Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2015

Khủng hoảng Ukraina : Nga đặt điều kiện trước thượng đỉnh Minsk

UKRAINE-CRISIS-PUTIN



Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Liên đoàn các công đoàn độc lập Nga tại Sotchi ngày 07/02/2015
REUTERS/Alexei Nikolsky/RIA Novosti/Kremlin

Phương Tây chạy nước rút giải quyết khủng hoảng Ukraina. Vụ « SwissLeak » liên quan đến việc ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ che giấu tài sản trốn thuế.
Đó là những phần tin thời sự nóng bỏng nhất trên các nhật báo Pháp ngày 10/02/2015.

Vào lúc Mỹ đang bàn luận khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev chống lại phe ly khai thân Nga, Pháp và Đức chủ trương một giải pháp hòa bình.

Hôm qua (09/02/2015), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Hoa Kỳ, nhằm thuyết phục Washington là trong cuộc khủng hoảng này cần phải dùng giải pháp ngoại giao. Berlin mong muốn sáng kiến Pháp-Đức sẽ thành công.

Theo nhận định chung của các nhật báo, cả hai lãnh đạo Mỹ và Đức đã làm hết khả năng để xua tan những lời đồn đãi cho rằng có căng thẳng giữa hai quốc gia. Cả hai đều hiểu rằng bất đồng đôi bên chỉ có lợi cho Vladimir Putin. Bởi vì các thử thách rất là lớn, rủi ro cao.

Đối với Tổng thống Mỹ, các quyết định phải đưa ra cực kỳ khó xử. Khủng hoảng tại Ukraina đã làm cho « Hội nghị về An ninh quốc tế tại Munich mang hơi hướm của cuộc chiến tranh lạnh » như quan sát của Le Monde. Điều đó cũng làm cho « Các quốc gia vùng Baltic thêm lo âu khi đối mặt với Nga » như nhận định của nhật báo Công giáo La Croix.

Trong bối cảnh này, cả hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Đức đã có những lời lẽ rất cẩn trọng, gần như rất giống nhau để đánh giá kế hoạch hành động đưa Ukraina thoát khỏi khủng hoảng.

Có thể nói là « Obama và Merkel đoàn kết đối mặt với Putin », như nhận xét của nhật báo kinh tế Les Echos.

Tương tự, nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng đồng tình cho rằng « Obama và Merkel bày tỏ ‘sự đoàn’ kết trước Matxcơva ».

Putin đặt điều kiện trước Thượng đỉnh Minsk

Le Figaro còn nhận thấy :« Các thương thuyết về Ukraina : Áp lực Nga khiến thượng đỉnh Minsk trở nên bấp bênh ».

Pháp và Đức luôn hy vọng họp hai Tổng thống Nga và Ukraina lại với nhau để chấm dứt xung đột đẫm máu đang tàn phá phía Đông Ukraina. Thế nhưng, Nga lại không có ý định hạ nhiệt căng thẳng.

Trả lời phỏng vấn báo Ai Cập al-Ahram, nhân chuyến công du xứ sở các pharaon, Tổng thống Nga cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, vì đã « ủng hộ cuộc đảo chính tại Kiev » hồi năm 2014.

Theo Vladimir Putin : « Chừng nào người Ukraina chưa đồng thuận được với nhau, thì cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục ». Nhất là, Tổng thống Nga đòi chính quyền Kiev phải đàm phán trực tiếp với các phe ly khai.

Lãnh đạo Nga hy vọng có một « giải pháp được hiến phápcông nhận», nghĩa là Kiev phải nhìn nhận các chiến binh ly khai tại Donbass như là một thành phần chính trị riêng rẽ hoàn toàn. Putin tuyên bố : Không có điều này, thì mọi nỗ lực sẽ vô ích.

Về phần toàn vẹn lãnh thổ Ukraina, Tổng thống Nga khẳng định sẽ không có vấn đề gì, nhưng phải theo quan điểm của Nga, nghĩa là phải công nhận các kết quả bầu cử do phe ly khai tổ chức hồi tháng 11/2014.

Điều này cũng đồng nghĩa Kiev phải chấp thuận quyền tự trị của các vùng thân Nga. Một khu vực sau này có lẽ sẽ đi theo những vùng lãnh thổ khác dưới tầm ảnh hưởng rất mạnh của Nga như vùng Transnistria của nước Moldova, hay như vùng Abkhazia của Gruzia.

Ngoài những điều kiện trên, còn rất nhiều điểm khác cần phải được giải quyết như vị trí và kích cỡ « vùng đệm » được hình thành xung quanh vùng tranh chấp hay như việc kiểm soát vùng biên giới Nga – Ukraina.

Những điểm cần giải quyết này đã được Tổng thống Nga trình bày trong một bức thư gởi tới hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức. Chi tiết của những yêu cầu đó là gì hiện vẫn là điều bí mật.

Như vậy, rõ ràng là « Matxcơva đang đặt các điều kiện của mình trước khi Thượng đỉnh Minsk », như tựa đề nhận định của Le Monde.

« SwissLeaks » : Trốn thuế, môn thể thao quốc tế

Một hồ sơ nóng khác được các báo Pháp quan tâm đến nhiều là vụ « SwissLeaks », liên quan đến Ngân hàng HSBC chi nhánh tại Thụy Sĩ. Cơ sở tài chính này bị cho là đã bao che cho hơn 100.000 kẻ trốn thuế từ nhiều quốc gia khác nhau.

Le Monde đưa tít lớn trên trang nhất : « Tài khoản bí mật tại Thụy Sĩ : Thiên đường cho những kẻ trốn thuế Pháp ».

Theo tiết lộ của nhật báo, hơn 100.000 nhân vật đủ thành phần, từ ngôi sao trong làng giải trí, đến chủ các tập đoàn công nghiệp lớn, nguyên thủ quốc gia và kể cả những kẻ buôn lậu trái phép đều nhận được sự trợ giúp của hệ thống trốn thuế từ ngân hàng HSBC.

Hơn 180 tỷ euro đã được chuyển qua Geneve thông qua chi nhánh Thụy Sĩ này trong giai đoạn 2006-2007. Riêng tại Pháp, nhật báo tiết lộ danh sách khoảng 3.000 công dân có tài khoản cất giấu tại đây.

Tổng cộng nhật báo dành ra đến 11 trang để mô tả chi tiết công cuộc điều tra quốc tế, được thực hiện với sự hỗ trợ của 154 nhà báo tại 47 quốc gia.

Nguyên thủy của vụ tai tiếng này bắt đầu từ một ổ USB được một người nặc danh trao cho nhật báo. Trong ổ USB trữ 100.000 tài khoản ngân hàng. Để có thể mò mẫm trong mớ thông tin khổng lồ đó, Le Monde phải nhờ đến sự trợ giúp của Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế.

Ai ?

Ai cất giấu tài sản tại Thụy Sĩ và nơi khác ? Theo Le Monde đủ các thành phần : nghệ sĩ, vận động viên thể thao, bác sĩ, luật sư, chủ doanh nghiệp, cho đến các nhân vật tiếng tăm như diễn viên điện ảnh Mỹ John Malkovich, ca sĩ người Anh David Bowie, hay nữ hoàng của làng nhạc Mỹ, Tina Turner.

Nguyên thủ quốc gia cũng nằm trong danh sách đen như quốc vương xứ Maroc, xứ Oman, Jordani, Brunei hay một số các ông hoàng Ả Rập.

Các chính khách như cựu Thủ tướng Liban Elias Murr, em vợ cựu tổng thống Tunisia hay Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin), con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng.

China Daily : Bắc Kinh và Washington phải giải quyết các bất đồng

Tình hình về kinh tế-chính trị-ngoại giao của Trung Quốc cũng được một số báo quan tâm đến. Nhật báo kinh tế Les Echos trích dịch lại một bài viết đăng trên tờ China Daily cho rằng « Bắc Kinh và Washington nên giải quyết các bất đồng của họ ».

Không nêu tên Thủ tướng Nhật Bản, tờ China Daily viết rằng lời mời của Tổng thống Mỹ gởi đến đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của các « quốc gia Châu Á chính » đến thăm Hoa Kỳ là « một tín hiệu về thiện chí Mỹ củng cố chính sách xoay trục về Châu Á ».

Đối với nhật báo phát hành bằng tiếng Anh, do đảng Cộng sản kiểm soát, mọi cuộc gặp gỡ giữa « quốc gia phát triển nhất với quốc gia đang phát triển quan trọng nhất » có một tầm quan trọng không chỉ cho hai cường quốc mà cho cả phần còn lại trên thế giới. Bởi vì, nó liên quan đến những vấn đề như hòa bình thế giới hay phát triển quốc tế.

Theo nhật báo Trung Quốc, Giữa hai cường quốc hàng đầu này vẫn còn khá nhiều bất đồng cần giải quyết như giao vũ khí cho Đài Loan, vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma hay như Biển Đông.

Nhưng cho dù đó là những « vấn đề mấu chốt cho Trung Quốc hay Hoa Kỳ », điều đó cũng không nên cản trở việc cải thiện quan hệ song phương. Trong một chừng mực nào đó, những mối quan hệ này vượt lên trên cả các quyền lợi của đôi bên đang được xử lý một cách riêng rẽ do bởi trách nhiệm của họ với thế giới.

Đối với Bắc Kinh, chính sách « xoay trục » đó đã làm cho các bất đồng trở nên thêm trầm trọng. Tờ báo viết : « Rất nhiều lần Trung Quốc khẳng định rất hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ nếu điều đó không gây ra vấn đề cho sự toàn vẹn Châu Á hay như việc Mỹ phát triển hòa bình các mối quan hệ với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc ».

Do đó, vấn đề đặt ra cho cuộc gặp gỡ là phải biết « giải quyết các bất đồng ». Nhưng nhật báo cũng cảnh cáo : có những lằn ranh không nên vượt qua.

Bất động sản Trung Quốc : rủi ro phá sản

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Công giáo La Croix có bài viết nhận định : « Rủi ro phá sản trong ngành bất động sản Trung Quốc ».

Từ lâu vốn được xem như là đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc, lãnh vực bất động sản tại đây đang bị rúng động sau khi một tập đoàn kinh doanh mập mờ cho hay mất khả năng thanh khoản.

Kaisa, một tập đoàn kinh doanh địa ốc có trụ sở tại Thẩm Quyến, tuyên bố hồi đầu tháng Giêng là không thể trả kỳ lãi 20 triệu đô-la cho khoản trái phiếu trị giá 500 triệu đô-la.

Trước đó, tập đoàn này đã được treo kỳ nợ cho khoản vay 51,6 triệu đô-la tại Ngân hàng HSBC. Tuyên bố gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư. Nhưng cuối cùng tập đoàn này cũng đã thanh toán được kỳ nợ hôm thứ Sáu 06/02 vừa qua, do nhờ một công ty đối thủ mua lại 49% cổ phần.

Dù vậy, các Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s, Fitch và Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm hàng chục tập đoàn bất động sản Trung Quốc, bị cho có thể có cùng vấn đề như Kaisa.

Nguyên nhân ban đầu của vụ Kaisa là do chính quyền đã cho hủy nhiều vụ mua bán do nghi ngờ có tham nhũng, khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt.

Chủ tịch tập đoàn và nhiều lãnh đạo đã phải từ chức vào cuối tháng 12/2014. Sự việc đã làm giảm các giá cổ phiếu của công ty cho đến khi bị đình lại trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Theo các cơ quan thẩm định, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, hiện đang ảnh hưởng đến lãnh vực bất động sản đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ về các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc.

Từ đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu ít chuộng các trái phiếu Trung Quốc. Do đàng sau vụ Kaisa, nỗi lo sợ lan truyền lên cả nền kinh tế đất nước.
Từ hàng chục năm nay, bất động sản xem như đầu tàu tăng trưởng Trung Quốc - chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội, trực tiếp (ngành xây dựng nhà ở) và gián tiếp (nguyên vật liệu). Giá bất động sản sụt giảm đến 10% trong 11 tháng của năm 2014.

Bất chấp quá trình đô thị hóa tiến nhanh, nhưng thị trường gần như đã đi đến mức bão hòa. Bằng chứng là nhiều khu đô thị « ma » bao la đã trở thành biểu tượng cho sự quá tải.

Nhật Bản cấm phóng viên đến Syria

Nhìn sang Nhật Bản, kể từ sau tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại hai con tin, chính quyền Tokyo cuối cùng đưa ra một biện pháp bảo vệ công dân : cấm phóng viên đến Syria.

Tin này được hai nhật báo Le Monde và Libération cùng loan báo. Libération loan báo « Nhật Bản cấm phóng viên đến Syria ». Tờ báo xem đấy là một nguyên tắc đề phòng cực kỳ lạ đời. Le MOnde thì thở dài « Tại Nhật Bản, phóng sự tại Syria, thế là chấm hết ».

Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tịch thu passport của một công dân có dự định ra nước ngoài.

Vào ngày 07/02 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nhật đã tịch thu hộ chiếu của Yuichi Sugimoto, một phóng viên ảnh độc lập 58 tuổi chỉ vì ông muốn đi Syria. Bất chấp các cảnh cáo của sở cảnh sát cũng như Bộ Ngoại giao, người này vẫn duy trì kế hoạch đi của mình. Trong trường hợp vẫn bất tuân, ông Sugimoto có nguy cơ bị bắt giữ.

Việt Nam muốn tăng sản lượng chế biến cà phê

Đến với Việt Nam, Les Echos cho hay « Việt Nam muốn tăng gấp đôi sản lượng chế biến cà phê ». Hiện nay một phần lớn sản lượng cà phê loại Robusta được xuất khẩu dưới dạng thô.

Trong vài năm gần đây Việt Nam trở thành nhà sản xuất hàng đầu về loại cà phê robusta.

Tuy nhiên, quốc gia này đang muốn đi xa hơn khi đề ra mục tiêu trong năm nay sẽ tăng đôi sản lượng chế biến, theo như chỉ thị của Bộ Nông nghiệp. Nghĩa là tăng từ mức 88700 tấn cà phê hòa tan trong năm 2014 lên 200.000 tấn trong năm nay.

Hiện nay, 93% lượng cà phê Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô, theo như xác nhận của Ủy ban điều phối cà phê Việt Nam. Cho rằng, đây là một điểm yếu của ngành, nên chính phủ dự định thay đổi một phần tư ngành sản xuất cà phê từ đây đến năm 2020.

Trong năm 2014, lượng xuất khẩu đã mang về cho đất nước 3,6 tỷ đô-la, chỉ đứng sau ngành chế biến gỗ và xuất khẩu tôm – sản phẩm nông nghiệp duy nhất bán chạy nhất ra nước ngoài, chủ yếu là sang Đức và Hoa Kỳ.

Bán đấu giá thừng treo cổ Saddam Hussein

Cuối cùng, phụ trương Le Figaro và Bạn đọc đem đến một thông tin khá « rùng rợn » : « Dây thừng treo cổ Saddam Hussein bị bán đấu giá » với mức giá khởi điểm là 7 triệu đô-la. Sự việc đang gây tranh cãi trong nước.

Le Figaro phải thốt lên : « Tin tức sởn gai ốc ». Sợi dây thừng dùng để treo cổ cựu độc tài Irak Saddam Hussein vào tháng 11/2006 đã được đem bán đấu giá, với mức khởi điểm là 7 triệu đô-la.

Người bán là Mowaffak al-Rubaie, thành viên Hội đồng chính phủ Irak lúc bấy giờ và cũng là người tham gia vào vụ hành quyết, theo như tiết lộ của báo mạng Ả Rập al-Araby al-Jadeed, có trụ sở tại Luân Đôn.

Theo Le Figaro, thì Mowaffak không đơn giản chỉ là người giám sát, mà chính ông là người kéo chiếc ghế dưới chân nhà cựu độc tài.

Quyết định rao bán chiếc dây thừng đó đang làm dấy các tranh cãi. Tờ nhật báo Irak Azzaman tố cáo người rao bán là một kẻ cắp và một tên sát nhân.

Tờ báo cho rằng sợi dây đó phải trở về Bộ Tài chính, Du lịch và Khảo cổ hay Tư pháp. Tờ báo còn lưu ý là sợi dây này đặc biệt thu hút sự chú ý do bởi độ dày và khả năng chịu đựng trọng lượng cơ thể.

Dù sao đi nữa cũng có ba người tham gia đấu thầu : một gia đình Israel, một tổ chức tôn giáo Iran và hai doanh nhân Koweit.

Switch mode views: