Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cơn khát đầu tư vào sữa ''Made in France'' của Trung Quốc

NEWZEALAND-MILK-FONTERRA


Nạn sữa giả độc hại tại Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách hợp tác với Pháp để có được sản phẩm "Made in France".
REUTERS/Stringer


Lặng lẽ hơn cuộc chạy đua đầu tư vào rượu nho, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ xô vào các công ty sữa của Pháp, để có được nguồn cung ứng sữa chất lượng tốt cho trẻ em từ Pháp quốc. Nếu một số nơi trải thảm đỏ cho họ, thì cũng có những đơn vị tỏ ra ngần ngại.

Công ty Trung Quốc Biostime chuyên về sản phẩm cho em bé, để hàng bán chạy đã nhấn mạnh là sữa “Made in France”. Bởi vì tại Trung Quốc, các bậc phụ huynh không hề tin tưởng vào các sản phẩm sữa sản xuất trong nước, từ khi nổ ra xì-căng-đan sữa nhiễm melamine vào năm 2008 làm 300.000 trẻ sơ sinh bị bệnh và sáu bé tử vong.

Tại vùng Normandie ở miền tây bắc nước Pháp, tập đoàn Trung Quốc trên đã đầu tư 20 triệu euro để giúp hợp tác xã Isigny Sainte-Mère xây dựng một nhà máy, tăng sản lượng gần gấp đôi (50.000 tấn). Đổi lại, Isigny cam kết dành một phần ba lượng sản phẩm cho Biostime, và một ghế trong số 15 ghế của Hội đồng Quản trị.

Đối với bà Valérie Mariaud, giám đốc thương mại về sữa trẻ em của Isigny, khi Liên hiệp châu Âu xóa bỏ hạn ngạch sữa năm 2015, hợp đồng đối tác này sẽ giúp hợp tác xã tăng sản lượng nơi các nhà chăn nuôi. Theo bà, “khi chọn lựa Biostime, đối tác thông báo rõ xuất xứ của sữa, thì không phải ngại việc họ sẽ triển khai sản phẩm tại Trung Quốc” bằng nguồn sữa nội địa.

Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sữa, nên họ phải tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp từ nước ngoài, đặc biệt là New Zealand, và từ châu Âu. Ở Pháp, nhiều người tỏ ra hoan nghênh ý định này.

Phát ngôn viên tập đoàn Lactalis, Michel Nalet nói với AFP:
 “Chúng tôi có thể có những đơn đặt hàng ở nơi này, nơi nọ nhưng chiến lược của chúng tôi không giống như thế: chủ yếu là bán những mặt hàng mang các nhãn hiệu của chính chúng tôi”.

Là một doanh nghiệp mang tính gia đình rất kín tiếng, ít được biết tên, nhưng Lactalis lại là tập đoàn sản xuất các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới với các nhãn hiệu như Lactel, Président hay Galbani. Khác với các công ty khác, sức mạnh nội tại đã giúp Lactalis tự thân phát triển được ở Trung Quốc.

Còn hợp tác xã Sodiaal với các nhãn hiệu Yoplait, Entremont… đã thiết lập một chiến lược hai chiều.

 Mùa hè này, Sodiaal đã loan báo sự xuất hiện của nhãn hiệu Candia của Pháp trên thị trường Trung Quốc. Song song đó, hợp tác xã cũng ký hợp đồng với Synutra, nhà sản xuất sữa trẻ em đứng thứ tư Trung Quốc, nhằm xây dựng một nhà máy sấy sữa bột. Nhà máy này đang được khởi công tại Carhaix (thuộc vùng Bretagne ở miền tây nước Pháp), phía Trung Quốc đầu tư vào 90 triệu euro và làm chủ 90% vốn.

Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, các nhà sản xuất nhỏ rất quan ngại. Jean-Michel Favennec, nhà cung cấp sữa cho Sodiaal lo lắng: “Thật tình mà nói, tôi không biết là việc này có tốt cho nhà sản xuất hay không, vì họ sẽ mua sữa của chúng tôi với giá bao nhiêu?”

Đó là mối lo âu lớn nhất của các nhà chăn nuôi: người Trung Quốc sẽ gây áp lực lên giá cả.

Một nhà chăn nuôi khác là Eric Duverger nói : « Tôi không nghĩ là người Trung Quốc sẽ mua sữa bột trẻ em của chúng tôi với giá 320 euro một tấn, nếu giá thị trường thế giới ở mức thấp nhất. Hợp đồng đối tác kéo dài 10 năm.
Các nhà sản xuất sẽ nâng năng lực lên để đáp ứng cho phía Trung Quốc, nhưng nếu sau 10 năm họ ra đi, thì điều gì sẽ xảy ra?”

François Souty, giáo sư trường đại học La Rochelle (miền tây nước Pháp) chuyên về luật cạnh tranh, cảnh báo:
“Nếu người ta bán sữa Pháp dưới nhãn hiệu Trung Quốc mà không có cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt tại nước này, nguy cơ sắp tới sẽ là vấn nạn an toàn thực phẩm với đủ mọi tai tiếng, làm xấu đi hình ảnh”.

Vị giáo sư nói tiếp: “Trong chuyện này, có thể tự hỏi phải chăng chúng ta bị lừa gạt. Một mặt, người Trung Quốc áp đặt cho các nhãn hiệu ngoại quốc một cuộc điều tra, rồi sau đó phạt vạ vì tội thông đồng giá cả.
Mặt khác, mục tiêu chiến lược cơ bản của họ là nắm cho được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại nước sản xuất, rồi giao cho các nhãn hiệu Trung Quốc phân phối với cái nhãn Made in France”.

Quan điểm này không được chính phủ đồng tình. Ông Guillaume Garot, Quốc vụ khanh đặc trách thực phẩm, tự cho là theo sát các hồ sơ trên, đặt câu hỏi:
 “Nhân danh điều gì mà ta có thể từ chối một nguồn đầu tư nêu bật chất lượng sản phẩm Pháp, và tạo ra công ăn việc làm?”.


Switch mode views: