sự càng lúc càng nhiều tại Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ về cả về mặt ngoại giao nhắm vào Trung Quốc, lẫn trên phương diện vận động công luận trong nước và ngoài nước.

Rõ ràng nhất là lời tố cáo với những nội dung cứng rắn chỉ đích danh Trung Quốc được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra nhân buối họp báo thường kỳ tại Hà Nội ngày 25/02/2016.

Trước các thông tin theo đó Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đặt hệ thống radar trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình đã tố cáo :

« Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. »

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng gián tiếp lên án các hành vi vô trách nhiệm và vi phạm luật lệ quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông khi « yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC ».

Trước đó, ngày 19/02, khi phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (Duncan Island) và bố trí tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng đã lên tiếng « yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó ».
Không chỉ thế, ngoài thông lệ là chuyển công hàm phản đối đến đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, Việt Nam còn gởi tuyên bố phản đối lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu định chế quốc tế này cho lưu hành công hàm phản đối Bắc Kinh đến mọi thành viên, qua đó đánh động quốc tế về các hành vi « sai trái » của Trung Quốc.

Lên tiếng ủng hộ việc Mỹ can dự vào Biển Đông

Cũng trong lãnh vực ngoại giao, Việt Nam đã công khai hóa quan điểm ủng hộ vai trò của Mỹ tại Biển Đông, bất chấp những lời tố cáo được Trung Quốc lập đi lập lại là Washington không có tư cách can dự vào khu vực.

Trong một tuyên bố hiếm hoi về các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông, ngày 31/01 vừa qua, phát ngôn viên Việt Nam đã lên tiếng tán đồng chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ tiến hành một hôm trước đó khi cho khu trục hạm USS Curtis Wilbur tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) đang tranh chấp với Việt Nam, nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam có « chủ quyền không thể tranh cãi... đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa », nhưng Việt Nam « tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế ».

Không chỉ ủng hộ các hành động của Washington, Việt Nam thậm chí còn công khai kêu gọi Mỹ dấn thân sâu hơn nữa vào Biển Đông.
Trong cuộc tiếp xúc song phương với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/02 bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California, Hoa Kỳ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không ngần ngại yêu cầu Mỹ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa tại Biển Đông.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rõ : « Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nhất là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn.

 Thủ tướng cũng đề nghị Washington có lời nói và hành động giúp chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông..., tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển. »

Vận động dư luận trong nước

Thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc không chỉ thể hiện trong lãnh vực ngoại giao. Không phải là ngẫu nhiên khi ngày 17/02 vừa qua, tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh ngắn nhưng đẫm máu ở biên giới Việt-Trung, khi Trung Quốc tung hàng trăm nghìn quân vượt qua biên giới đánh vào Việt Nam.

Dĩ nhiên là trên nguyên tắc, các cuộc tập hợp không được chính quyền Việt Nam cho phép, nhưng buổi lễ đã diễn ra tương đối êm thắm tại Hà Nội, còn tại Sài Gòn thì vẫn còn việc công an tìm cách ngăn cản những nhân vật chủ chốt đến nơi làm lễ kỷ niệm.

Điều cũng cần ghi nhận là trên báo chí chính quyền số lượng bài viết về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc khá nhiều, cho thấy là chính quyền cũng lơi là kiểm duyệt đối với một vấn đề cấm kỵ trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, như báo chí trong nước đã ghi nhận, ngày 17/02, chính chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đến thắp hương trên từng ngôi mộ tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trà Lĩnh ở tỉnh Cao Bằng, gần biên giới với Trung Quốc, nơi chôn cất hơn 300 người đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc xâm lược vào năm 1979.

Nhân dịp lễ kỷ niệm cuộc chiến này, báo chí chính thức cũng tích cực tham gia vào cuộc tranh luận về việc đưa các chủ đề như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, chiến tranh biên giới Tây Nam, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa.

Vấn đề này chính thức được đèn xanh của chính phủ, theo như nhận định của ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng bộ Giáo Dục, cho rằng cần phải xem xét việc đưa các nội dung vào sách giáo khoa « với dung lượng phù hợp ».

Giáo sư Carl Thayer : Đã có đồng thuận là phải cứng rắn hơn

Nhìn chung, Việt Nam như vậy là đã có phản ứng cứng rắn hẳn lên trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, khác hẳn với thái độ nhiều khi bị đánh giá là quá thận trọng trong thời gian trước đây.

Để giải mã thay đổi này, RFI đã đặt một số câu hỏi cho giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales).

Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer trước hết ghi nhận sự đồng thuận hiện nay trong giới lãnh đạo Việt Nam, đã nhất trí là cần phải kiên quyết hơn đối với các hành động đe dọa an ninh và chủ quyền Việt Nam đến từ phía Trung Quốc.

Thayer : Giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam giờ đây đã được ổn định sau những thay đổi ở Đại Hội Đảng lần thứ 12. Sau một giai đoạn phân định trách nhiệm và các ưu tiên, bây giờ ban lãnh đạo Việt Nam đang bắt tay vào việc giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Tâm lý chống Trung Quốc trong công luận Việt Nam hiện đang lan rộng, điều mà lãnh đạo Việt Nam phải lưu ý. Trong nội bộ các lãnh đạo, đã xuất hiện một suy nghĩ đồng thuận là Việt Nam cho đến gần đây đã chưa quyết đoán đúng mức trong việc khẳng định quyền lợi quốc gia dân tộc, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Những hành động mới đây của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại chính đáng về an ninh quốc gia đối với hơn 20 thực thể địa lý và tiền đồn ngoài khơi của Việt Nam trên Biển Đông.

RFI : Các động thái cứng rắn của Việt Nam có khác thường hay không vì Hà Nội thường thận trọng hơn trong việc chỉ trích Trung Quốc?

Thayer :Việt Nam đã từng đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên Hiệp Quốc trước đây, và trong những năm gần đây, cũng đã cho phép báo chí trong nước đưa nhiều thông tin về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Cách đây 2 năm, bản thân tôi có tham gia một chương trình thu hình trước của một phim tài liệu dài 3 tiếng đồng hồ, do của đài truyền hình Việt Nam, nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới. Tuy nhiên chương trình đã bị gác qua một bên và chưa hề được phát.

Các động thái hiện thời của Việt Nam phản ảnh tâm lý (chống Trung Quốc) của dân chúng cũng như quan điểm của đại đa số cán bộ trong đảng và quân đội đã về hưu, nhất là nơi các nhà ngoại giao đã từng làm việc ở Trung Quốc.

RFI : Việt Nam cũng dự định đưa cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc năm 1979 và vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa. Giáo sư nhận xét thế nào về sáng kiến này?

Thayer :Các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục đó phản ánh đồng thuận trong đảng Cộng Sản là Việt Nam phải mạnh dạn và thẳng thắn hơn trong việc xử lý các vấn đề đó.

Chủ trương này một phần bắt nguồn từ lập luận là Trung Quốc đã khéo lợi dụng sự gắn bó về mặt ý thức hệ Cộng Sản giữa hai bên để bịt miệng Việt Nam.

Thế nhưng thái độ tự kiềm chế không còn được Việt Nam áp dụng được nữa sau khi bị mất tin tưởng nghiêm trọng nơi Trung Quốc từ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 vào năm 2014.

RFI : Một số chuyên gia phân tích nghĩ rằng với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, Việt Nam sẽ hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Giáo sư có cho rằng các phân tích trên đây là sai không?

Thayer : Tôi thực sự nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thận trọng hơn. Quan điểm cứng rắn của Việt Nam (đối với Trung Quốc) hiện nay phản ánh sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo mới. Ông Trọng đã thành công trong việc cản đường ông Dũng, nhưng ông Trọng phải chịu trách nhiệm trước một Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương mới.

Một dấu hiệu cho thấy khả năng thay đổi là theo một số nguồn tin không công bố, người được cho là sắp được đề cử làm bộ trưởng Quốc Phòng mới, tướng Ngô Xuân Lịch, có thể dành chuyến đi nước ngoài đầu tiên cho Hoa Kỳ.

RFI : Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tổng thống Mỹ Obama là Hoa Kỳ nên « có những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông ».
Theo giáo sư, có thể xem đây là phát biểu mạnh nhất trong số các phát biểu của lãnh đạo ASEAN tại hội nghị hay không ?

Thayer :Nhận xét của thủ tướng Dũng rõ ràng là tuyên bố công khai mạnh bạo nhất được đưa ra ở thượng đỉnh Sunnylands. Nhận định của ông Dũng phản ánh đánh giá từ lâu nay của tôi về Việt Nam.

Lãnh đạo Việt Nam thường hay nói với các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, rằng quyền lợi thiết thực của các nước đó là gì.
Nói cách khác, Hoa Kỳ có lợi ích thiết yếu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và làm đối trọng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

Trường hợp ở đây tựa như Việt Nam nói « Tôi (tức là Việt Nam) có thể nghĩ vậy, nhưng mà anh (tức là Mỹ), có thể hành động ».

Chúng ta có lẽ sẽ còn nghe nhiều phát biểu hơn từ ông Dũng vì ông sẽ rời khỏi chức vụ trong vòng năm tháng nữa nên có thể nói nhiều hơn về Trung Quốc một cách công khai.

Switch mode views: