Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau thỏa thuận hạt nhân, thách thức tiếp theo cho Tổng thống Iran

IRAN-ROUHANI



Tổng thống Iran Hassan Rouhani, phát biểu trước toàn quốc sau khi thỏa thuận được ký kết, ngày 14/07/2015.
REUTERS

Việc ký được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc sau hơn một thập kỷ đọ sức căng thẳng với phương Tây là một thành công lớn của Iran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trước mắt Tổng thống Hassan Rohani vẫn còn nhiều thách thức chính trị ở trong nước để khẳng định đường lối ôn hòa và thực hiện những hứa hẹn khi tranh cử Tổng thống.

Giới quan sát ghi nhận một trang mới đang mở ra trên con đường chính trị của Tổng thống Rohani sau khi ông đã thành công đưa các cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran đến đích bằng thỏa thuận ký với các cường quốc hôm 14/07/2015.
 Để làm được việc đó, Tổng thống Iran đã phải đấu tranh rất khó khăn với cánh bảo thủ cứng rắn ở trong nước.

Nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Teheran, Davoud Hermidas Bavand nhấn mạnh, người dân Iran vui mừng đón nhận bản thỏa thuận hạt nhân như một thắng lợi của đất nước với hy vọng Iran sẽ thoát khỏi sự cô lập kinh tế sau khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.

Đây cũng có thể coi là một thành công của ông Rohani, của một Tổng thống được cho là ôn hòa.
Mặc dù vậy họ cũng không quên những lời hứa khác trước khí đắc cử Tổng thống năm 2013 của ông Rohani.

Theo ông Bavand hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề lớn trong xã hội Iran, « cánh cửa sổ đã mở ra và ông Rohani phải nắm bắt và đối mặt với cơ hội này ».
Chuyên gia phân tích này khẳng định, điều đang chờ đợi Tổng thống Iran lúc này « không chỉ là vấn đề kinh tế » mà còn là vấn đề « tù nhân chính trị ».

Trong cuộc vận động tranh cử cách đây hơn hai năm, ông Rohani đã nhiều lần hứa hẹn giải quyết vấn đề gai góc, đó là trả tự do cho những người bị bắt giữ hay quản thúc trong phong trào phản đối ông Mahmoud Amadinejad sau khi ông này đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi năm 2009.

Nhưng cho đến nay ông Rohani vẫn chưa thể thực hiện được lời hứa khôi phục quyền tự do cho những nạn nhân trong cuộc trấn áp chính trị dưới thời Mahmoud Amadinejad.

Nhà phân tích Bavand nhận định : « Nếu ông Rohani muốn đi vào lịch sử, ông không thể dừng lại ở đây mà phải bất chấp nguy hiểm » đối mặt với các thế lực bảo thủ để thực hiện các hứa hẹn dân chủ hóa xã hội, đem lại những thay đổi chính trị căn bản ở trong nước.

Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hassan Rohani đã phải đối mặt với sức kháng cự gay gắt của một Quốc hội với thành phần đa số cực kỳ bảo thủ nấp sau tầng lớp chức sắc tôn giáo đầy thế lực.

Cần phải nói rằng những thành công chính trị cho đến lúc này của Tổng thống Rohani có được là nhờ vào sự hậu thuẫn của lãnh đạo tinh thần tối cao, giáo chủ Ali Khamenei.

Giờ đây có được sự ủng hộ của dân chúng được cùng với thỏa thuận hạt nhân vừa ký sẽ tạo đà cho ông Rohani và phe ủng hộ ông tiếp tục tiến xa hơn nữa đường lối ôn hòa mà điểm mấu chốt sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Hai năm 2016.

Nhà kinh tế Saeed Laylaz nhận định : « Thỏa thuận hạt nhân là một thắng lợi lớn đối với ông Rohani.
 Ông có thể sử dụng nó để tạo ra một liên minh những người theo xu hướng cải cách » và nhất là để thuyết phục Hội đồng vệ binh cách mạng Hồi giáo, một tổ chức đầy quyền lực kiểm soát tất cả các ứng cử viên vào Quốc hội.

Bản thỏa thuận hạt nhân Vienna vừa ký ráo mực. Làm sao tận dụng được đà thắng lợi này để thúc đẩy nền kinh tế đang rệu rã vì bị bao vây cấm vận là một thách thức lớn cho ông Rohani trong tham vọng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2017.

Nhà phân tích có khuynh hướng bảo thủ Amir Mohebbian cũng phải thừa nhận thỏa thuận hạt nhân có thể được nhìn nhận như một sự bảo lãnh cho Tổng thống Iran lúc này ở phương diện đối nội.
Vì sau thành công về hồ sơ hạt nhân, ông Rohani « có thể nói với xã hội Iran rằng : Tôi đã thành công » phần đầu nhiệm kỳ của mình.
 

Switch mode views: