Khủng hoảng nhập cư, châu Âu có nên theo mô hình Úc ?
- Thứ Hai, 20 tháng Tư năm 2015 22:25
- Tác Giả: Anh Vũ
Người tỵ nạn bên trong trại giam giữ đảo Manus thuộc Papua New Guinea, ngày 13/01/2015.
REUTERS/Refugee Action Coalition/Handout via Reuters
Làn sóng thuyền nhân từ châu Phi cùng với những thảm họa chết chóc trên Địa Trung Hải trong những ngày qua đã đặt châu Âu trước một cuộc khủng hoảng nhập cư thực sự.
Lúng túng, bất lực và bị chỉ trích là thụ động trong hồ sơ tỵ nạn, nhiều người trong giới chính trị châu Âu giờ đây nghĩ tới việc học theo chính sách nhập cư của nước Úc, bị đánh giá là hà khắc, thậm chí là vô nhân đạo, nhưng dường như đang tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di cư tới Úc.
Vụ đắm tàu tỵ nạn ngoài khơi Libya cuối tuần qua, làm trên 700 người chết, thảm kịch thuyền nhân tồi tệ nhất từ trước tới nay ngay trước cửa ngõ đã hối thúc Liên hiệp châu Âu phải hành động khẩn cấp.
Một trong những câu hỏi được đặt ra lúc này đó là : Liên Âu có nên học theo chính sách nhập cư của Úc?
Vậy đâu là thành công của Úc trong vấn đề nhập cư hiện nay ?
Ngay sau khi nắm quyền năm 2013, chính phủ của ông Tony Abbott đã cho triển khai một chính sách cứng rắn đối phó với làn sóng người nhập cư lậu, vốn tràn lan không kiểm soát nổi dưới thời chính phủ Công đảng trước đó.
Chính quyền Canberra huy động cả lực lượng quân đội mở chiến dịch mang tên gọi “Biên giới có chủ quyền” để ngăn chặn từ xa dòng người tỵ nạn vượt biển tới Úc.
Các tàu hải quân Úc chặn các tàu chở người tỵ nạn từ ngoài khơi xa và đẩy họ trở lại điểm xuất phát trung chuyển, thường là từ bờ biển Indonesia.
Mặt khác, những người đã đến được Úc xin tỵ nạn bị dồn về một trại tạm giữ trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea hay đảo Nauru nằm trên Thái Bình Dương.
Ngay cả khi có hồ sơ tỵ nạn được thẩm định hợp lệ thì người tỵ nạn vẫn không được phép định cư trên lãnh thổ Úc.
Sự lựa chọn duy nhất với họ là hoặc sống trong các trại tập trung trên đảo, hoặc hồi hương và được hưởng những trợ cấp nhất định của Úc theo thỏa thuận với chính phủ nước họ.
Hiệu quả của chính sách nhập cư này, theo ông Bộ trưởng bộ Di trú Úc Peter Dutton, từ 18 tháng qua không một con thuyền tỵ nạn nào tới nước này và thảm cảnh chết chóc trên biển cũng đã chấm dứt.
Trong khi dưới thời của chính phủ trước, 1200 người tỵ nạn đã phải bỏ mạng trên đường vượt biển tới Úc.
Có thể coi đó là một thắng lợi của chính sách nhập cư của Úc. Tuy nhiên giới bảo vệ nhân quyền lên án chính quyền Canberra muốn rũ trách nhiệm sang người khác và việc đẩy trả người tỵ nạn khốn khổ về quê cũ “là hành động nhẫn tâm, không giải quyết được cái gốc của vấn đề tỵ nạn”.
Vấn đề với Liên hiệp châu Âu lúc này là các cuộc xung đột triền miên ở Trung Cận Đông và châu Phi khiến dòng người chạy tỵ nạn đổ về châu Âu ngày càng đông mà điểm đến chủ yếu là nước Ý.
Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, những đường dây đưa người vượt biển lậu càng hoạt động ráo riết hơn.
Theo bà Jane McAdam, chuyên gia về quyền của người tỵ nạn tại Đại học New South Wales, thì mô hình chính sách nhập cư của Úc không thể áp dụng được với Liên hiệp châu Âu.
Bà giải thích vì một “số khía cạnh trong chính sách nhập cư của Úc có thể bị quy là bất phợp pháp chiếu theo bất kỳ một Công ước châu Âu nào về nhân quyền”.
Liên hiệp quốc cũng đã chỉ trích Canberra không tuân thủ nghĩa vụ trong Công ước 1951 về người tỵ nạn mà Úc đã ký, trong đó có quy định về quyền cư trú tỵ nạn.
Giám đốc Human Right Watch Australia, bà Elaine Pearson khẳng định, sẽ là một sai lầm tai hại nếu Liên hiệp châu Âu cũng bắt chước Úc quản lý người tỵ nạn từ “ngoài khơi”.
Bà Pearson nhấn mạnh, chính sách của Úc “không khả thi.
Chính sách đó là nhẫn tâm, vô nhân đạo khi đem nhốt cách ly con người trong những điều kiện tồi tàn.
Có lẽ thành công của chủ trương này là đẩy vấn đề cho các nước khác, nhưng nó không làm thay đổi gì thực tế dòng người chạy trốn sự truy bức, buộc phải tới một nước nào đó”.
Từ nay đến giữa tháng 5, Ủy ban châu Âu dự tính đưa ra một chiến lược mới về nhập cư đã được khởi thảo từ sau vụ tại nạn ngoài khơi đảo Lampedusa hồi 2013 làm 400 thuyền nhân bị chết.
Một chính sách sao cho vừa đáp ứng được vấn đề nhân đạo và hiệu quả chính trị trong hồ sơ nhập cư vẫn luôn là một thách thức lớn cho Liên hiệp châu Âu, nhất là khi mà bên kia cửa ngõ vào châu Âu là châu Phi và Trung Cận Đông vẫn còn biết bao nhiêu con người đang muốn chạy trốn khỏi thảm cảnh của chiến tranh xung đột hỗn loạn.
Tin mới
- Bầu cử : Hồng Kông không đáp ứng yêu sách của phe dân chủ - 22/04/2015 15:39
- Đệ nhị Thế chiến: Thủ tướng Nhật « ân hận sâu sắc » nhưng không xin lỗi - 22/04/2015 15:31
- Apple sẽ sản xuất xe hơi? - 21/04/2015 22:43
- Thái Lan tịch thu 4 tấn ngà voi nhập lậu từ Congo - 21/04/2015 17:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-04-2015 - 21/04/2015 17:10
- Tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại thêm 28 người Thiên chúa - 21/04/2015 16:59
- Damas : Tình báo Pháp, Syria vẫn giữ liên lạc với nhau - 21/04/2015 16:50
- Soái hạm Hạm đội 7 Mỹ ghé cảng Trung Quốc - 21/04/2015 16:43
- Malaysia : Căng thẳng tôn giáo gia tăng - 21/04/2015 16:26
- Ưu tiên của chính quyền Thái : Thanh lọc phe Thaksin trong cảnh sát - 20/04/2015 23:57
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-04-2015 - 20/04/2015 22:15
- Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan với món 'quà' 46 tỷ đô la - 20/04/2015 16:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-04-2015 - 20/04/2015 03:50
- Thảm kịch thuyền nhân tại Ý : Paris và Vatican đòi giải pháp khẩn cấp - 19/04/2015 18:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-04-2015 - 17/04/2015 17:01
- Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam - 17/04/2015 15:51
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-04-2015 - 16/04/2015 23:33
- Việt Nam khẩn cấp tìm hai chiếc Sukhoi 22 bị nạn ở Biển Đông - 16/04/2015 23:11
- Biển Đông: Mỹ nêu khả năng Trung Quốc lập vùng phòng không - 16/04/2015 22:18
- Hacker Trung Quốc ‘bám’ Việt Nam trong suốt mười năm - 15/04/2015 20:59