Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Cuba : Con đường bình thường hóa còn lắm chông gai

cuba usa 6



Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Roberta Jacobson (áo mầu cam) trong cuộc đàm phán với Cuba về tái lập quan hệ ngoại giao song phương, La Habana, 22/01/2015
REUTERS/Stringer

Washington và La Habana đã ghi dấu một bước tiến lịch sử qua đợt thảo luận cấp cao trong hai ngày 21 và 22/01/2015 tại thủ đô Cuba.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên này sau nhiều thập kỷ cũng cho thấy hố sâu cách biệt giữa hai nước cựu thù rất khó hàn gắn, cho dù lãnh đạo đôi bên đã long trọng thông báo bình thường hóa quan hệ vào giữa tháng 12/2014.

Trong ngày đàm phán thứ hai và cũng là cuối cùng kết thúc hôm 22/01 trong khuôn khổ củng cố tiến trình hâm nóng quan hệ song phương được Hoa Kỳ và Cuba thông báo hồi giữa tháng 12/2014, phái đoàn hai nước gặp nhiều bất đồng không thể giải tỏa.

Trước tiên là hai bên không thỏa thuận được thời điểm mở lại sứ quán; thứ hai, Cuba và Mỹ bày tỏ những bất đồng quan điểm về nhân quyền và các quyền tự do.
Thực tế là trên nhiều lãnh vực, từ di dân nhập cư cho đến tái lập quan hệ ngoại giao và viễn thông, hai bên vẫn còn nhiều dị biệt.

Trong số các hồ sơ được coi là khẩn cấp, đó là việc Cuba mong đợi được rút tên ra khỏi danh sách các nước ủng hộ khủng bố để tạo thuận lợi cho hoạt động bang giao song phương.

 Thứ đến là chuyện bồi thường cho các công ty Mỹ bị chế độ Fidel Castro quốc hữu hóa sau cách mạng 1959 cũng như quy chế căn cứ Guantanamo của Mỹ tại Cuba, vẫn chưa được cập đến.

Nhu cầu mở lại sứ quán cũng gây ra dị biệt « sâu xa » hệ quả của hơn 50 năm xung khắc.

 Phía Hoa Kỳ đặt điều kiện Cuba phải giải tỏa những hạn chế hoạt động của cơ quan ngoại giao Mỹ, trong khi Cuba than phiền về việc tòa lãnh sự Cuba tại Washington, do Cuba bị cấm vận, không thể sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Một lãnh vực khác được hai bên bàn thảo liên quan đến viễn thông.
Hoa Kỳ giảm nhẹ hạn chế xuất khẩu linh kiện và phần mềm cho Cuba, nhưng La Habana vẫn kiểm soát chặt chẽ hệ thống internet.

Trưởng đoàn Hoa Kỳ, Thứ trưởng ngoại giao Roberta Jacobson, nhân vật cao cấp nhất của Mỹ đặt chân đến Cuba kể từ năm 1980, tuyên bố là đã gây áp lực với chính phủ Cuba để cải thiện tình trạng nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do hội họp tại hải đảo.

Sáng thứ Sáu 23/01, bà Roberta Jacobson sẽ gặp đại diện các nhà tranh đấu, xác định mối ưu tư của chính phủ Mỹ muốn hóa giải sự chống đối của nhiều dân biểu và Thượng nghị sĩ trách Tổng thống Obama thay đổi chính sách với Cuba mà không đòi được chế độ độc tài này chấp nhận dân chủ hóa.

Về phần Cuba, khi bị báo chí đặt câu hỏi kiểm chứng có phải bị phía Mỹ gây « áp lực » hay không thì trưởng đoàn Josephina Vidal khẳng định là « không có từ ngữ đó » trong các cuộc đối thoại.

Trong thông cáo báo chí, Cuba cho biết đã trình bày với phái đoàn Mỹ « những quan niệm khác biệt » về nhân quyền và « những ưu tư » của Cuba về tình hình nhân quyền tại Mỹ qua các vụ tra tấn ở Guantanamo và hành vi đối xử bên trọng bên khinh của cảnh sát Mỹ đối với người da đen.

Trong khi Cuba nhấn mạnh là tiêu chí dân chủ nhân quyền của Nội Ngoại giao Mỹ không phù hợp với Cuba thì trưởng đoàn Hoa kỳ khẳng định là Mỹ tiếp tục đi tới trong chiều hướng này.
Tuy nhiên, những bất đồng này, theo giới phân tích, là chuyện không thể tránh sau nửa thế kỷ thù nghịch.

Theo nhà phân tích Ted Piccone, nguyên là cố vấn của cựu Tổng thống Bill Clinton, điều quan trọng là cả Hoa Kỳ và Cuba đều nhìn thấy rõ nhu cầu sang trang lịch sử để cùng nhau ngồi chung quanh bàn đối thoại trực tiếp.

Hai nước sẽ cần nhiều thời gian mới có thể hoàn toàn bình thường hóa quan hệ. Mỗi bên đều bị những sức ép từ trong nội bộ của phía mình.

Jason Marczak, thuộc trung tâm chiến lược Atlantic Council, kết luận lạc quan.
Ông cho rằng ưu tiên số một hiện nay là tái lập bang giao. Chướng ngại này một khi đã vượt qua thì những vấn đề quan trọng khác theo thời gian sẽ được giải tỏa bằng kênh chính thức.

Switch mode views: