Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Obama cảnh báo nguy cơ vỡ nợ

president obama


Barack Obama

 

Tổng thống Obama đang đau đầu trong cuộc đối đấu căng thẳng với Đảng Cộng hòa

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo phố Wall về nguy cơ phái bảo thủ trong Đảng Cộng hòa sẵn sàng để cho đất nước vỡ nợ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Tư ngày 2/10, Obama nói ông ‘rất mệt mỏi’.
Sau đó ông đã có các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Quốc hội nhưng không đạt kết quả gì.

Chính phủ Mỹ sẽ hết tiền chi tiêu vào ngày 17/10 nếu trần vay nợ không được nâng lên.
Hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đang đổ lỗi cho nhau về tình hình bế tắc hiện nay của đất nước.

Nợ đụng trần

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về ngân sách vẫn đang tiếp tục dai dẳng ở Washington thì một vấn đề khác còn nguy hiểm hơn đang chờ đợi ở phía trước.
Vào ngày 17/10 tới, Chính phủ Mỹ sẽ hết tiền mặt để trang trải chi phí nếu mức trần nợ công không được nâng lên.

Phe Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện đã yêu cầu tổng thống và Đảng Dân chủ phải nhượng bộ để đổi lấy việc họ thông qua ngân sách hoạt động cho chính phủ và nới trần vay nợ.

   Vấn đề chính là những người Cộng hòa muốn phe Dân chủ phải rút lại, trì hoãn hoặc cắt nguồn tiền tài trợ cho đạo luật cải cách y tế được Đảng Dân chủ thông qua hồi năm 2010 và được mọi người biết đến với tên gọi đạo luật Obamacare.

Hôm 2/10, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo một số ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall, trong đó có JPMorgan, Goldman Sachs và Bank of America, để bàn về trần vay nợ và các vấn đề kinh tế khác.

Các ngân hàng này nằm trong nhóm Diễn đàn Dịch vụ Tài chính, một nhóm vận động hành lang đã cùng với 250 doanh nghiệp khác đã gửi thư đến Quốc hội kêu gọi nâng trần nợ công.

Sau cuộc gặp, Obama nói trên đài CNBC rằng ‘điều quan trọng là họ (Đảng Cộng hòa) nên nhận ra rằng điều này sẽ có tác động to lớn đối với nền kinh tế của chúng ta cũng như mục đích sau cùng của họ’.
Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông không muốn đàm phán với ‘cánh cực đoan nhất của một đảng’ khi mà thời hạn 17/10 đang đến gần.

“Thông điệp mà tôi muốn gửi đến các lãnh đạo tại Quốc hội là ngay sau khi chúng ta có được một đạo luật để mở cửa lại chính phủ... cho đến khi chúng ta làm được điều đó, cho đến khi chúng ta đảm bảo rằng Quốc hội sẽ cho phép chi trả cho những hoạt động mà bản thân Quốc hội đã chấp nhận thì chúng tôi sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán,” ông nói.

Trong bối cảnh các thị trường nước ngoài đang hồi hộp theo dõi cuộc khủng hoảng ngân sách tại Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã cảnh báo rằng nếu chính phủ Mỹ phải đóng cửa kéo dài thì đó ‘không chỉ là nguy cơ đối với nước Mỹ mà còn nền kinh tế thế giới’.

‘Không nói nữa về Obamacare’

john boehner republicans


Ông John Boehner


Đảng Cộng hòa muốn tận dụng các vấn đề về ngân sách để gây sức ép về Obamacare

Tối ngày 2/10 ông Obama cũng đã gặp Chủ tịch Hạ viện John Boehner cùng với lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên sau cuộc họp ông Boehner than phiền rằng phe Dân chủ không muốn đàm phán.

“Tất cả những gì chúng tôi muốn ở đây là thảo luận và sự công bằng cho người dân Mỹ trong đạo luật Obamacare,” Boehner phát biểu trước báo giới.

Thượng nghị sỹ Harry Reid nói rằng phe Dân chủ kiên quyết không nói gì nữa về Obamacare và rằng cả Tổng thống Obama và các nghị sỹ của Đảng không ai chấp nhận sửa đổi đạo luật này để đổi lấy một thỏa thuận mở cửa lại chính phủ.

Các phân tích gia cho rằng ông Boehner có thể chấm dứt cuộc đối đầu này bằng cách để cho Hạ viện bỏ phiếu cho một dự luật ngân sách ‘sạch’ không dính dáng gì đến đạo luật cải cách y tế bởi vì dự luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua bởi các đảng viên Dân chủ và các phần tử ôn hòa trong phe Cộng hòa.

   Nhưng nếu làm thế thì vị trí của ông Boehner đối với một số nhân vật bảo thủ trong Đảng Cộng hòa sẽ bị đe dọa.

Trước đó, các quan chức lãnh đạo tình báo của Mỹ đã cảnh báo rằng việc chính quyền Mỹ đóng cửa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực bảo vệ nước Mỹ của các cơ quan tình báo.

Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện rằng ước tính khoảng 70% số nhân viên tình báo đang phải nghỉ không lương.

Switch mode views: