Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

BPSOS và chiến dịch ‘Người Mỹ Gốc Việt Ðòi Tài Sản’


LTS - Ngày 4 Tháng Sáu tới đây, có thể sẽ có khoảng 800 đồng hương từ 30 tiểu bang hội tụ về Quốc Hội Hoa Kỳ, nêu thông điệp và hối thúc giới dân cử liên bang, bằng hành động cụ thể, bảo vệ tài sản của người Mỹ gốc Việt và nhân quyền của đồng bào quốc nội trước những vi phạm ngày càng leo thang bởi chính quyền Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, về cuộc vận động sắp đến.

nguyendinhthangTiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS.

Nguyễn Văn Khanh (NVK): Xin tiến sĩ cho biết nội dung của buổi điều trần sắp tới, có gì khác với những buổi điều trần gần đây?

Nguyễn Ðình Thắng (NÐT): Buổi điều trần sắp tới đây sẽ xoay quanh vấn đề chính quyền Việt Nam đã cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm nghìn công dân Mỹ gốc Việt. Ðây là sẽ buổi điều trần thứ 3 về Việt Nam trong vòng 2 tháng. Buổi điều trần ngày 11 Tháng Tư vừa qua nhắm vào tình trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo, và tệ nạn buôn người với mục đích kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tự do tôn giáo. Buổi điều trần ngày 18 Tháng Tư, mổ xẻ tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Nga với sự dính dự của nhiều giới chức chính quyền, có mục đích kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách Hạng 3 về nạn buôn người. Nằm trong danh sách CPC hay Hạng 3 đều dẫn đến những biện pháp chế tài đối với chính quyền Việt Nam.

NVK: Chắc chắn có người sẽ thắc mắc tại sao lại có buổi điều trần về chuyện tài sản vào Ngày Vận Ðộng Cho Việt Nam. Xin anh giải thích lý do.

NÐT: Quyền sở hữu tài sản và được bảo vệ trước sự cưỡng đoạt là một quyền trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, điều số 17. Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên vi phạm quyền này của người dân, dẫn đến thảm trạng dân oan tràn lan khắp nước. Tiếc rằng Hoa Kỳ không có luật chế tài các chính quyền khác về loại vi phạm nhân quyền này đối với dân của họ. Trong khi đó luật Hoa Kỳ chế tài rất nặng chính quyền nào cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Do đó, kế sách của chúng tôi là lấy thế người Mỹ gốc Việt để ép chính phủ Hoa Kỳ phải thi hành các điều khoản chế tài đối với Việt Nam theo đúng luật Hoa Kỳ. Như vậy chúng tôi mở ra thêm một mũi nhọn chế tài nữa để hợp lực với 2 mũi nhọn đã nhắc đến là CPC về đàn áp tôn giáo v à Hạng 3 về buôn người.

NVK: Xin định nghĩa chữ “tài sản?”

NÐT: Tài sản gồm có đất, nhà và các tài sản khác, như vàng, nữ trang, tiền bạc.

NVK: Nhưng luật Hoa Kỳ chỉ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Khi chính quyền Việt Nam tịch thu tài sản của người Việt bỏ nước ra đi thì lúc ấy họ vẫn còn là công dân Việt Nam. Làm sao mà luật Hoa Kỳ có thể áp dụng được?

NÐT: Nhiều người nghĩ như vậy. Ðiều kẹt cho chính quyền Việt Nam là họ đã không hợp pháp hóa việc tịch thu tài sản cho mãi đến mấy mươi năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Lúc ấy nhiều trăm nghìn người Việt bỏ nước ra đi đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Một cách cụ thể, mãi đến cuối năm 1980, Quốc Hội Việt Nam mới thông qua Hiến Pháp tuyên bố đất là sở hữu toàn dân, nghĩa là của nhà nước, của đảng Cộng Sản. Lúc ấy khoảng 50 nghìn người Việt di tản đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng mãi đến khi Luật Ðất 1993 ra đời thì mới hợp thức hóa việc quốc hữu hóa đất vắng chủ của những người bỏ nước ra đi. Lúc ấy non 1/4 triệu người Việt đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Rồi mãi đến năm 2003 mới có quyết định quốc hữu hóa nhà vắng chủ, và lúc ấy đã trên nửa triệu người Việt nhập tịch Hoa Kỳ. Xét vậy, dù phía Việt Nam lý luận cách nào, họ cũng đã cưỡng đoạt đất và nhà của vài chục đến vài trăm nghìn công dân Hoa Kỳ. Một con số không nhỏ. Thực ra chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục cưỡng đoạt tài sản của người Mỹ gốc Việt cho đến tận ngày hôm nay. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp người Mỹ gốc Việt sở hữu căn nhà chung với thân nhân ở trong nước, khi bán căn nhà ấy đi thì chính quyền tự động giữ lại phần tài sản của người ở Mỹ.

NVK: Ðó là đất và nhà, thế còn các loại tài sản khác thì sao?

NÐT: Trong những năm sau ngày xâm chiếm miền Nam, bằng nhiều cách khác nhau chính quyền cộng sản bắt người dân phải ký thác vàng bạc, tiền của vào ngân hàng nhà nước, có cấp giấy chứng nhận. Chính quyền chưa bao giờ có luật tịch thu nhưng cũng không bao giờ hoàn trả. Trong số đó có những người sau đó đã bỏ nước ra đi và đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Theo luật pháp, những tài sản ấy vẫn còn thuộc chủ quyền của họ cho đến ngày hôm nay. Nghĩa là cho đến ngày hôm nay chính quyền Việt Nam vẫn đang giữ tiền của, vàng bạc của công dân Hoa Kỳ mà nhất định không hoàn trả.

NVK: Theo chỗ tôi biết, trước đây nhiều người Mỹ gốc Việt cũng đã cố gắng vận động đòi tài sản nhưng không thành. Lần này có gì khác?

NÐT: Những người ấy đã ứng xử như thể một công dân Việt Nam bị chi phối bởi hệ thống luật pháp tùy tiện của Việt Nam. Họ chạy vạy với chính quyền đã cưỡng đoạt tài sản của mình. Cách của chúng tôi khác. Chúng tôi dùng thế công dân Mỹ để đòi hỏi chính phủ Mỹ phải can thiệp. Chúng tôi tuyệt nhiên không đối tác trực tiếp với chính quyền Việt Nam. Mọi việc đều qua chính quyền Hoa Kỳ. Nói nôm na, chúng tôi đòi hỏi Hành Pháp Hoa Kỳ phải thi hành vai trò pháp định của “người đòi nợ” cho công dân Hoa Kỳ. Và đây là yếu tố quyết định. Do đó mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là nhắm vào chính quyền Hoa Kỳ, chứ chưa phải là chính quyền Việt Nam.

NVK: Nói đến nhiệm vụ của Hành Pháp Hoa Kỳ, thế thì có những luật pháp nào ràng buộc họ phải thực thi việc đòi tài sản cho công dân Hoa Kỳ?

NÐT: Có ba điều khoản luật Hoa Kỳ trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân Hoa Kỳ khi bị một chính quyền ngoại quốc cướp đoạt. Thứ nhất là Luật Giải Quyết Các Khiếu Nại Ðòi Tài Sản Quốc Tế năm 1949. Luật này thành lập Ủy Hội Giải Quyết Các Khiếu Nại Ðòi Tài Sản của công dân Hoa Kỳ và ấn định thẩm quyền cũng như trách vụ của Ủy Hội. Ủy Hội này đã đòi tài sản thành công trong nhiều vụ, kể cả đòi chính quyền Việt Nam năm 1995 phải bồi thường 208 triệu Mỹ kim cho gần 200 người Mỹ gốc Mỹ. Luật Ngoại Viện năm 1961 được tu chính năm 1964 đòi hỏi tổng thống Hoa Kỳ ngưng mọi khoản viện trợ đối với chính quyền nào đã cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Luật Mậu Dịch năm 1974 cấm tổng thống Hoa Kỳ không được ban cấp một số quyền lợi mậu dịch cho chính quyền nào đã cưỡng chiếm tài sản của công dân Hoa Kỳ. Và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có một văn phòng chuyên trách việc lên tiếng can thiệp cho các công dân Hoa Kỳ bị cưỡng đoạt tài sản bởi một chính phủ ngoại quốc. Tháng Tám năm ngoái BPSOS phát động chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Ðòi Tài Sản” với mục đích yêu cầu Hành Pháp Obama thực thi luật pháp Hoa Kỳ kể trên để bảo vệ quyền lợi của công dân Mỹ gốc Việt, chứ không được phân biệt đối xử.

NVK: Ðó là trách nhiệm của Hành Pháp. Thế thì tại sao cuộc vận động năm nay lại tập trung vào Quốc Hội thay vì Hành Pháp?

NÐT: Suốt từ Tháng Tám năm ngoái đến nay chúng tôi đã lên tiếng với Hành Pháp nhưng họ có vẻ tránh né vấn đề hóc búa này vì nó có thể làm trật đường rầy chính sách đối ngoại và mậu dịch của Tổng Thống Obama đối với Việt Nam. Từ đầu năm nay chúng tôi bắt đầu vận động Quốc Hội. Quốc Hội có trách nhiệm và thẩm quyền theo dõi và đòi hỏi Hành Pháp thực thi luật mà Quốc Hội đã ban hành. Qua buổi điều trần ngày 4 Tháng Sáu, các dân biểu muốn tìm hiểu xem Hành Pháp Obama có thi hành đúng luật quốc gia để bảo vệ tài sản của công dân Mỹ gốc Việt đã bị chính quyền Việt Nam cưỡng chiếm hay không. Dựa vào những thông tin có được, Quốc Hội sẽ tìm biện pháp hành xử. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị trước cho các dân biểu và thượng nghị sĩ để đặt vấn đề tài sản của công dân Hoa Kỳ đã bị xâm phạm khi Tổng Thống Obama đề nghị phát triển mậu dịch với Việt Nam qua Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hành Pháp mặt mũi nào đề nghị nới rộng mậu dịch với một chính quyền đã từng cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ một cách vô tội vạ.

NVK: Nếu Hành Pháp vẫn không tuân thủ luật pháp quốc gia thì Quốc Hội có thể làm gì hơn?

NÐT: Quốc Hội có thể ban hành luật đặc trưng nhằm đòi hỏi Hành Pháp phải thi hành đối với Việt Nam các luật quốc gia đã có, chứ không thể tránh né được nữa. Song song với vận động lập pháp, chúng ta còn con đường Tư Pháp, nghĩa là kiện các cơ quan Hành Pháp hữu trách ra tòa liên bang. Quả vậy, văn phòng luật của cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh đã đâm đơn kiện các cơ quan ấy hồi Tháng Tư vừa rồi, trong một vụ kiện tập thể (class action). Vụ kiện này đặt vấn đề là Hành Pháp Obama đã phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Việt vì trước đây Hành Pháp Clinton đã từng can thiệp thành công cho những người Mỹ gốc Mỹ đã bị chính quyền Việt Nam cưỡng đoạt tài sản.

NVK: Giả dụ Hành Pháp Hoa Kỳ chấp nhận can thiệp đòi tài sản cho người Mỹ gốc Việt, phía Việt Nam vẫn có thể đưa ra nhiều lý do thoái thác, như là tài sản đã truyền tay nhiều chủ nhân khác nhau, đất và nhà đã được hóa giá cho cán bộ ở, hoặc đòi hỏi người chủ vắng mặt phải trả tiền thuế tích lũy từ mấy chục năm qua.

NÐT: Vâng. Trong 16 năm qua chúng tôi theo dõi và biết rõ về những lý lẽ như vậy từ phía chính quyền Việt Nam. Họ chỉ có thể lý lẽ như vậy đối với những cá nhân đơn thân về Việt Nam chạy vạy với chính quyền để xin lại tài sản. Chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải đi đòi nợ cho công dân Hoa Kỳ. Nếu muốn lý lẽ thì hãy để chính phủ Việt Nam lý lẽ với chính phủ Hoa Kỳ. Thực ra năm 1995 chính phủ Việt Nam đã bấm bụng bồi thường 208 triệu Mỹ kim chứ có dám hó hé gì. Chính phủ Hoa Kỳ có những thể thức tiêu chuẩn áp dụng từ hơn 80 năm qua và kinh nghiệm đòi tài sản cho 660 nghìn công dân Hoa Kỳ. Trị giá phải bồi thường là do chính phủ Hoa Kỳ ấn định chứ không phải do Việt Nam tùy tiện đưa ra. Khi định giá số tiền Việt Nam phải bồi thường cho những người Mỹ vào năm 1995, Hoa Kỳ bắt chính quyền Việt Nam bồi thường theo giá thị trường, cộng với tiền lãi tính dồn trong suốt 20 năm tử 1975 đến 1995, và tiền phạt vạ vì vi phạm hiệp ước quốc tế. Hoa Kỳ lập luận rằng cộng sản Bắc Việt đã vi phạm Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973 khi xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa để rồi cưỡng chiếm tài sản của công dân Hoa Kỳ. Ðối với người Mỹ gốc Việt thì sự vi phạm luật quốc tế còn trầm trọng hơn nữa: thôn tính Việt Nam Cộng Hòa; bỏ tù, tra tấn và xử tử biết bao nhiêu người dân miền Nam; đàn áp và xua đuổi biết bao gia đình miền Nam đi kinh tế mới để rồi cướp tài sản của họ.

NVK: Tiến sĩ có ước lượng nào về tổng trị giá của các tài sản nếu đòi được?

NÐT: Thực ra không ai biết đích xác cho đến khi Ủy Hội Giải Quyết Các Khiếu Nại Ðòi Tài Sản Quốc Tế của Hoa Kỳ bắt tay làm việc. Họ có trách nhiệm và kinh nghiệm để định giá. Theo ước lượng của riêng tôi, tổng trị giá có lẽ vào khoảng 50 đến 100 tỉ Mỹ kim.

NVK: Và đây là câu hỏi cuối cùng, mà có lẽ cũng là câu hỏi chung của nhiều người. Ðòi tài sản có thể mang ý nghĩa bảo vệ nhân quyền của những nạn nhân bị cưỡng đoạt tài sản, nhưng có liên quan gì đến mục đích của Ngày Vận Ðộng Cho Việt Nam là yểm trợ cho nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ chung cho 90 triệu dân Việt Nam ở trong nước?

NÐT: Xin cảm ơn anh Khanh đã đặt câu hỏi rất chính đáng này. Chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Ðòi Tài Sản” là một phần liền lạc của kế hoạch dài hạn của chúng tôi để yểm trợ cuộc tranh đấu đang diễn ra gay gắt ở quốc nội.

Hai mục tiêu trước mắt của chúng tôi là: mở thêm một mũi nhọn chế tài nhằm áp lực Việt Nam phải thay đổi, và ngăn chặn việc Hành Pháp Obama nới rộng mậu dịch với Việt Nam mà không có điều kiện về nhân quyền. Mục tiêu xa hơn của chiến dịch là giành lại quyền sở hữu đất cho người dân theo nguyên tắc “đất nuôi dân, dân giữ đất.” Sự vi phạm nguyên tắc này đã dẫn đến biết bao thảm họa cho “dân oan” và tình trạng nhượng và hiến đất cho ngoại bang. Ðòi lại quyền sở hữu đất là một điểm chính của phong trào đòi sửa Hiến Pháp đang diễn ra ở Việt Nam. Qua vấn đề đòi tài sản, chúng ta vận dụng thế công dân Hoa Kỳ để đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một số điều mà chúng ta mong muốn cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Buổi điều trần ngày 4 Tháng Sáu tới đây mang một ý nghĩa rất quan trọng là vậy.

NVK: Xin cảm ơn tiến sĩ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Switch mode views: