Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

NATO thành lập « lực lượng mũi nhọn » bảo vệ sườn đông Âu

Nato



Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO, họp tại Bruxelles ngày 05/02/2015;
REUTERS/Francois Lenoir



Hôm nay, 05/02/2015, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, họp tại Bruxelles và đã quyết định thành lập một lực lượng bao gồm 5000 binh sĩ, để tăng cường bảo vệ an ninh cho suờn phía đông Châu Âu, nhằm đáp trả việc Nga « xâm lược » Ukraina, từ ngữ trong nguyên văn.

Theo ông Jens Stoltenbers, Tổng thư ký NATO, lực lượng này sẽ được triển khai tại 6 trung tâm chỉ huy và « đây là một câu trả lời cho các hành động xâm lược của Nga, vi phạm luật pháp quốc tế và thôn tính Crimée ». Hết lời dẫn.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng Chín năm ngoái, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã quyết định tăng cường các phương tiện phòng thủ trước việc Matxcơva thôn tính Crimée.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng ngày hôm nay của NATO có nhiệm vụ thực hiện quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh, trong bối cảnh tình hình tại miền đông Ukraina ngày càng gây nhiều lo ngại cho các thành viên của khối.

Theo Tổng thư ký NATO, các thành viên trong khối sẽ thảo luận và quyết định về quy mô, thành phần của lực lượng được đặt tên là « lực lượng mũi nhọn – spearhead).

« Lực lượng mũi nhọn » sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 và trong trường hợp cần thiết, có thể được triển khai trong vài ngày.

Để tránh khiêu khích Nga, các lực lượng trên bộ của NATO chỉ đóng quân ở tại các nước Tây Âu, nhưng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận tại những quốc gia vốn trước đây thuộc Liên Xô cũ và nay là thành viên NATO hoặc triển khai quân ở đó, nếu như quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự.

Vẫn theo lãnh đạo khối NATO, « lực lượng mũi nhọn » còn có nhiệm vụ sẵn sàng can thiệp vào các vùng khác, đặc biệt là để đối phó với tình hình bất ổn định ở Bắc Phi, tại Trung Đông.

Về phương thức huy động binh sĩ và phương tiện quân sự, có ba quốc gia trụ cột chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của lực lượng này.

Một nước, trong vòng một năm, luôn luôn ở tư thế « sẵn sàng – stand-by », huy động được ngay quân lính trong một thời gian ngắn : Trong hai ngày, có được một số binh sĩ ban đầu, và trong một tuần sau đó, huy động thêm được số lính cần thiết.
Hai nước kia sẽ phải bảo đảm bổ sung toàn bộ số lính trong thời hạn từ 4 đến 6 tuần.

Anh Quốc đã thông báo sẽ dẫn đầu « lực lượng mũi nhọn » vào năm 2017, cung cấp 1000 binh sĩ, 3 máy bay tiêm kích Typhoon, để bảo đảm an ninh trên không cho các nước Baltic.

Theo nguồn tin từ NATO, Pháp và Đức nằm trong số những nước đầu tiên đảm trách vai trò trụ cột. Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng sẵn sàng.

Trong khi chờ đợi « lực lượng mũi nhọn » đi vào hoạt động, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu ngay trong năm nay.
Cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ thông qua kế hoạch lập 6 « trung tâm chỉ huy », tại ba nước vùng Baltic, Ba Lan, Rumani và Bulgari.

Mỗi trung tâm chỉ huy bao gồm khoảng bốn chục sĩ quan, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc tập trận và tạo thuận lợi cho việc triển khai « lực lượng mũi nhọn » ở nước sở tại.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, các quyết định trên đây nằm trong khuôn khổ kế hoạch hiện đại hóa « Lực lượng phản ứng nhanh – NATO Response Force – NRF, được thành lập năm 2003, nhưng bị đánh giá là khả năng hành động chậm, hạn chế.

Lãnh đạo Liên minh cho rằng các biện pháp vừa được thông qua mang tính « phòng thủ », bởi vì « Nga tiếp tục chàđạp các luật lệ quốc tế và ủng hộ các lực lượng ly khai » tại Ukraina « với các thiết bị quân sự tinh vi, huấn luyện và hỗ trợ quân lính ».

Tuy nhiên, cho đến nay, không có « nguy cơ cụ thể tức thời » đối với các đồng minh Đông Âu của NATO.

Trước việc chính quyền Ukraina kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí và Washington đang xem xét khả năng này, thì Tổng thư ký Stoltenberg nói ngay là NATO « không có vũ khí » để viện trợ và mỗi nước tự quyết định có giúp hay không.

Cuối tuần, Tổng thư ký NATO sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nhân Hội nghị an ninh, được tổ chức tại Munich, Đức.

Switch mode views: