Điểm báo Pháp Quốc Ngày 13-02-2015
- Thứ Sáu, 13 tháng Hai năm 2015 16:08
- Tác Giả: Trọng Thành
Thỏa thuận hòa bình ‘‘Minsk 2’’ : Hy vọng và nghi ngờ
Dư luận quốc tế lo ngại Tổng thống Putin tiếp tục hậu thuẫn phe nổi dậy. Trong ảnh, một cuộc biểu tình ủng lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass (đông Ukraina).REUTERS/Maxim Zmeyev
Thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraina là chủ đề chính của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay.
Báo Le Monde số ra tối qua, ngay sau khi có tin chính thức, chạy tít lớn trang nhất : « Ukraina : Merkel và Hollande giật được một kế hoạch hòa bình từ Putin ».
Báo Libération đăng bức ảnh ông Putin mỉm cười trên nền mầu hồng với hàng tựa : « Ukraina. Cuối cùng chính ông ta là người thắng cuộc », với nhận định sau một đêm thương thuyết với Hollande và Merkel, Putin đã đạt được một thỏa thuận rất có lợi cho nước Nga.
Về chủ đề này, Le Figaro đưa ra một cái nhìn thận trọng với nhiều bi quan : « Ukraina : ông Putin nhường lại một cơ hội hòa bình mong manh ».
Tờ báo dành hồ sơ chính cho chủ đề này, đặc biệt qua bài viết mang tựa đề « Thỏa thuận hòa bình ‘‘Minsk 2’’, giữa hy vọng và nghi ngờ ».
Điểm duy nhất mà Le Figaro đánh giá tích cực trong thỏa thuận Minsk 2 là hai bên xung đột chấp nhận ngừng bắn, mang lại hy vọng về một khoảng thời gian tạm ngưng xung đột, « phần còn lại – tờ báo nhận xét – đây là một thỏa thuận mong manh và không hoàn chỉnh, mà bên hưởng lợi là phe ly khai thân Nga ».
Cụ thể là, cho dù thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Minsk 2 không hề nhắc đến việc kiểm soát phần biên giới, hiện nằm trong lãnh thổ phe ly khai chiếm giữ.
Le Figaro đưa hình ảnh « một trái bom nổ chậm » trong lòng Ukraina để ví với thực tế này. Vấn đề biên giới, theo thỏa hiệp vừa qua, sẽ chỉ được đề cập đến vào cuối năm 2015, sau khi tất cả các vấn đề cơ bản khác được giải quyết.
Cụ thể là việc rút binh sĩ nước ngoài và vũ khí hạng nặng, bầu cử địa phương, quy chế của vùng Donbass...
Không có kiểm soát, thì trên thực tế kể như đường biên giới bị « xóa bỏ ».
Đối với lãnh đạo lực lượng nổi dậy « nước Cộng hòa Donetsk » tự phong đây là « một thắng lớn lớn ».
Vẫn theo Le Figaro, nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng, tương lai của miền Đông Ukraina có thể là « một xung đột đóng băng », giống như các khu vực thân Nga Transnistrie tại Molodva và, Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia.
Quy chế này gây khó khăn cho chính quyền trung ương trong chủ trương xích lại gần Phương Tây.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý, tương lai của hòa bình tại Ukraina không chỉ phụ thuộc vào Nga, mà còn vào Phương Tây.
Về thỏa thuận được ký tại Minsk ngày hôm qua, báo Libération có xã luận với đầu đề ngắn gọn : « Lợi thế ». Libération cho rằng Matxcơva đã giành được lợi thế sau cuộc thương lượng việt dã.
Phần lớn nội dung văn bản ký ngày 12/02 dựa trên thỏa thuận đã ký trước đó, cũng tại Minsk, hồi tháng 09/2014 và chưa bao giờ được tôn trọng một cách nghiêm túc.
Thỏa thuận ngày 12/02 không một câu chữ nào nói đến Crimée, bị Nga sáp nhập. Thỏa thuận cũng không nói đến Liên bang Ukraina, nhưng vấn đề này vẫn hiện diện trong tâm trí của tất cả các bên tham dự đàm phán, trước một thực tế là sườn phía đông Ukraina nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Như vậy, theo Liberation, tương quan lực lượng nghiêng về phía ông Putin.
Liberation kết luận : Liệu thỏa thuận Minsk có giống như hiệp ước Munich năm 1938, với việc từ bỏ Tiệp Khắc cho Đức ? Tương lai sẽ trả lời.
Hiệp ước Munich năm 1938 được ký kết giữa một bên là nước Đức của Hitler và bên kia là Pháp, Anh, Ý. Hiệp định chấp nhận từ bỏ nước Tiệp Khắc độc lập, để cho Hitler sáp nhập các vùng của Tiệp Khắc, nơi có đông dân Đức sinh sống.
Matxcơva đã phải nhân nhượng
Bên cạnh những quan điểm nhấn mạnh đến lợi thế của Nga và phe nổi dậy miền Đông, Libération chú ý đến một cách nhìn khác.
Trả lời tờ báo, nhà chính trị học Marie Mendras – một chuyên gia về Nga (Trung tâm nghiên cứu quốc tế Siences-po) – nhận xét « Matxcơva đã có những nhân nhượng ». Bài phỏng vấn mang tựa đề « Chúng ta phải không ngừng kiểm soát Putin ».
Theo nhà chính trị học Pháp, Tổng thống Nga trên thực tế « đã bị cô lập trước mặt trận chung thống nhất của Châu Âu và Ukraina. Ông ta đã phải lắng nghe các đối thủ và buộc phải đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi được về sự hiện diện quân sự Nga tại Ukraina ».
Ai Cập mua tiêm kích Rafale, khi Pháp gần tuyệt vọng
Ngoài hồ sơ Ukraina chạy trên trang nhất, các báo Pháp đều đưa hai thông tin gây hứng khởi, lạc quan, đó là hợp đồng bán tiêm kích Rafale cho Ai Cập và tập đoàn xe hơi Renault làm ăn có lãi và tuyển dụng 1000 lao động.
Phụ trang kinh tế báo Le Figaro chạy tựa : « Hợp đồng lịch sử đối với tiêm kích Rafale tại Ai Cập ».
Theo tờ báo, Ai Cập trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại máy bay tiêm kich rất đa năng này.
Thứ Hai, 16/02, hợp đồng chính thức sẽ được ký kết tại Cairo, với sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập al Sissi và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian.
Tổng giá trị hợp đồng lên tới 5 tỷ euro, bao gồm 24 tiêm kích Rafale, một khu trục hạm và nhiều tên lửa.
Hợp đồng mang tính lịch sử vì nhiều lý do. Thời gian đàm phán và ký kết hợp đồng rất nhanh, trong vòng có ba tháng. Máy bay Rafale sẽ được giao cho Ai Cập rất sớm và có thể « trình làng » ngay vào tháng Tám tới, nhân lễ khai trương dự án mở rộng kênh đào Suez.
Đây là lần thứ hai, Ai Cập là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua máy bay tiêm kích của Pháp. Lần đầu là vào năm 1981, khi đó, Ai Cập mua tiêm kích Mirage 2000 của Pháp.
Hợp đồng bán Rafale cho Ai Cập được ký kết trong bối cảnh từ 15 năm qua, nước Pháp đã cố gắng gần như tuyệt vọng tìm kiếm thị trường cho loại tiêm kích rất tối tân, đa năng, nhưng cũng rất đắt này. Các cuộc đàm phán với Hà Lan, Maroc, Hàn Quốc, Brazil, đều không mang lại kết quả.
Thế nhưng, từ năm 2012, hy vọng lóe lên : Ấn Độ đàm phán với Pháp và có thể ký « hợp đồng thế kỷ » mua 126 máy bay Rafale, với tổng trị giá lên tới khoảng 10 tỷ euro. Các cuộc thương lượng vẫn đang tiếp diễn và hiện nay, Pháp đang đàm phán với Qatar.
Việc ký được hợp đồng xuất khẩu Rafale đầu tiên có thể thúc đẩy tiến độ các cuộc đàm phán với các đối tác khác.
Renault : mọi tín hiệu đều thuận lợi
Tin đáng phấn khởi thứ hai là kết quả làm ăn có lãi của tập đoàn xe hơi Renault. Trang kinh tế Le Figaro cho biết, « Đối với Renault, tất cả các tín hiệu đều thuận lợi ».
Trong năm 2014, số lượng xe bán ra tăng 3,2%, đạt 2,71 tỷ euro. Kết quả kinh doanh ròng tăng gấp ba, lên tới 1,89 tỷ euro.
Theo lãnh đạo của Renault, có nhiều yếu tố giải thích sự thành công : như các kiểu dáng xe Captur, Clio, Dacia được thị trường ưa chuộng, tỷ lệ khai thác các nhà máy tăng từ 69% trong năm 2013 lên đến 84% trong năm 2014, hay việc hợp tác với các đối tác nước ngoài giúp tăng thu nhập. Ví dụ, Renault thu được 460 triệu euro lãi cổ phần do tham gia 44% trong tổng số vốn của Nissan.
Các nhân tố thuận lợi trong năm 2014 dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2015. Do vậy, Renault thông báo tuyển dụng 1000 người trong năm nay.
Liệu Paris có là ứng viên tổ chức Thế Vận Hội 2024 hay không ?
Chủ đề này được nhiều tờ báo quan tâm và phân tích. Trong bài « Thế Vận Hội 2024, hướng tới việc Paris ra ứng cử », báo Le Monde cho biết, Chủ tịch Ủy ban thể thao quốc tế Pháp sẽ trao cho Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, một bản báo cáo, thuyết phục thủ đô Pháp ra ứng cử tổ chức Thế Vận Hội 2024 và nhấn mạnh là chi phí cho sự kiện này chỉ tốn khoảng 6,2 tỷ euro.
Trong khi đó, Le Figaro nhận định « Thế Vận Hội 2024 Paris có thể tin là sẽ thắng ».
Cho đến nay, Thị trưởng Paris không mặn mà với hồ sơ đăng cai Olympique mà thiên về việc xin tổ chức Triểm lãm Toàn cầu 2025. Do vậy, đối với Liberation : « Thế Vận Hội hay Triển lãm Toàn cầu: Paris bắt đầu ».
Trong hàng tựa này, Liberation chơi chữ : Pari không có chữ S là cá cược, nhưng số nhiều thì thêm S và như vậy giống tên thủ đô Pháp là Paris.
Câu hỏi mà Liberation đặt ra là liệu thủ đô Pháp có kham nổi cả hai sự kiện này hay không ?
Việc tổ chức hai sự kiện này như một trò cá cược, được thua, tờ báo đưa ra một số nhận định và dự báo :
Nếu xét dưới khía cạnh thu hút sự chú ý của nhiều người thì nên tổ chức Thế Vận Hội, sự kiện này còn được phát truyền hình ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi đó, Triển lãm Toàn cầu không kích thích sự tưởng tượng của đám đông.
Về di sản để lại, đối với Pháp, các cuộc Triển lãm Toàn cầu trước đây mang lại nhiều công trình được coi là hình ảnh của nước Pháp, trong khi đó, Thế Vận Hội 1924 không để lại nhiều dấu ấn, một số khu làng Olympique giờ đây chỉ còn là những khu nhà với rất nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Về tiền bạc, rõ ràng cả hai sự kiện trên đều có thể mang lại nguồn thu quan trọng cho nước đăng cai. Những người ủng hộ tổ chức Thế Vận Hội đưa ví dụ JO Luân Đôn.
Trong khi đó, những nguời chủ trương tổ chức Triển lãm Toàn cầu thì coi sự kiện này là biểu tượng cho khả năng sáng tạo của nước Pháp và Triển lãm hỗ trợ cho phát triển kinh tế về lâu dài.
Đưa phi thuyền không gian trở về mặt đất
Ngành không gian Châu Âu vừa có một đột phá quan trọng, với việc đưa lên quỹ đạo một phi thuyền có khả năng trở lại Trái đất. Theo Libération, hôm thứ Tư 11/02, phi thuyền đã hạ cánh thành công xuống Thái Bình Dương, sau khi được tên lửa nhỏ mang tên Vega đưa lên không gian, từ sân bay vũ trụ ở Guyane.
Mô hình thực nghiệm – dài khoảng 5 mét, nặng hai tấn - do công ty Pháp-Ý Thales Alenia Space thực hiện, dưới sự điều hành của Cơ quan hàng không Châu Âu (ESA).
Tuy nhiên, Libération ghi nhận Châu Âu hiện vẫn trong giai đoạn mầy mò để tiến tới làm chủ các công nghệ phức tạp hơn, cho phép điều khiển được các phi thuyền không gian lớn, có khả năng đưa phi hành gia lên các trạm không gian trên quỹ đạo và sau đó trở về.
Hiện chỉ mới có Hoa Kỳ và Nga là nắm được công nghệ đưa các phi thuyền với vận tốc 27.000 km/giờ « hạ cánh nhẹ nhàng » xuống Trái đất. Ngày 22/02 tới, Châu Âu theo sát sự trở về của một phi thuyền vận tải tự động từ Trạm không gian Châu Âu, mang tên Georges-Lemaitre. Georges-Lemaitre dự kiến sẽ « tự sát », hay nói cách khác, cháy rụi khi cọ sát với bầu khí quyển Trái đất.
Một camera hồng ngoại đã được gắn vào bên trong phi thuyền để ghi nhận các chỉ số thu được từ cú va chạm hy hữu này, đặc biệt là nhiệt độ.
Điều này sẽ cho phép các chuyên gia Châu Âu có thêm thông tin cần thiết cho việc làm chủ công nghệ điều khiển phi thuyền hạ cánh.
Tin mới
- Ai Cập gia tăng oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya - 16/02/2015 23:50
- Pháp : Hơn hai trăm ngôi mộ người Do Thái bị phá hoại - 16/02/2015 23:42
- Ngừng bắn miền Đông Ukraina tương đối được tôn trọng - 15/02/2015 20:47
- Đan Mạch : Cảnh sát dường như đã hạ được hung thủ hai vụ khủng bố - 15/02/2015 19:05
- Tuyên bố từ văn phòng của Thị Trưởng Bảo Nguyễn - 15/02/2015 18:55
- Irak : Một vị trí chiến lược rơi vào tay IS - 14/02/2015 17:14
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 14-02-2015 - 14/02/2015 17:07
- WTO : Nhật và Châu Âu thắng kiện Trung Quốc - 14/02/2015 16:47
- Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được vinh thăng Hồng y - 14/02/2015 14:34
- Ông Nguyễn Bá Thanh qua đời - 13/02/2015 16:20
Các tin khác
- Syria/ Irak : Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết chặn nguồn tài trợ cho IS - 13/02/2015 15:40
- Miến Điện : xung đột với sắc tộc Shan, quân chính phủ thiệt hại nặng - 13/02/2015 15:10
- SwissLeaks: 26 người Việt Nam đã cất giấu hơn 37 triệu đô la ? - 13/02/2015 14:48
- Việt Nam muốn HSBC cung cấp tài liệu liên quan đến rửa tiền - 12/02/2015 20:33
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 11-02-2015 - 12/02/2015 19:07
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2015 - 12/02/2015 18:57
- Indonesia khuyến khích hợp tác giữa Hải quân ASEAN - 12/02/2015 18:05
- Brian Williams bị đình chỉ công tác 6 tháng không lương - 11/02/2015 22:09
- Mỹ thương tiếc nữ nhân viên cứu trợ bị sát hại ở Syria - 11/02/2015 21:58
- Mỹ và một số nước Châu Âu đóng cửa sứ quán tại Yemen - 11/02/2015 20:15