Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dàn Nhạc Giao Hưởng thành Vienna, sứ giả hòa bình gắn kết năm châu

vienna philharmonic



Dàn Nhạc Giao Hưởng ViennaẢnh : Wikimedia

 

Dàn Nhạc Giao Hưởng Vienna chính thức thành lập năm 1842. Ở đại bản doanh của Vienna Philharmonic, sự tự do luôn được nuôi dưỡng.

Đây là dàn nhạc duy nhất mà ở đó nhạc công có quyền lựa chọn và quyết định ai là người cầm chiếc đũa « thần kỳ ».

 

Vienna nổi tiếng bởi sự kết nối linh hồn và tài năng trình diễn xuất sắc của những nhạc công.

Đặc biệt vào mỗi dịp hòa nhạc chào năm mới, dàn nhạc trở thành sứ giả truyền tải thông điệp hòa bình, nhân ái thông qua những kiệt tác của cha con nhà soạn nhạc Johann Strauss, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven và những huyền hoại âm nhạc cổ điển khác, với tiêu chí muôn đời « từ trái tim đến trái tim ».

Từ bao giờ có muôn vàn tia lửa âm thanh, được thắp lên bởi những bàn tay « vàng » của các nghệ sỹ thuộc Dàn Nhạc Giao Hưởng Vienna (Orchestre Philharmonique de Vienne), đã và đang mang đến nụ cười hạnh phúc cho hàng triệu người trên khắp năm châu ?

Dàn Nhạc Giao Hưởng Vienna, tiền thân là Học Viện Giao Hưởng (Académie Philharmonique) chính thức thành lập năm 1842, do nhạc trưởng Otto Nicolai đứng đầu.

Tuy nhiên, phải sau nhiều thăng trầm và nỗ lực của các thành viên, dàn nhạc mới trở thành một tổ chức hoàn chỉnh như Vienna Philharmonic mà ta biết đến ngày nay.

Ngay từ ngày đầu, Otto Nicolai đã đề ra những nguyên tắc hoạt động mà ông lấy ý tưởng từ những người tiền nhiệm, và cho đến ngày nay vẫn còn được áp dụng. Để đảm bảo chất lượng nghệ thuật đồng đều, chỉ có nhạc công chơi ở Dàn Nhạc Ô-pê-ra Vienna (l'Orchestre de l'Opéra d'État de Vienne) tối thiểu ba năm, mới có thể dự tuyển vào Vienna Phiharmonic.

Dàn nhạc tự chủ về nghệ thuật, tổ chức và tài chính, và tất cả các quyết định đều được thông qua trên cơ sở dân chủ trong phiên họp toàn thể với sự tham gia của các thành viên, việc quản lý do một ủy ban điều hành được bầu chọn một cách dân chủ đảm trách.

Ở đại bản doanh của Vienna Philharmonic, sự tự do luôn được nuôi dưỡng.
 Đây là dàn nhạc duy nhất mà ở đó nhạc công có quyền lựa chọn và quyết định ai là người cầm chiếc đũa « thần kỳ ».

 Kể từ năm 1842, hàng năm một nhạc trưởng được chọn ra để chỉ huy cho các buổi hòa nhạc thường kỳ và hòa nhạc đón năm mới tại Khán Phòng Vàng (Musikverein).

Những tên tuổi lừng danh đã ghi dấu vào trang sử nơi đây như : Gustav Mahler trên cương vị nhạc trưởng từ năm 1898 đến 1901, đã dẫn dắt dàn nhạc trong chuyến lưu diễn lần đầu tiên ở nước ngoài, tại Triển Lãm Toàn Cầu, Paris năm 1900.

Clemens Krauss (nhạc trưởng người Áo) có công xây đặt những truyền thống cho dàn nhạc. Richard Strauss (nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Đức), Pierre Boulez (nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp), Herbert von Karajan (từ 1956 đến 1964), v.v…

Cũng phải kể tới Wilhelm Furtwängler, nhạc trưởng người Đức có tầm ảnh hưởng quan trọng bậc nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển phương tây.

Vào thời Anschluss (1938), ông đã can thiệp thành công với nhà cầm quyền Đức quốc xã, để dàn nhạc không bị xóa sổ và những nhạc công lai Do Thái được tiếp tục chơi trong dàn nhac.

Hơn nữa ông đã cùng Vienna Philharmonic để đời những bản thu bất hủ nhất của mọi thời đại như : « Eroica », giao hưởng số 3 của Beethoven, giao hưởng số 8 của Bruckner, giao hưởng huyền thoại giọng rê thứ của César Franck và giao hưởng số 2 của Brahm.

Dàn Nhạc Giao Hưởng Vienna nổi tiếng không những bởi lịch sử hơn một trăm bảy mươi năm tồn tại, bởi tên tuổi của các bậc chỉ huy xuất chúng, mà còn bởi sự kết nối linh hồn và tài năng trình diễn xuất sắc của những nhạc công.

 

Danh mục biểu diễn cốt lõi của dàn nhạc đó là những tác phẩm của nhà Strauss, theo như ông Clemens Hellsberg, chủ tịch Vienna Philharmonic cũng là cây violon số một của dàn nhạc nhấn mạnh :

« Đó là âm nhạc đậm chất Vienna, là cách mà người Vienna biểu đạt và diễn giải cuộc sống của mình. Chúng tôi có mối dây liên kết rất gần với loại nhạc này, bởi nhiều người trong số đó cùng lớn lên với nó (…).

Đồng thời âm nhạc nhà Strauss đòi hỏi quan điểm thẩm mỹ khá cao, chúng tôi phải đạt tới đỉnh cao nghệ thuật để xứng tầm với những kiệt tác của triều đại Strauss ».

Switch mode views: