Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-11-2019

Từ Trung Quốc đến Trung Đông: Khi bạo lực là phương án duy nhất

iraq protests 2

Ảnh minh họa : Biểu tình chống chính quyền tham nhũng tai Bagdad, Irak, ngày 17/11/ 2019.
REUTERS/Wissm al-Okili



Đích thân Tập Cận Bình chỉ đạo đàn áp ở Tân Cương: tài liệu mật của đảng Cộng Sản Trung Quốc bị tiết lộ trong bối cảnh Hồng Kông tiếp tục « bốc lửa » theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tại Trung Đông, chính quyền Hồi Giáo Iran thẳng tay đàn áp dân chúng chống tăng giá xăng.
Tại Irak và Liban, phong trào chống chế độ tham nhũng gia tăng áp lực.
 Liệu một mùa xuân Ả Rập sắp trở lại ?
Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay.

Đây là bằng chứng :

Đảng Cộng sản Trung Quốc « thanh trừng sắc tộc » ở Tân Cương : tài liệu mật do một cán bộ cao cấp cung cấp cho báo chí Tây phương để làm bản cáo trạng buộc tội lãnh đạo số một Tập Cận Bình.

Một ngày sau khi báo Mỹ New York Times loan báo nhận được 400 trang tài liệu mật chứng minh chính quyền Trung Quốc từ năm 2014 đã lập kế hoạch đại quy mô trấn áp và tiêu diệt « không thương tiếc » người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân theo đạo Hồi ở Tân Cương, đến lượt báo chí Pháp nhập trận.

Dưới tựa « Bằng chứng thanh lọc sắc tộc », La Croix giới thiệu : Đối với những ai còn hoài nghi về tiến trình thanh lọc sắc tộc ở Tân Cương, nhốt hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo lao động cưỡng bách, thì đây là những tài liệu chính thức.

Tập Cận Bình chỉ đạo « sử dụng mọi cơ quan của chế độ chuyên chế, đàn áp không nương tay, bỏ tù những kẻ đáng bỏ tù », những đối tượng bị xem là « bọn khủng bố và ly khai ».
Người đích thân thi hành chính sách này không ai khác hơn là Trần Toàn Quốc, khét tiếng trong chiến dịch đàn áp tại Tây Tạng.

Tập tài liệu do một đảng viên cao cấp trao cho truyền thông Tây phương mang ý nghĩa gì ?

Phóng viên Austin Ramzy (và đồng nghiệp Chris Buckley) của New York Times cho biết :
« Từ khi theo dõi tình hình Trung Quốc từ năm 2003 đến nay, chưa bao giờ tôi thấy có chuyện rò rỉ tin mật quy mô như thế ».

Tài liệu xác nhận có nhiều viên chức chế độ từ chối thi hành lệnh.
Điều này cho thấy chế độ Tập Cận Bình xem vậy mà không phải vậy : không vững chắc và không chiếm ưu thế tuyệt đối như được đánh bóng.

Libération, với tựa « Bộ máy đàn áp người Duy Ngô Nhĩ bị phát hiện » khuyến cáo cộng đồng quốc tế là từ nay « không thể viện cớ này cớ nọ để làm ngơ ».Những gì mà các nhân chứng hay giới tranh đấu tố giác trước đây đều được tài liệu xác nhận.

Các viên chức địa phương có trong tay bản hỏi đáp soạn sẵn để trả lời các sinh viên trở về nhà vào dịp hè không thấy cha mẹ đâu cả.
Họ được trả lời « Cha mẹ được cách ly chăm sóc trước khi dịch bệnh ly khai lan rộng ». Bổn phận con cái là « phải cám ơn Đảng ».

Nhật báo thiên tả dành thêm một trang thứ hai để phỏng vấn nhà nghiên cứu Maya Wang, của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch về những chi tiết, những cách thức « vô hình » kiểm sóat người dân Tân Cương.

Do Hoa Lục rộng lớn nên các biện pháp kiểm soát điện tử rất tốn kém và không phải cán bộ nào cũng biết sử dụng.
Thêm vào đó, tại Trung Quốc, bắt đầu xuất hiện thái độ phản kháng.

Vấn đề là chính phủ các nước châu Âu không nên xem thường.
Giấc mộng của Tập Cận Bình là làm chủ tịch trọn đời, ông ta mới 66 tuổi, có thể còn tại vị thêm 20 năm.

Mà muốn thống trị thế giới thì phải thống trị thông tin và công nghệ thông tin.
 Một phần mềm « thông dịch » cài trong điện thoại thông minh của Trung Quốc có thể thu thập đến 5 tỷ từ vựng của 65 ngôn ngữ của 200 nước trong một ngày.

Cho dù không phải công ty Hoa lục nào cũng hoạt động gián điệp nhưng không một doanh nghiệp nào có quyền từ chối hợp tác khi công an yêu cầu.
Nhà nghiên cứu Maya Wang khuyến cáo các chính phủ châu Âu phải thận trọng, phải luôn cảnh giác là đang giao thiệp với một chế độ tước đoạt tất cả các quyền của người dân nước họ.

Các trường đại học Hồng Kông biến thành cứ điểm nổi dậy

Bắc Kinh không có phương án nào ngoài « tăng cường chế độ cảnh sát trị ».
Trung Quốc không bao giờ chấp nhận một chế độ dân chủ.

Với tựa « thùng thuốc súng ở các đại học Hồng Kông », Le Monde đặt câu hỏi : liệu các đại học ở Hồng Kông, đóng cửa từ đầu tuần trước cho đến hết học kỳ một (sáu tháng) có biến thành pháo đài của sinh viên tranh đấu hay không ?

Hôm thứ Tư, cảnh sát cho là « Đại Học Trung Văn đã biến thành xưởng làm vũ khí ».
Từ khi Đại Học Trung Văn bị « bao vây », sinh viên của chín đại học khác cũng lần lượt lập hàng rào cố thủ, để tỏ tình liên đới.

Một nữ sinh viên giải thích: Cho dù có quan điểm chính trị như thế nào, nhận định chung của người dân là lẽ ra chính phủ không nên để cho tình hình suy thoái đến mức như vậy.
Chủ trương « bất động » của chính quyền là một thái độ « nguy hiểm và vô trách nhiệm ».

Sau tuyên bố như là « mệnh lệnh » của Tập Cận Bình, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho là « có lẽ cần phải có một hành động quyết định ».
Chính phủ Hồng Kông gần như không tìm ra một sáng kiến gì mới ngoài việc gửi thư cảnh cáo 180.000 công chức coi chừng bị sa thải nếu bị bắt khi tham gia biểu tình.

Trong khi đó, giới luật sư, doanh nhân và cựu công chức trong hiệp hội Hongkong Forward Alliance tổ chức hội thảo với chuyên gia các nước từng gặp khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng như Bắc Ai Len và Nam Phi hầu tìm một giải pháp đối thoại thay vì đàn áp như hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia chính trị Brian Fong tỏ ra bi quan.
Theo ông, Bắc Kinh chỉ có một giải pháp : Củng cố Nhà nước cảnh sát trị.

Trước thế trận linh hoạt của « cuộc cách mạng nước », chính quyền Trung Quốc có ba phương án:
Thượng sách là đàn áp. Hạ sách là nhượng bộ ít nhiều.
Quyết định hủy bỏ luật dẫn độ đã được thực hiện nhưng bị xem là không đủ.

Nếu tiếp tục theo phương án thứ hai này thì phải thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và phải điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát, ân xá những người bị bắt và cải cách luật cơ bản, chấp thuận ứng cử, bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu.

Điểm kẹt là Bắc Kinh cảm thấy hai phương án này đều bất toàn.
Đưa quân vào Hồng Kông là tiêu diệt nguồn tài chính của kinh tế Hoa Lục, là giải pháp « bom nguyên tử ».
Bắc Kinh cũng không muốn nhượng bộ các yêu sách dân chủ. Do vậy chỉ còn con đường thứ ba là tăng cường bộ máy cảnh sát, đàn áp không phân biệt, bắt nhốt, kết án tù với hy vọng dân Hồng Kông ngưng phong trào phản kháng.

Bi quan hơn Brian Fong, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, khi được Les Echos đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn, cho biết « rất lo » :
Hai bên đều ở trong thế cứng rắn. Các đại học đóng cửa trong vòng sáu tháng. Thế mà không có một giải pháp dung hoà khả thi trong tương lai gần : Bắc Kinh không bao giờ muốn dân chủ.

Liệu một mùa xuân Ả Rập thứ hai đang trở lại ?

Từ Algeri cho đến Sudan,từ Liban cho đến Iran, Irak, một làn gió phản kháng đang thổi qua thế giới Hồi Giáo Ả Rập.
Theo Le Figaro, do có quá nhiều ẩn số và thông số nên khó có thể dự báo tương lai của Mùa Xuân Ả Rập hồi thứ hai sẽ đi về đâu.

Tại Liban, không phải là chế độ độc tài, mà là một hệ thống dựa trên đặc quyền của các hệ phái tôn giáo.
Tại Irak, dân chống chính quyền tham nhũng và bàn tay can thiệp của Iran.
Tai Syria, Bachar al Assad nhờ Nga giúp củng cố chế độ, nhưng trong hai, ba năm tới sẽ không tránh khỏi một phong trào phản kháng như lúc 2011.
Đó là chưa kể Daech, Israel và Iran sẽ lợi dụng cơ hội để khuynh đảo hay gây ảnh hưởng lên toàn khu vực để thủ lợi.

La Croix cũng xác nhận chính sách của Iran ở Trung Đông đang bị chống đối tại Irak và Liban
Đông Âu: 30 năm sau cuộc Cách Mạng Nhung tại Séc ; bạo lực trong quân đội Nga

Hàng trăm ngàn người dân Séc lại xuống đường.

Theo Les Echos, tại Cộng hoà Séc mà trước đây là Tiệp Khắc, sau khi tổng thống Vaclav Havel qua đời, những người thừa kế của Cách Mạng Nhung tiếp tục điều hành đất nước trong chế độ dân chủ, một nền kinh tế tự do nhưng lại đánh mất giá trị tinh thần của phong trào ly khai chống chủ nghĩa Cộng Sản.

Do vậy, từ năm 2000, bắt đầu xuất hiện tình trạng tham ô trong chính quyền.
Do vậy mà nhân kỷ niệm 30 năm Cách Mạng Nhung, 250 ngàn người biểu tình tại thủ đô Praha để kêu gọi « bảo vệ dân chủ » chống chính phủ dân túy hiện tại.

Liên quan đến Nga, Libération chú ý thông tin hồi cuối tháng 10 : một binh sĩ quân dịch, nạn nhân bạo lực trong lính, nổ súng giết chết 8 người trong một trại lính, trong đó có một sĩ quan tên Danjil Piankov.
Vụ này, qua quá trình điều tra đã làm nổi dậy cuộc tranh luận về chế độ nghĩa vụ bắt buộc, những tai tiếng áp bức mà tân binh là nạn nhân, một vết thương nung mủ trong quân đội Nga.

Emmanuel Macron đứng trước hai nguy cơ : khủng hoảng xã hội trong nước và bị châu Âu cô lập

Trở lại những cuộc biểu tình của phong trào xã hội Áo Vàng hồi cuối tuần, ghi dấu một năm phát động, Le Figaro cảnh báo hiện tượng « phong trào xã hội bị các nhóm cực đoan lợi dụng » để đánh nhau với cảnh sát, cướp phá cửa hàng, phá hủy công viên, tượng đài lịch sử « gây bất bình » trong công luận.

So với một năm trước đây, với 350.000 người trên toàn quốc, năm nay phong trào ít đi chỉ có 28.000 nhưng bạo lực không giảm.
Trong bài xã luận, nhật báo thiên hữu « lấy làm buồn » không phải vì « Gilets jaunes » mà vì các biểu tượng của chế độ Cộng Hoà bị những kẻ bịt mặt, mặc áo quần đen, đập phá không thương tiếc.

Còn Les Echos, lo ngại cho nước Pháp bị cô lập vì thái độ « ngạo mạn trong ngoại giao ».
Chủ nhân điện Eysée nhìn đúng, tố cáo tình trạng bất lực của NATO cũng như không muốn châu Âu đón thêm thành viên.

Nhưng cách tuyên bố của ông, thiếu khiêm tốn, chỉ tạo nguy cơ cho nước Pháp đánh mất các đối tác truyền thống.

Switch mode views: