Con Mắt
- Thứ Tư, 28 tháng Ba năm 2018 09:18
- Tác Giả: Hoàng Chính
Truyện ngắn – Jacobo Timerman
Bản Việt ngữ – Hoàng Chính
Lời người dịch: Jacobo Timerman ra đời ở Ukraine, di dân qua Argentina lúc 5 tuổi. Nhà báo, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo tiếng tăm La Opinión. Năm 1977, trong cuộc “Chiến Tranh Dơ Bẩn” (Guerra Sucia) khi mà hàng chục ngàn người Argentina bị quân đội bắt đi mất tích và thủ tiêu, ông bị bắt giam và tra tấn suốt 30 tháng không truy tố, không xét xử. Ông di dân qua Israel và hiện sống ở Tel Aviv. The Eye trích từ tuyển tập Prisoner without a Name, Cell without a Number xuất bản năm 1981 (Nguyên bản Preso sin nombre, Celda sin número). Hoàng Chính dịch từ bản Anh ngữ của Toby Talbot trong tập This Prison Where I Live, Tuyển Tập Văn Bút Của Những Nhà Văn Bị Cầm Tù.
Tối nay, một cai tù phá lệ, để hé lỗ nhòm. Tôi chờ một lúc xem chuyện gì sẽ xảy ra nhưng lỗ nhòm vẫn để hở. Tôi nhón gót, nhòm ra ngoài. Một hành lang hẹp, và đối diện xà-lim của tôi, tôi có thể thấy ít nhất hai cánh cửa nữa. Thật sự, tôi nhìn rõ được cả hai cửa. Ôi, cảm giác tự do thật là tuyệt vời! Cả một vũ trụ được gắn thêm vào khung Thời Gian riêng tôi, cái thời gian nối dài ấy bay lượn ngạo nghễ trên đầu tôi, trong lòng xà-lim chật hẹp. Thời Gian, kẻ thù nguy hiểm ấy của con người, khi mà sự tồn tại, sự kéo dài và sự vĩnh cửu của nó có thể thực sự chạm bàn tay vào được.
Ánh sáng chói chan trong hành lang. Chóa mắt, tôi thụt lùi, rồi lại hối hả dán mắt vào lỗ nhòm. Tôi cố đổ khoảng không gian trông thấy được ấy đầy ắp trong tôi. Bị tước đoạt cảm nhận về khoảng cách và sự cân đối quá lâu tôi bỗng thấy mình như vừa tuột khỏi xích xiềng. Để có thể nhòm ra, tôi phải áp mặt vào cánh cửa thép lạnh buốt. Chỉ vài phút là không thể nào chịu nổi cái lạnh. Trán tôi dán vào khối thép và cái lạnh làm đầu tôi nhói buốt. Nhưng cũng đã lâu – bao lâu nhỉ? – không được tôn vinh những khoảng không gian trống trải. Tôi áp tai vào cánh cửa, không nghe thấy gì. Tôi lại dán mắt nhòm.
Hắn cũng làm như vậy. Tôi chợt nhận ra lỗ nhòm trên cánh cửa đối diện cửa phòng tôi cũng mở và phía sau có một con mắt. Tôi hoảng sợ: Bọn chúng gài bẫy tôi. Tù nhân không được phép nhìn qua lỗ nhòm và chúng đã bắt gặp tôi làm chuyện đó. Tôi bước thụt lùi, chờ đợi. Tôi chờ một Thời Gian, thêm một chút Thời Gian, và rồi thêm Thời Gian nữa. Và rồi tôi trở lại lỗ nhòm.
Hắn cũng làm hệt như tôi.
Và bây giờ tôi phải nói về bạn, về cái đêm dài mà chúng mình trải qua cùng với nhau ấy, khi mà bạn là anh tôi, là bố tôi, là con trai tôi, là bạn tôi. Hay bạn là một người đàn bà nhỉ? Nếu vậy, chúng ta đã qua đêm ấy như đôi nhân tình. Bạn chỉ là một con mắt, nhưng chính bạn, bạn cũng nhớ cái đêm ấy, phải không? Về sau bọn chúng bảo bạn đã chết, rằng tim bạn yếu không chịu nổi “guồng máy”, nhưng chúng không nói bạn là đàn ông hay đàn bà. Làm sao bạn lại có thể chết được khi mà đêm hôm ấy chúng ta đã chế ngự được sự chết?
Bạn phải nhớ, tôi cần bạn nhớ, nếu không tôi sẽ phải nhớ chung cho cả hai ta, và cái đẹp mà chúng ta trải nghiệm cần có sự bảo chứng của bạn nữa. Bạn chớp mắt. Tôi nhớ rõ bạn chớp mắt. Và cái động tác rung nhẹ ấy chứng tỏ một cách tuyệt đối rằng tôi không phải là con người sống sót duy nhất trên mặt đất giữa vũ trụ của lũ cai tù tàn bạo này. Đôi lúc, trong xà-lim, tôi co tay, duỗi chân, chỉ để nhìn thấy được một động tác không nhuốm vẻ bạo động, khác với những động tác tôi làm khi bị lôi kéo, xô đẩy bởi bọn cai tù.
Và bạn chớp mắt. Tuyệt vời!
Bạn đã – hay đang còn – là một người có đầy phẩm cách cao đẹp của nhân sinh, được ban phát vững chãi một kiến thức sâu xa về cuộc sống, bởi bạn đã bày ra đủ trò chơi đêm ấy, sáng tạo Động Tác trong thế giới của chúng ta. Bạn bất ngờ biến đi, rồi trở lại. Lúc đầu tôi hoảng sợ. Nhưng rồi tôi nhận ra bạn đang bày ra chuyến mạo hiểm vĩ đại của nhân sinh trong trò chơi thất-lạc-và-tìm-thấy và tôi tham gia trò chơi ấy với bạn. Đôi khi chúng mình trở lại lỗ nhòm cùng một lúc, và cảm giác thắng lợi mạnh mẽ đến độ chúng ta cảm thấy mình bất tử. Chúng ta bất tử.
Tôi cũng hoảng sợ lần thứ nhì khi bạn biến mất một lúc lâu. Tôi ép người vào lỗ nhòm trong tuyệt vọng, trán tôi đông cứng trong đêm lạnh lẽo ấy – lúc ấy là đêm, phải không nhỉ? – và tôi cởi áo ra, chêm lên trán. Khi bạn trở lại, tôi đã bừng cơn giận, và bạn hẳn nhiên đã nhận ra bởi vì bạn đã không biến đi nữa. Chắc bạn cũng phải cố gắng nhiều lắm. Vài hôm sau, khi bị đem ra “chạy máy”, tôi nghe một tên gác tù kể với tên kia chuyện dùng cây nạng của bạn làm củi đốt. Tôi chắc chắn bạn dư hiểu đó là mánh lới bọn chúng dùng để dằn mặt tù nhân trước khi “chạy máy” – chuyện trò với Susan, như cách gọi của chúng. Thành ra tôi đâu có tin. Tôi thề với bạn là tôi không tin lời chúng. Không kẻ nào có thể hủy hoại sự bất tử hỗ tương mà chúng ta tạo ra được trong cái đêm chan hòa nghĩa yêu thương và tình người đồng cảnh ngộ ấy.
Bạn đã – hay vẫn đang còn? – cực kỳ thông minh. Chỉ một hành động khả thi mà tôi đã làm: nhìn ra ngoài, nhìn, nhìn không ngưng. Nhưng rồi bạn dán cằm của bạn vào lỗ nhòm. Rồi miệng bạn, hoặc một phần vầng trán bạn. Tôi đã tuyệt vọng. Và hoảng sợ. Tôi dán mắt vào lỗ nhòm, nhưng chỉ để nhìn xuyên qua nó. Tôi đã cố, đoan chắc với bạn, dù chỉ trong thoáng giây, đưa má tôi lên lỗ nhòm, và khi ấy khoảng tăm tối xà-lim tràn ngập thị giác tôi và ngay phút giây ấy, tinh thần tôi suy sụp. Khoảng cách quá rõ ràng giữa đời sống thực và nỗi cô đơn; biết rằng bạn đang ở rất gần, tôi không chịu nổi sự ép buộc phải nhìn thấy khung xà-lim của mình. Nắm bắt sự sinh động và sự chuyển động của bạn, bạn tha thứ cho tôi chuyện ấy nhé. Tôi nhận ra bạn đang an ủi tôi, và tôi bật khóc. Trong câm lặng, dĩ nhiên. Bạn không cần phải lo lắng. Tôi biết mình không nên dại dột gây tiếng động. Nhưng bạn cũng thấy tôi khóc, phải không? Bạn trông thấy mà. Điều đó khiến tôi thấy dễ chịu, khóc được trước mặt bạn. Bạn biết chuyện bi thảm đến mức nào khi giam mình trong xà-lim và nói với chính mình, Đã đến lúc phải khóc một chút, dù là khóc một cách khô khàn, một cách vật vã, một cách lơ là. Với bạn, tôi đã có thể khóc một cách thanh thản, một cách bình an, như thể được phép khóc. Như thể mọi thứ có thể được đổ vào trong cơn khóc ấy, biến đổi chúng thành lời nguyện cầu hơn là nước mắt. Bạn không thể tưởng tượng tôi thù ghét cơn khóc ngằn ngặt ấy của tôi trong xà-lim đến độ nào. Đêm hôm ấy, bạn đã dạy tôi cách trở thành bạn-đồng-cảnh-ngộ-trong-nước-mắt.
Không hiểu sao nhưng tôi đoán chắc bạn là – hay đã là? – một thanh niên vóc người tầm thước. Khoảng ba mươi lăm tuổi, có óc khôi hài. Vài ngày sau, một gã cai tù vào xà-lim để thuyết phục tôi. Gã cho tôi điếu thuốc: đến phiên gã đóng vai con người tử tế. Gã khuyên tôi khai hết mọi chuyện, gã bảo với kinh nghiệm đầy mình, gã biết một người cỡ tôi thì sẽ chết trong vòng tay của Susan bởi trái tim không cách gì chịu nổi hoài những cú điện giật. Và gã bảo tôi là bạn đã “nguội điện” rồi. Gã nói thế này: “Nghe đây, Jacobo, mày chỉ có một trách nhiệm thôi, đó là sống sót. Chính trị rồi sẽ thay đổi… Mày còn con cái. Trong cái xà-lim đối diện cái của mày có một thằng điên. Tụi tao cho nó nguội điện luôn rồi. Thấy không, Jacobo…”
Tôi không tin lời gã. Nếu tôi có thể cầm cự được thì chắc chắn bạn cũng cầm cự được. Tim bạn có bị yếu không? Không thể nào đâu. Bạn cứng rắn, rộng lượng, can đảm. Những trái tim ấy không thể nào bị hủy diệt bởi Susan được. Bạn có nhớ cái lần điện trại giam bị tắt không? Bạn có biết tôi làm gì không? Tôi ngồi xuống tấm nệm, quấn chăn quanh mình, và giả bộ ngủ. Tôi đã hoảng sợ. Bỗng dưng tôi nhận ra mình chưa mặc áo. Tôi mặc áo vội vàng. Nhưng rồi đèn đã sáng trở lại. Và tôi nhớ ra rằng bọn canh tù vẫn đùa nghịch bằng cách tắt rồi mở đèn. Dĩ nhiên cũng có thể tại Susan sử dụng nhiều điện quá. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều tù nhân mới nhập trại đã bị đem đi “chạy máy”, ngay cả khi chưa khai tên, họ. Cảm giác đầu tiên của tù nhân phải là một loạt điện giật để bẻ gẫy bớt sự kháng cự của họ khi nhập trại. Sau này tôi khám phá ra là kỹ thuật ấy được thay đổi bởi có vài tù nhân “nguội điện” ngay cả khi chưa được thẩm vấn. Ngay cả ông bác sĩ trực (à, bạn có để ý thấy ông bác sĩ để râu mọc dài, được vài tuần thì cạo đi, rồi để ria mép rập rạp, rồi để râu hai bên má, rồi có lúc ông ta để tóc dài, có lúc cạo trọc, tất cả chỉ vì ông ta sợ người ta nhận ra ông ta không?) không, ngay cả bác sĩ cũng chẳng luôn luôn cứu được họ.
Vậy mà hai chúng ta sống sót. Bạn có nhớ khi chân tôi bị chuột rút trong lúc chúng tra tấn tôi và đột nhiên tôi ngưng gào thét không? Chúng nó tưởng tôi “đi luôn” rồi, và chúng nó cuống lên. Chúng nó được lệnh bắt tôi nhận tội bởi chúng muốn thiết lập hồ sơ một vụ lớn về tôi. Tôi chết thì chẳng ích lợi gì cho chúng nữa. Vâng, tôi đã tê liệt một lúc vì chuột rút. Thật kỳ lạ khi người ta có thể cảm nhận cùng một lúc cả sự đau đớn lẫn niềm vui. Rồi tôi lại rên rỉ vì Susan.
Không, tôi không nghĩ là bạn nhớ điều này, dù tôi đã cố gắng cho bạn biết về nó. Con mắt bạn diễn tả được rất nhiều điều so với con mắt tôi. Tôi đã cố diễn đạt giai đoạn ấy cho bạn, bởi nó mang ý nghĩa của một trận chiến mà phần thua ngả về bọn chúng. Nhưng vào thời điểm ấy tôi đã cực kỳ hoang mang, và rất có thể là tôi đã tưởng là có nói với bạn mà thực ra là không nói.
Bạn tôi ơi, người anh em của tôi ơi, đêm hôm ấy tôi học hỏi được rất nhiều từ bạn. Theo như cách tôi tính toán thì dạo ấy là khoảng tháng Tư hay tháng Năm 1977. Đột nhiên bạn dán mũi vào lỗ nhòm và cọ qua cọ lại. Đó là một cái vuốt ve phải không nào? Vâng, một vuốt ve. Bạn đã kết hợp được bao nhiêu là mức độ trải nghiệm vào sự giam cầm của chúng ta, nhưng vẫn kiên trì trong việc tái tạo tính nhân bản của chúng ta. Vào giây phút ấy, bạn khơi gợi sự dịu dàng, vuốt ve bằng cái cọ mũi của bạn trong lúc bạn nhìn tôi đăm đăm. Bạn làm đi làm lại vài lần. Cái vuốt ve, rồi con mắt nhìn. Một ve vuốt nữa, và một mắt nhìn nữa của bạn. Bạn có thể nghĩ là tôi không hiểu. Nhưng chúng ta hiểu nhau ngay từ đầu. Tôi biết rõ bạn muốn nói với tôi rằng sự dịu dàng tử tế có thể sẽ trở lại với chúng ta. Tôi không biết tại sao đêm ấy bạn cảm thấy phải cấp bách khẳng định mức quan trọng đồng đều, hoặc hơn, của sự dịu dàng so với tình yêu. Có phải vì sự dịu dàng mang theo chút gì đó của sự cam chịu và có lẽ đêm ấy bạn đã đành cam chịu? Có phải sự dịu dàng là niềm an ủi cho những người cam chịu? Sự dịu dàng, quả thật, là niềm an ủi, trong khi tình yêu là một nhu cầu. Và bạn chắc chắn cần được ủi an. Tôi đã không hiểu điều đó, nhưng bạn, người anh em của tôi, người bạn của tôi, người-đồng-cảnh-ngộ-trong-nước-mắt của tôi, phải chăng bạn đã biết điều đó và đành để nó khuất phục bạn? Nếu vậy, tại sao tôi lại còn lảm nhảm những điều ngớ ngẩn này, và cho ai mới được chứ? Có phải tôi đang lảm nhảm với tôi như một thằng ngốc không?
Có phải thực ra chẳng có con mắt nào đăm đắm nhìn tôi chăng?
Related news items:
Tin mới
- Một Kiếp Sống Tự Do - 22/04/2018 01:09
- Nhà Có Cối Xay Bột Nước - 15/04/2018 03:47
- Tình Người Phi Công - 15/04/2018 03:27
- Tinh Khôn ở Đâu ? - 06/04/2018 22:32
- Thời Gian Quản Chế - 06/04/2018 22:29
- Bạn Tù Sơn La - 06/04/2018 22:25
- Bức Tranh - 31/03/2018 03:43
- Rồi Cũng Xa Nhau… - 31/03/2018 03:41
- Cho tôi một tô chữ xào dòn! - 31/03/2018 03:37
- Cái còng - 24/03/2018 16:21
Các tin khác
- Cưỡng Đoạt - 24/03/2018 16:09
- Cô giáo Ngụy - 18/03/2018 00:48
- Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa. - 18/03/2018 00:44
- Ở TRỌ. - 18/03/2018 00:40
- Mùa Săn - 10/03/2018 17:47
- Xin cho biết số - 10/03/2018 17:29
- Người vũ nữ múa cột. - 10/03/2018 17:21
- Tiếng Khóc - 03/03/2018 16:23
- Người Lính Còn Lại - 26/02/2018 01:52
- Chiếc Đĩa Cổ Trong Phiên Chợ Tết - 26/02/2018 01:43