Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ukraina đứng trước nguy cơ mất lãnh thổ miền đông

simferopol


Người dân Crimée nhận hộ chiếu Nga vừa được cấp, ngày 08/04/2014.
REUTERS/Stringer


Sau khi mất Crimée vì bị Nga sáp nhập, Ukraina phải đối phó với nguy cơ mất thêm vùng lãnh thổ phía đông, nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số mà phe thân Nga phất ngọn cờ Nga và vừa tuyên bố thành lập « Cộng hòa Nhân dân » tại Donetsk.

Kiev nghi ngờ nước Nga của Putin không để cho Ukraina yên ổn ngã theo Tây phương.

Tình hình miền đông Ukraina đột biến. Hôm Chủ nhật 06/04/2014, những người thân Nga trong đó có nhiều người bịt mặt đã biểu tình và tấn công trụ sở chính quyền tại ba thành phố lớn Donetsk, Kharkov và Lougansk, hạ cờ Ukraina để thay bằng lá cờ Nga.

Theo AFP, do được lệnh phải tránh đổ máu, cảnh sát Ukraina sau một vài xung đột ban đầu, gần như đã để cho phe thân Nga tự do hành động.

Trụ sở chính quyền Kharkov và cơ quan tình báo ở Lougansk đã được giải tỏa sau đó nhưng ở Donetsk, phe thân Nga ra tối hậu thư buộc chính phủ trung ương tổ chức trưng cầu dân ý.

Nhưng vài giờ sau họ tuyên bố thành lập « Cộng hòa Nhân dân » có chủ quyền tại thành phố chỉ cách biên giới Nga có 50 cây số, thông báo tổ chức trưng cầu dân ý ngày 11/05/2014 và cho biết sẽ xin « gia nhập » Liên bang Nga.

Ngay trước đó, chính phủ Ukraina tố cáo Nga đạo diễn một kịch bản mà màn tiếp theo là đưa quân sang chiếm miền đông của Ukraina.

Theo Tổng thống lâm thời Ukraina thì những người người muốn ly khai ở đông Ukraina là tay chân của mật vụ Nga để thi hành « kịch bản Crimée ».

Nga đã đưa ít nhất 40.000 quân trang bị vũ khí nặng áp sát biên giới không kể lực lượng thiết giáp và pháo binh bố trí tại Crimée.
 Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Nga viện cớ đồng chủng của họ bị « đàn áp và kêu gọi Nga bảo vệ » ?
Tổng thống Putin đã tuyên bố « bằng mọi phương tiện sẽ bảo vệ dân Nga ở bất cứ nơi nào ».

Matxcơva lại gia tăng sức ép chính trị : Ngoại trưởng Serguei Lavrov kêu gọi Ukraina không được can thiệp quân sự vì sẽ gây ra nội chiến. Giải pháp của Nga là thành lập một chính phủ liên bang.

 Kiev một lần nữa đã bác bỏ yêu sách này vì xem đây là chiếc bẫy của Nga từng bước chia cắt lãnh thổ Ukraina, vì đa số dân cư miền đông là người nói tiếng Nga và có tinh thần dân tộc cực đoan đã được phô diễn tại Crimée.

Bên cạnh áp lực quân sự và chính trị, Nga còn gây khó khăn cho Ukraina về kinh tế : tăng giá khí đốt lên 80% và đòi hoàn trả 14 tỷ đôla trợ giá nhiên liệu thời tổng thống trước.

Tình thế của chính phủ Kiev phải nói là rất khó khăn.
Nếu cảnh sát Ukraina đàn áp mạnh thì Nga sẽ có cớ đưa quân xâm chiếm.
Không phản ứng thì sẽ khó tránh được hiệu ứng domino nối tiếp Crimée.
Tuy nhiên, Kiev không thụ động ngồi yên. Một chiến dịch « chống khủng bố »đã được tiến hành tại Kharkov, bắt tổng cộng 70 người thân Nga.

Nếu lời tố cáo của Ngoại trưởng Nga là chính xác thì Ukraina đã đưa lượng Vệ binh quốc gia sang các tỉnh miền đông với sự trợ lực của hàng trăm nhân viên an ninh « tư nhân » Mỹ.

Lo ngại Putin sẽ ra tay như ở Crimée, hôm nay, Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây dương cảnh cáo : nếu Nga can thiệp vào Ukraina thì đó là một sai lầm lịch sử và sẽ tác hại đến hiệp ước hợp tác song phương 1997.

Câu hỏi đặt ra là nếu thật sự Putin không có ý đồ chia cắt lãnh thổ như ông tuyên bố thì tình hình bất ổn tại miền đông Ukraina có lợi gì cho Nga ?

Chính phủ Kiev nghi ngờ Matxcơva muốn phá hoại cuộc bầu cử tổng thống trước kỳ hạn sẽ được tổ chức vào ngày 25/05 tới.

 Chắc chắn một trong số ứng cử viên thân châu Âu sẽ là tổng thống tương lai của Ukraina.
 Matxcơva không muốn 46 triệu dân láng giềng được bình yên xây dựng chế độ tự do dân chủ.

Switch mode views: