Tướng Phùng Quang Thanh Đang Bị Quản Thúc
- Thứ Bảy, 01 tháng Tám năm 2015 04:10
- Tác Giả: Trung Điền
Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận và nhất là trên truyền thông mạng, lãnh đạo cộng sản Việt Nam (CSVN) đã không thể tiếp tục giữ kín về sự sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh.
Tối ngày 27/7 vừa qua, Hà Nội đã phải để cho Tướng Phùng Quang Thanh xuất hiện trong chương trình giao lưu nghệ thuật “khát vọng đoàn tụ” và có truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Hầu hết các báo chí, trang điện tử đều loan tin và hình ảnh về sự xuất hiện của Tướng Phùng Quang Thanh vào đêm 27/7 sau đúng 1 tháng vắng bóng, ngoại trừ một số báo chính thức của đảng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân và trang điện tử đảng Cộng sản hoàn toàn không đề cập gì đến sự kiện Phùng Quang Thanh.
Trong khi đó, Thiếu tướng Ngô Quang Liên, được giới thiệu là trợ lý của Tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố với báo chí rằng Tướng Thanh kể từ nay sẽ ở lại trụ sở Bộ quốc phòng chứ không về nhà riêng.
Lý do mà ông Ngô Quang Liên nêu ra là “hạn chế tiếp khách nhiều” vì khuyến cáo của Bác sĩ.
Một người vừa trải qua một cuộc giải phẫu – dù lớn hay nhỏ – rất cần một trong hai nơi để tĩnh dưỡng là nhà riêng hoặc bệnh viện.
Tướng Thanh thì không được về tĩnh dưỡng ở hai nơi này mà phải nằm điều dưỡng ở Bộ quốc phòng, chẳng khác nào bị quản chế.
Đây không phải là điều bất bình thường trong thế giới cộng sản mà còn là tín hiệu cho thấy cuộc đời chính trị của Tướng Phùng Quang Thanh đã chấm dứt, song song với những chuyển biến về thế đu dây trong hàng ngũ đảng CSVN, nếu ta nhìn lại một số những diễn tiến xảy ra trước đó khoảng 3 tháng – từ tháng 5 năm 2015.
Chống Đối Ngầm
Ngày 13/5/2015, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius xuất hiện lần đầu tiên trên đài truyền thanh Việt Nam (VOV) chính thức tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất.
Sự kiện này được đánh giá là chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã phá nguyên tắc thông thường để đón tiếp người đứng đầu một đảng chính trị với nghi thức cao nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia, sau khi ông Trọng và lãnh đạo CSVN ít nhiều chấp thuận một số “yêu sách” từ phía Hoa Kỳ. Nói một cách cụ thể là Bộ chính trị CSVN đã quyết định “ngả” về phía Mỹ.
Đọc kết quả chuyến đi Mỹ của ông Trọng ai cũng thấy rõ điều này.
Hai ngày sau đó, ngày 15/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại biên giới Lào Cai một cách long trọng nhân dịp tổ chức buổi Tọa đàm hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Trong buổi đón tiếp này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dành một nghi lễ cao nhất của quân đội để đón Thượng tướng Thường Vạn Toàn.
Tướng Thanh cũng đã khẳng định với phái đoàn quân sự cao cấp Trung Quốc là luôn luôn thể hiện sự “tin cậy chính trị” với lãnh đạo Bắc Kinh.
Ngày 31/5/2015, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đón tiếp Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và hai bên lần đầu tiên ký chung văn kiện “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ Việt”.
Trong dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp Tư lệnh quân chủng hải quân và Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam là hai lực lượng đang đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông.
Sau hàng loạt những xuất hiện mang tính chất “lịch sử” với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 5 nói trên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bỗng “đột nhiên khuất bóng” trên chính trường.
Cùng lúc đó, Bộ quốc phòng CSVN công bố quyết định cho ngưng trách vụ chờ nghỉ hưu của Trung tướng Phi Quốc Tuấn, Tư lệnh Quân khu Thủ đô và Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô; cả hai đang ở độ tuổi chưa tới 60 (sinh năm 1957).
Việc nghỉ hưu của hai vị tướng cầm quân ở Thủ đô xảy ra cùng một lúc với sự vắng bóng của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dẫn đến nghi vấn: “có sự chống đối của một giới quân nhân” tại Hà Nội, đưa đến sự ngưng trách nhiệm và quản chế 3 ông tướng một lượt.
Sống Hay Chết
Ngày 19/6/2015, Thông tấn xã Việt Nam loan tin Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris.
Bản tin nói trên không những không được loan tải rộng rãi trong nước mà còn gợi lên một nghi vấn khác là Tướng Thanh phải chăng đã bị đưa ra khỏi nước nhằm tránh sự “nổi loạn” hoặc “đảo chánh” với sự tiếp tay của Trung Quốc của một phe quân nhân thân Bắc Kinh, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ.
Nghi vấn này còn tô đậm thêm khi ông Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên phát biểu rằng “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Hiến pháp” trong đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX khai mạc sáng 1/7 tại Hà Nội.
Ngày 24/6/2015, Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trung ương lên tiếng chính thức rằng Tướng Phùng Quang Thanh đang điều trị bên Pháp, sau khi có tin đồn bị ám sát chết ở Paris.
Trong lúc tin Tướng Phùng Quang Thanh đang điều trị tại Paris, vào ngày 3/7 Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô Hà Nội dưới sự chủ tọa của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã tiến hành việc thay thế nhân sự lãnh đạo với hai nhân vật mới là Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, phó tư lệnh được đưa lên làm Tư lệnh quân khu và Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết, phó chính ủy được đưa lên làm Chính ủy Bộ tư lệnh.
Việc thay đổi nhân sự thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô diễn ra ba ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng lên đường đi Mỹ vào ngày 6/7 đến 10/7 là điều đáng lưu ý.
Trước những xôn xao dư luận, ngày 6/7/2015 ông Phạm Gia Khải, thành viên ban bảo vệ sức khoẻ trung ương họp báo cho biết là Tướng Thanh đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư phổi hôm mồng 3/7 và hiện đang tĩnh dưỡng chưa có thể về nước ngay.
Ngày 20/7/2015, hãng thông tấn DPA từ Hà Nội đã dựa theo một nguồn tin của một sĩ quan quân đội ẩn danh loan tải rằng Tướng Thanh đã từ trần tại Paris hôm Chủ Nhật 19/7, sau cuộc phẫu thuật, và còn cho biết là Tướng Thanh đã bị rút tên ra khỏi Bộ chính trị trước khi sang Pháp.
Nhưng ngày hôm sau, 21/7/2015, hãng thông tấn DPA đã đăng lời cải chính của Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng quân đội CSVN, rằng sức khoẻ Tướng Thanh vẫn ổn định và sẽ về nước vào cuối tháng 7/2015. Dù vậy, DPA vẫn không phủ nhận bản tin trước đó của mình.
Bản tin của DPA và sự trả lời mập mờ của Bộ quốc phòng CSVN đã dấy lên một nghi vấn lớn trong dư luận về tình trạng sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh.
Có tin là ở Hà Nội người ta đã “ăn mừng” khi nghe tin ông Thanh chuyển sang từ trần.
Trước áp suất của dư luận về sự sống chết của Tướng Thanh, lãnh đạo CSVN đã phải tốn công dàn dựng ra chuyến bay VN Airlines đưa Tướng Thanh từ Paris bay về Hà Nội vào ngày 25/7, nhưng lại không có bất cứ tấm hình nào chụp Tướng Thanh tại Phi trường.
Sự kiện này làm dấy lên một đợt sóng nghi vấn khác là không có Tướng Thanh nào về trong chuyến bay từ Paris.
Cuối cùng, CSVN đã phải đưa Tướng Thanh xuất hiện trong đêm giao lưu nghệ thuật “khát vọng đoàn tụ” tối 27/7, với hình ảnh tươi cười bắt tay mọi người.
Tuy nhiên cho đến giờ phút này, sự sống hay chết của Tướng Thanh không còn là điều quan trọng.
Vấn đề then chốt là tại sao CSVN vẫn nói Tướng Thanh còn sống nhưng lại quản thúc ở Bộ Quốc Phòng?
Bị Quản Thúc
Ngày 16 -18 tháng 7, CSVN đã đón tiếp ông Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng và là thành viên ban Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc viếng thăm Việt Nam.
Chuyến đi đột ngột của họ Trương được tuyên bố là để “tăng cường giao lưu trao đổi” giữa hai bên nhưng thực chất là để cứu Phùng Quang Thanh.
Sau chuyến đi của Trương Cao Lệ, ngày 20/7/2015, Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tham mưu trưởng quân đội CSVN đã công bố Tướng Thanh về nước ngày 25/7, đồng nghĩa với việc cho Tướng Thanh tái xuất hiện trở lại nhưng chỉ trong khuôn viên Bộ quốc phòng.
Tướng Vũ Văn Hiển, chánh văn phòng quân ủy trung ương nói với báo chí hôm 27/7 rằng: “Theo yêu cầu của bác sĩ, tướng Thanh sẽ hạn chế nơi đông người, dễ tiếp xúc vi trùng vi khuẩn có trong không khí”.
Qua phát biểu này, người ta có thể hiểu đây là một thông điệp của quân ủy trung ương dành cho ông Tướng đã bị thất sủng vì quá thần phục Bắc Kinh và sốt sắng bày tỏ lòng “tin cậy chính trị” đối với Thiên Triều hồi tháng 5 vừa qua, khi mà cả bộ chính trị có đến 9 trên 16 người đã thay phiên nhau viếng thăm nước Mỹ từ cuối năm 2014 sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981.
Sự kiện Phùng Quang Thanh cho thấy:
1/ CSVN đã cố che đậy vụ đưa Phùng Quang Thanh sang Pháp nhằm ngăn chận sự “nổi loạn” trong nội bộ đảng, lúc mà Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ, để làm một dấu mốc lịch sử cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng bộ máy tuyên giáo của Hà Nội quá tồi, thay vì chủ động điều hướng, rốt cuộc là phải chạy theo “chữa cháy” trước những thông tin úp úp mở mở do chính họ đưa ra.
Sức ép của dư luận trong thời kỳ tin học ngày nay khiến chế độ không còn có thể “lấy thúng úp voi”, lấp liếm sự thật.
2/ Hình ảnh của Tướng Thanh trong buổi giao lưu nghệ thuật và sự vắng mặt “khó hiểu” của ông Thanh trong hơn một tháng qua, đi kèm với sự lúng túng trả lời của CSVN trước những nghi vấn của dư luận, và những dữ kiện đáng nghi ngờ quanh chuyến về nước của ông Thanh ngày 25/7 vừa qua cho thấy ông Thanh đã bị quản thúc trong nước từ mấy tuần qua.
Nếu có đi Pháp thì cũng đã trở về từ lâu. Chuyến bay về nước ngày 25/7 chỉ được dàn dựng để hỗ trợ cho những dối trá của chế độ về số phận của ông Thanh.
3/ Mọi dữ kiện, cộng thêm chi tiết “Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ ở lại trụ sở Bộ Quốc phòng chứ không về nhà riêng”, thì rõ ràng là Đại Tướng Phùng Quang Thanh đã bị thất sủng và đang bị quản thúc.
Nội tình đảng CSVN từ giờ đến đầu năm 2016, khi đại hội đảng XII nhóm họp, sẽ còn nhiều biến động. Hứa hẹn nhiều gây cấn, căng thẳng. Chờ xem!
Tin mới
- Mặt Trời Hillary Bị... Nguyệt Thực - 01/09/2015 15:50
- Trung Quốc lại vỡ mộng trong âm mưu thao túng Sri Lanka - 20/08/2015 21:17
- Trung Quốc, công xưởng thế giới trở thành quả bom nổ chậm khổng lồ - 18/08/2015 22:05
- Đâu phải chỉ có PQT theo Tàu:Tướng Nguyễn Chí Vịnh Vẫn Coi Bắc Kinh Là Chỗ Dựa ! - 16/08/2015 05:26
- Từ LHQ đến Biển Đông, Bắc Kinh bị tố gò ép lịch sử để thủ lợi - 13/08/2015 03:22
- Kinh tế Trung Quốc hụt hơi, doanh nghiệp nước ngoài cảnh giác - 11/08/2015 22:16
- Chiến lược răn đe hạt nhân, di sản của thảm họa Hiroshima - 10/08/2015 16:21
- Nhật Bản ngày càng cụ thể hóa chính sách can dự vào Biển Đông - 08/08/2015 15:51
- ASEAN-Biển Đông : Malaysia không phải là Cam Bốt - 05/08/2015 17:09
- ASEAN : ARF gia tăng áp lực lên Trung Quốc về vụ cải tạo đảo - 05/08/2015 03:37
Các tin khác
- Các nền kinh tế đang trỗi dậy đối mặt với viễn cảnh bấp bênh - 01/08/2015 02:58
- Nếu VN chọn Hoa Kỳ làm đồng minh, TQ có áp dụng lại đối sách 1979? - 30/07/2015 14:51
- Hiện Tượng Trump - 29/07/2015 20:55
- Hôn nhân với người nước ngoài : Tình yêu không biên giới đã đủ ? - 29/07/2015 18:44
- Nợ Hy Lạp : Eurozone tránh được vết dầu loang - 27/07/2015 16:13
- Thỏa thuận hạt nhân Iran : Lợi và hại đối với kinh tế Nga - 22/07/2015 02:26
- Giáo chủ Iran cảnh báo ý đồ xấu của một số cường quốc - 17/07/2015 20:48
- Sau thỏa thuận hạt nhân, thách thức tiếp theo cho Tổng thống Iran - 17/07/2015 19:31
- Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung - Việt Nam nên học tập Thomas Jefferson - 16/07/2015 18:29
- Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thắng lợi ngoại giao của Obama - 14/07/2015 19:17