Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-02-2016
- Thứ Năm, 25 tháng Hai năm 2016 20:06
- Tác Giả: Mai Vân
Pháp âm thầm săn đuổi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Libya
Lực lượng trung thành với chính phủ miền đông Libya.
REUTERS/Stringer
Bên cạnh nội tình chính trị Pháp với bà Martine Aubry, một gương mặt rất nặng ký trong đảng Xã Hội chống đối chính sách của ông Hollande, chiến lược của Pháp chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, rất được báo Pháp hôm nay, 25/02/2016, chú ý.
Chiến lược được tiến hành tại Libya, nhằm triệt hạ các nhân vật cốt cán tổ chức thánh chiến, đang sử dụng Libya như hậu cứ.
Chiến dịch này của Pháp rất kín đáo, không phô trương, cho nên báo Le Monde trong bài viết trên trang nhất đã chạy tựa : « Libya, Pháp cũng âm thầm truy đuổi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Le Monde cũng dành cả trang trong mục sự kiện cho « cuộc chiến bí mật của Pháp ở Libya ».
Tờ báo nói đến những vụ tấn công chọn lọc vào những mục tiêu rất cụ thể tại Libya, được chuẩn bị một cách kín đáo, nếu không muốn nói là bí mật. Đây là chính sách của Pháp đối phó với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Le Monde trích lời một viên chức Quốc Phòng Pháp trả lời tờ báo là không có chuyện cạn thiệp ở Libya, phải tránh can thiệp quân sự công khai mà phải hành động kín đáo.
Theo Le Monde Pháp đã quan sát rất kỹ từ nhiều tháng qua mối đe dọa Daech ở Libya, và mục tiêu không phải là thắng trận mà là nhắm vào giàn chỉ huy, ngăn chặn đà vươn lên của tổ chức này. Hiện nay theo Le Monde số chiến binh của Daech tại Libya được ước tình từ 3000 đến 5000 người.
Không chỉ có Pháp mà còn có Anh, Mỹ
Đây là hành động phối hợp giữa Washington, Luân Đôn, Paris, có điều chủ trương của Pháp hiện giờ là dựa vào những hoạt không chính thức, các lực lượng đặc biệt. Sự hiện diện của lực lượng này, mà Le Monde được biết, đã được phát hiện ở phía đông Libya từ trung tuần tháng Hai này.
Theo Le Monde nhiều nguồn tin còn cho tờ báo biết là trong chiến dịch ở Libya còn có những hoạt động bí mật do cơ quan tình báo Pháp thực hiện.
Le Figaro, cũng dành nguyên một trang mục quốc tế cho tình hình Libya, mà theo tờ báo, lực lượng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang mất những nơi bám trụ ở Libya, như thành phố Benghazi.
Tờ báo ghi nhận trong một hàng tựa « Lực lượng đặc biệt Pháp đang hoạt động ở Libya ». Le Figaro cũng cho là có nhiều nguồn tin cho tờ báo biết lực lượng đặc biệt Pháp đã đến hiện trường Libya vào trung tuần tháng Hai, ở gần Benghazi.
Nhưng lực lượng Pháp sẽ không lẻ loi, vì lực lượng đặc biệt Anh và Mỹ cũng được phát hiện ở Libya. Và chủ trương cũng là những hành động chính xác, khoanh vùng các " ung nhọt Daech ", để lực lượng tại chỗ có thể đối phó.
Libération cũng dành 2 trang báo cho Libya, mà quân đội tại chỗ chuẩn bị đối đầu với lực lượng thánh chiến để kiểm soát thành phố Misrata, họ hy vọng được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Về lực lượng Pháp ở Libya, Libération, cho biết thêm chi tiết : trên các blog các trang Facebook và Twitter đã có nhiều tin về sự hiện này. Tờ báo trích blog của Mars Attaque, rất chuyên về vấn đề quốc Phòng, cho biết là ngày 14/02, một quân nhân Libya, đã nêu trên Facebook của ông là có " 180 lính Pháp " ở vùng lân cận Benghazi.
Libération cũng nhắc lại bài báo trên Le Monde nêu một chi tiết, là sau các tiết lộ của tờ báo này, thì bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean -Yves Le Drian, đã cho mở điều tra về việc " vi phạm bí mật quốc phòng ".
Báu vật Trung Hoa, từ Tử Cấm Thành qua Đài Bắc
Về Châu Á hôm nay, báo Le Figaro nhìn về phía Đài Loan, chú ý đến báu vật của các hoàng đế Trung Hoa trưng bày bày tại viện bảo tàng ở Đài Bắc.
Nhưng đúng hơn điều gây lý thú nơi phóng viên Le Figaro, Patrick Saint Paul, là quá trình ly kỳ để chuyển các báu vật này, từ Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đến Đài Bắc.
Phóng viên Le Figaro đã gặp một nhân chứng, Zhuang Ling, kể lại hành trình có một không hai trong lịch sử hiện đại. Năm 1933, báu vật các Hoàng đế Trung Hoa, rời Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, để không bị quân Nhật cướp lấy. Đoàn chở báu vật được giao cho người phụ trách bảo tàng, là cha của ông Zhuang Ling.
Ông Zhuang Ling, đã khoe tấm ảnh lúc ông 5 tuổi, đi theo người cha, và kể lại hành trình ông không thể quên, qua đèo núi băng giá, lội sông, còn phải trốn máy bay Nhật. Cuối cùng đoàn xe ngụy trang chở 5000 năm lịch sử, cũng đã đến được Đài Bắc, nhưng 16 năm sau lúc khởi hành.
Donald Trump ở Mỹ và đảng cực hữu ở Pháp
Bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại bang Nevada, hôm thứ Ba, vẫn được báo Le Monde và Libération tiếp tục chú ý, nhưng dưới góc độ khác nhau.
Le Monde nhìn thấy ứng viên thắng lớn trong cuộc bầu cử này, Donald Trump, đã thu hút sự tò mò của đảng cực hữu Pháp, Mặt Trận Quốc Gia, FN.
Chủ tịch đảng FN, bà Le Pen theo Le Monde thấy trong thành công của ứng viên tổng thống Mỹ sự chứng thực của chủ thuyết bà theo đuổi.
Le Monde cũng tò mò xem cuối cùng người đại diện cho đảng Cộng Hòa tranh chiếc ghế tống thống sẽ là ai, vì tờ báo nhìn thấy là tuần lễ này sang tuần lễ nọ, thì khả năng ông Donald Trump mang màu sắc đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới đây càng được khẳng định.
Và kết quả cuộc bỏ phiếu ở Nevada không khỏi gây chú ý bên này bờ Đại Tây Dương, các chủ trương của ông chống lại tầng lớp ưu tú, hay trục xuất 11 triệu người nhập cư, đã có âm hưởng tốt trong hàng ngũ đảng cực hữu pháp và các đồng minh của đảng này.
Chủ tịch đảng FN vẫn thận trọng và đã nhiều lần tỏ ra khó chịu khi bị so sánh với ông Donald Trump, tuy nhiên một số nhân vật trong đảng FN đã lên tiếng bênh vực ứng viên tổng thống Mỹ, cho là ông bị truyền thông ghét bỏ.
Báo Libération cùng đánh giá với Le Monde về khả năng ông Trump đại diện cho đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây và tìm hiểu nguyên vì sao ông Trump có thể đi đến mức này.
Tờ báo phỏng vấn sử gia Thomas Snégaroff, và giải thích là Donald Trump cho thấy một hình ảnh sức mạnh, qua ông là sự hồi sinh thời kỳ chinh phục miền viễn Tây của người da trắng.
Đối với sử gia Snégaroff, người ta từng cho là trong giới ủng hộ ông Trump, tầng lớp trung bình, có sự tức giận, nhưng thực ra đó là sự lo âu, họ mất phương hướng. Cho nên những người với những lập luận đơn giản, đề nghị giải pháp mạnh cho một đất nước đang hoài nghi thì sẽ thu hút, sẽ thành công.
Tin mới
- Doanh nghiệp khắp thế giới vất vả đối phó với các cuộc tấn công mạng - 28/02/2016 03:25
- Bà Clinton giành thắng lợi dễ dàng ở South Carolina - 28/02/2016 01:48
- Dầu hỏa rẻ vẫn không tạo đà cho tăng trưởng thế giới - 27/02/2016 20:06
- Chế độ toàn trị Trung Quốc và Nga chưa bao giờ nguy hiểm như bây giờ - 27/02/2016 19:40
- Bầu cử tại Iran : Dân nghèo chống cải cách - 27/02/2016 19:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-02-2016 - 27/02/2016 17:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-02-2016 - 27/02/2016 00:05
- Oscar 2016 : Giải thưởng đượm màu "phân biệt" ? - 26/02/2016 20:55
- G20 : Trung Quốc trấn an về chính sách tiền tệ, tăng trưởng - 26/02/2016 19:57
- Chiến đấu cơ Trung Quốc tại Hoàng Sa, Nhật Bản tăng cường cảnh giác - 26/02/2016 18:52
Các tin khác
- Cuộc đời tình ái của Tập Cận Bình - 25/02/2016 19:59
- Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương: Sẽ gia tăng tuần tra Biển Đông - 25/02/2016 19:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-02-2016 - 24/02/2016 18:25
- Trung Tâm Phục Vụ Người Mỹ Gốc Việt - 24/02/2016 17:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-02-2016 - 24/02/2016 00:46
- Brexit : Thủ tướng Anh đối mặt với chia rẽ nội bộ - 24/02/2016 00:33
- Biển Đông : Trung Quốc bắt đầu đặt radar tại Trường Sa - 23/02/2016 20:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-02-2016 - 22/02/2016 19:32
- Nga đang tính toán gì tại Syria ? - 22/02/2016 17:44
- Bỉ: Tin tặc tấn công nhiều cơ quan chính quyền - 22/02/2016 17:24