Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-04-2014
- Thứ Hai, 07 tháng Tư năm 2014 19:34
- Tác Giả: Mai Vân
Bầu cử Quốc hội Ấn Độ, sự kiện ngoại hạng
Một địa điểm bỏ phiếu ở địa phương Agartala ngày 7/4/ 2014.
REUTERS/Jayanta Dey
Ngoài hai đề tài mang tính chất nội bộ là tân chính phủ Pháp và quan hệ Paris-Kigali căng thẳng nhân kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát người Tutsi ở xứ châu Phi Rwanda, Châu Á khá được báo Pháp hôm nay, 07/04/2014 chú ý, đặc biệt với cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ, khởi sự từ hôm nay.
Đáng ghi nhận là bài viết chiếm 2 trang trong mục thế giới của báo kinh tế Les Echos, với hàng tựa : "Tuơng lai của Ấn Độ bị buộc vào kết cục một cuộc bầu cử ngoại hạng".
Ngoại hạng do số lượng cử tri cực đông -815 triệu - và thời gian cực dài - hơn 1 tháng, từ hôm nay cho đến ngày 12/05.
Bầu cử lại diễn ra trên một đất nước rộng lớn, có từ sa mạc đến rừng nguyên thủy, từ vùng cao nguyên đến dãy Himalaya.
Ngoài ra, còn có cả vấn đề an ninh do tranh chấp ở Cachemire với Pakistan, và những hoạt động phá quấy của lực lượng du kích mao ít.
Les Echos tỏ vẻ thán phục trước khâu tổ chức phải nói là phi thường. Điều làm cho tờ báo Pháp càng thán phục, là kết quả các cuộc bầu cử - như trước đây, ít bị phản đối, và dù không tránh khỏi những sự cố đó đây, nhưng kết quả không hề bị đặt lại.
Theo Les Echos, đó là nhờ vào uy thế của Ủy ban Bầu cử mà như một nhà báo Ấn giải thích là đã làm cho các chính trị gia ‘khiếp sợ’. Một thành viên ủy ban bầu cử S Brahma đã giải thích : "Không thể để xẩy ra bất kỳ sai lầm nào, phải trung thực, hoàn toàn minh bạch".
Kết quả bầu cử rất hệ trọng cho tương lai Ấn Độ
Còn về tương lai của nước Ấn, Les Echos nhận thấy sẽ tùy thuộc vào chính phủ sắp tới, chính quyền phải ổn định và có năng lực cải cách.
Hiện nay theo tờ báo, đảng Ấn Độ giáo BJP- đối lập- được cho là sẽ về đầu, ít ai đánh cuộc trên đảng Quốc Đại.
Tuy nhiên, dù về đầu nhưng không chắc là đảng BJP có được đa số vững mạnh, tức là hơn 200 ghế, do đó phải liên minh với một số đảng chọn lọc.
Nếu cả hai đảng BJP và Quốc Đại không tập hợp được liên minh vững mạnh, mà lại thành lập những liên minh tạp nhạp thì Ấn Độ khó thể có ổn định chính trị.
Tờ báo Pháp phân tích là nếu nói đến một cuộc tổng tuyển cử mang tính chất quyết định thì đúng là cuộc bầu cử này, còn hơn cả cuộc bầu cử lần trước vào năm 2009. Lúc đó Ấn Độ đang trên đà phát triển nhanh, với tăng trưởng 9%.
Nhưng 5 năm về sau của nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã hạ cánh nặng nề, với tỷ lệ tăng trưởng cho tài khóa vừa kết thúc có lẽ chỉ vẫn dưới 5% như vào thời điểm 2012-2013 (4,5%).
Vì sao Ấn Độ vẫn nghèo ?
Nhìn trên mặt xã hội, Les Echos cho là Ấn Độ vẫn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc.
Tờ báo nêu một số nguyên nhân, trong đó nổi bật là tình trạng quản lý kém cỏi trên bình diện kinh tế vĩ mô, sử dụng ngân sách sai lệch, như chi phí quá nhiều cho ngành dầu hỏa, mà lại bỏ bê y tế, giáo dục.
Nghiêm trọng nhất là guồng máy hành chánh, chính trị bị tê liệt trong lúc diễn ra hàng loạt xì -căng- đan tham nhũng trong chính phủ, khiến các quan chức không ai còn dám quyết định gì để không mang tiếng.
Hậu quả là nhiều đề án từ hạ tầng cơ sở, đến nhà máy, cơ xưởng mới, nhà máy điện trong lãnh vực tư đã bị đình hoãn.
Cho nên ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với Ấn Độ là thúc đẩy lại hoạt hoạt động guồng máy hành chính của họ, và cử tri Ấn không muốn gì hơn là một chính phủ có khả năng hoạt động, một người lãnh đạo cứng rắn biết thúc đẩy guồng máy.
La Croix, nhân dịp này tìm hiểu xem người dân Ấn mong muốn có những thay đổi như thế nào, qua những ‘ước mơ’ của một chuyên viên tin học, Ashok Boyina, ở ngay trung tâm New Delhi.
Tờ báo ghi nhận : Trong lúc đảng Quốc Đại nắm quyền từ suốt 10 năm nay bị suy yếu và mất uy tin do các xi căn đan tham nhũng, hoạt động kinh tế chậm lại, thì nhiều người Ấn mơ tưởng đến một lối sống khác, mơ uớc làm chủ cuộc sống của mình.
Trong cuộc bầu cử khởi sự hôm nay, như Boyina cho biết, ông thiên về những ứng viên tại chỗ, gần gụi với mình hơn, và nhất là những gương mặt chống tham nhũng. Ông tỏ ý khắt khe đối với đảng Quốc Đại, ‘những người co hội chủ nghĩa, không có tầm nhìn’.
Giáo dục : bí quyết thành công ở Châu Á
Ngoài Ấn Độ, báo Les Echos còn nhìn sang Hàn Quốc, trong bài báo dài tựa đề : "Giáo dục : Chìa khóa phép màu châu Á".
Tờ báo nhắc lại rằng các quốc gia lớn Châu Á đang đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về học sinh giỏi, và thắc mắc tìm hiểu bí quyết.
Giải đáp mà tờ báo tim thấy, như tại Hàn Quốc, là một phương pháp dựa trên sự tôn sùng thành quả đạt được.
Bài viết trên Les Echos mở đầu một cách hóm hỉnh : Ngày thứ 5 trong tuần lễ thứ nhì của tháng 11, cả Hàn Quốc đóng cửa từ 13g05 đến 13g 45 : máy bay không đáp xuống cũng như không cất cánh, xe hơi cũng ngưng chạy trên nhiều trục lộ, xe cảnh sát cũng im lặng không hụ còi.
Đây là khoảng thời gian thiêng liêng mà 650.000 học sinh Hàn Quốc trắc nghiệm kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Anh.
Ngày thứ 5 này là ngày thi vào đại học, quyết định tương lai các em. Một ngày trọng đại đến nỗi, để các em không bị thiệt thòi như đến phòng thi trễ chẳng hạn, thì cảnh sát được huy động tránh những vụ kẹt xe, giờ mở cửa các công ty, thị trường chứng khoán cũng thay đổi nhân ngày này.
Nhìn tình hình này, tác giả bài viết hiểu được nỗ lực của gia đình, xã hội cho việc thành đạt của con em. Không chỉ có Hàn Quốc, mà Nhật Bản, Trung Quốc cũng xem sự thành đạt này là điều tối thượng. Chẳng trách gì mà học sinh Châu Á đứng đầu bảng.
Gia đình đầu tư, nhà nước cũng cố gắng, nhưng các em là chịu sức nặng nhiều nhất : Học và học.
Ngay từ mẫu giáo, ngoài trường lớp là phải học thêm, học tư, học đủ môn, học cho đến tối, học đến kiệt sức, đến nỗi chính phủ Hàn Quốc đã phải ra lệnh giới nghiêm để các em không học đến cả 12 giờ khuya. Hơn nữa những trung tâm dạy thêm mọc lên ở khắp nơi, và đã gây lo ngại nơi chính quyền.
Tình trạng học trên đây là cái giá đứng đầu bảng của các em học sinh châu Á. Les Echos cho là kết quả này của các em đã không gây tranh cãi ở phương Tây.
Các chuyên gia đối chiếu sức ép mà các em phải chịu với quan điểm phương Tây chú trọng đến sự phát triển phong phú hài hòa hơn là sự gò ép.
Tuy nhiên giáo dục là một thị trường, mà sự thành đạt cũng là một mục tiêu, Úc hiện nay đang tìm một con đường thứ 3 giữa hai 2 quan điểm, hai phương pháp, và đã gởi những nhà nghiên cứu đến các nước Đông Bắc Á.
Nhiều người đã đề xuất chương trình học nặng hơn, nhưng để cho các giảng viên có thêm thời gian chuẩn bị giáo trình, có đề nghị cho các em học ngoại ngữ từ lúc nhỏ, hay chương trình mẫu giáo nặng thêm một chút.
MH370 : Truy tìm hộp đen
Le Figaro hôm nay trở lại chuyến bay của Malaysia Airlines bị mất tích với tựa đề : "Chuyến bay MH370 : Hy vọng trong việc truy tìm hộp đen".
Tờ báo xem những tín hiệu mà tàu Trung Quốc Haixun 01 bắt được ngoài khơi bờ phía Tây của Úc là có những thông tin đầy hy vọng từ đáy sâu Ấn Độ Dương, và cơ may tìm được chìa khóa bí ẩn ngày càng tăng.
Tuy nhiên tờ báo cũng cho là phải thận trọng vì tryền thông Trung Quốc đã bao lần làm cho người ta thất vọng, như trong việc loan báo vệ tinh Trung Quốc đã định vị được chiếc máy bay.
Đối với Le Figaro, việc tìm chiếc máy bay mang một tầm vóc chính trị và uy thế đối với Bắc Kinh đang bị công luận tức giận thúc ép.
Tìm được hộp đen sẽ là một thắng lợi lớn đối với Bắc Kinh đã phái nhiều tàu và máy bay đến khu vực, và lần đầu tiên đi xa như thế. Rõ ràng chiến dịch này khẳng định mục tiêu, tham vọng mới trên biển của Trung Quốc trước Hải quân Mỹ.
Le Figaro nhận thấy là đằng sau khẩu hiệu đoàn kết quốc tế được phô trương, việc tìm kiếm chiếc Boeing là cơ hội để các cường quốc quân sự Châu Á-Thái Bình Dương đánh giá khả năng của nhau. Theo giới phân tích, không ai muốn tiết lộ cho đối phương năng lực của mình.
Tuy nhiên Úc đa hoang nghênh hợp tác mà Trung Quốc đề nghị, và cho là Trung Quốc đã chia sẻ những gì cần thiết trong việc tìm kiếm.
Le Figaro cũng nhắc lại rằng những tin mới mang lại hy vọng, nhưng còn phải mất nhiều tháng trời mới hiểu được chuyện gì đã xẩy ra.
Pháp : Những thách thức đối với tân chính phủ
Đây là môt hồ sơ quan trọng được báo Pháp chạy tựa trang nhất ngày đầu tuần này.
Le Monde đặc biệt chú ý đến chủ trương của tân Bộ trưởng Môi trường, bãi bỏ một số thuế, không muốn một loại chính sách môi trường mang tính chất ‘trừng phạt’.
Về phần mình, hai tờ Les Echos và Le Figaro tự hỏi là tân Thủ tướng Manuel Valls làm cách nào để tiết kiệm được 50 tỷ euro mà tổng thống François Hollande đã nêu lên vào đầu năm.
Đối với Le Figaro, ông Manuel Valls 'đối mặt với thách thức 50 tỷ tiết kiệm', còn Les Echos thì tìm hiểu ‘những hướng đi của chính phủ’.
Rwanda kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát người Tutsi
La Croix và L’Humanité nhìn ra thế giới với sự kiện nước châu Phi Rwanda kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát làm hàng trăm ngàn người chết, đa số thuộc người chủng tộc thiểu số Tutsi.
L’Humanité nói đến tình trạng Rwanda phải tập sống với các bóng ma của mình, trong lúc La Croix chú ý đến tình hình căng thẳng mới giữa Pháp và Rwanda, vì Rwanda đã tiếp tục quy trách nhiệm cho Pháp trong vụ thảm sát. Đương kim Tổng thống Rwanda, Paul Kagame, đã nhấn mạnh lại trên khía cạnh này.
Tin mới
- Trung Quốc : Tín đồ Thiên Chúa giáo đòi chấm dứt phá dỡ nhà thờ - 10/04/2014 21:30
- Irvine không kết nghĩa với Nha Trang - 10/04/2014 00:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2014 - 09/04/2014 23:21
- Islamabad : Đánh bom giữa chợ làm 20 người chết - 09/04/2014 19:51
- Indonesia bầu Nghị viện: Phe đối lập nhiều khả năng thắng lớn - 09/04/2014 19:09
- Cần sa giảm giá, nông dân Mexico trồng thuốc phiện - 09/04/2014 03:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-04-2014 - 09/04/2014 03:32
- Ukraina đứng trước nguy cơ mất lãnh thổ miền đông - 09/04/2014 02:59
- Ô nhiễm không khí : Trung Quốc trả giá đắt - 08/04/2014 22:55
- Việt Nam : Được lặng lẽ trả tự do, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã đến Mỹ - 08/04/2014 22:44
Các tin khác
- Hải quân Hoa Kỳ Việt Nam bắt đầu các cuộc thao dượt chung - 07/04/2014 18:48
- Hải quân Mỹ thử trực thăng không người lái loại mới - 07/04/2014 00:42
- Cần Thơ nhiều người bán thận để 'thoát nghèo' - 07/04/2014 00:33
- Thực hư chuyện TQ làm ăn 'mờ ám' ở VN - 07/04/2014 00:24
- Mỹ đưa thêm hai tàu chiến trang bị tên lửa Aegis đến Nhật - 06/04/2014 23:33
- Chủ tịch Quốc hội Đài Loan nhượng bộ sinh viên biểu tình - 06/04/2014 23:08
- Hiệp định sông Mekong 'đang tan vỡ'? - 05/04/2014 21:04
- Vatican chủ trì hội nghị chống buôn người cùng với Interpol - 05/04/2014 19:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-04-2014 - 05/04/2014 18:56
- Bầu cử Ô Khảm : Mèo lại hoàn mèo ! - 05/04/2014 18:40