Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sói nâu

soi nau
Vì cỏ ướt sương, chị mang giày bao ngoài nên bị chậm, và khi ra khỏi nhà, chị thấy người chồng chờ đợi đang mải mê với sự kỳ diệu của một nụ hạnh nhân đang hé nở. Chị ném cái nhìn tìm kiếm qua mặt cỏ cao và những lối ra vào giữa vườn cây ăn trái.

“Sói đâu?” chị hỏi.

“Mới nãy nó ở đây”. Giật mình ra khỏi cảm giác nên thơ và lý thuyết của sự màu nhiệm hữu cơ là nụ hoa, Walt Irvine nhìn quanh. “Anh thấy nó lần cuối lúc nó rượt con thỏ”.

“Sói! Sói! Ðến đây Sói!” chị gọi khi họ rời khoảng đất trống, đi vào con đường mòn dẫn xuống con đường quận qua đám cây hoa chuông.

Irvine đặt hai ngón út vào miệng và giúp chị với tiếng huýt chói tai.

Chị vội vã bịt tai và nhăn mặt.

“Chao ơi! là nhà thơ, nhạy cảm và chi chi nữa, nhưng anh có thể gây tiếng động chẳng đáng yêu chút nào. Màng nhĩ em thủng mất rồi. Anh huýt gió còn hơn cả…”

“Orpheus”.

“Em định nói tên Ả Rập ngoài đường”, chị sẵng giọng.

“Thơ không ngăn người ta thực tế – ít nhất nó không cản ANH. Sự thực tế của anh không phải là nỗi bất lực của một thiên tài không thể bán châu ngọc cho tạp chí”.

Anh làm điệu bộ phóng đại, rồi tiếp tục:

“Anh không phải là ca sĩ gác xép, không phải người hát trong vũ hội. Vì sao? Vì anh thực tế. Bài hát của anh không phải loại nghèo nàn không thể tự biến hóa, với sự trao đổi thỏa đáng, thành một ngôi nhà nhỏ phủ hoa, một cánh đồng dễ thương trong núi, một mảng rừng thông, một vườn cây trái 37 gốc, một luống dâu đen dài và hai luống dâu đỏ ngắn, chưa kể phần tư dặm suối róc rách. Anh là nhà buôn cái đẹp, buôn bài ca, anh theo đuổi thực dụng Madge ạ. Anh hát bài ca, và nhờ ơn các chủ bút tạp chí, anh biến bài ca của mình thành ngọn gió tây ca hát qua rừng thông của chúng ta, thành lời thì thầm của nước qua những hòn đá phủ rêu, những hòn đá hát lại cho anh một bài ca khác nhưng vẫn chỉ là cùng một bài ca – ơ – đã biến hóa một cách thần diệu”.

“Phải chi biến hóa bài ca nào của anh cũng thành công như vậy!” chị cười.

“Em nói xem bài nào không thành công”.

“Hai bài sonnet đẹp đẽ anh biến thành con bò ít sữa nhất thị trấn”.

“Con bò đẹp – ” anh bắt đầu,

Madge cắt ngang,”Nhưng nó không có sữa”.

“Nhưng nó ÐẸP, phải không?” anh nhất quyết.

“Đây là chỗ cái đẹp và thực dụng bất đồng”, chị trả lời. “Và kia là Sói!”

Từ sườn đồi nhiều bụi rậm vang lên tiếng xao động cỏ cây, rồi 40 bộ Anh phía trên họ, bên bờ vách đá dựng đứng, hiện ra một cái đầu và hai vai sói. Hai chân trước bám xuống của nó làm văng một viên sỏi, và với đôi tai vểnh cùng cặp mắt sắc, nó nhìn viên sỏi rơi xuống cho đến khi viên sỏi chạm đất cạnh chân họ. Rồi nó nhìn họ với cái mõm há ra cười.

“Sói!” và “Sói có phúc!” người đàn ông và đàn bà gọi nó.

Nghe giọng của họ, đôi tai nó nằm rạp xuống, và đầu nó dường như rúc vào một bàn tay ve vuốt vô hình.

Họ nhìn nó len lách trở vào bụi rậm, rồi tiếp tục đi. Một lúc sau, quanh một ngã rẽ ít dốc hơn trên lối mòn, nó nhập bọn với họ giữa đám sỏi đất đổ rào rào. Nó ít biểu lộ. Một cái vỗ nhẹ và vuốt tai của người đàn ông, cái vuốt ve lâu hơn của người đàn bà, rồi nó chạy đi lên trước họ, lướt dễ dàng trên mặt đất theo đúng kiểu loài sói.

Nhìn bộ dạng, lông và đuôi, nó là con sói rừng lớn; nhưng màu lông và điểm đốm của nó cho thấy nó không phải sói. Qua màu lông và điểm đốm, con chó đã tự phô bày không nhầm lẫn được. Không con sói nào có màu như thế. Nó màu nâu, nâu đậm, nâu đỏ, một mớ nâu hỗn độn. Lưng và vai là màu nâu ấm nhạt dần hai bên sườn và dưới bụng thành màu vàng bẩn vì sắc nâu còn vướng vất trong ấy. Mảng trắng ở cổ, chân, và mấy đốm trên đôi mắt nhôm nhêm vì sắc nâu không xóa được, trong khi đôi mắt là hai viên hoàng ngọc nâu vàng.

Người đàn ông và đàn bà yêu con chó lắm; có lẽ bởi vì chiếm được tình thương của nó thật là lắm công. Không dễ chút nào khi lần đầu chẳng biết từ đâu và không hiểu vì sao nó trôi giạt đến căn nhà nhỏ trong núi của họ. Đau chân và đói ăn, nó đã giết một con thỏ ngay dưới cửa sổ của họ mà họ không biết, rồi lê đi ngủ bên giòng suối dưới chân mấy bụi dâu đen. Khi Walt Irvine đến xem xét kẻ xâm nhập, công khó của anh được đền đáp bằng tiếng nạt gừ, và Madge cũng bị nạt gừ như vậy khi chị đến để chìa ra một chảo lớn sữa và bánh mì như lễ vật cầu hoà.

Nó rõ là con chó không thân thiện tí nào, ghét tất cả những lân la của họ, không chịu để họ đụng đến, nhe nanh và xù lông doạ họ. Thế nhưng nó vẫn ở lại, ngủ nghỉ bên giòng suối, và ăn thức ăn sau khi họ để xuống xa xa rồi rút đi. Tình trạng thể chất tồi tệ giải thích tại sao nó lần lữa; và khi nó hồi sức, sau nhiều ngày nghỉ ngơi, nó biến mất.

Đấy có lẽ là kết thúc của nó, đối với Irvine và vợ anh, nếu trong lúc đó Irvine không bị gọi lên miền bắc tiểu bang. Trên xe lửa gần biên giới California và Oregon, anh tình cờ nhìn ra cửa sổ và thấy người khách thiếu xã giao của mình lướt cạnh đường rầy, màu nâu và giống như sói, mệt mỏi nhưng bền bì, lấm bụi và dơ bẩn sau hai trăm dặm du hành.

Irvine là người bốc đồng, một nhà thơ. Anh xuống xe ở trạm kế tiếp, mua miếng thịt ở hàng thịt, và tóm lấy tên lang bạt ngoài thị trấn. Chuyến về là ở trên xe hàng, và như thế Sói đến căn nhà nhỏ trong núi lần thứ nhì. Ở đây nó bị cột một tuần lễ trong khi người đàn ông và đàn bà âu yếm nó. Nhưng đấy là âu yếm cẩn trọng. Xa vắng và lạ lẫm như đến từ hành tinh khác, nó gầm gừ át những lời yêu thương êm dịu của họ. Nó không bao giờ sủa. Trong tất cả thời gian họ nuôi nó, chưa ai nghe nó sủa bao giờ.

Chinh phục nó trở thành một vấn đề. Irvine thích vấn đề. Anh đặt làm một miếng kim loại, trên đó in dấu: GỬI CHO WALT IRVINE, GLEN ELLEN, QUẬN SONOMA, CALIFORNIA. Miếng kim loại này được gắn vào dây cổ và buộc quanh cổ con chó. Rồi nó được thả, và nó biến mất ngay. Ngày hôm sau điện tín đến từ quận Mendocino. Trong hai mươi giờ đồng hồ nó đi hơn trăm dặm về phía Bắc, và vẫn đang đi khi bị bắt.

Nó trở về bằng dịch vụ Well Fargo Khẩn, bị cột ba ngày, thả ngày thứ tư và mất biệt. Lần này nó đến miền nam Oregon trước khi bị bắt và trả về. Lần nào cũng thế, vừa được tự do là nó chạy biến, và lần nào nó cũng chạy về hướng Bắc. Nó bị một nỗi ám ảnh kéo nó về phía Bắc. Bản năng về nhà, Irvine nói thế, sau khi anh tiêu tiền bán một bài sonnet để lấy con vật về từ miền bắc Oregon.

Một lần khác, tên lang bạt màu nâu thành công trong việc vượt nửa chiều dài California, suốt Oregon, và gần hết Washington trước khi bị túm và gửi về theo lối “người nhận trả lệ phí”. Ðiểm đặc biệt là tốc độ di chuyển của nó. Được ăn và nghỉ đầy đủ, ngay sau khi nó được thả, nó hiến tất cả sức lực để đi. Ngày đầu tiên nó có thể chạy đến một trăm năm mươi dặm, sau đó trung bình nó đi một trăm dặm mỗi ngày cho đến khi bị bắt. Lần nào nó cũng trở về gầy ốm, đói và hung tợn, và lần nào nó cũng tươi tỉnh và mạnh khỏe khi đi, xẻ đường lên phía bắc để đáp lời một thúc đẩy không ai hiểu được trong sự sống của nó.

Nhưng cuối cùng, sau một năm chạy trốn không thành, nó chấp nhận chuyện tất nhiên và chọn ở lại căn nhà nhỏ nơi nó giết con thỏ và ngủ bên giòng suối. Ngay cả sau đó, phải mất một thời gian dài người đàn ông và người đàn bà mới vỗ về nó được. Ðó là một chiến thắng lớn, vì chỉ mình họ được cho phép chạm vào nó. Nó nhất mực riêng rẽ, và không có người khách nào của căn nhà nhỏ làm quen được với nó. Một tiếng gừ nhỏ đón chào sự lân la; nếu người nào đủ gan đến gần hơn thì môi nó cuốn lên, răng nanh trần lộ ra, và tiếng gừ to hơn – một tiếng gừ kinh khiếp và độc địa đến mức người cứng gan nhất cũng phải sợ, như cách nó dọa lũ chó của mấy người nhà nông chỉ biết tiếng gừ của chó, nhưng chưa bao giờ thấy sói gừ.

Nó không có quá khứ. Lịch sử của nó bắt đầu với Walt và Madge. Nó đến từ phía nam, nó rõ ràng chạy trốn, nhưng họ không biết gì về người chủ cũ. Bà Johnson, người hàng xóm gần nhất và người cung cấp sữa cho họ, tuyên bố rằng nó là chó Klondike. Anh của bà đào tìm những lằn vàng đông cứng ở xứ sở xa xôi đó, và như thế bà tự cho rằng mình có thẩm quyền trong vấn đề này.

Nhưng họ không cãi lại. Ðuôi hai tai Sói rõ ràng đã có lần bị cóng nặng đến mức chúng không thể lành lại hoàn toàn. Hơn nữa, trông nó giống những bức hình chó Alaska họ thấy in trong báo và tạp chí. Họ thường suy đoán về quá khứ của nó, và gắng vẽ nên (từ những gì họ đọc và nghe thấy) đời sống phương bắc của nó. Họ biết đất bắc vẫn còn lôi kéo nó, vì ban đêm đôi khi họ nghe nó rên nho nhỏ; và khi gió bấc thổi và không gian có hơi giá, nó sẽ rất bồn chồn và cất lên một lờì than ai oán họ biết là tiếng tru dài của chó sói. Nhưng nó không bao giờ sủa. Không có sự khiêu khích nào đủ sức khiến nó bật ra tiếng kêu ấy của loài chó.

Trong thời gian thu phục nó, họ bàn thảo rất lâu về chuyện nó là chó của ai. Cả hai đều cho rằng nó là của mình, và mỗi người nói to lên mọi diễn đạt thương yêu của nó. Thoạt tiên người đàn ông có lợi thế, phần lớn là vì anh là đàn ông. Rõ ràng Sói không có kinh nghiệm gì về phụ nữ. Nó không hiểu phụ nữ. Váy của Madge là thứ nó không bao giờ hoàn toàn chấp nhận. Tiếng xột xoạt của chiếc váy đã đủ làm nó dựng lông lên nghi ngại, và những ngày gió lộng chị không thể đến gần nó.

Mặt khác, Madge là người cho nó ăn; chị cũng là chủ bếp, và có đặc ân của chị, và của mình chị thôi, nó mới được phép vào nơi thiêng liêng ấy. Vì những thứ này, Madge vượt qua được chướng ngại do quần áo của chị gây ra. Rồi thì Walt bỏ công khó để tạo thói quen cho Sói nằm bên chân anh trong khi anh viết,và vuốt ve cùng nói chuyện đã lấy mất của anh nhiều thì giờ làm việc. Cuối cùng Walt thắng, và chiến thắng của anh có lẽ phần lớn nhờ vào việc anh là đàn ông, tuy rằng Madge quyết chắc rằng họ phải có thêm một phần tư dặm con suối róc rách và ít nhất hai ngọn gió tây ca hát qua rừng thông của họ nếu Walt dành công sức đúng mức vào việc biến hóa bài ca và để Sói yên để nó biểu lộ ý thích tự nhiên và sự xét đoán không thiên vị.

“Ðã đến lúc anh phải có tin về mấy bài triolet (thơ 8 câu)”, Walt nói sau 5 phút im lặng khi họ đều bước theo con đường mòn. “Anh biết sẽ có tấm ngân phiếu ở bưu điện, và mình sẽ biến nó thành bột mì, 4 lít mật cây phong, và một đôi giày bao ngoài mới cho em”.

“Và thành sữa ngon lành của con bò nhà bà Johnson”, Madge thêm. “Ngày mai là đầu tháng, anh biết mà”.

Walt nhíu mày một cách vô thức; rồi mặt anh tươi lên, và anh đập tay vào túi áo ngực.

“Không sao. Anh có đây một con bò xinh đẹp dễ thương, con bò nhiều sữa nhất California”.

“Anh viết nó lúc nào?” chị nao nức đòi. Rồi, trách móc, “Vậy mà anh không đưa cho em xem”.

“Anh dành nó để đọc cho em nghe trên đường đến bưu điện, ở một chỗ rất giống chỗ này”, anh trả lời, tay chỉ một khúc gỗ khô để ngồi.

Một giòng nước mỏng mảnh chảy ra từ đám dương xỉ rậm rạp, chuồi xuống tảng đá phủ rêu, và chạy ngang lối mòn cạnh chân họ. Từ thung lũng vọng lên bài hát dịu dàng của những con chim chiền chiện, trong khi chung quanh họ, những con bướm vàng lớn chập chờn bay lượn qua ánh nắng và bóng râm.

Một tiếng động khác từ bên dưới chen vào tiếng Walt đọc khẽ bản thảo của anh. Ðó là tiếng lạo xạo của bước chân nặng nề, thỉnh thoảng điểm thêm tiếng lách cách của một viên đá bị đổi chỗ. Khi Walt đọc xong và nhìn vợ chờ tán thưởng, một người đàn ông hiện ra ở khúc quanh của lối mòn. Anh ta đầu trần, mồ hôi nhễ nhại. Một tay anh cầm khăn tay lau mặt, tay kia cầm chiếc mũ mới và cổ áo hồ cứng anh đã cởi ra và đã eo xèo. Người anh to lớn, bắp thịt dường như sắp bật ra khỏi bộ quần áo may sẵn màu đen mới toanh anh mặc.

“Một ngày ấm đấy nhỉ”, Walt chào anh. Walt tin tưởng vào sự dân chủ đồng quê, và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thực hành.

Người đàn ông ngừng bước và gật đầu chào.

“Chắc tôi không quen trời ấm”, anh nói nửa như xin lỗi. “Tôi quen thời tiết không độ hơn”.

Walt cười.”Anh không tìm thấy nó ở vùng này đâu”.

“Chắc là không”, người đàn ông trả lời. “Mà tôi cũng không phải đến đây kiếm nó. Tôi đang tìm em gái tôi. Có lẽ anh biết cô ấy ở đâu. Cô ấy tên Johnson, bà Willams Johnson”.

“Anh không phải người anh Klondike của bà đấy chứ”, Madge la lên, mắt chị sáng lên thích thú, “người chúng tôi nghe đến đã nhiều?”

“Vâng, thưa chị, chính là tôi”, anh khiêm tốn trả lời. “Tên tôi là Miller, Skiff Miller. Tôi định sẽ cho cô ấy một sự bất ngờ”.

“Vậy thì anh đi đúng hướng rồi. Chỉ là anh đi đường bộ thôi”. Madge đứng dậy, chỉ lên một phần tư dặm trên hẻm núi để hướng dẫn anh. “Anh có thấy đám thông bị còi bệnh ấy không? Anh cứ theo lối mòn rẽ về bên phải. Ðó là đường tắt đến nhà bà ấy. Anh không lầm được đâu”.

“Cám ơn chị,” anh nói. Anh dợm bước đi, nhưng dường như đã bị lúng túng bám rễ tại chỗ. Anh đang nhìn chị đăm đăm với vẻ ngưỡng mộ không che dấu mà anh không hẳn nhận biết, nỗi ngưỡng mộ đang chìm đắm cùng với anh trong biển cả ngượng ngùng đang dâng lên khiến anh chới với.

“Chúng tôi rất muốn nghe anh kể chuyện Klondike,” Madge nói. “Chúng tôi có thể nào ghé qua chỗ em gái anh trong lúc anh ở đấy không? Hay, tốt hơn nữa, anh có thể nào đến dùng bữa tối với chúng tôi không?”

“Được chứ, cám ơn chị,” anh lúng búng như cái máy. Rồi anh trấn tĩnh lại và thêm: “Tôi sẽ không ở lâu. Tôi phải quay lại miền Bắc. Tôi đi chuyến xe lửa tối nay. Tôi khoán bưu thư cho chính phủ, chị ạ”.

Khi Madge bảo tiếc quá, anh lại cố dời chân mà không được. Nhưng anh không thể rời mắt khỏi khuôn mặt của chị. Anh quên mất nỗi ngượng nghịu trong sự ngưỡng mộ, và đến lượt chị đỏ mặt lúng túng.

Lúc này, khi Walt vừa quyết định đã đến lúc anh phải nói điều gì đó để làm dịu không khí, cũng là lúc Sói, từ nãy xục mũi trong bụi rậm, chạy lon ton đến theo kiểu sói.

Sự lơ đãng của Skiff Miller biến mất. Người đàn bà xinh đẹp trước mặt biến ra khỏi tầm nhìn của anh. Anh chỉ còn nhìn thấy con chó, với vẻ ngỡ ngàng trên khuôn mặt.

“Trời đất quỷ thần ơi!” anh nói, từ tốn và ngiêm trang.

Anh ngồi xuống trên khúc cây, vẻ nghĩ ngợi, để mặc Madge đứng. Nghe tiếng anh, đôi tai Sói nằm rạp xuống, rồi miệng nó há ra nụ cười. Nó chầm chậm đến bên người lạ, đầu tiên ngửi, rồi dùng lưỡi liếm tay anh.

Skiff Miller vỗ đầu con chó, từ tốn và nghiêm trang lập lại “Trời đất quỷ thần ơi!”

Rồi anh nói “Xin lỗi chị, chỉ là tôi hơi ngạc nhiên, thế thôi”.

“Chúng tôi cũng bất ngờ”, chị vui vẻ trả lời. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy Sói làm thân với một người lạ”.

“Ðó là tên chị gọi nó sao – Sói?” người đàn ông hỏi.

Madge gật đầu. “Nhưng tôi không hiểu tại sao nó thân thiện với anh – trừ phi bởi vì anh đến từ Klondike. Nó là chó vùng Klondike, anh ạ”.

“Vâng”, Miller lơ đãng nói. Anh nhấc một chân trước của Sói lên và xem xét lòng bàn chân, nhấn nó bằng ngón tay cái. “Hơi MỀM”, anh nhận xét. ” Đã lâu nó không đi đường trường”.

“Phải nói là”, Walt xen vào, ” thật đặc biệt là nó chịu để anh chạm đến”.

Skiff Miller đứng lên, không còn lúng túng vì sự ngưỡng mộ dành cho Madge, và hỏi với vẻ sắc sảo thẳng thắn, “Anh chị nuôi nó bao lâu rồi?”

Nhưng đúng lúc đó, con chó đang uốn người dụi vào chân người mới đến mở miệng sủa. Ðó là một tiếng sủa to, ngắn và vui mừng, nhưng đúng là tiếng sủa.

“Trò này mới đây”, Skiff Miller nhận xét.

Walt và Madge nhìn nhau. Phép lạ đã xảy ra. Sói đã sủa.

“Lần đầu tiên nó sủa”, Madge nói.

“Cũng là lần đầu tiên tôi nghe thấy”, Miller nói.

Madge mỉm cười với anh. Người này quả là khôi hài.

“Dĩ nhiên rồi”, chị nói, “vì anh chỉ mới gặp nó năm phút”.

Skiff Miller soi mói nhìn chị, tìm kiếm trên mặt chị sự dối trá anh ngờ vực trong lời nói của chị.

“Tôi tưởng chị đã hiểu”, anh chậm rãi nói. “Tôi nghĩ chị nhận ra từ cách nó thân thiện với tôi. Nó là chó của tôi. Tên nó không phải là Sói. Tên nó là Nâu”.

“Ồ, Walt!” Madge bật kêu chồng theo bản năng.

Ngay lập tức Walt thủ thế.

“Làm sao anh biết nó là chó của anh?” anh vặn.

“Bởi vì nó là chó của tôi”, là câu trả lời.

“Chỉ là lời nói thôi”, Walt cộc lốc.

Skiff Miller nhìn anh với vẻ chậm rãi đắn đo của mình, rồi gật đầu về phía Madge, hỏi:

“Làm sao anh biết đây là vợ anh? Anh chỉ nói ‘Vì cô ta là vợ của tôi’, và tôi nói chỉ là lời nói thôi. Con chó là của tôi. Tôi nuôi nó lớn, tôi nghĩ tôi phải biết. Nhìn đây. Tôi chứng minh cho anh xem”.

Skiff Miller quay về con chó. “Nâu!” giọng anh vang lên nhọn sắc, và nghe tiếng ấy, hai tai con chó nằm rạp xuống như thể được vuốt ve. “Bên phải!” con chó xoay về hướng phải. “Giờ đi thẳng!” Và con chó ngừng ngay vòng xoay, đi thẳng về phía trước, ngoan ngoãn dừng khi có lệnh.

“Tôi có thể dùng tiếng huýt sáo”, Skiff Miller hãnh diện nói. “Nó là chó đầu đàn của tôi”.

“Nhưng anh không mang nó đi cùng anh chứ?” Madge run run hỏi.

Người đàn ông gật đầu.

“Trở về chốn Klondike ghê gớm khổ sở ấy?”

Anh gật và thêm: “Không đến nỗi lắm đâu. Nhìn tôi xem. Khá khoẻ mạnh, phải không?”

“Nhưng mấy con chó! Sự cơ cực, công việc nặng nhọc, đói khát, sương giá! Ôi, tôi đã đọc về những chuyện ấy, tôi biết mà”.

“Có lần tôi suýt làm thịt nó, trên sông Cá Nhỏ”, Miller nói với vẻ u ám. “Nếu hôm ấy tôi không bắt được con nai sừng tấm thì nó đã không được cứu”.

“Chẳng thà tôi chết trước!” Madge la lên.

“Ở đây khác”, Miller giải thích. “Chị không phải ăn thịt chó. Lúc chị cùng đường chị sẽ nghĩ khác. Chị chưa bao giờ cùng đường, cho nên chị không biết gì về chuyện đó”.

“Ðấy chính là điểm tôi muốn nói”, chị hăng hái cãi. “Ở California người ta không ăn thịt chó. Tại sao không để nó lại đây? Nó vui vẻ. Nó sẽ không bao giờ thiếu thức ăn – anh biết mà. Nó sẽ không bao giờ phải chịu lạnh lẽo hay cực khổ. Ở đây mọi thứ hiền hòa và êm dịu. Người và thú đều không hoang dã. Nó sẽ không bao giờ biết đến ngọn roi lần nữa. Và thời tiết – ở đây chẳng bao giờ tuyết rơi”.

“Xin lỗi chị, nhưng mùa hè thì nóng sôi lên,” Skiff Miller cười.

“Nhưng anh không trả lời”, Madge sôi nổi tiếp tục. “Anh cho nó cái gì trong cuộc sống phương Bắc ấy?”

“Thức ăn, khi tôi có, tức là hầu hết thời gian”, là câu trả lời.

“Và những lần khác?”

“Không có thức ăn”.

“Và công việc?”

“Vâng, việc nhiều lắm”, Skiff Miller nóng nảy thốt lên. “Việc không dứt, và đói, và sương giá, và tất cả những cơ cực khác – nó phải chịu hết khi nó đi với tôi. Nhưng nó thích. Nó quen rồi. Nó biết cuộc sống ấy. Nó sinh ra và lớn lên trong cuộc sống ấy. Chị không biết gì về cuộc sống ấy. Chị không hiểu chị đang nói gì. Con chó thuộc về cuộc sống ấy, và nó sẽ vui sướng nhất trong cuộc sống ấy”.

“Con chó không đi”, Walt tuyên bố bằng giọng cương quyết. “Cho nên không cần bàn cãi thêm”.

“Sao?” Skiff Miller hỏi, cặp lông mày hạ xuống và trán đỏ lên bướng bỉnh.

“Tôi nói con chó không đi, và thế là xong. Tôi không tin con chó là của anh. Anh có thể đã từng nhìn thấy nó. Thậm chí anh có thể đã từng điều khiển nó kéo xe cho chủ của nó. Nhưng chuyện nó tuân theo những mệnh lệnh thông thường của vùng Alaska không chứng tỏ nó là của anh. Con chó nào ở Alaska cũng sẽ tuân theo anh như nó. Hơn nữa, nó hẳn là con chó cao giá, vì ở Alaska chó cao giá, và điều đó đủ giải thích tại sao anh muốn chiếm hữu nó. Dù sao đi nữa, anh phải chứng minh quyền sở hữu”.

Điềm tĩnh và thản nhiên, màu đỏ bướng bỉnh đậm hơn một chút trên trán, những bắp thịt lớn cuộn lên dưới lớp vải đen của chiếc áo khoác, Skiff Miller nhìn kỹ nhà thơ từ đầu đến chân như thể lượng định sức mạnh trong sự mảnh dẻ của anh.

Khuôn mặt người Klondike lộ vẻ khinh thị khi cuối cùng anh nói, “Tôi nghĩ không có cái chi quanh đây cản được tôi lấy con chó đi ngay bây giờ”.

Mặt Walt đỏ lên, những bắp thịt dùng để vung lên của hai cánh tay và vai anh dường như gồng cứng lại. Vợ anh lo lắng vội len vào cuộc tranh cãi.

“Có lẽ ông Miller nói đúng”, chị nói. “Em e rằng ông ấy đúng rồi. Sói thực có vẻ biết ông, và chắc chắn nó biết tên ‘Nâu’. Nó thân thiện với ông ấy lập tức, mà anh biết nó chẳng bao giờ làm vậy với bất kỳ ai. Vả lại, xem cái cách nó sủa kìa. Nó muốn vỡ òa vì vui mừng. Vui vì cái gì? Rõ ràng vì nó tìm ra ông Miller”.

Những bắp thịt dùng để vung đánh của Walt dãn ra, và vai anh như chùng xuống với vô vọng.

“Anh nghĩ em đúng rồi, Madge”, anh nói. “Sói không phải là Sói, mà là Nâu, và nó chắc chắn thuộc về ông Miller”.

“Có lẽ ông Miller sẽ bán nó”, chị đề nghị. “Chúng ta có thể mua nó”.

Skiff Miller lắc đầu, không còn vẻ hung hăng, mà tử tế, nhanh chóng đáp lại độ lượng bằng độ lượng.

“Tôi có năm con chó”, anh nói, cố tìm cách dễ nhất để làm dịu đi sự từ chối của mình. “Nó là con đầu đàn. Bọn chúng là đội cừ của Alaska. Không gì thắng được chúng. Năm 1898 tôi không chịu bán cả bọn lấy 5 ngàn đô la. Giá chó lúc đó cao; nhưng đấy không phải là nguyên nhân của cái giá 5 ngàn, mà chính là đội chó. Nâu là con chó giỏi nhất của đội. Mùa đông đó tôi không chịu bán nó với giá 1200 đô la. Tôi đã không bán nó lúc đó, tôi cũng không bán nó bây giờ. Hơn nữa, tôi quý con chó ấy lắm. Tôi đi tìm nó ba năm rồi. Tôi muốn ngã bệnh khi tôi biết nó bị trộm – không phải vì giá trị của nó, mà là – tôi thương nó ghê lắm, vậy thôi, xin lỗi anh chị. Lúc nãy tôi không tin nổi mắt mình khi tôi thấy nó. Tôi ngỡ mình đang mơ. Không thể nào là thực. Tôi là vú em của nó mà. Tôi mang nó vào ngủ chung mỗi tối. Mẹ nó chết, tôi nuôi nó bằng sữa đặc hai đô la một hộp trong khi chính tôi không đủ sức mua sữa uống cà phê. Nó không biết người mẹ nào ngoài tôi. Nó vẫn thường bú ngón tay tôi – con quỷ nhỏ – chính ngón tay này đây!”

Quá xúc động không nói nên lời, Skiff Miller giơ ngón tay trỏ cho họ nhìn thấy.

“Chính ngón tay này đây”, anh cố gượng nói, như thể nó có thể xác định bằng chứng quyền sở hữu và gắn bó tình cảm.

Anh vẫn còn nhìn đăm đăm ngón tay chìa ra của mình khi Madge nói.

“Nhưng con chó”, chị nói. “Anh chưa nghĩ đến con chó”.

Skiff Miller có vẻ không hiểu.

“Anh đã nghĩ đến nó chưa?” chị hỏi.

“Không biết chị muốn nói gì”, là câu trả lời.

“Có thể con chó có sự chọn lựa trong vấn đề này”, Madge tiếp tục. “Có thể nó có ước muốn và sở thích. Anh chưa nghĩ đến nó. Anh không cho nó sự chọn lựa nào. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng nó có thể thích California hơn Alaska. Anh chỉ nghĩ đến cái anh muốn. Anh xem nó như là bao khoai tây hay kiện rơm”.

Ðây là một cách nhìn mới, và rõ ràng tạo được ấn tượng với Miller trong khi anh cân nhắc nó trong đầu. Madge lợi dụng sự không quyết của anh.

“Nếu anh thật sự thương nó, hạnh phúc của nó cũng là hạnh phúc của anh”, chị khẩn khoản.

Skiff Miller tiếp tục suy nghĩ, và Madge phấn khởi liếc nhìn về phía chồng, người nhìn lại chị với vẻ đồng tình ấm áp.

“Chị nghĩ sao?” người Klondike đột nhiên hỏi.

Ðến lượt chị bối rối. “Anh muốn nói gì?” chị hỏi.

“Chị nghĩ nó muốn ở lại California sao?”

Chị gật đầu xác quyết. “Tôi chắc chắn thế”.

Skiff Miller lại suy nghĩ, dù lần này nói thành tiếng, trong lúc xem xét con vật được thảo luận.

“Nó làm việc giỏi. Nó đã làm khối việc cho tôi. Nó không bao giờ làm biếng, và nó là bậc thầy biến một đội mới vào nền nếp. Nó có đầu óc. Nó làm được mọi thứ trừ nói chuyện. Nó biết người ta nói cái gì với nó. Nhìn nó xem. Nó biết mình đang nói về nó”.

Con chó nằm bên chân Skiff Miller, đầu dựa trên bàn chân, tai dựng lên lắng nghe, và đôi mắt nhanh nhẹn đau đáu theo dõi âm thanh từ môi người này qua môi người kia.

“Và nó còn làm được việc nhiều. Nó còn làm việc được nhiều năm nữa. Và tôi thương nó. Tôi thương nó ghê lắm”.

Một hai lần sau đó Skiff Miller mở miệng rồi ngậm lại mà không nói gì. Sau cùng anh nói:

“Tôi nói chị nghe tôi sẽ làm sao. Những lời của chị, thưa chị, nghe cũng có lý. Con chó đã làm việc nhiều, và có lẽ nó đã đủ quyền an nhàn và quyền lựa chọn. Dù sao đi nữa, chúng ta cứ để tùy nó. Nó bảo sao thì như vậy. Hai người ở đây chờ. Tôi sẽ từ giã và thản nhiên đi. Nếu nó muốn ở lại, nó cứ ở lại. Nếu nó muốn đi với tôi, để nó đi. Tôi sẽ không gọi nó đi theo, chị đừng gọi nó quay lại”.

Anh nhìn Madge với vẻ nghi ngại bất chợt, và thêm, “Chỉ là chị phải công bằng. Không được thuyết dỗ nó khi tôi quay lưng”.

“Chúng tôi sẽ công bằng”, Madge bắt đầu, nhưng Skiff Miller ngắt ngang những lời bảo đảm của chị.

“Tôi biết phụ nữ”, anh tuyên bố. “Trái tim họ mềm yếu. Khi trái tim họ cảm động. họ thường chơi gian, và nói dối như quỷ – xin lỗi chị. Tôi chỉ nói chung chung về phụ nữ”.

“Tôi không biết làm sao cám ơn anh”, Madge run run nói.

‘Tôi không thấy tại sao chị phải cám ơn tôi”, anh trả lời. “Nâu còn chưa chọn mà. Chị không phiền nếu tôi đi chậm chứ? Cũng công bằng thôi, vì chừng 100 thước tôi sẽ khuất bóng”. Madge bằng lòng, và thêm, “Tôi xin nhất định hứa rằng chúng tôi sẽ không làm gì để lay chuyển nó”.

“Thế thì tôi đi đây”, Skiff Miller nói bằng giọng bình thường của một người sắp ra đi.

Nghe sự thay đổi trong giọng anh, Sói vụt ngẩng đầu lên, và đứng dậy nhanh hơn nữa khi người đàn ông và đàn bà bắt tay. Nó chồm đứng lên bằng hai chân sau, đặt hai chân trước của nó ngang hông chị, cùng lúc liếm tay Skiff Miller. Khi Skiff Miller bắt tay với Walt, Sói lập lại cử chỉ ấy, dựa vào Walt và liếm tay cả hai người đàn ông.

“Không dễ gì đâu, tôi có thể nói chị biết thế”, là những lời cuối cùng của người Klondike, khi anh xoay mình và chậm rãi đi lên lối mòn.

Sói nhìn anh đi xa hai mươi bộ Anh, hăng hái và ngóng đợi, như thể chờ người đàn ông quay trở lại. Rồi, rít một tiếng ngắn nhỏ, Sói phóng theo anh, bắt kịp anh, ngậm lấy tay anh với sự dịu dàng miễn cưỡng, và nhẹ nhàng cố gắng làm anh dừng lại.

Thất bại, Sói chạy bay về chỗ Walt Irvine ngồi, ngoạm tay áo anh và cố gắng một cách vô hiệu kéo anh đi theo người đang rời khỏi.

Sói bắt đầu xao xuyến hơn. Nó muốn sự mập mờ. Nó muốn ở hai chỗ cùng một lúc, với chủ mới và cũ, mà khoảng cách giữa họ đang dài ra. Nó quýnh quáng nhảy dựng lên, những cái nhảy và vặn mình bồn chồn, lúc về phía người này, lúc về phía người kia, trong sự bất định khổ sở, không biết rõ ý mình, mong muốn cả hai và không thể chọn lựa, bật ra những tiếng rên ngắn sắc và bắt đầu thở hồng hộc.

Bất thình lình nó ngồi xuống, ngước mũi lên, mõm giật giật há rồi ngậm, mỗi lần há rộng hơn. Những cử động co giật này đồng điệu với cơn co giật cuống họng, mỗi lần dữ dội hơn lần trước. Cùng lúc với cơn co giật, cuống họng bắt đầu rung, thoạt tiên thầm lặng, kèm theo hơi thở ra từ phổi, rồi thành tiếng kêu nhỏ và trầm, âm thanh thấp nhất tai người nghe được. Tất cả là phần mở đầu của thần kinh và bắp thịt trước tiếng tru.

Nhưng đúng lúc tiếng tru sắp bật ra từ cổ họng, cái mõm há rộng ngậm lại, những co giật ngưng, và nó nhìn đăm đăm thật lâu hình dáng đang rời khỏi. Ðột nhiên Sói quay đầu nhìn Walt, cũng đăm đăm như vậy. Sự van xin không được trả lời. Con chó không nhận được tín hiệu hay lời nói nào, không biết nó phải làm gì.

Nhìn ra phía trước về hướng người chủ cũ gần khúc quanh của con đường lại khiến nó bồn chồn. Nó rên và nhảy dựng lên, rồi, nảy ra ý mới, hướng sự chú ý vào Madge. Cho đến bây giờ nó bỏ lơ chị, nhưng cả hai chủ đều không giúp nó, chỉ còn lại mình chị. Nó lại bên chị và đặt đầu trên gối chị, dúi mũi vào tay chị – trò nó hay làm khi xin xỏ điều gì. Nó lùi lại và bắt đầu uốn éo như muốn đùa giỡn, nhảy cỡn và tung tăng, chồm nửa người lên rồi đập hai chân trước vào đất, cố gắng với toàn thân, từ đôi mắt van vỉ đến đôi tai nằm rạp xuống đến cái đuôi ve vẩy, để diễn đạt ý nghĩ nó không thốt ra được.

Nó nhanh chóng bỏ luôn chuyện này. Nó chán nản vì sự lạnh lẽo của những người chưa bao giờ lạnh lẽo. Nó không tìm được phản ứng nào của họ, không được sự gíúp đỡ nào. Họ không màng đến nó. Họ như đã chết rồi.

Nó quay lại và lặng lẽ nhìn chăm chú theo chủ cũ. Skiff Miller đang quẹo ở khúc quanh. Một lúc nữa anh sẽ biến mất khỏi tầm nhìn. Thế nhưng anh không ngoái đầu, cắm cúi đi về phía trước, chậm rãi và đều đều, như thể không cần biết đến chuyện gì đang xảy ra sau lưng.

Và như thế, anh biến khỏi tầm nhìn. Sói đợi anh hiện ra trở lại. Nó lặng lẽ đợi một lúc, không cử động, như thể đã hoá đá – dù là hòn đá với bồn chồn và mong muốn. Nó sủa một tiếng, rồi đợi. Rồi nó quay lại và chạy chầm chậm đến bên Walt Irvine. Nó ngửi tay anh và nằm phục xuống bên chân anh, nhìn khúc quanh trống trải của con đường.

Giòng nước nhỏ xuôi theo tảng đá phủ rêu dường như róc ránh to hơn. Trừ con chim chiền chiện, không có tiếng động nào khác. Những con bướm vàng to lướt lặng lẽ qua ánh nắng và lạc mất trong bóng râm ngái ngủ. Madge đắc thắng nhìn chồng.

Vài phút sau Sói đứng dậy. Cử động của nó mang dấu quyết đoán và chủ ý. Nó không liếc nhìn người đàn ông và đàn bà. Mắt nó nhìn đăm đăm con đường. Nó đã quyết ý. Họ biết thế. Và họ biết, với họ, cuộc thử thách chỉ mới bắt đầu.

Nó chạy chầm chậm, và môi Madge chúm lại, mở lối cho một tiếng kêu âu yếm chị muốn thốt lên. Nhưng tiếng âu yếm không bật ra. Không cưỡng được, chị nhìn chồng, và thấy anh đang nhìn chị với vẻ nghiêm nghị. Làn môi dãn ra, chị thở dài trong câm lặng.

Sói chạy nhanh hơn. Bước vọt của nó mỗi bước mỗi dài hơn. Nó không ngoái đầu lần nào, cái đuôi sói của nó dựng thẳng lên phía sau. Nó quẹo gắt qua khúc quanh và biến mất.

Switch mode views: