Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cưỡng Đoạt

bien gioi
Truyện ngắn – Edna O’Brien
Bản tiếng Việt – Hoàng Chính

Lời người dịch: Edna O’Brien sinh năm 1930 tại Tuamgraney, Ái Nhĩ Lan. Là tác giả rất thành công của nhiều thể loại văn chương Anh ngữ như tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, thơ và kịch. Truyện ngắn Cưỡng Đoạt (Plunder) trích trong tập Saints and Sinners của Edna O’Brien. Back Bay Book / Little, Brown and Company xuất bản tại Hoa Kỳ 2011. ISBN 978-0-316-12272-6.

Nếu thay tên người (Rosanna) và tên vùng đất (Boulevouge) trong truyện bằng những cái tên Việt Nam, người đọc sẽ thấy cốt truyện vô cùng gần gũi và quen thuộc, nhất là với những ai còn nhớ những gì xảy ra ngày 17 tháng 02, năm 1979, khi Trung Cộng xua quân tràn qua các thị trấn biên giới phía bắc Việt Nam, gây máu lửa bạo tàn.

Một buổi sáng chúng tôi thức giấc và nhận ra rằng biên giới không còn nữa – chúng tôi đã bị sát nhập vào mẫu quốc. Dĩ nhiên không ai nói thẳng với chúng tôi bởi vì chúng tôi sống trong hoang dã, nhưng một người thợ đi nhặt củi và cành cây vụn nói cho chúng tôi biết lính tráng đã tràn ngập thị trấn và chiếm đóng cái khách sạn duy nhất rồi. Ông ta nói bọn lính uống rượu ở đó, say sưa, đòi những bữa ăn tối thịnh soạn, và gieo kinh hoàng cho những cô dọn phòng. Dân trong thị trấn bỏ trốn, chẳng biết nên sợ những tên lính lùng sục khắp nơi hay sợ những con chó khổng lồ không buộc mõm chạy rong khắp chốn. Ông ta kể đám lính có đồ để khám xét gầm xe – một cái gương có bánh xe để họ khỏi mất công khom người xuống. Đúng là lũ khốn nạn lười biếng.

Buổi sáng, nhìn qua lỗ hổng trên vách tường ra con đường phía sau, thấy một người trong bọn họ, cả đám chúng tôi co rúm lại vì sợ hãi. Cách hóa trang của hắn ta thật là hoàn hảo, màu xanh, ka ki và nâu, toàn những màu nhòa hẳn vào cái khung cảnh nhớp nhúa này. Chúng tôi không hiểu nổi tại sao họ lại đến đây, và chúng tôi đoán chắc là chẳng bao lâu bọn họ sẽ bỏ đi. Mẹ lùa lũ chúng tôi vào phòng ngủ, yên trí là như vậy thì an toàn hơn – không phải lo có đứa nào đi lạc ra ngoài, và chúng tôi có thể thay phiên nhau canh chừng. Cũng may là mới tuần vừa rồi chúng tôi đã gom quả hạch và táo để trữ trong những cái khay bằng gỗ cho mùa đông. Mẹ lo cho con bò cái, bảo là không vắt sữa được cho nó thì bầu vú tôi nghiệp của nó sẽ đau như dao cắt, và sữa sẽ nhỏ giọt đầy trên cỏ. Lẽ ra chúng tôi có thể dùng chỗ sữa ấy. Ba không có ở đây, ông đã biến mất từ lâu lắm rồi.

Vào buổi sáng ngày thứ ba họ kéo đến, réo tên mẹ – Rosanna. Âm thanh dính trong lưỡi bọn họ nghe lạ lẫm, và chúng tôi tự hỏi làm cách nào họ biết tên mẹ. Đúng là một lũ côn đồ. Hai đứa hùng hổ lôi mẹ ra, đứa lớn tuổi hơn nắm bện tóc dài của mẹ kéo đi.

Mẹ ôm từng đứa chúng tôi và bảo mẹ đi một tí mẹ sẽ về. Mẹ đâu có về. Chúng tôi chờ đợi, và sau một khoảng thời gian sợ sệt, chúng tôi rón rén bước xuống nhà dưới nhưng không vào bếp được, bởi vì cánh cửa giữa nhà bếp và hành lang đã bị chặn lại bởi một chồng ghế. Sau cùng chúng tôi cũng lách mình qua được, và cảnh tượng đầy kinh sợ đập vào mắt chúng tôi. Cái tạp dề cùng với quần áo lót của mẹ quăng rải rác trên nền nhà, cả những kim gài tóc và hai cái lược giắt. Một chiếc ghế nệm xe mô tô cũ dựng trên một cái máng gỗ mà trước đây mẹ dùng đựng thức ăn cho bầy gà. Chúng tôi tìm kiếm một cách vô vọng qua cửa sổ, hy vọng trông thấy mẹ đâu đó trên đường hoặc tốt hơn là đang đi trên lối về, tàn tạ, nhưng là đang về với chúng tôi. Phía ấy có một người lính, khẩu súng trường của hắn chĩa lên. Mẹ đâu rồi? Bọn chúng đã làm gì mẹ? Chừng nào mẹ mới về? Điều kỳ lạ là không đứa nào trong chúng tôi khóc lóc hay suy sụp. Chúng tôi hì hục khiêng cái ghế xe hôi hám ra ngoài và quăng xuống ba bậc thang cửa sau. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm để thách thức kẻ thù. Rồi chúng tôi lên phòng và chờ đợi. Không nghe tiếng rên rỉ của con bò cái, chúng tôi mới biết cả nó nữa, cũng bị bắt đi và chắc đã bị làm thịt rồi. Cánh đồng trống trải đầy nét ma quái, dù bầy quạ vẫn lao xao vào lúc chiều tối. Chúng tôi đoán giờ qua sự thay đổi của ánh sáng và bầu trời. Rồi vừng trăng tĩnh lặng nhìn xuống chúng tôi. Chúng tôi ngẫm nghĩ, phải như người thợ trở lại đem tin tức cho chúng tôi thì hay biết mấy. Tiếng cưa của ông ta lúc trước vẫn cứa vào tai chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi sẵn sàng đón nhận âm thanh ấy bởi nó có nghĩa là những ngày xưa êm ả đã trở về; thời an toàn, trước khi mẹ chúng tôi và con bò bị bắt đi. Ống sáo gỗ của em trai tôi nằm lăn lóc trên vỉ lò, bởi nó không còn lòng dạ nào để thổi nên một nốt nhạc, mặc chúng tôi nài nỉ.

Qua buổi sáng ngày thứ năm, chúng tôi tìm ra được chút lý do để hớn hở. Tên lính canh đã rời khỏi trạm gác, và không có ai đến đứng sau khoảng tường vỡ. Chúng tôi xem như đã được giải thoát. Mẹ chúng tôi sẽ trở về. Chúng tôi bàn tán những thứ sẽ làm cho mẹ. Chúng tôi lấy áo quần sạch của mẹ ra khỏi ngăn tủ và xếp gọn gàng trên giường. Những chiếc vớ sợi dài treo rủ, óng ánh màu hồng trong vạt nắng, và chúng tôi có thể hình dung đôi chân mẹ bên dưới lớp vải sợi ấy. Chúng tôi bảo nhau là giờ phút đen tối nhất đã qua. Chúng tôi gặm táo và lấy mông hích vào nhau để đùa giỡn. Răng chúng tôi cắn tanh tách những hạt phỉ và hồ đào như để trả thù, và moi ra phần thịt thơm ngon; chúng tôi chia cho nhau như những đứa bạn thiết thân, như máu mủ ruột thịt. Em trai tôi thổi một khúc nhạc. Bài hát nói về buổi chiều tà ở một nơi có tên Boulevouge.

Cơn vui của chúng tôi thật ngắn ngủi. Tối đến chúng tôi lại nghe tiếng súng nổ, và một người lính trở lại chỗ khoảng vách tường vỡ, một sự hiện diện mờ ảo. Không thể nào ngủ được, chúng tôi nghe ngóng và cầu nguyện. Chúng tôi làm vậy suốt hai ngày đêm, và vì không ăn không ngủ, thần kinh chúng tôi căng thẳng và trở nên hoảng loạn. Chúng tôi phải tát vào má nhau, tát đến đau điếng, để đem cái tỉnh táo sáng suốt trở lại căn phòng.

Bọn côn đồ trong quân phục ngụy trang đã trở lại. Chúng đi xuyên rừng rậm, mà không qua con lộ phía sau như chúng tôi trông đợi. Chúng vào nhà bếp, cười đùa, la hét bằng thứ ngôn ngữ man rợ của chúng. Nỗi sợ hãi bắt đầu toát ra khỏi người chúng tôi như máu đang rỉ. Nếu cả bọn chúng tôi bị bắt cùng một lúc, chúng tôi có thể nương tựa vào nhau mà gan dạ, nhưng qua những gì chúng tôi thấy trước đây, chúng tôi biết chúng sẽ bắt chúng tôi từng đứa một. Chúng tôi đứng, mỗi đứa một góc, câm lặng, chết điếng, như những hình nộm bé nhỏ, mắt chúng tôi dán vào cái nắm cửa, tai chúng tôi căng ra, để lắng nghe xem chúng đã dậm chân lên bậc tam cấp thứ mấy rồi.

Nếu một đứa trong bọn tôi có thể thanh thản bước tới, tình nguyện đóng vai người dũng sĩ thay cho những đứa khác thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Tình yêu của chúng tôi sẽ mênh mông trời biển biết chừng nào.
Một sự trống trải chết người bao trùm thế gian, những cánh đồng và những sân trại đã bị cướp phá cùng và những túp lều xiêu vẹo. Không một bóng người. Không một con thú. Không một bóng chim. Đó đây những xác chết bị xâu xé và những mảng da bị xé rách, nơi những con thú hẳn đã cấu xé lẫn nhau trong cơn đói khát điên loạn cuối cùng. Tôi sắp thoát được rồi. Tôi thất thểu đi về nơi nào tôi cũng không biết nữa, một nơi nào đó an toàn. Bao nhiêu tuần lễ nay không thấy người lính nào. Bọn họ đã giết nhau sạch hết rồi. Khó lòng mà biết phe nào là phe nào, bởi bọn họ đổi bên hệt như cách thay đổi quân phục vậy. Mẹ tôi và sau đó là anh tôi cùng với hai chị của tôi bị bắt đi.

Tôi xục xạo khắp nơi, và khi tôi mò về, nhà tôi là cả một vòm khói khổng lồ. Khói đen ghê tởm. Tôi chỉ còn cái áo đầm xanh đang mặc trên người và một cái áo lông mà ai đó đã cho mẹ tôi. Chiếc áo chúng tôi vẫn đắp chung cho ấm lúc nằm trên giường, và mỗi khi nó tuột xuống nền nhà tôi lại phải bò ra khỏi giường kéo nó lên. Chiếc áo cho mình cảm giác xa hoa, những sợi lông mềm và làm nhột bàn chân trần. Đó là thế giới cũ, một thế giới khác, trước khi lũ man rợ ấy tràn đến. Lý do nào khiến chúng đến đây là cả một sự bí ẩn, bởi nơi đây không có gì để cướp, không có mỏ vàng, mỏ bạc – chỉ có gỗ, rừng cây rậm rạp, và ở một vài chỗ cày cấy trồng trọt được với vài thửa ruộng lúa mạch. Chỉ nghĩ đến ngô, ban đầu xanh biếc rồi chín vàng, hay những luống cải bắp, hoặc bất cứ thứ gì mọc được, đều làm nhói đau trong lòng. Có thể anh tôi và các chị của tôi đã vượt biên giới hoặc cũng có thể họ đã chết. Cuộn tròn trong chiếc áo lông, tôi mải miết đi khi đêm xuống và lúc sáng tinh mơ. Tôi muốn mình nhìn cho thật già, giống một mụ phù thủy xấu xí. Bọn chúng không đếm xỉa gì đến những bà già; chúng muốn những phụ nữ trẻ, càng trẻ càng tốt, như loài dâu dại. Lúc băng qua cánh đồng tôi nghe tiếng xe, và tôi chạy, không ngờ mình có thể nhanh nhẹn như thế. Bọn chúng đến, càng lúc càng gần, bánh xe trượt trên bờ đất viền quanh khu rừng, nơi tôi đang cắm đầu chạy đến. Một đứa nhẩy xuống xe vồ lấy tôi và quăng cho tên thủ lãnh. Bọn chúng rú lên sung sướng. Tên thủ lãnh đặt tôi ngồi trên lòng hắn, vạch miệng tôi ra, đòi tôi nói tục với hắn. Tia nhìn của hắn cứng như thép và tròng trắng mắt hắn vằn vèo sụn vàng. Mặt bọn chúng bôi đầy nhọ và đứa nào cũng xâm mình màu cánh dán. Chiếc xe lồng lên như con thú điên.

Tôi la hét, gào thét, và tên thủ lãnh tát tôi như điên cuồng rồi mở banh tôi ra như thể tôi là bát cơm nguội lúc đói lòng. Bọn chúng ngừng xe ở một cái lò vôi bỏ hoang. Hắn làm trước. Khi hắn banh tôi ra, tôi nghĩ mình đã chết rồi, mặc dù tôi vẫn sống. Khi người ta nghĩ là người ta chết thì người ta đâu có chết. Lũ thuộc hạ dùng tay làm bàn đạp. Lúc bị lật úp xuống, tôi cắn vào nền đá vôi lạnh ngắt để tẩy bọn chúng khỏi miệng mình. Tiếng gào thét của chúng, sức nặng của chúng, những cái lưỡi của chúng, nước bọt của chúng, cái cách mà chúng khoan thấu qua tôi, muốn thấu lên tới đầu tôi, tới tận Vùng Nguyên Thủy (1).
Đó là cái tên mà một bà già trong làng dùng để gọi chốn ấy; xó xỉnh cuối cùng nơi người ta cầu nguyện và giải bày với chính mình những cảm nghĩ chân thật của mình về mọi vật và mọi người. Bọn chúng không thể nào đến đó được. Tôi đã ngừng la hét. Tiếng la hét đã bị tắt nghẹn. Qua mái nhà trống trơn tôi thấy một con ó lướt bay trong không gian biếc xanh. Nó đang chờ một con khác cùng bay với nó, và một lúc sau con chim ó thứ hai ấy bay đến với nó, rồi cả hai lướt bay vào cõi pha lê mịt mù. Vừa mặc quần bọn chúng vừa hối thúc nhau khẩn trương cái đéo lên (2). Tên chỉ huy đứng phía trên tôi, hai chân dạng qua hai bên, giận dữ. Máu trào ra khỏi tôi và mặt đất dưới người tôi ấm lên. Tôi nhìn hắn qua khe hở hai con mắt gần như nhắm nghiền. Trong một thoáng tôi nghĩ hắn có thể giết tôi, và rồi hắn quay đi như thể, cái đống bầy nhầy này, chẳng đáng cho hắn bận tâm. Máy xe đã nổ và gã lái xe chạy lại, đặt một điếu thuốc lá nằm ngang lên môi trên của tôi. Tôi đợi xem hắn định nói với tôi điều gì đó. Từ nhỏ lũ trẻ con chúng tôi đã được dạy lý do ở môi trên chúng tôi có đường lõm xuống ở giữa, là vì khi chúng tôi ra đời, một thiên thần đến và đặt ngón tay trỏ lên đó để dạy chúng tôi sự im lặng, dạy chúng tôi biết giữ bí mật. Tôi dần tỉnh lại từng chút một. Những thứ nhỏ nhặt, không khí luồn qua cái khe chật hẹp ẩm ướt và máu khô lại như nhựa cây trên người tôi.

Hồi xưa, chúng tôi có một cái đồng hồ báo thức bằng nhôm bị mất cái nắp ở sau lưng và chạy bằng một cục bin, nhưng bin thì khan hiếm. Mẹ chúng tôi tháo cục bin ra và chúng tôi đoán giờ bằng ánh sáng nhập nhoạng, bằng ánh hoàng hôn, bằng tiếng gà gáy sáng và bằng con bò cái; con bò cái trung thành thường đứng chỗ cọc rào, vẫn rống lên kêu người vắt sữa. Một đứa trong chúng tôi sẽ đi ra mang theo cái sô và cái ghế ngồi vắt sữa. Khi mẹ ráp cục bin vào đồng hồ, cái kim màu bạc nhúc nhích rồi cả hai chiếc kim, giống như những con côn trùng màu đen mềm mại, bò lên nhau theo cái vòng tròn chung thủy. Chiếc áo đầm màu xanh mà tôi đeo dính, mà tôi níu chặt, mà tôi xới những móng tay của tôi vào, loang đầy những bông hoa, đỏ thắm và vung vãi, như những đốm hoa anh túc. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đứng dậy được, tôi sẽ lại đi. Để tìm một ai đó, giống tôi. Chúng tôi sẽ nhận ra nhau bởi những vòng hoa anh túc và những lời đầy trong mắt. Chúng tôi, những đứa đã bị làm ô uế, trong hàng ngàn đứa, rải rác, lầm lũi lê bước trên mảnh đất; mảnh đất vô hồn, cố tìm một nơi ẩn náu an toàn, nếu còn có một nơi như thế.
Mịt mù và kinh khủng thay, những lối về nhà.

(1) Tạm dịch từ: “The God particle.”
(2) Tạm dịch từ: “to hurry the fuck up.”

Switch mode views: