Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-04-2014

 BRICS : Rủi ro chính trị ngày càng lớn

brics

Pháp và những thay đổi nhân sự trong chính quyền, ở phủ Tổng thống, và trong guồng máy lãnh đạo của đảng Xã hội đang cầm quyền. Đó là các đề tài trải rộng toàn bộ trang nhất các tờ báo Paris.

Ở phần thời sự quốc tế, một lần nữa, Ukraina lại được nhắc tới nhiều với các cuộc biểu tình rầm rộ của phe thân Nga ở Donetsk. Dù vậy các báo không quên Châu Á và các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Báo kinh tế Les Echos trích lại báo cáo về « Những rủi ro chính trị trên thế giới trong năm 2014 » vừa được hãng bảo hiểm Aon công bố. Nhóm BRICS gồm 5 nước đang lên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang « trải qua một giai đoạn khó khăn ».

Nhóm BRICS đang phải đối mặt với những thách thức như tăng trưởng kinh tế bị chựng lại, đồng tiền bị mất giá và vốn đầu tư ồ ạt rút khỏi các nền kinh tế năng động nhất thế giới. Giờ đây, trong mắt các nhà đầu tư ngoại quốc, BRICS còn là những điểm đến « đầy rủi ro ».

Những rủi ro đó gồm bạo động chính trị, mức độ can thiệp của Nhà nước và đe dọa mất khả năng thanh toán.

Aon là một tập đoàn buôn bán các hợp đồng bảo hiểm số 1 trên thế giới, hiện diện tại hơn 160 quốc gia. Mức độ an toàn tại các nền kinh tế đang trỗi dậy đang bị tuột dốc. Aon hạ điểm an toàn của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.

Trong trường hợp của Trung Quốc, Aon lo ngại nền kinh tế số 2 toàn cầu lâm vào bế tắc chính trị và giai đoạn đình đốn kinh tế sẽ kéo dài. Hai yếu tố này cặp chặt lấy nhau.

Còn điểm an toàn của Nga bị hạ do khủng hoảng Ukraina và việc thôn tính Crimée, kéo theo đó là những hậu quả nghiêm trọng về phương diện địa chính trị. Aon cảnh cáo các nhà đầu tư trước sự can thiệp ngày càng rõ nét của chính quyền Matxcơva vào các hoạt động tài chính và kinh tế.

Liên quan tới Ấn Độ, tham nhũng, tranh chấp lãnh thổ, xung đột về sắc tộc và đe dọa khủng bố là những yếu tố khiến Aon coi nước đông dân thứ nhì trên hành tinh là một địa bàn hoạt động có mức rủi ro cao.

Les Echos lưu ý : BRICS đã bị Aon hạ điểm tín nhiệm, căn cứ vào 9 tiêu chuẩn từ đe dọa khủng bố đến bất ổn xã hội, từ nguy cơ nội chiến đến đe dọa khủng hoảng ngân hàng.

Riêng tại Trung Quốc, Nga và Brazil, trong năm 2013 số các doanh nghiệp bị phá sản và tai họa đã gia tăng.

Trung Quốc : Kinh tế dư thừa tự do

Vẫn Les Echos ở phần trang « Idées&Débats – Ý kiến và tranh luận » đăng bài phân tích của giáo sư Joseph Stiglitz về mô hình phát triển Trung Quốc.

Giải Nobel Kinh tế năm 2001 nêu lên một nghịch lý : Kinh tế Trung Quốc trong ba thập niên qua đã cất cánh kể từ khi chuyển hướng theo mô hình kinh tế tự do, nơi mà những lợi ích cá nhân là chìa khóa của « phép lạ ».

Nhưng giờ đây, chính « những lợi ích cá nhân đó đang trở thành một gánh nặng, một trở lực » cho mọi công cuộc cải tổ ở quốc gia này.
Lại cũng giải Nobel Kinh tế năm 2001 khiến độc giả ngạc nhiên khi cho rằng trong lĩnh vực kinh tế Trung Quốc là nơi có « quá nhiều tự do ».

Giáo sư Stiglitz lấy làm tiếc trước sự « thiếu vắng của Nhà nước ».
Tác giả đưa ra thí dụ để minh họa cho điều này. Trong vấn đề giải quyết ô nhiễm không khí chẳng hạn, Nhà nước bất lực trước những lợi ích riêng tư của các nhà lãnh đạo cấp địa phương, của các doanh nghiệp.

Nhìn đến hệ thống y tế, giáo sư Stiglitz nhìn nhận từ vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã cố gắng tạo điều kiện cho người dân ở nông thôn cũng được điều trị « tử tế » để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành phố.

Thế nhưng, tại đất nước cộng sản này, hệ thống y tế lại trong tay tư nhân.

Các thành phố lớn của Trung Quốc đang phát triển một cách chóng mặt, kèm theo đó là những thách thức cần có một chính sách rõ ràng lớp lang và mang tính dài hạn. Đó là những vấn đề liên quan đến môi trường, đến quản lý rác thải, năng lượng, hệ thống giáo dục, giao thông, các vấn đề quản lý không gian xanh, hay bệnh xá …

Trên tất cả mọi hồ sơ liên quan đến hạ tầng cơ sở, những gì thiết thân với công chúng, những lĩnh vực thuộc về trách nhiệm của mình thì Nhà nước Trung Quốc lại « phủi tay », để cho tư nhân hay của các cán bộ địa phương tự do hành động.

Tình trạng đó đã kéo dài. Bây giờ chính quyền có muốn bắt lại những cơ hội đã bỏ lỡ cũng không phải là chuyện dễ !

Trung Quốc không còn mặc cảm với Mỹ

Cũng Les Echos trở lại với chuyến viếng thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel.

Tờ báo xem việc bộ trưởng Hoa Kỳ viếng thăm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc là một biểu tượng mạnh, qua đó, Bắc Kinh vừa chứng minh về sức mạnh quân sự của mình vừa công khai chấp nhận đọ sức quân sự với Mỹ.

Theo Les Echos, đó là lý do giải thích vì sao, lần này tại Trung Quốc, ông Hagel đã « đụng phải một bức tường » còn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Hoa đã có những tuyên bố kém thân thiện khi đổ lỗi cho chính sách xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ gây căng thẳng trong khu vực.

Phía Trung Quốc còn tuyên bố thẳng thừng là đã được « chuẩn bị để đối phó với mọi mối đe dọa hay thách thức có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào (…) Quân đội Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đương đầu với mọi cuộc chiến và sẽ giành lấy phần thắng ».

Bài báo trích lời của một chuyên gia Pháp về Trung Quốc, giảng dậy tại đại học Hồng Kông, giáo sư Jean Pierre Cabestan: Sở dĩ Bắc Kinh đã có những lời lẽ cứng rắn như vậy do Trung Quốc cảm thấy mình đang trong thế thượng phong, trong lúc mà Hoa Kỳ đang bị chia trí vì quá nhiều vấn đề, từ Crimée, đến hạt nhân Iran hay xung đột Syria.

Kiev : Đối thoại với phe thân Nga

Trở lại với hồ sơ Ukraina, để giữ được các vùng ở miền đông, chính quyền Kiev thiên về giải pháp đối thoại với các thành phần thân Nga.

Libération chạy tựa : « Kiev rón rén » tránh để xảy ra sự cố với người biểu tình trong lúc trụ sở chính quyền cấp vùng ở Donetsk bị chiếm đóng từ nhiều ngày qua. Bộ Quốc phòng Ukraina e rằng, chỉ cần 1 người biểu tình thân Nga bị thương là cũng đủ tạo cơ hội cho Matxcơva lấy cớ, để can thiệp quân sự vào Ukraina.

Le Figaro không bình luận nhiều về vụ này, nhưng nêu lên một vài con số : 77 % dân cư Donetsk phản đối việc chiếm đóng trụ sở thành phố, 18 % dân số nơi này muốn được sáp nhập vào với nước Nga, thế nhưng lại có tới 66 % những người được tham khảo ý kiến mong mỏi được sống trên một đất nước Ukraina thống nhất.

Elena một sinh viên người Ukraina giải thích với phóng viên của báo Le Figaro về thái độ thân Nga của mình : Nước Nga trong mắt Elena « không phải là Putin, mà đó là quê hương của những Dostoievski và Pouchkin » !

Pháp : Thay đổi nhân sự sâu rộng trong guồng máy lãnh đạo

Trong bài báo mang tựa đề « Hollande thay đổi thành phần nhân sự từ ở Phủ Tổng thống đến trụ sở đảng Xã hội ».

Le Figaro nói tới việc Tổng thống Pháp vừa chỉ định người bạn lâu năm là ông Jean Pierre Jouyet vào chức vụ Tổng Thư ký của Phủ Tổng thống.

Chức vụ này dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy trên thực tế còn quan trọng hơn cả vai trò mờ nhạt và khiêm tốn mà cựu Tổng thống Pháp dành cho ông Thủ tướng Fillon.

Sau khi đã chỉ định một Thủ tướng mới, Tổng thống Hollande lại thay thế luôn cả người lãnh đạo đảng Xã hội và Tổng Thư ký của Phủ Tổng thống.

Le Figaro thiên hữu mỉa mai coi việc thay đổi nhân sự này là một « chiến dịch quét dọn » làm sạch cửa nhà mỗi độ xuân về. Đây là một hình thức để nhìn nhận những lỗi lầm mà chủ nhân điện Elysée đã vấp phải trong hai năm đầu nhiệm kỳ, nhưng đồng thời cũng là để chứng minh với Thủ tướng Manuel Valls rằng Tổng thống Hollande mới thực sự là người cầm lái !

Libération thiên tả thì xem việc thay đổi nhân sự ở nhiều cấp nói trên là một tín hiệu đáng khích lệ, mở ra một « thời kỳ mới » mà ở đó, chính phủ phải làm việc có hiệu quả hơn.

Sự sống trên sao Thổ ?

Chúng ta nghĩ gì nếu các nhà khoa họa tìm thấy dấu vết của sự sống trên sao Thổ ?

Trên đây là câu hỏi được L'Humanité nêu lên trong trang dành cho các mục Văn hóa và Kiến thức. Số là tàu thăm dò trên sao Thổ, Cassini vừa phát hiện dấu vết của đại dương.

Đại dương đó có độ sâu 10 cây số, có diện tích tương đương với Lac Superieur ở miền bắc nước Mỹ, ẩn mình dưới lớp băng dày khoảng 30 km.

Một nhà vật lý thiên văn Pháp, Aurélien Barrau thận trọng cho rằng, việc phát hiện mạch nước trên sao Thổ không cho phép kết luận rằng trên hành tinh này có sự sống, nhưng đây là một khám phá quan trọng.

Tuy nhiên, có nhiều khả năng trong vũ trụ có nhiều hành tinh với những điều kiện sống tương tự như trên Trái đất của chúng ta.

Nếu đúng là như vậy thì biết đâu mỗi con người trong nhân loại đều có những người anh em họ hàng, sống trên một hành tinh nào đó ngoài phạm vi của Trái đất !

Switch mode views: