Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 11-02-2015

« SwissLeaks » : HSBC Thụy Sĩ chứa chấp nhiều nhà tài trợ cho Al Qaida

HSBC 1

Một chi nhánh ở Genève, Thụy Sĩ của ngân hàng HSBC. Ảnh chụp ngày 09/02/2015.REUTERS/Pierre Albouy

Thêm vào danh sách những người nổi tiếng trốn thuế, báo Le Monde cập nhật danh sách những khách hàng của HSBC, gồm những nhà buôn kim cương, những tỉ phú tài trợ cho hoạt động khủng bố của Al Qaida, những kẻ buôn vũ khí và rửa tiền từ các buôn bán ma túy.

Báo Le Monde nhấn mạnh dưới dòng tựa trên trang nhất thông tin : « HSBC còn chứa chấp nhiều nhà tài trợ cho Al Qaida ».

Sự việc được phát hiện năm 2002, khi lực lượng đặc nhiệm Bosnia tấn công văn phòng một tổ chức tại Sarajevo. Ngoài vũ khí và chất nổ, họ tìm được một đĩa cứng với những thông tin được đặt tên « Lịch sử Oussama ».

Trong danh sách 20 nhà tài trợ cho mạng lưới Al Qaida của cựu trùm khủng bố này, đặc biệt nổi bật nhiều tên tuổi tỉ phú Ả Rập Xê Út, đồng thời cũng là khách hàng của HSBC Thụy Sĩ. Họ được Oussama Ben Laden gọi là « Golden Chain ».

Theo danh sách trên, có bốn tên nổi bật : một hoàng thân Ả Rập Xê Út đã từng bảo vệ Ben Laden, một hoàng thân khác có vợ từng chuyển tiền cho một trong những tên khủng bố vụ 11/9 tại New York và Washington, cựu thủ quỹ của một tổ chức bình phong của Al Qaida và một chủ doanh nghiệp bị quân đội Mỹ tấn công nhà máy do nghi ngờ sản xuất vũ khí hóa học.

Sau vụ phát hiện danh sách tại Bosnia năm 2002 và bản báo cáo của « Ủy ban vụ tấn công 11/9 » năm 2003, HSBC biết rõ một số khách hàng Ả Rập Xê Út của mình nằm trong danh sách bị nghi ngờ tài trợ cho hoạt động khủng bố.

Thế nhưng, ngân hàng này đã không có những biện pháp thỏa đáng với những khách hàng đầy nguy cơ trên và vẫn tiếp tục giữ quan hệ với họ.

Chính vì thế, vài năm sau đó, nhiều tên tuổi nằm trong danh sách « Golden Chain » của Ben Laden vẫn nằm trong hồ sơ khách hàng của HSBC.

Cũng sau sự kiện khủng bố tang tóc 11/9, các ngân hàng quốc tế, trong đó có HSBC, đã họp với nhau để cam kết đưa ra những biện pháp chống những nhà tài trợ hoạt động khủng bố.

Một trong những nguyên tắc được đưa ra là : « Bạn biết khách hàng của mình không ? ». Thế nhưng, những tỉ phú Ả Rập Xê Út của HSBC vẫn không bị đưa vào danh sách đen chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Tháng 01/2015, một chuyên gia độc lập đã nộp một bản báo cáo mới lên Bộ Tư pháp Mỹ. Tài liệu này tập hợp những biện pháp mà HSBC đã thực hiện và kiểm chứng xem những biện pháp này có tuân thủ những cam kết mà ngân hàng đã đưa ra hay không.

Dường như, người ta vẫn còn trách HSBC không biết rõ về khách hàng của mình.

Thời điểm cho hòa bình tại Ukraina

Vẫn liên quan tới thời sự châu Âu, đàm phán về khủng hoảng tại Ukraina sẽ diễn ra tại Minsk ngày hôm nay.

Thông tin này đều được các báo điểm lần lượt dưới các dòng tựa : « Ukraina : nước Nga lê chân tới thượng đỉnh Minsk » trên tờ Libération, « Thượng đỉnh Minsk có thể làm đóng băng xung đột tại Ukraina » trên tờ Les Echos, và « Chiến tranh hay hòa bình : số phận của Ukraina được đàm phán tại Minsk » trên trang nhất của Le Figaro.

Cũng trên trang nhất Le Figaro, bài xã luận nhận định rằng đây chính là thời điểm để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Vì tình hình hiện nay đã ở mức gay go và nếu các cuộc thương lượng thất bại sẽ mở ra một cuộc leo thang quân sự với những hậu quả nặng nề.

Điều này cũng giải thích sự căng thẳng xung quanh việc chuẩn bị cho Thượng đỉnh Minsk diễn ra ngày hôm nay tại Belarus.

Các bên tham gia sẽ giữ áp lực tối đa : Liên hiệp châu Âu sẵn sàng mở thêm một loạt trừng phạt mới ; Washington vẫn giữ khả năng trang bị vũ khí cho Ukraina ; Nga và phe ly khai Ukraina thì đang mở rộng các khu vực chiếm đóng.

Biện pháp hòa giải của Pháp và Đức có công lật tẩy lá bài của Tổng thống Putin. Quyết định về số phận miền đông Ukraina sẽ được đưa ra tại Matxcơva chứ không phải tại nơi nào khác.

Từ nhiều tuần nay, nhờ viện trợ quân sự của Matxcơva, phe ly khai Ukraina đã chiếm được nhiều vùng đất mới nơi có nhiều cơ sở hạ tầng mà Nga quan tâm (như giao lộ đường sắt, cảng thương mại, nhà máy thép, mỏ than, nhà máy điện) và những khu vực này cho phép nối vùng Donbass ly khai với bán đảo Crimée bị sáp nhập vào Nga.

Cho tới nay, người đứng đầu điện Kremlin vẫn song song tiến hành cuộc chiến hai mặt : một bên là những diễn văn phòng vệ, thậm chí là hòa bình, bên cạnh đó là những hoạt động quân sự ngụy trang.

Nhưng, thời điểm này không còn chỗ cho lá bài hai mặt này. Nếu cuộc thương thảo thất bại, Mỹ và một số nước châu Âu sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev, và khiến Ukraina chìm trong cuộc xung đột lâu dài mà ít có cơ hội chiến thắng ; Nga sẽ lún sâu trong suy thoái kinh tế và chế độ độc tài ; khối NATO sẽ sát gần biên giới với « khu vực Nga ».

Bài báo kết luận hòa bình tại châu Âu là việc của người châu Âu. Nhưng nếu hai nước Pháp và Đức thất bại tại Minsk, người Mỹ sẽ nhảy vào kiểm soát an ninh tại châu lục này. Vladimir Putin đang đứng trước lựa chọn lịch sử.

Tứ Xuyên: Trung tâm của chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc

Quay sang thời sự châu Á, báo Le Monde quan tâm tới vụ xử tử hình nhanh chóng Lưu Hán, ông trùm ngành khai thác mỏ, có mối quan hệ thân cận với Chu Vĩnh Khang, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, diễn ra ngày 09/02 vừa qua.

Theo bài báo, « Tỉnh Tứ Xuyên là trung tâm của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc ».

Bài báo nhận định dù tiếp tục dưới mọi góc độ, chiến dịch chống tham nhũng chủ yếu nhắm tới những thành trì của « những con hổ lớn ».

Tứ Xuyên là một tỉnh giàu có, nằm trong đối tượng điều tra về ngành cảnh sát và dầu mỏ, được coi là vùng đất của Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo cao cấp nhất bị sa bẫy « đuổi hổ diệt ruồi » của chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngày 23/01, Ủy ban chống tham nhũng tỉnh Tứ Xuyên đã tuyên bố rằng Chu Vĩnh Khang can dự trực tiếp vào các vụ việc chính trị tại Tứ Xuyên khiến gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, đồng thời tố cáo « hành động tôn thờ đồng tiền và cách sống xa hoa ».

Vụ bắt nhà công nghiệp trên đã mở đường cho báo chí Trung Quốc thông tin những hình thức tội phạm tại tỉnh Tứ Xuyên, cũng như những vụ dàn xếp giữa Lưu Hán và Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang.

Ngoài Tứ Xuyên, chiến dịch chống tham nhũng còn nhắm tới những thành trì khác của những « con hổ lớn » như cánh tay phải của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Lệnh Kế Hoạch, tại tỉnh Thiểm Tây (đối tượng điều tra trong lĩnh vực ngân hàng và nghe nhìn).

Một trong những kết quả, dù là tạm thời, của chiến dịch chống tham nhũng, là sự phục hồi hoạt động của những nhà đấu tranh vì quyền công dân. Họ cho rằng môi trường tại Tứ Xuyên đã dễ thở hơn. Nhiều người cho rằng giờ là thời điểm để tranh thủ nâng cao quyền lợi mà trước đây họ không dám làm.

Bàn tay thép giữa Liên hiệp châu Âu và Hy Lạp bắt đầu

Quay lại các cuộc thương thảo về vấn đề nợ của Hy Lạp, dưới dòng tựa : « Bàn tay thép giữa Liên hiệp và Hy Lạp bắt đầu » trên trang « Kinh tế », báo Le Figaro quan tâm tới cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Kinh tế của khu vực đồng euro diễn ra ngày hôm nay.

Athènes muốn thương lượng lại món nợ của mình và phản đối những cải cách các « chủ nợ » áp đặt. Bài báo phân tích tình hình dưới dạng bẩy câu hỏi chính.

Những đòi hỏi của Hy Lạp được tập trung ở bốn điểm chính : từ bỏ 30% các cải cách mà « bộ ba » yêu cầu ; giảm thặng dư xuống còn 1,5% GDP năm 2015 thay vì 3% cho năm 2015 và 4% cho tới năm 2019 ; tổ chức một cuộc họp trao đổi về nợ với Ngân hàng Trung ương châu Âu và khối đồng euro ; chống khủng hoảng « nhân đạo » nhằm giúp tăng sức mua (tăng lương và tiền hưu, cung cấp điện miễn phí…)

Về phần mình, châu Âu yêu cầu Hy Lạp đưa ra lộ trình cụ thể các cải cách sẽ tiến hành trước khi chuyển cho nước này khoản vay 7,2 tỉ euro cuối cùng, như : xem lại ngân sách 2015 còn thiếu nghiêm ngặt, cải cách thị trường lao động để tạo điều kiện cho việc sa thải trong lĩnh vực công và hạn chế quyền đình công.

Lời hứa yêu cầu « bộ ba » xóa bớt nợ trong cuộc tranh cử của tân Thủ tướng Hy Lạp đã không thực hiện được vì các nước châu Âu từ chối xóa nợ cho nước này, thay vào đó, các bên sẽ thảo luận xem xét lại vấn đề này.

Nếu không nhận được trợ cấp từ bên ngoài, Hy Lạp chỉ có thể trụ được tới tháng 5 tới nhờ số tiền dự trữ 5 tỉ euro cùng với 7 tỉ euro do « bộ ba » sắp cho vay tới đây. Sau đó, nước này sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, vì, ngay từ tháng 3 tới, Hy Lạp đã phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 3 tỉ euro. Sau đó là 6,7 tỉ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu vào các tháng 7 và 8.

Trang nhất các báo

Chủ đề trên trang nhất của báo chí Pháp ra ngày hôm nay khá đa dạng. Các báo tiếp tục đưa tin vụ xét xử « Carlton » có liên quan tới cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, hay tổng kết tình trạng phạm tội tại Pháp với chính sách tạo thêm 80 khu vực an ninh ưu tiên từ hai năm nay.

Ngoài những thông tin thời sự quốc tế đang được quan tâm như Thượng đỉnh tại Minsk về số phận của Ukraina hay vấn đề nợ của Hy Lạp, các báo tiếp tục quan tâm tới vụ tiết lộ thông tin về ngân hàng HSBC.


Switch mode views: